Wednesday, November 12, 2008

Trời ơi! Không ai chịu nhận quản lý “thư pháp” Quốc ngữ!

Trời ơi! Không ai chịu nhận quản lý “thư pháp” Quốc ngữ!
Thứ năm, 11/10/2007, 07:00 GMT+7

“Thư pháp Việt ngữ” với những ảnh hưởng nhất định của nó đã tác động phần nào với đời sống xã hội. Nhưng “nó” là gì, “nó” từ đâu ra, “nó “ làm gì , “nó” sẽ phát triển như thế nào,…? Những câu hỏi tưởng chừng giản đơn nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan chức năng. “Thư pháp chữ Việt” hay “thư pháp Việt ngữ” và các “thư pháp gia” vẫn là các khái niệm tương đối mơ hồ, không chỉ với công chúng mà với cả những nhà quản lý văn hóa. Với họ, “thư pháp Việt ngữ” không khác gì… đứa con vô thừa nhận.

>> Không được mạo danh thư pháp để làm bẩn chữ Quốc ngữ!
>> Xin đừng bôi nhọ chữ Việt!
>> Nhà báo Nguyễn Như Phong: “Phải nghiêm cấm những thí nghiệm đối với chữ Quốc ngữ!”

Không cơ quan quản lý nào dám nhận thách thức


Bất kỳ bộ môn nghệ thuật nào, ngoài sự thừa nhận của số đông còn có sự quản lý của nhà nước, ở nước ngoài thế, ở Việt Nam cũng thế. Nhưng câu hỏi “Cái gọi là thư pháp chữ Việt là cái gì?” đâu dễ dàng có đáp án. Hành trình đi tìm câu trả lời từ cơ quan có chức năng quản lý nó thực sự là một hành trình khó khăn trước khi bài viết này đến với các độc giả.

Nơi liên lạc đầu tiên là Cục Quản lý Văn hóa cơ sở. Câu trả lời: “Chúng tôi không biết việc này! Nhưng chúng tôi sẽ chuyển vấn đề này lên Bộ Văn hóa, Du lịch và Thể thao…”

Liên lạc với Bộ Văn hóa, Du lịch và Thể thao thì phải lần lượt qua… Trung tâm tin học rồi mới đến Tổng đài của Bộ, sang Cục Di sản, hỏi một nhân viên quản lý bên Phòng Quản lý di tích mới tìm được Phòng Quản lý Văn hóa phi vật thể - nơi có thể giải đáp vấn đề bạn đọc quan tâm. Tất cả những khó khăn trên đơn giản xuất phát từ một điều: Không ai đứng ra quản lý “cái gọi là thư pháp Việt ngữ” cả!

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, trưởng Phòng Quản lý Văn hóa phi vật thể mượn lý do “không nắm thông tin”, “bận đi công tác xa lâu ngày”, “vấn đề được đề cập quá đột ngột” để từ chối trả lời chính thức và phủ nhận các ý kiến trước đó theo kiểu cứ để cái gọi là thư pháp Việt ngữ tự sinh, tự diệt.

Đứa con vô thừa nhận của thời đại hay “phát minh” tối nghĩa của một số người?

Quá trình để Thư pháp Hán hay Thư đạo Nhật từ lúc sơ khai, hình thành, phát triển đến nay được tính bằng đơn vị nghìn năm. Nghệ thuật thực sự chứng minh mình bằng cách luôn trường tồn với những giá trị được thừa nhận không chỉ ở một giai đoạn, một đời người mà cả từ thời đại này sang thời đại khác - đấy mới là nghệ thuật chân chính. Vậy thì những thứ nhân danh nghệ thuật vẫn chỉ là sự ngụy biện hay đánh tráo khái niệm ở một số người. Hoặc là họ triệt để lái cái gọi là thư pháp Việt ngữ theo thơ của Nguyễn Bảo Sinh: “Tự lừa còn sướng gấp mười tự do”(?!)

Như đã nói ở trên, một vài người đã thí nghiệm cách viết chữ Việt bằng bút lông theo một số quy tắc của thư pháp Hán nhưng quan điểm của người viết và rất nhiều công chúng độc giả khác: chữ Việt không phải là… chuột bạch! Những “bác sĩ viết chữ” này chỉ có thể giảng dạy, tuyên truyền về cái gọi là thư pháp Việt ngữ theo các khái niệm được đánh tráo, bẻ cong đi hoặc liên hệ vô căn cứ theo hướng có lợi nhất cho mình.

Chưa có một tài liệu nào xác nhận về việc có tồn tại thư pháp ở Việt Nam từ xưa đến nay cả, có chăng chỉ là những hình thức viết chữ đẹp của chữ Hán, chữ Nôm. Vậy cái gọi là thư pháp Việt chỉ có thể tồn tại với những người không hiểu hay cố tình không hiểu, cố tình làm người khác không hiểu vấn đề.

Nhất Linh và Đông Hồ đâu có bàn về thư pháp?


Chưa có một khẳng định nào của thi sĩ Đông Hồ gọi cái ông viết ra là “thư pháp”, dù những “thư pháp gia Việt ngữ” coi ông như thủy tổ của “món ấy”. Ông Đồ trong thơ của Vũ Đình Liên cũng chỉ viết đẹp những nét “phượng múa, rồng bay” chứ có góp tí lý luận nào về thư pháp Việt ngữ? Huấn Cao là hình tượng văn học trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân chứ đâu phải tác phẩm… Thư pháp người tử tù! Vậy thì xin dừng ngay lại việc khoa trương cái không được gọi bằng gì cho đúng theo những luận cứ, luận chứng nửa mùa.

Những điều này càng được… làm tốt thì chỉ càng chứng minh cái được gọi là thư pháp Việt chẳng qua cũng chỉ như một… phát minh tối nghĩa mà thôi.

Còn về trách nhiệm của những người quản lý văn hóa trong vấn đề này, với tư cách của một công dân hẳn sẽ rất nhiều người không hài lòng khi bà Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng Phòng Văn hóa phi vật thể (Bộ Văn hóa - Du lịch - Thể thao) cho rằng: “Thư pháp chữ Việt là một loại hình văn hóa phi vật thể nhưng chúng tôi không quản lý nó.” (?!) Thêm nữa, bà Dung còn nhận định rằng cứ để cái gọi là thư pháp Việt ngữ ấy tự nhiên, tốt thì sẽ phát triển, xấu thì bị mọi người tẩy chay.

Mai Quốc Ấn (VieTimes)

No comments: