Wednesday, November 12, 2008

U Minh mùa giáp hạt: Thiếu đói len vào từng giấc ngủ

Ký sự:
U Minh mùa giáp hạt: Thiếu đói len vào từng giấc ngủ
07:06' 12/11/2008 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/11/813096/

- Bỏ học sớm, ăn cháo thay cơm ... những hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi sau chuyến đi dài ngày trong rừng U Minh Hạ (Cà Mau), nơi đang có khoảng 20 ngàn dân sinh sống.

Thật khó tin rằng, dân cư ở U Minh đến bây giờ vẫn còn cảnh ăn cháo thay cơm. Tháng 10 (2008 Âm lịch), khi lúa vẫn chưa trổ đòng đòng, bông sậy quá lứa không ai mua, rừng sâu nước cả khó tìm cá, cái nghèo len cả vào giấc ngủ của những gia đình nông dân U Minh.

Đói vì mùa màng quanh năm thất bát

Trên tỉnh lộ về huyện U Minh (Cà Mau), khu vực ấp 15, xã Khánh An, huyện U Minh có một ngã rẽ bằng lộ nhựa vào rừng tràm trông rất đẹp mắt. Nếu chỉ nhìn, người ta có cảm giác phía trong kia rừng sâu là những xóm làng tươm tất với đường nhựa phẳng lì, điện đài sáng sủa. Chúng tôi men theo con lộ này vào hướng rừng sâu mới phát hiện cảm giác đã đánh lừa mình.

Con lộ nhựa kết thúc ở độ dài khoảng 800m tính từ ngoài lộ cái về huyện U Minh. Nối tiếp nó là một con lộ đất đen nhầy nhụa, in dấu chân bé xíu của học trò. Cảnh vật tiêu điều: những mái nhà lá rách vá đùm vá túm, những khoảng sân đầy cỏ dại và sình lầy, những người nông dân mặt nám, tay chai, áo quần vàng chóe màu phèn đặc trưng của rừng tràm U Minh Hạ.

Ngôi nhà lá rách vá đùm vá túm của anh Lâm

Căn nhà đầu xóm nằm giữa một trảng lúa èo uột, trống hoác tứ bề. Vật liệu làm nhà phần lớn là lau sậy, một ít lá trầm đớp, bao đựng xi măng cũ và cây tràm. Đây là nhà của anh Nguyễn Văn Tiển, 39 tuổi, cùng hai con là Nguyễn Vũ Lan, 12 tuổi, Nguyễn Tuyết Nhi, 10 tuổi. Anh cho biết, trong khoảng một tháng trở lại đây, anh đã phải bấm bụng cho các con ăn cháo thay cơm 4, 5 lần....

Nguyên nhân cái nghèo ở đây cũng là mùa màng thất bát, thiếu việc làm thêm. Anh Nguyễn Thanh Tuấn, ở cạnh anh Tiển cho biết: “Mưa nhiều thì nước ngập, lúa chết; nắng nhiều thì xì phèn mặn... khiến cho mùa màng của nông dân chúng tôi thất bát hết năm này sang năm khác. Vì vậy mà xóm làng này ngày càng đi xuống, mấy năm nay, cái thiếu đói ngày càng phổ biến hơn.”

Anh Tuấn cũng cho biết nhà anh Lê Thanh Lâm, 36 tuổi, cách anh Tuấn 2 ranh đất về hướng rừng sâu cũng từng phải ăn cháo thay cơm hoài. Có những lúc không có cả gạo nấu cháo để ăn...

Anh Lâm ngần ngại khi phải thú thật: về sống dưới rừng mười mấy năm qua, hầu như năm nào cũng thiếu ăn. Chuyện ăn cháo thay cơm năm nào cũng có. Trong hai tháng qua, đã có mấy ngày nhà anh không có gạo ăn, phải nấu chuối chan với nước cá kho ăn. Phần nhiều là ăn cháo và ăn một bữa cơm trong ngày. “Thường là sáng uống nước cho no bụng, đến 12h trưa mới ăn cơm. Ăn như vậy thì một ngày có thể chỉ ăn một bữa là được” – anh Lâm nói.

Cái nghèo len cả vào giấc ngủ của những gia đình nông dân U Minh.

Ông Nguyễn Văn Đàn, 59 tuổi, đã về sống ở vùng đất này từ năm 1990 cho biết : “Chỉ có năm nay nhà tôi chưa gặp cảnh ăn cháo, ăn rau trừ cơm, chứ còn từ năm ngoái trở về trước, năm nào cũng thiếu đói. Năm nay cũng hên là nhờ Nhà nước mới cho vay 3 triệu đồng, cùng với việc đi đốn mía thuê nên cũng đỡ. Có khi thiếu ăn, mượn gạo hàng xóm vài bữa chứ chưa phải ăn cháo”.

Số tiền 3 triệu ông vay về chưa tròn tháng đã bay vèo vì nợ cũ, gạo ăn mới. Chỉ mua được hơn chục con vịt nuôi để dành ăn Tết. Ông Đàn ao ước được Nhà nước cho một căn nhà tình thương. “Nhà tôi tan nát hết rồi, mưa xuống là trong nhà như ngoài sân. Nhưng chạy ăn từng bữa thì đâu mơ đến việc sửa nhà”, ông buồn bã nói. Nhà ông bây giờ nhìn trước, sau, trên mái đều là vải bạt. Cột kèo đều đã mục ruỗng, nguy cơ sập vì mưa giông rất cao.

Điều thật khó tin là dân ở đây có đất rất rộng. Ngoài anh Tiển phải ở đậu và mượn 4 công đất làm ruộng, còn lại mỗi người dân đều có từ 3,5ha đến 7ha đất sản xuất và đất rừng. “Vậy mà xóm này đủ ăn chỉ có vài hộ, còn lại là thiếu ăn. Tôi nói không quá chứ, xóm này có 36 hộ thì 80% là thiếu ăn”, anh Tuấn - Phó công an ấp 15, Khánh An, huyện U Minh khẳng định.

12h trưa, trên con đường lầy lội của xóm dân cư ấp 15, Khánh An (trên kinh T23), 3 trẻ học trò xách dép lội về nhà. Đặng Hoàng Kha, 10 tuổi, học lớp 5; Lê Thị Ý Nguyện 9 tuổi, học lớp 3 cùng cho biết đi học từ sáng sớm, với 2.000 đồng/em ăn quà vặt chống đói. Còn cô bé nhỏ thó tên Nguyễn Kiều My, 10 tuổi, học lớp 2 thì “thật kiên cường”. Em không được ăn, uống gì từ sáng sớm đến giờ, vì “em không có tiền”. Tôi hỏi em có đói không? Em nhăn mặt đáp: “Em quen rồi!”

Nhà ông Đàn bây giờ nhìn trước, sau, trên mái đều là... vải bạt

30 tỷ đồng đầu tư hạ tầng cơ sở nhưng lại... thiếu ăn!

Trên bờ kinh T29, thuộc ấp 11, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh (Cà Mau) có đường nhựa, điện và trường học khang trang. Chính quyền địa phương cho biết Nhà nước đã đầu tư cho tuyến dân cư này trên 30 tỷ đồng để làm kết cấu hạ tầng cơ sở. Thế nhưng sự thiếu đói cũng không chừa nơi đây.

Anh Nguyễn Thanh Toàn là một nông dân chí thú làm ăn. Mới đây, anh được dân tín nhiệm chọn làm Phó công an ấp mình - ấp 11, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau. Anh vui lắm vì đó là một danh dự. Và anh quyết dốc hết sức mình để không phụ lòng bà con tin tưởng.

Thế nhưng, cả tuần nay anh đành lỗi hẹn với chị Út Vét, Trưởng ấp khi chị ấy mấy lần đến rủ đi họp. “Lòng dạ đâu mà họp với hành. Tháng qua đã 4 lần tụi nhỏ ăn cháo, lúa thì chết gần hết vì nước ngập” - anh gãi đầu, nhìn ra ngoài ruộng láng nước nói.

Những đứa trẻ này phải hằng ngày lội đường lầy 3km đến trường học.

Vợ anh, chị Phương trong bộ đồ vàng chóe vì phèn U Minh, ánh mắt lo lắng. Bốn đứa con thơ gầy còm ngồi quanh chị, tròn mắt lắng nghe cha mẹ nói chuyện với người lạ. Đứa con gái áp út của chị nhỏ thó, ôm đầu gối mẹ nói như van: “Chiều nay mẹ nấu cơm nhão ăn nữa he mẹ. Đừng nấu cháo. Con ngán cháo!” Mắt chị Phương đỏ hoe, nhìn vô hồn vào những quầy chuối ta còn xanh ẻo ở xó nhà.

Đó là những quầy chuối mà anh Toàn vừa mót mái được ở sau hè. Chị Phương đòi bán lấy tiền mua gạo, anh Toàn không cho. Bởi anh nhẩm tính bán hai quầy chuối chỉ mua được hơn 1kg gạo, đủ ăn một buổi cho sáu miệng ăn trong gia đình. Anh quyết định để lại cho tụi nhỏ ăn dần khi sót ruột. “Hôm nào ăn cháo, tụi nhỏ hay than sót ruột. Hai quầy chuối này sẽ giúp chúng không sót ruột được 4, 5 ngày. Lời hơn so với khi đem bán mua gạo” - anh Toàn tính toán.

Chuyện tìm cái ăn hằng ngày cho đàn con đeo bám anh chị Toàn hầu như quanh năm, nhất là trong mùa giáp hạt (mùa chờ lúa chín). “Hơn 5 năm về sống dưới tán rừng tràm, không năm nào lại không bị thiếu đói.” - Chị Phương thủ thỉ. Chị ân hận khi phải về sống dưới tán rừng tràm.

Trước khi về với rừng tràm, anh chị sống bằng nghề buôn bán nhỏ trên sông nước. Anh Toàn nhớ rõ hồi trước khi được cấp đất, anh chị cũng không phải giàu có gì, nhưng con anh bệnh lúc nào anh cũng có tiền mua thuốc cho chúng nó. Còn khi về nhận hơn 1ha ruộng đến giờ anh thường xuyên phải mua thuốc chịu ở tiệm tạp hóa của anh Phụng gần nhà.

Khi về nhận đất, anh cầm trong tay trên 3 triệu đồng, hai con heo to gần trăm ký, một xuồng máy đuôi tôm. Bây giờ thì trong nhà không có một đồng bạc, nợ gần chục triệu đồng, cái máy đuôi tôm hóa thành một cục sắt vụn nằm trơ ở góc nhà. Còn cái xuồng ba lá cũng đã rã trên bờ liếp bên hông nhà. “Nhờ bà con rất thương yêu, đùm bọc nhau, tôi không lo bị chết vì đói. Chỉ lo cho đàn con thất học vì nghèo. Rồi tụi nó sẽ như cha mẹ mình. Nghèo khó suốt đời!” – Anh Toàn giãi bầy.

  • Bài và ảnh: Chí Hạo

Bài 2 :
Cái nghèo hiện rõ dưới mái nhà dân rừng U Minh Hạ
07:22' 13/11/2008 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/11/813302/

- “Chúng tôi đã thấy được nỗi khổ của nông dân khi bị bó buộc trong những cơ chế quản lý bảo vệ rừng tràm U Minh Hạ. Họ sẽ không phát triển được" - ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau nói...

Cứ thấy đói mới cứu thì... thua!

TIN LIÊN QUAN
Rời khỏi nhà anh Toàn, chúng tôi gặp một tốp phụ nữ áo phèn ngồi bên bờ ruộng. Đó là thím Sáu Thành, bà Sáu Lài, chị Riêng, chị Gắm, chị Tiếm… họ đang nói về chuyện bữa ăn buổi chiều nay. Bà Sáu Lài là người có nhiều gạo nhất, nhờ tháng rồi mấy đứa con làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh gửi tiền về.

Các chị em khác chiều nay ai cũng hết gạo. Bà Sáu Lài hứa sẽ chia cho mỗi người vài chén gạo nấu buổi chiều. Riêng với chị Riêng thì bà Lài cho mượn nhiều hơn. “Con nhỏ này đói nhất xóm, nó nhịn ăn nhường cho con riết rồi xanh xao. Coi cái tướng nó, ốm thấy phát ớn hông!” - giọng bà Lài đầy cảm thông.

Chị Lê Hồng Riêng, vợ anh Nguyễn Văn Vẹn, nhà ở trên bờ kinh T29, thuộc xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Ba ngày trước, lúc anh Vẹn đi làm xa, nhà hết gạo, chị đã chạy mượn gạo khắp xóm cũng không có được hột gạo nào. Tiệm tạp hóa cũng không thể tiếp tục bán thiếu cho chị vì chị đã nợ quá nhiều...

Chữ nghèo hiện rõ dưới từng mái nhà của cư dân ở rừng tràm U Minh Hạ.
Đến 12h trưa, thằng con trai lớn bảy tuổi của chị bẻ tạm mấy trái chuối non nhai chống đói. Đứa con gái nhỏ Nguyễn Thị Lan, 4 tuổi đói đến lả người và tỉnh táo ngay khi nó được ăn chút cháo mẹ kịp kiếm được .

Bà Sáu Lài nghe kể lại trách chị Riêng một buổi. Chị Riêng thành thật rằng mình không ghé bà Sáu Lài vì ngại, do trước đó đã mượn gạo của bà Sáu Lài quá nhiều, vẫn chưa trả được. “Tôi nhờ có đến 5 đứa con đi làm ở TP Hồ Chí Minh, nên không đói. Chứ về sống ở vùng đất này, tài giỏi cỡ nào cũng phải chịu thua. Nói thiệt chứ, xứ này mà không có lòng thương yêu, chia sẻ với nhau đến từng chén cơm, bát gạo thì chết đói thiệt” - Bà Lài khẳng định.

Trong câu chuyện về đời sống cư dân dưới tán rừng U Minh, bà Lài hay nói một câu rất “chiến lược”. Bà bảo rằng: “Phải có một sự thay đổi nào đó trong việc mần ăn cho người dân ở rừng tràm. Chứ cái kiểu thấy đói rồi mới cứu như trước tới giờ thì thua”!

Không cần cứu đói, chỉ mong được tự chủ sản xuất

Cánh đồng của ấp 11, xã Nguyễn Phích, nước lai láng như Biển Hồ. Màu nước đen ngòm, bốc lên mùi thum thủm của thân lúa úng. Anh Toàn nhảy đùng xuống ruộng, nước vẫn còn ngập tới bẹn. Anh cho biết, tuần trước, nước ngập khoảng 1 thước tây. Mấy ngày qua, nước xuống, người dân đã chạy đôn chạy đáo mua lúa cây về giặm lại, nhưng chỉ được một phần nhỏ. Vợ chồng anh Toàn dồn hết công sức vào thửa ruộng, nhưng cũng chỉ có thể khôi phục được 3,5 công, còn gần 6,5 công đành bỏ hoang.

Ruộng lúa của anh Toàn và bà Sáu Thành đã trắng nước sau mấy ngày mưa cuối tháng 09/2008.

Cạnh bên là thửa ruộng cũng 10 công của ông Sáu Vĩnh. Cả cánh đồng hình như chỉ có thửa ruộng này được khôi phục, nhờ ông Sáu Vĩnh có một thửa đất gò, lúa không chết. Từ số lúa còn sống này, đứa con gái út của ông Sáu là Tô Ngọc Nương đã miệt mài suốt gần một tuần nay, tét từng tép lúa cấy lại trên những trảng lúa vừa bị ngập chết. Bà Sáu Vĩnh nhìn về hướng đứa con gái đang cấy lúa nói: “Không có Út Nương thì nhà tôi không sống nổi đến ngày nay”.

Nước ngập, chim, chuột là những kẻ thù đáng sợ nhất của nông dân nơi đây. Không có đối tượng nào dễ đối phó. Trong một đêm mưa gió của tháng 7 năm ngoái, những kẻ thù này cùng tấn công một lúc, khiến nông dân thêm một bận nhớ đời.

Khi ấy, vụ lúa thần nông trên cánh đồng này đang độ trổ bông. Ai cũng mừng vì đã nhiều năm qua mới nhìn thấy được một vụ lúa với những bông lúa nặng hạt, hứa hẹn những ngày ấm no. Ngày, bà con ra ruộng đuổi chim. Đêm, ai cũng giăng điện bao quanh ruộng lúa ngăn chuột cắn phá. Chỉ còn khoảng một tuần nữa lúa chín thì tối hôm ấy trời đổ mưa. Mưa càng lúc càng to, nông dân như ngồi trên lửa. Khi mưa đã nặng hạt, hệ thống bẫy điện ngăn chuột bị vô hiệu hóa vì “mát”, lũ chuột từ rừng túa vào các ruộng lúa cắn phá tơi bời.

Ông Trần Văn Thức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau hi vọng đề án trao quyền sản xuất cho nông dân rừng tràm sẽ giúp dân thoát nghèo.

Hầu hết mọi người đều bó tay trước cảnh này, chỉ có Út Nương. Khi soi đèn pin thấy lũ chuột đang như một đàn gà con ăn lúa, Út Nương kêu trời một tiếng rồi nhảy bổ xuống ruộng. Một tay cầm đèn pin, tay cầm gậy trúc, Nương rượt đập lũ chuột đang vừa ăn lúa vừa kêu chí chóe. Bà Sáu Vĩnh không cản được con gái, đành đứng cửa sau trông theo ánh đèn pin của con đang mờ dần trong màn mưa đen kịt.

Rất lâu, bà không thấy ánh đèn của Nương, bà cuống cuồng. Bà gào to gọi con gái, nhưng chỉ có tiếng mưa gió. Bà hoảng quá, dầm mưa cùng chồng chống xuồng đi tìm con gái. Bà đã gặp Nương đang ngồi bệt dưới ruộng khóc mướt vì bất lực trước lũ chuột quá đông và cây đèn pin trở chứng khi bị dầm mưa.

Với những kẻ thù gần như bất trị ấy, nông dân ở rừng tràm U Minh Hạ không mấy ai có đủ tài ba đưa cuộc sống gia đình vượt qua cảnh nghèo đói. Nhưng bà Sáu Vĩnh không mong ước được cứu đói. Bà bức xúc: “Tôi không ham được cứu trợ. Tôi đã được cứu trợ nhiều gạo và tiền, nhưng rồi thì nó cũng hết và những mùa giáp hạt đói khát lại về”. Mơ ước lớn nhất của bà là được độc lập sản xuất, không bị bó buộc bởi cơ chế giữ rừng khắc nghiệt như bấy lâu nay.

Nông dân ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh bày tỏ với chính quyền ước mơ được tự chủ sản xuất, không bị bó buộc trong cơ chế giữ rừng.

“Thoát được cảnh ngập úng, Út Nương của tôi sẽ làm giàu từ thửa ruộng này.” - bà Sáu khẳng định. Anh Toàn cũng ao ước vậy. Anh đã chán ngấy cái cảnh bị ngập úng. Anh nói: “Chúng tôi không còn kêu được ai cứu giúp trong chuyện bị ngập úng. Nó như cái kíếp số mà dân rừng U Minh phải gánh”. Nhiều năm liền, anh và bà con nơi đây kéo nhau ra đập Khai Hoang đấu tranh đòi xả nước cứu lúa...

Nhưng người ta nói rằng phải giữ nước để phòng chữa cháy rừng. Dân làm dữ, Công ty lâm nghiệp đối phó bằng cách cho xả nhưng chỉ một rãnh nước nhỏ đủ để “giảm sốc” cho dân, tuyệt không cứu được lúa. Tuyệt vọng, năm nay lúa bị ngập chết, bà con chỉ còn cách cắn răng chịu đựng.

“Kêu trời không thấu” - anh Toàn lý giải là nếu thấu thì trời đã không đổ mưa làm ngập lúa dân. Kêu chính quyền cũng không hiệu quả. Bởi vậy anh Toàn cũng không có gì ngạc nhiên khi trong những đêm mưa gió tơi bời, anh thường nghe một tiếng kêu não nuột từ xa xa: “Lúa ơi!”

"Sẽ trao quyền độc lập sản xuất cho cư dân ở rừng tràm U Minh Hạ ", đó là khẳng định của ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau. Ông Thức nói: “Chúng tôi đã thấy được nỗi khổ của nông dân khi bị bó buộc trong những cơ chế quản lý bảo vệ rừng tràm U Minh Hạ. Họ sẽ không phát triển được.

Từ đầu năm 2008, chúng tôi đã bước vào một đề án, có tên gọi là “Đề án tổ chức lại sản xuất và bố trí lại dân cư khu vực rừng tràm tỉnh Cà Mau”. Mục tiêu cơ bản của đề án là trao quyền độc lập sản xuất, không bị chi phối bởi cơ chế giữ rừng cho khoảng 6.000 hộ dân dưới tán rừng U Minh Hạ hiện nay”.

Ông cho biết thêm, kinh phí thực hiện đề án lên đến 482 tỷ đồng và được thực hiện từ nay đến năm 2015. “Đề án này hiện đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đề án thực hiện xong, nông dân sẽ thoát cảnh ngập úng” - ông Thức khẳng định.

  • Chí Hạo

No comments: