Tuesday, October 23, 2007

Thói quen đối phó

Vũ Lưu Xuân

Đối phó là một khả năng ưu việt, giúp một dân tộc, một tập thể, một cá nhân tồn tại trước muôn vàn khó khăn, bất trắc luôn luôn vây bủa chung quanh. Không có khả năng đối phó, chúng ta sẵn sàng buông xuôi, đầu hàng, cam tâm để mặc lịch sử, để mặc dòng đời cuốn trôi. Một quốc gia không có khả năng đối phó với địch họa, chắc chắn sẽ bị nhấn chìm trong vòng nô lệ. Một chính quyền không có khả năng đối phó, chắc chắn sẽ phải đương đầu với những khủng hoảng triền miên về mọi mặt. Ở phạm vi hẹp, một cá nhân nếu không có khả năng đối phó, sẽ lúng túng, bị động trước những tình huống bất ngờ, và chắc chắn sẽ thất bại. Như vậy, hành vi đối phó có một giá trị tích cực, giúp cá nhân và cuộc sống thăng hoa. Nhưng không hiểu từ lúc nào, nội hàm của từ đối phó đã biến dạng và được mở rộng theo hướng tiêu cực, đồng nghĩa với luồn lách, với thủ đoạn bất chính, chỉ nhằm mục đích tạo ra thứ áo giáp an toàn, để thảnh thơi và vô tư thủ lợi. Và cũng không hiểu từ lúc nào, thật buồn, một phần trong chúng ta, giữa đời thường, đã vô tình nhiễm thói quen xấu đó, coi nó như một phương cách tự vệ cần thiết để đương đầu với tập thể, với cộng đồng, kể cả với bạn bè và người thân, mà lẽ ra phải thành thật và chan hòa, từ đó cuộc sống bỗng chốc trở thành một môi trường đầy ắp đố kỵ, lừa lọc, và không khí bỗng chốc đặc quánh chất giả hình.

Viết bài này, xin suy nghĩ về hai chữ đối phó theo nghĩa mới phát sinh, nghĩa xấu.

Những năm gần đây, báo chí đăng tải nhiều phương cách đối phó thật lạ lùng, mà đầu óc con người có thể nghĩ ra. Đối phó với việc đền bù giá thấp, người dân một tỉnh miền Trung đã lấy sơn vẽ lung tung những hình trang trí lòe loẹt trên tường, để được đền bù với giá cao hơn. Đối phó với việc thanh tra, không ít cán bộ các cấp đã tìm mọi cách tiêu hủy hồ sơ, thậm chí đốt cả văn phòng, đốt cả cơ quan. Đối phó với ngành thuế vụ, các doanh nghiệp sẵn sàng lập hai hệ thống sổ sách chứng từ kế toán. Đối phó với người tố giác tiêu cực, lãnh đạo không ngần ngại trù dập, thậm chí hành xử theo luật giang hồ. Cũng có khi Nhà nước và nhân dân tìm cách đối phó với nhau, chẳng hạn như, Nhà nước bất lực trước tình trạng ùn tắc giao thông đã đối phó bằng cách cấm đăng ký xe gắn máy, và nhân dân đối phó lại bằng cách luồn: về tỉnh đăng ký rồi chạy lên thành phố, vô tư sử dụng, v.v. và v.v. Có thể nói, hễ có một quy định đưa ra là lại kéo theo một biện pháp đối phó thiếu minh bạch.

Nguyên nhân dẫn đến hành vi đối phó. Nguyên nhân đầu tiên là những quy tắc pháp luật chưa hoàn thiện, còn nhiều khe hở để cả trên lẫn dưới rủ nhau cùng luồn, đồng thời, trước những rối rắm của cuộc sống đang ào ào chuyển mình, chúng ta chưa tìm được biện pháp khả thi, thường thì chưa lần tới cái gốc để giải quyết triệt để vấn đề, mà chỉ muốn đi tắt bằng cách ngắt ngọn. Tuy nhiên theo tôi, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thói quen đối phó một cách không trong sáng, chính là vấn đề đạo đức xã hội đang từng bước bị xói mòn, từ đó tác động trực tiếp đến con người, khiến con người, muốn tồn tại, càng ngày càng thiếu trung thực, và trong lúc pháp luật chưa có các biện pháp chế tài thật sự công bằng và hợp lý, thì con người, bằng mọi giá, càng ngày càng, bất chấp thủ đoạn, tung hoành, tìm cách đối phó, để vun vén cho lợi ích cá nhân.

Tác hại của hành vi đối phó. Trong môi trường sống mà óc sáng kiến cần phải và cũng luôn có cơ hội đẻ ra muôn vàn mẹo vặt, bất chính, thì chúng ta, một cách tiệm tiến và vô thức, mỗi lúc một sống thiếu tình người, một giả trá, dối trên, lừa dưới, và hèn dần đi, từ đó xã hội phút chốc trở thành một thứ vũ hội hoá trang, mà ở đấy chiếc mặt nạ nào nhìn bề ngoài cũng tưởng lầm là đẹp, mà người nào cũng đáng được tuyên dương, đáng được lĩnh giấy khen. Hơn nữa, trong môi trường luôn luôn đòi hỏi phải gằm ghè toan tính, thủ thế, căng thẳng, con người, một khi gặp dịp, dễ trở nên tàn bạo, bất nhân đối với kẻ… yếu hơn, rồi cứ thế diễn ra cảnh cá lớn nuốt cá bé, thượng đội, hạ đạp, rồi cứ thế diễn ra cảnh chèn ép, trù dập, huỷ diệt lẫn nhau. Chúng ta từng thấy nhiều người trong đời thường rất hiền lành, hoà nhã, nhưng một khi đã vào guồng, cũng sẵn sàng xuống tay tàn độc. Chẳng lẽ cuộc sống lại đáng buồn thế sao?

Lướt qua phạm vi giáo dục, gần đây đã có nhiều chị đạo nhằm chấn chỉnh các tệ nạn, nhưng cũng chính vì thế mà hành vi đối phó lại được dịp biến hoá và xuất hiện tràn lan. Nếu không được chặn đứng, nó thực sự là một nguy cơ đối với chặng đường phát triển bền vững của đất nước.

Đứng trước chỉ thị cấm lạm thu, ban giám hiệu một số trường đã dùng Hội Phụ huynh như một cánh tay nối dài, để đối phó với sở, bộ và các bậc cha mẹ, nhằm hợp thức hoá những khoản thu phi pháp, dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện (xem bài “Nóng” v/đ ban Đại diện phụ huynh, báo Người Lao Động 23.10.2007), hoặc sẵn sàng đặt sở, bộ trước những sự việc đã rồi (cụ thể vụ 18 trường ở Đà Lạt). Để đạt thành tích, có hiệu trưởng, giáo viên sẵn sàng đối phó bằng cách sửa điểm kiểm tra (trường hợp bà Trần Thị Thu Hà trường PTCS Liên Đầm, Lâm Đồng) . Để đạt thành tích trong kỳ thi tốt nghiệp, thay vì học thật, nhiều trường đã đối phó bằng cách học tủ, học vẹt, bắt chấp hậu qủa của biện pháp phản giáo dục này. Để đối phó với việc lên lớp, một số thầy cô đã thản nhiên đi chợ giáo án, hoặc phô tô tài liệu có sẵn của các bậc đàn anh (xem Vietnamnet 8, 10, 12.10.2007). Để đối phó với học sinh phá phách, một vài thầy cô né tránh không trực tiếp đánh đòn, mà cho bạn bè tát nhau. Để đối phó với việc kiểm tra, nhiều học sinh tích cực quay cóp một cách khéo léo, từ đó tạo ra những lỗ hổng kiến thức. Để đối phó với việc cấm đi xe phân khối lớn, nhiều học sinh gửi xe chỗ khác, rồi đi bộ tới trường, v.v. và v.v.

Điều đáng lưu ý là hầu như tất cả các cố gắng hiện nay của ngành giáo dục mới chỉ xoay quanh vấn đề chất lượng, mà thả nổi, hoặc chưa có biện pháp hữu hiệu để xoáy vào công tác đào tạo những lớp người có phẩm chất đạo đức. Thật ra, trong giáo dục, cung cấp kiến thức thực tiễn, để áp dụng trong mọi phạm vi hoạt động, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, là cần, nhưng rèn luyện chất người cũng là điều là quan trọng không kém, đặc biệt trong giai đoạn đạo đức xã hội đang xuống cấp thấy rõ hiện nay.

Nên nhớ rằng, một đất nước có số học sinh thi đỗ tốt nghiệp cao, có một đội ngũ đông đảo kỹ sư, các nhà khoa học, chưa hẳn là một nước có nhiểu nhân tài, một cơ quan có nhiều cán bộ đạt trình độ đại học và trên đại học chưa hẳn là một cơ quan có nhiều người giỏi, thực sự hữu dụng, một khi thành qủa đạt được phần lớn dựa và thủ đoạn đối phó, và như thế cũng chẳng có gì đáng để khoe khoang, hãnh diện với bè bạn năm châu.

Lại cũng nên nhớ rằng, vấn đề nhân sự quyết định thành công mọi chính sách, nếu chúng ta chỉ đào tạo được những con người, những thế hệ có nhiều thủ pháp đối phó, thì mong gì đưa đất nước đi lên.

Công Giáo Và Dân Tộc số 1630