Wednesday, November 12, 2008

Hà Nội lụt: Biết mà không chịu làm chứ làm không khó


04:31' 09/11/2008 (GMT+7)

- Đúng vào Ngày đô thị Việt Nam (8/11), các ĐBQH tiếp tục mổ xẻ những bất cập trong quy hoạch đô thị hiện nay: manh mún, chắp vá, mạnh ai nấy làm. Vấn đề quy hoạch Hà Nội và trách nhiệm với đợt lụt vừa rồi được các đại biểu quan tâm đặc biệt.

>> Toàn cảnh Hà Nội trong trận "đại hồng thuỷ"

Làm rõ trách nhiệm

Mở đầu phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) dồn dập đặt câu hỏi về trách nhiệm đối với những thiệt hại của Hà Nội trong trận lụt vừa qua.

"Phải coi thế đất nghiêng về phía nào rồi mới thiết kế thấp dần thấp dần thì mới thoát nước được. Việc này đã có từ mấy trăm năm trước nhưng vì chúng ta không chịu làm chứ cũng không có gì ghê gớm lắm". Ảnh: Đoàn Kết

"Thiệt hại về người và tài sản của nhân dân Hà Nội trách nhiệm thuộc về ai? Bức tranh quy hoạch của Thủ đô, trái tim của cả nước là như vậy, các đô thị khác có lẽ cũng không khác, vì sao? Chẳng lẽ chúng ta cứ nói mãi là vì không có tầm nhìn, không phân trách nhiệm rõ ràng, không khoa học trong quản lý, nguồn nhân lực chưa đủ tâm và đủ tầm?".

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh chỉ rõ, tình trạng ngập lụt ở một số tuyến phố khi có mưa lớn là do không xác định được diện tích mặt nước cần thiết cho nhu cầu điều hòa nước mưa cho cả khu vực và các tuyến cống chính để thoát nước còn quá hẹp, đó là chưa kể bị lấp đầy đất cát...

Xây dựng những khu đô thị mới như Trung Hòa - Nhân Chính rất đẹp nhưng chỉ cốt tương đương với nhau, làm dễ nhưng ảnh hưởng lâu dài về sau.

Phải coi thế đất nghiêng về phía nào rồi mới thiết kế thấp dần thì mới thoát nước được. "Việc này đã có từ mấy trăm năm trước nhưng chúng ta không chịu làm chứ cũng không có gì ghê gớm lắm".

Quy hoạch cũng khiến Hà Nội không xác định được hướng phân lũ, xả lũ khi có mưa lớn hay triều cường. "Cả lưu vực rộng lớn như thế mà chỉ có một trạm bơm thì làm sao đủ sức để thoát nước cho được?", ĐB Nguyễn Bá Thanh nói.

"Quy định đô thị loại gì là phải căn cứ vào ý nghĩa kinh tế, văn hóa, chính trị và hiệu quả của chính đô thị đó, chứ không phụ thuộc vào ý chí chính trị của người này, người kia hoặc của địa phương này, địa phương khác. Các cơ quan chức năng phải căn cứ vào các tiêu chí để phân loại đô thị một cách rõ ràng, nghiêm túc".

ĐB Nguyễn Thị Nga (Hải Dương)

ĐB Phạm Quốc Anh (Đồng Nai) cho rằng, ngay cả khi quy hoạch đô thị đã được chú ý thì "vấn đề là thực hiện quy hoạch đó như thế nào và những sai phạm xử lý ra sao". Theo ông, đó là điểm yếu chung của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Ông Quốc Anh đề nghị, trước mắt Chính phủ yêu cầu UBND TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng của các bộ, ngành ở Hà Nội phải làm rõ trách nhiệm việc quản lý quy hoạch.

"Đã là quy hoạch phải có yếu tố treo"

Liên quan đến tầm nhìn quy hoạch, các ĐB đều thống nhất quy hoạch phải có tầm nhìn 50 -100 năm chứ không phải 10 - 20 năm như hiện nay.

Do đó, "đã là quy hoạch tất có yếu tố treo. Làm bất cứ điều gì cũng chỉ xác định tầm nhìn 5, 10, 15 năm rất nhanh chóng bị lạc hậu và như chúng ta được biết, giá phải trả rất đắt. Vấn đề ở đây là kế hoạch cụ thể và lộ trình hàng năm, 5 năm, 10 năm để thực hiện quy hoạch. Xây dựng đến đâu thì chúng ta đền bù, giải phóng mặt bằng đến đó. Hiện tượng như trên chỉ nên dùng từ "dự án treo", không phải quy hoạch treo", ĐB Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) nêu.

Ảnh: Lê Anh Dũng
Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo đồng ý là quy hoạch thì có "treo", nhưng "chúng ta sẽ không "treo" quyền lợi của người dân. Chúng ta cần có những quy định rõ ràng bởi luật này không quy định thì luật nào quy định cũng sẽ rất khó khăn".

Trong khi nhiều nơi "người dân dài cổ đợi quy hoạch", thì có những mảng vẫn bị bỏ trống. ĐB Nguyễn Bá Thanh nêu: "Các bãi đỗ xe cả ngầm, cả nổi, kể cả những đô thị tương lai sẽ xây dựng tàu điện ngầm dưới lòng đất, ngay bây giờ cũng phải được tính toán".

Từ câu chuyện cụ thể của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các đại biểu chia sẻ những băn khoăn về tình trạng quy hoạch "manh mún, chắp vá, mạnh ai nấy làm" như mô tả của ĐB Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc).

TIN LIÊN QUAN
Với 743 đô thị, 160 khu công nghiệp, 28 khu kinh tế cửa khẩu, trong đó có nhiều đô thị mới được xây dựng, Việt Nam được xếp là một trong những nước có tốc độ phát triển đô thị nhanh nhất thế giới trong thập kỷ qua.

Thế nhưng, theo ĐB Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận), "đường giao thông vừa làm xong lại đào lên chôn ống nước, cắm trụ điện gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông, gây tai nạn và lãng phí tiền của của nhân dân".

Mỗi quy hoạch liên quan đến cuộc sống của hàng nghìn người, nhưng cách lấy ý kiến người dân, theo Chủ tịch HĐND Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh, là còn quá hình thức.

Chia sẻ với nhận định này, ĐB H’Luộc Ntơr đề xuất: "Muốn giải phóng mặt bằng mà người dân chỉ nhận được phiếu thăm dò hoặc chỉ nhận giấy giải tỏa, trả lại mặt bằng làm nảy sinh nhiều bức xúc, khiếu kiện kéo dài, không chấp nhận bồi thường của Nhà nước. Thà chúng ta mất thêm thời gian để gặp gỡ các hộ dân trong khu giải phóng mặt bằng, tôi lại thấy yên tâm hơn".

  • Phương Loan

No comments: