Wednesday, October 10, 2007

Chứng từ về giáo dục

Giám mục Bùi Tuần

Một trong những vấn đề đang được bàn tới nhiều hiện nay tại nước ta là vấn đề giáo dục. Cả đời cả đạo cùng rất quan tâm. Vì đây là yếu tố rất quan trọng cho việc phát triển và tồn tại của đất nước và của tôn giáo.

Trong bầu khí đó, tôi nhìn vào mình. Tôi xét mình xem nhân tố nào đã ảnh hưởng sớm nhất và sâu nhất trong hành trình giáo dục, mà tôi đã trải qua.

Xét đi xét lại, tôi vẫn thấy nhân tố đó là bố mẹ tôi. Các ngài đã dạy tôi những điều đơn sơ. Chính những điều giản dị ấy đã cho tôi những định hướng rõ. Hành trình nền giáo dục công giáo trong tôi đã khởi hành từ việc đón nhận những điều giản dị ấy.

Hôm nay, tôi xin chia sẻ như một chứng từ sống động riêng tư.

1/ Trước hết tôi xin nói về mẹ tôi

Từ rất nhỏ, mẹ tôi hay nhắc cho tôi điều này : “Con hãy nhớ Chúa trước mặt con”. “Con hãy tin Đức Mẹ ở bên con”.

Lời khuyên đó đã đi kèm với những việc làm của mẹ tôi. Mẹ dạy tôi làm dấu thánh giá trước khi ăn, trước khi ngủ, trong những hoàn cảnh không biết cậy nhờ vào ai.

Mẹ dạy tôi cầu nguyện bằng việc kêu lên Chúa những lời cầu vắn tắt, thốt ra từ đáy lòng. Nhất là mẹ dạy tôi cầu nguyện kinh Mân Côi.

Mẹ dẫn tôi đi nhà thờ, để dự thánh lễ. Không phải chỉ lễ Chúa nhật, mà cả những lễ ngày thường, mặc dù phải đi xa và trong đêm tối.

Lời khuyên “hãy nhớ Chúa trước mặt con”và “hãy tin Đức Mẹ ở bên con” đã ảnh hưởng rất nhiều đến ơn gọi của tôi sau này. Ơn gọi của tôi được tóm lược vào mấy điểm sau đây :

Chúa đã yêu thương tôi.

Chúa đã kêu gọi tôi.

Chúa đã thánh hóa tôi.

Chúa đã sai tôi đi.

Từng điểm và tất cả mọi điểm trên đây đều được sáng lên trong tôi, khi tôi nhận thức : “Chúa ở trước mặt tôi” và “Đức Mẹ ở bên tôi”.

Phong phú nhất là điểm : “Chúa đã sai tôi đi”.

Tôi được Chúa sai đi, như người lữ khách và lữ hành tại một địa phương ở Đất nước Việt Nam này (x.Dt 11,13).

Tôi được sai tới những người khác nhau không ngừng di chuyển. Họ di chuyển trong dòng thời gian và trong không gian có những đoạn khác nhau.

Tôi được sai đi để giới thiệu đức tin bằng việc rao giảng Lời Chúa và công việc bác ái.

Tôi được sai đi vào những giai đoạn phức tạp. Trong đó Chúa và Mẹ dạy tôi hãy nhấn mạnh nhiều nhất đến sự hiện diện có Chúa trong mình.

Tôi được sai đi như một người phải biết khiêm tốn nhờ vào người khác, cả trong Hội Thánh lẫn trong xã hội.

Tôi được sai đi, như một người tạ ơn vì những khám phá thấy bao sự lạ lùng, Chúa làm trong các tâm hồn.

Cho đến hôm nay, lúc tuổi đã già. Tôi vẫn sống ơn gọi nói chung và ơn được sai đi nói riêng như một kho báu. Không bao giờ mình được phép cho mình là đã khám phá hết. Có lúc đi trong ánh sáng, có lúc chìm trong bóng tối. Có lúc thành công, có lúc thất bại với bao yếu đuối vụng về. Nhưng tôi luôn nhớ Chúa trước mặt và Đức Mẹ ở bên tôi. Chúa vẫn cầm tay tôi. Đức Mẹ vẫn an ủi nâng đỡ tôi.

2/ Cùng với mẹ tôi, Bố tôi đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời của tôi

Bố tôi hay kể lại rằng: Ông nội, trước khi tắt thở, đã gọi các con đến bên giường. Nội trối lại ba điều :

- Các con hãy chịu khó làm ăn sinh sống một cách lương thiện.

- Các con hãy thương yêu nhau và thương yêu đặc biệt những người nghèo túng.

- Các con hãy có lòng kính thánh Giuse. Thánh Giuse là quan thầy của những người nghèo khổ.

Với những lời khuyên trên đây, bố tôi dạy chúng tôi về những liên đới xã hội. Sống sao cho công bình yêu thương trong mọi liên hệ.

Có lần mấy đứa chúng tôi đi câu cá về. Thấy con cá nào hơi to, bố tôi liền hỏi : Câu ở đâu ? Nếu câu ở ao không phải ao nhà, thì bố bảo phải đem trả.

Nhà chúng tôi nghèo, nhưng không người ăn xin nào tới xin, mà bố để họ ra về tay không.

Tối nào, sau lần chuỗi, gia đình cũng đọc kinh thánh Giuse. Thói quen đó đã theo tôi mãi tới bây giờ. Kinh nghiệm cho tôi thấy : Thánh Giuse luôn cứu giúp kẻ cơ hàn, khi họ biết chạy đến với Người trong cơn gian nan, khốn khó.

Bố tôi biết vui trong cảnh nghèo, thích liên hệ với những người nghèo. Ngài coi cảnh nghèo, người nghèo là nơi đào tạo những người biết khiêm tốn đón nhận và biết khiêm nhường cho đi.

3/ Khi nhìn lại khởi điểm nềngiáo dục Công giáo trong đời tôi, tôi nhận ra gia đình Công giáo là một quy tụ nhỏ những hơi thở đầu tiên của Đức Tin

Quy tụ nhỏ đó có ba đòi hỏi này :

a) Cần thấy mình có nguồn gốc là siêu nhiên. Từ Chúa, Đức Mẹ, thánh Giuse, gia đình cảm thấy an vui.

b) Cần nuôi một hứng thú về những giá trị cao cả nhưng gần gũi.

c) Cần thấy mình phải có ơn Chúa, để giúp mình sớm biết phân biệt cái gì tốt, cái gì xấu, điều gì là đúng thánh ý Chúa, điều gì không hợp thánh ý Chúa.

Gia đình là một quy tụ hơi thở ban đầu của đức tin. Từ quy tụ ban đầu đó, tôi bước sang nhiều quy tụ khác, như nhà tu, giáo xứ, giáo phận, Hội Thánh. Tuy với những hình thức khác nhau, mọi quy tụ trên đây đều được tôi coi như các gia đình. Trong đó, tôi được phát triển và thanh luyện. Tất cả đều được dòng tình nghĩa và tinh thần trách nhiệm chảy qua. Tất cả đều có Thiên Chúa là Cha chăm sóc. Tất cả đều có Đức Mẹ Maria và thánh Giuse phù trợ. Trong tất cả, tôi luôn là người con bé nhỏ.

Như vậy, giáo dục công giáo là một hành trình. Một hành trình của nội tâm, của đạo đức, của tâm hồn bé nhỏ nghèo khó tìm cộng tác với Chúa Thánh Thần hoạt động trong lịch sử. Một hành trình mà gia đình thường giữ vai trò quan trọng.

Nền giáo dục nhằm tạo nên những con người như thế nào?

Lm. Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

Báo Tuổi Trẻ trong số ra ngày thứ hai 24-9-2007 đã trích đăng bài viết của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy gởi các nhà giáo dục trên toàn nước Pháp nhân dịp khai giảng năm học 2007-2008. Bài viết kêu gọi nhìn lại nền giáo dục phổ thông của Pháp với những nhận định, phân tích và gợi ý rất phong phú đáng cho các nhà giáo dục Việt Nam ta tham khảo.

Tôi xin tổng hợp ba ý lớn của Tổng Thống mà tôi nghĩ là quan trọng nhất, kèm theo một vài bình luận riêng của tôi.

Muốn đào tạo thành con người nào?

Ông Sarkozy nêu câu hỏi: “Chúng ta muốn con em mình trở thành người như thế nào?” Đây là câu hỏi tiên quyết liên quan đến mục tiêu nhà giáo dục nhắm tới. Tại sao tiên quyết? Vì tùy theo câu trả lời cho nó như thế nào mà người ta sẽ định hướng toàn bộ hệ thống giáo dục, đề ra các chính sách, chọn lựa các phương pháp giáo dục và đào tạo các giáo viên thích hợp. Về phần mình, ông Tổng Thống đề nghị nền giáo dục Pháp phải đào tạo con em thành “những người phụ nữ và những người đàn ông tự do, tò mò trước những gì cao đẹp và lớn lao, có trái tim và trí tuệ, có khả năng yêu thương, tự mình suy nghĩ, đến với người khác, cởi mở, có khả năng tìm được công việc nuôi sống mình. Vai trò của chúng ta […] là giúp trẻ em trưởng thành và trở thành những công dân.

Đọc câu này rồi đọc các đoạn kế tiếp, tôi thấy trong “mô hình người” phác vẽ ra ở đây có hai đặc điểm nổi bật.

Trước hết đó là một con người chủ động, năng động, có khả năng phát triển, làm phong phú mình không ngừng nhờ sự tự do, nhờ óc tò mò, thích học hỏi, sáng tạo, thích nỗ lực và biết tự suy nghĩ.

Thứ đến là một con người phát triển hài hòa, cân đối : trí tuệ và con tim, vừa có tri thức vừa giàu tình cảm; vừa có lý tưởng (“tò mò trước những gì là cao đẹp và lớn lao”) vừa thực tế (“tìm được công việc nuôi sống mình”); vừa phát triển và khẳng định mình nhưng đồng thời lại biết cởi mở và đến với người khác, với cộng đồng.

Nền sư phạm nào?

Muốn đạt mục tiêu trên, tất phải có một nền sư phạm nhất định.

Về mặt tiêu cực, những điều phải tránh là:

- Nhồi nhét kiến thức, dành ưu tiên hầu như tuyệt đối cho kiến thức;

- Áp đặt một khuôn khổ cứng nhắc cho tất cả.

Tổng thống Pháp viết: “Nền giáo dục của chúng ta cần bớt thụ động, công thức, máy móc”, và: “Văn hóa thật sự thì đòi hỏi nhiều hơn là chỉ biết trả bài.

Phương pháp giáo dục mới phải nhằm khêu gợi, đánh thức tiềm năng của trẻ; phải gây cho chúng “sở thích học hỏi, óc tò mò, tinh thần cởi mở, ý niệm về nỗ lực”. Tư tưởng này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Muốn thế, cần phải sâu sát để hiểu trẻ, hiểu cá tính từng đứa để giúp chúng phát triển. Có đứa giỏi cái này mà không giỏi cái khác, điều đó không quan trọng lắm. “Trong mỗi đứa trẻ có một khả năng tiềm tàng chỉ chờ được khai phá. Mỗi đứa trẻ có một trí thông minh riêng chỉ chờ được phát triển. Phải tìm cho ra. Phải hiểu chúng.” Đó là một việc khó khăn và vất vả. Ông Sarkozy viết tiếp: “Trong chuyện trồng người, không riêng gì trẻ bị đòi hỏi mà nhà giáo dục cũng phải tự thấy thái độ đó [tức đòi hỏi] với bản thân mình.

Phương pháp giáo dục thích hợp cho mục tiêu giáo dục mới đòi hỏi “phải dạy cho trẻ biết đặt câu hỏi, biết suy nghĩ, tách mình ra [nghĩa là không nhất thiết phải chấp nhận ngay mọi giải đáp được thầy cô đề nghị], phản ứng, nghi ngờ, tự mình tìm tòi và phát hiện thực tế, những điều cần cho cả cuộc đời chúng sau này.” Tất nhiên phải biết áp dụng nguyên tắc này tùy theo từng lứa tuổi.

Sau hết, phương pháp giáo dục mới cũng đòi hỏi không được chỉ đóng khung trong nhà trường mà cần cho trẻ tiếp xúc với thực tế nhiều hơn.

“Hãy truyền đạt nền văn hóa tổng quát.”

Thời nay là thời của video, điện thoại di động, Internet, của sự thông tin liên lạc tức thì. Thời nay cũng là thời giao lưu giữa các nền văn hóa rộng rãi, dễ dàng như chưa từng có trong lịch sử. Do đó trẻ em sớm có dịp học biết được rất nhiều điều, và càng lớn lên chúng càng tiếp nhận được vô số những kiến thức mới đủ loại, tốt xấu, lợi hại khó phân biệt. Để trẻ có thể tiếp thu cách hữu ích cả cái khối thông tin và tri thức khổng lồ kia, Tổng thống Sarkozy nói cần phải “cấu trúc phần kiến thức đó theo văn hóa” , cần trang bị cho lớp trẻ “một nền văn hóa tổng quát”. Thời trước, nền giáo dục trung học Pháp rất chú trọng văn hóa tổng quát (culture générale), nhưng về sau, nền giáo dục đó bị phê bình là không phù hợp với thời đại khoa học và công nghệ, không giúp thiết thực cho sự phát triển đất nước và đời sống thực tế của công dân, do đó nền văn hóa tổng quát có phần bị coi nhẹ.

Vậy văn hóa tổng quát là gì? Văn hóa tổng quát không phải là văn hóa chung chung, hay là cái gì cũng biết chút đỉnh nhưng chẳng đâu vào đâu cả. Trong thời đại ta, có một tri thức chuyên ngành là điều rất tốt, có khi là cần thiết. Nhưng nói văn hóa tổng quát, trước hết là nói tới sự cần thiết ra khỏi cái khung chật hẹp của những kiến thức chuyên ngành để mở rộng tới các loại tri thức khác của loài người, đặc biệt là lịch sử, văn chương, nghệ thuật, triết học, tôn giáo, - những thứ tri thức “làm giàu cho nhân tính”, “tăng phẩm chất làm người” hơn là những tri thức khoa học, kỹ thuật. Mục đích của văn hóa tổng quát không phải là trau dồi cho trí óc có nhiều kiến thức cho bằng giúp cho ta biết tư duy tốt hơn. Khi ta có một nền văn hóa tổng quát tốt làm nền tảng, ta sẽ biết chọn lọc và đưa vào đó những gì ta thấy là đáng giá trong khối tri thức mà các phương tiện truyền thông và các cuộc giao lưu đủ loại ngày nay cung cấp.

Vì thế, ông Sarkozy nhấn mạnh cách riêng tới CÁI ĐẸP, tới văn hóa, nghệ thuật, thi ca, “cũng như bất kỳ hình thái nghệ thuật nào khác biết thể hiện con người…”; ông viết : “Con em chúng ta phải được gặp gỡ các nhà văn, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, kỹ sư, doanh nhân để nghe những người này chia sẻ tình yêu dành cho cái đẹp, sự thật, sự tìm tòi phát hiện và sáng tạo.

Để kết luận

Để kết luận, xin mượn lời của Nguyên Ngọc trong bài “Lại chuyện triết lý giáo dục” đăng trên Tuổi Trẻ số ra ngày thứ tư 3-10-2007 nói về nền giáo dục ở nước ta như sau: “[…] Tuy nhiên để bắt đầu, cũng có thể nói một cách ngắn gọn: Chúng ta tiến hành nền giáo dục này để làm gì? Để nhằm tạo ra những con người như thế nào? Suốt nhiều chục năm, chúng ta đã tập trung toàn lực, cao độ, nhằm đào tạo ra con người biết vâng lời, thuộc lòng một số chân lý có sẵn, và từ đó được học suốt đời cứ thế mà làm theo cho đúng. Vấn đề bây giờ là có dám, có quyết phá vỡ cái triết lý đó đi không…

Trên báo Công Giáo và Dân Tộc số 1066 ra ngày 28-7-1996, tôi có viết bài nhan đề “Mẫu người nào?” trong đó tôi cũng đã đặt vấn đề tương tự và có vài nhận xét giống như bài báo trên.

So với các Bộ trưởng Giáo dục trước đây thì Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân hiện nay đã đưa công cuộc giáo dục Việt Nam tiến thêm những bước đáng kể, trong một thời gian chưa nhiều, bằng những cải cách khá mạnh dạn. Nhưng liệu ông sẽ có thể đi xa lắm không? Năm học mới vừa bắt đầu mà tiếng phàn nàn “muôn thuở” của phụ huynh học sinh đã lại vang lên khắp mọi nơi : phàn nàn về “lạm thu” nghĩa là đủ thứ đóng góp nói là tự nguyện nhưng thực ra là bắt buộc “tàng hình”, -(100% trường học ở Tp HCM được thanh tra đều vi phạm)-, phàn nàn về tăng tiết học, nghĩa là lại “nhồi nhét”, lại dạy thêm học thêm, lại làm cho học sinh phải “đờ đẫn” và chán ghét việc học … Nếu không định hướng lại nền giáo dục một cách thật căn cơ, thiển nghĩ dù ông Bộ trưởng có tài ba, thiện chí và quyết tâm đến đâu cũng không làm xoay chuyển thật sự được tình hình, và nền giáo dục của ta sẽ vẫn không đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu của con người và của đất nước trong thời mới.

3-10-2007

Sáng tạo, một đòi hỏi của giáo dục


Vũ Lưu Xuân

Trong đời thường, tất cả chúng ta đều không ít lần phải đối mặt với những tình huống chưa hề được dự liệu trước, và giải pháp đôi khi lại nằm ngoài kiến thức sách vở, nằm ngoài những kinh nghiệm đã tích lũy sau nhiều năm. Gặp trường hợp đó, óc sáng tạo giúp đưa ra một lối thoát khả thi. Như vậy, óc sáng tạo là phẩm tính tối cần cho cuộc sống, nó giống một vũ khí xung phá, giúp chúng ta vượt khỏi bế tắc, để vươn tới thành công.

Viết bài này, tôi không nhìn óc sáng tạo dưới góc độ thần thoại, coi nó như thuộc tính đặc hữu của Thượng đế và thần linh, đã được á thần Prometheus đánh cắp và ban cho loài người. Tôi cũng không nhìn nó dưới góc độ triết học theo kiểu Sigmund Freud, khi ông bàn về phạm trù sáng tạo trong nghệ thuật, coi như một biện pháp nhằm thoả mãn ước muốn đơn thuần, và là một cách thế thoát ly thực tại. Nói chung những góc nhìn này mặc nhiên biến sáng tạo thành một thực thể cao siêu, phức tạp và ghê gớm lắm.

Ở đây, chúng ta chỉ nhìn óc sáng tạo dưới dạng một kỹ năng tuy ưu việt, nhưng phổ quát, tức mọi người, tùy mức độ, đều có, và đều có thể rèn luyện, nâng cao, một khi biết khai mở cho nó đường dẫn để nẩy mầm, lớn lên. Và như thế, nhà trường, trong chiều hướng phát triển con người toàn diện, không thể chối từ bổn phận rèn luyện óc sáng tạo cho học sinh, qua đó cung cấp cho họ một hành trang thiết yếu để vào đời, để ứng phó, và để khỏi vấp ngã một cách đáng tiếc vì căn bệnh ấu trĩ.

Xin nói loanh quanh một chút. Người Việt chúng ta thông minh thì có thừa, nhưng óc sáng tạo thì lại thiếu, đó là hậu quả tất yếu của tình trạng nô lệ tệ hại về mặt tinh thần, của nền giáo dục nhai văn nhá chữ từ ngàn năm. Việc đề cao đức tính kẻ hậu học theo thầy hàm chứa một mặc cảm tự ti, hàm chứa một thói quen bước đi trong lối mòn, khước từ cách nhìn mới, sáng tạo, và như thế, chúng ta suốt đời chỉ có thể làm đứa học trò chăm, ngoan của người ta. Việc xây dựng một quan niệm khập khiễng về kẻ sĩ theo hình mẫu Trung Hoa; việc cớm nắng dưới cái bóng quá lớn của Đức Phu Tử, khiến chúng ta mất đứt một nghìn năm ngụp lặn trong vũng tù đọng của tri thức. Hậu quả là, suốt chiều dài lịch sử thời phong kiến, những nhà tư tưởng thực sự lớn, cụ thể như Chu Văn An, Lê Quý Đôn, đặc biệt là Nguyễn Trường Tộ, chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Một nghìn năm trước là thế. Còn bây giờ? Xin trở lại vấn đề sáng tạo trong giáo dục.

1. Sáng tạo, phác họa một cách nhìn

Xin lưu ý điểm xuất phát của sáng tạo:

Sáng tạo xuất phát từ nhu cầu: nhu cầu hiểu biết, nhu cầu mưu sinh thoát hiểm. Nhu cầu kích thích trí tò mò, từ đó khám phá ra những cái mới cung ứng cho cuộc sống mỗi ngày một nâng cao, từ đó tìm ra biện pháp mới giải quyết mớ bòng bong của đời thường. Làm thui chột óc sáng tạo là mặc nhiên giết chết tính tò mò khoa học, là mặc nhiên biến cuộc đời thành tẻ nhạt, nhàm chán.

Một số đặc tính của sáng tạo:

-Sáng tạo là một thuộc tính đặc biệt của con người, giúp chúng ta vượt lên trên tất cả các loài động vật hạng hai, tuy nhiên nó không phải là khả năng thiên bẩm, dành riêng cho một số ít cá nhân ưu tú, mà là một tập tính có thể rèn luyện được.

-Sáng tạo là thoát ra khỏi lối mòn, là phá vỡ những cái hiện có nhưng đã lỗi thời, không đáp ứng được những chuyển biến mới phong phú hơn, từ đó đưa ra một cái nhìn mới phi truyền thống, chẳng hạn đánh giá lại một đề tài văn học.

-Sáng tạo là tìm ra một phương án mới, một cách giải quyết mới, cho một bài toán chẳng hạn.

-Sáng tạo không đến từ hư vô, mà là sự phối hợp mới của những yếu tố cũ, tức kiến thức thủ đắc, kế thừa, như vậy người càng tính lũy được nhiều yếu tố cũ, càng có cơ may nhiều hơn trong việc sáng tạo ra cái mới.

Điều kiện của sáng tạo:

Tư tưởng chỉ có thể vùng vẫy, phát triển khi có một khoảng trống trước mặt, và điều kiện tiên quyết của sáng tạo là tự do. Một khi đã quan niệm rằng chỉ có ta là duy nhất đúng, tuyệt đối đúng, thì đã mặc nhiên khép lại một chiều của tư duy, vì ở đó có một ranh giới không cần vượt qua và cũng không được phép vượt qua.

-Óc sáng tạo đồng hành với lòng can đảm, và ước muốn thoát ra khỏi sáo mòn. Người có óc sáng tạo không sợ bị phản bác, bị trù dập, bị điểm xấu, bị đánh rớt chẳng hạn.

-Óc sáng tạo phát triển từ thói quen suy luận, thói quen đặt vấn đề, và tìm ra giải pháp, nó không đồng hành với tính lười biếng và ỷ lại, há miệng chờ mớm cơm. Người có óc sáng tạo không cam tâm đưa tay cho người khác dắt như một đứa trẻ chung thân vị thành niên.

2. Quy chiếu về nền giáo dục hiện hành.

Kể từ khi ông Nguyễn Thiện Nhân lên nắm Bộ GD&ĐT, chúng ta thực sự đã có nhiều tín hiệu đáng mừng. Đối với một nền giáo dục mà đụng bất cứ cái gì cũng thấy rối tung lên, thì việc tháo gỡ từng mảng, từng phần là biện pháp cải cách hợp lý và khoa học. Tuy nhiên di sản nặng nề của những sai lầm quá khứ hàng chục năm, không thể đòi hỏi cải thiện trong một sớm một chiều, có lẽ vì thế, chúng ta thấy vẫn còn nhiều điều buộc phải suy nghĩ.

Tuy không cổ võ tinh thần tự do vô điều kiện, nhưng trong nền giáo dục hiện hành, chúng ta thấy vẫn còn tồn tại rất nhiều điều không thể hiểu được:

-Về sách giáo khoa. Sách giáo khoa được minh nhiên hay mặc nhiên coi là pháp lệnh. Nhưng một khi đã coi sách giáo khoa là pháp lệnh, mà cả thầy lẫn trò đều phải tuyệt đối phục tùng, kể cả khi sách giáo khoa còn bộc lộ sai sót, thì chúng ta đã bắt đầu đi vào con đường một chiều của tư duy, cho dù con đường đó rộng hay hẹp. Có lẽ chỉ nên coi sách giáo khoa như pháp lệnh, một khi trình độ của cả thầy lẫn trò còn thấp, chưa kịp trưởng thành, đặc biệt khi người thầy còn yếu về trình độ và nông về kiến thức, phải mượn sách giáo khoa làm chỗ dựa duy nhất để tự trấn an. Cần thấy rằng sách giáo khoa chỉ là phương tiện khai mở kiến thức, nên không thể hạn chế tri thức và tư duy. Thói quen vâng phục tất yếu đẻ ra mặc cảm tự ti. Và mặc cảm tự ti tất yếu đẻ ra tính lười biếng về mặt tinh thần.

-Về cách chấm bài, đặc biệt là bộ môn khoa học xã hội, trong đó có văn. Tôi đã bỏ nghề dạy học cách đây đúng 26 năm, bởi thế có những góc khuất không nắm hết, hoặc hiểu sai, nhưng có một người bạn chấm tuyển sinh đại học cách đây ít năm cho biết: việc chấm văn bây giờ rất chặt chẽ và khoa học, với thang điểm chi ly, chỉ cần đầy đủ các ý là sẽ được điểm cao. Nếu lời nói đó phản ánh trung thực cách chấm điểm môn văn hiện thời thì quả thật đáng buồn. Tại sao lại thế nhỉ? Tại sao một bài văn lại bắt buộc phải đầy đủ ý này, ý kia, mà không thể có ý khác. Phải chăng chúng ta đang cố gắng đào tạo nhân tài theo kiểu dây chuyền, trăm hoa đều nở ra cúc vạn thọ. Chấm thi kiểu ấy, mà lại đòi học sinh phải có tư duy độc lập và sáng tạo, thì quả thật là không tưởng..

-Về cách giảng dạy: Mấy năm gần đây, chúng ta luôn hô to những khẩu hiệu đả phá lối học tủ, học vẹt. Đúng đó, học tủ, học vẹt hủy hoại sức sáng tạo, giết chết tự do tư duy, gây ra không khí nhàm chán, khiến học sinh không còn coi việc học như một thú vui bổ ích. Trong phạm vi học đường, truyền thụ kiến thức là ưu tiên hàng đầu, nhưng cần mà chưa đủ, chúng ta còn phải huấn luyện khả năng tự học, tự vận dụng tri thức, và phương pháp tư duy đối với từng bộ môn, đó là cái hữu dụng còn đọng lại, sẽ theo chúng ta đến hết cuộc đời, sau khi những kiến thức cụ thể, nếu không có cơ hội sử dụng, sẽ dần dần rơi rớt với tháng năm. Nếu chỉ dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức theo kiểu học nhồi, học vẹt, tức là chúng ta đang dừng lại ở mức huấn luyện động vật cấp hai trong một gánh xiếc. Với cách học học tủ, học vẹt, óc sáng tạo của học sinh đã thực sự bị trói và mòn dần đi. Có điều, với cách dạy, cách học đã trở thành nếp quen từ nhiều năm qua, nhà trường hình như chưa tìm được biện pháp khả thi hơn, giúp học sinh đậu tốt nghiệp với số lượng cao. Ước muốn có nhiều học sinh đậu là một ước muốn chính đáng đối với nhà trường và mọi phụ huynh, nhưng từ ước muốn chính đáng, chúng ta không ngại dùng mọi thủ thuật thì cái giá phải trả là quá đắt. Với những thủ thuật phần lớn phản giáo dục đó, về mặt tri thức, chúng ta chỉ có thể tạo ra những thế hệ học sinh, trừ trường hợp ngoại lệ, đa phần chỉ vật vờ như cái bóng của sách vở, của ông thầy, chẳng thể vận dụng kiến thức một cách hiệu quả vào những tình huống không phải lúc nào cũng cố định trong đời thường.

Một khi thấy được tầm quan trọng của óc sáng tạo trong việc phát triển con người, phát triển đất nước, chúng ta mong rằng các nhà giáo dục, đặc biệt là giới có thẩm quyền, có được một sách lược khoa học và dài hơi, để tạo ra những thế hệ thanh niên Việt Nam không chỉ nổi tiếng thông minh, cần cù.