Tuesday, February 24, 2009

Cũng là đường và “lô cốt”

Nguyễn Thanh Long

Tuần trước, Mục STHT này có bàn về chuyện đường và lô cốt ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy là hai thứ không thể “sống chung” với nhau, nhưng đôi khi, vì những lợi ích lâu dài lớn hơn – ở đây là cải tạo hệ thống thóat nước và bảo vệ môi trường chẳng hạn – nên tuy khó chịu và bực bội, nhưng ta phải chịu đựng trong một thời gian những lô cốt bất đắc dĩ này. Với niềm tin trên con đường đi tới của đất nước, nhiều thứ lô cốt chặn đường phát triển đang dần dần được gỡ bỏ.

Vì khuôn khổ đề tài, vì giới hạn trang báo, tôi chưa kịp đưa ra một số dẫn chứng nhiều thứ lô cốt đang dần dần biến mất để con đường phát triển của dân tộc này ngày càng thênh thang hơn. Ví dụ như những thứ “lô cốt” đã được đưa vào “nhà bảo tàng Đêm trước đổi mới” mà bây giờ nhắc đến là mắc… cười nhưng cũng một thời được áp dụng cứng nhắc như những biện pháp “phát triển” mang tầm quốc gia như “ngăn sông, cấm chợ”, chủ nghĩa lý lịch, giấy phép đi đường…, và biết bao thứ “lô cốt” vật chất hay tinh thần khác ngăn cản quyền tự do, dân chủ của người dân.

Nói thế, không có nghĩa là đã hết các thứ “lô cốt”, nhưng “lô cốt” đang ngày càng được coi là một thứ bất bình thường trong đời sống xã hội cần phải hạn chế, xóa bỏ. Chẳng hạn như mới đây, để con đường dân chủ hóa được mở rộng hơn, một bộ “Luật tiếp cận thông tin” sẽ được khởi thảo để trình Quốc hội nhằm xóa bỏ những thứ “lô cốt”, những rào cản bưng bít thông tin, hay ngăn cấm không cho người dân có điều kiện để tiếp cận thông tin. Như thế đây là lần đầu tiên, quyền tiếp cận thông tin, tuy được quy định trong cả hai bản Hiến pháp 1946 và 1992 của Việt Nam, nhưng đến nay mới sắp được thể chế hóa bằng một đạo luật chính thức.

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội khẳng định: “Mở rộng quyền tiếp cận thông tin cũng là tiêu chí để đánh giá sự dân chủ. Nếu người dân bị bưng bít thông tin thì tầm nhìn bị hạn chế… Do vậy, quyền tiếp cận thông tin phải được thực hiện một cách công bằng, trên cơ sở đó cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân kịp thời và đầy đủ” (Tuổi Trẻ Cuối Tuần, số 7-2009, 22-2-2009, trang 4). Dĩ nhiên, như tác giả Khổng Thành Ngọc trên mục Dừng chân của báo CGvDT số 1694, ngày 13-2-2009, trang 9, có viết : “Tất nhiên, không phải hễ có luật, ắt mọi việc sẽ hanh thông, tốt đẹp… Bởi lẽ chúng ta đã sống thiếu luật khá lâu. Nếp giữ luật chưa trở thành hồn cốt, tinh anh, văn hóa của xã hội và con người. Đã khá lâu rồi, cả một cơ chế được vận hành theo lối cảm tính, duy ý chí, tùy tiện…”, nên cũng còn đó nỗi lo các thứ “lô cốt”, dù đã có luật, vẫn có thể được dựng lên tùy tiện từ nhiều phía trên con đường quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Một ví dụ còn nóng hổi : vài tuần nay, không hiểu vì lý do gì, báo Công Giáo và Dân Tộc không còn được phép bán - như mấy chục năm nay vẫn được bán - trong khuôn viên nhà thờ của một giáo xứ ở một quận trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, kể cả không cho bán trong hiệu sách lớn của giáo xứ vốn lâu nay vẫn đều đặn hàng tuần nhận bán khoảng 150 tờ báo CGvDT . Và thực tế đó có liên quan gì đến một bài viết đăng ngày 21-2-2009 trên một website có mối liên quan với giáo xứ nói trên có nội dung chỉ trích Uy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh vì Ủy ban đã dự định tổ chức cho giới công giáo tìm hiểu về Chỉ thị 1940/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về nhà đất liên quan đến tôn giáo. Không biết việc tổ chức nghiên cứu luật pháp của quốc gia để nắm vững, để chấp hành và kể cả để góp ý chỉnh sửa nếu cần, nhất là khi những luật lệ đó có liên quan đến giới công giáo, thì có gì mà phải chỉ trích nhỉ ? Hay chỉ có thứ luật như kiểu cấm bán báo CGvDT mới đáng gọi là luật và mới cần tuân thủ và áp dụng triệt để (đến độ một cộng tác viên phát hành thử chở một ít báo CGvDT trong giỏ xe đạp đến bán trước cổng nhà thờ cũng bị mời đi chỗ khác chơi !) ? Có lẽ vậy, vì cuối bài viết đó, tác giả đã không quên “kêu gọi giáo dân chúng ta hãy tẩy chay tờ báo “CGvDT”…”.

Thực ra, đây không phải là lần đầu CGvDT gặp những chuyện như thế. Và làm sao một tờ báo, bất cứ tờ báo nào, với những chọn lựa và lập trường riêng của mình, có thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Đã không ít lần có những người muốn Giáo hội “cấm cửa” tờ báo CGvDT, và cách đây mấy tháng, còn có cả những người đề nghị với Nhà nước “đóng cửa” CGvDT. Nhưng CGvDT vẫn sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, những hiểu lầm nhất thời đó, để thực hiện công việc mà tờ báo đã chọn lựa và tin là có ích cho Giáo hội và cho Đất nước. Vì CGvDT chủ trương tìm cách khai thông một con đường, chứ không phải tìm cách dựng lên những “lô cốt” chặn đứng hay bịt lối con đường hòa giải, con đường đối thoại và nối kết các thành phần dân tộc, các tôn giáo.

Nói trở lại chuyện đường và “lô cốt” trong số này cũng không thể không nhắc đến một con đường mới được mở ra trong tuần qua : Cuộc họp đầu tiên của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican để trao đổi quan điểm về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên (các ngày 16, 17-2-2009 tại Hà Nội). Và cho dù có không ít dư luận, bình luận, suy diễn trước và sau cuộc gặp gỡ từ nhiều phía muốn gán ghép, muốn dựng lên dăm ba cái “lô cốt” đất đai, nhà cửa, hay bàn ghế… trên con đường này, nhưng nếu căn cứ trên những gì chính thức được hai bên công bố (Bản Thông cáo báo chí chung được Việt Nam công bố ngày 18-2-2009 tại Hà Nội và Vatican công bố ngày 20-2-2009 tại Rôma), xem ra cả hai phía đều muốn để cho con đường mới mở ra cứ là con đường để đi tới, “là một bước tiến mới quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh và nhất trí tiếp tục nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy quan hệ song phương” ( trích Thông cáo chung), cho dù còn có thể có nhiều nơi rộng hẹp, chứ không muốn dựng lên những chướng ngại, hay lôi ra những “lô cốt” – thẳng thắn mà nói, không thiếu cho cả hai bên - để làm bế tắc một con đường.