Wednesday, March 5, 2008

ĐỌC THƯ ĐỨC HỒNG Y QUỐC VỤ KHANH TÒA THÁNH GỞI ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC NGÔ QUANG KIỆT

Lm Trương Bá Cần

Tuần Báo Công giáo và Dân tộc số 1644, tuần lễ từ 22-2 đến 28-2-2008, đã đăng tải toàn bộ bức thư (bản dịch tiếng Việt) của Đức Hồng y Bertone, Quốc vụ Khanh Tòa Thánh, gởi Đức Tổng giám mục Hà Nội, Giuse Ngô Quang Kiệt, đề ngày 30-01-2008.

Đây là một bức thư nội bộ giữa hai vị giáo phẩm cao cấp trong Giáo hội Công giáo: bên gởi là Quốc Vụ Khanh Tòa thánh là thủ tướng của Nhà nước Vatican và là giáo phẩm đứng đầu guồng máy giáo triều Roma và bên nhận là vị giám mục đứng đầu Tổng giáo phận Hà Nội.

Tuy nhiên đây cũng là một văn bản mang tính ngoại giao cao với một cấu trúc rất văn học: bức thư chỉ trên dưới 300 từ, nhưng gồm, ngoài một lời mở đầu và một lời kết, ba phần rõ rệt. Tất cả đều ngắn gọn và súc tích như nhau.

Lời nói đầu cho biết tại sao có bức thư, với những lời lẽ như sau:

Như Đức cha có thể biết, Phủ Quốc Vụ Khanh rất chú ý và quan tâm đến những biến cố, trong những ngày qua tại Hà Nội, liên quan đến những căng thẳng giữa Tổng giáo phận của Đức cha và Chính quyền sở tại, về các quyền sở hữu và sử dụng tòa nhà kế cận tòa giám mục, trong nhiều năm, đã đón nhận Khâm sứ Tòa Thánh ở Việt Nam.

Phần một, nói về sự thán phục trước những tâm tình của các giáo hữu họp nhau cầu nguyện trong sân Tòa Khâm sứ, chỉ gồm một đoạn như sau:

Tôi tràn đầy thán phục trước những tình cảm sốt sắng và sự gắn bó sâu đậm với Giáo hội và Tòa thánh, được biểu lộ qua việc hàng ngàn giáo hữu tập họp một cách ôn hòa, ngày này qua ngày khác, để cầu nguyện trước tòa nhà, đã trở thành biểu tượng, nhằm yêu cầu các vị lãnh đạo dân sự cứu xét các nguyện vọng của cộng đồng Công giáo.”

Phần hai, nói về sự quan ngại trước các cuộc biểu dương cầu nguyện kéo dài, cũng chỉ có một đoạn như sau:

Nhưng đàng khác, sự kiện là những cuộc biểu dương như vậy, cứ tiếp tục không khỏi gây ra lo lắng bởi vì, như thường xảy ra trong các trường hợp tương tự, có thể có nguy hiểm thực sự là không kiểm soát được tình hình, có nguy cơ trở thành biểu tình bạo ngôn và bạo loạn.”

Phần ba, chủ yếu là những lời có tính cách chỉ đạo để giải quyết vụ việc, cũng chỉ có một đoạn như sau:

Bởi vậy, nhân danh Đức Thánh cha, luôn luôn được thông tin về diễn biến của tình hình, tôi xin Đức cha can thiệp để tránh những hành động có thể gây xáo trộn trật tự công cộng và để người ta trở về tình trạng bình thường. Như vậy, trong một bầu không khí bình thản hơn, có thể nối lại đối thoại với chính quyền, hầu tìm được một giải pháp thích hợp cho vấn đề tế nhị này.”

Lời kết, cuối cùng, là một lời hứa như sau:

Tôi cam đoan với Đức cha rằng, về phần mình, Tòa thánh, như vẫn luôn làm, sẽ không bỏ lỡ việc giải thích cho Chính phủ của quê hương Đức cha, về những nguyện vọng chính đáng của người Công giáo Việt Nam.

Trên đây là toàn văn bức thư của Đức hồng y Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gởi Đức Tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt, đề ngày 30-01-2008; chúng tôi chỉ không ghi lại lời chào thủ tục ở đầu thư và cuối thư.

Khi đăng bài tường trình “về vụ Tòa Khâm sứ Hà Nội” trên Tuần báo CÔNG GIÁO VÀ DÂN TỘC số 1644, sau khi tóm lược bức thư, người viết chỉ trích đăng một câu có tính cách chỉ đạo và có khả năng làm chuyển biến tình hình với nội dung là yêu cầu Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt “can thiệp để tránh những hành động có thể làm xáo trộn trật tự công cộng và để người ta trở về tình trạng bình thường.

Có người trách chúng tôi là chỉ trích “một đoạn trong thư của Đức hồng y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh lo lắng về khả năng bùng nổ bạo loạn,” mà không đề cập đến sự thán phục của Đức hồng y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trước việc giáo hữu tụ họp cầu nguyện trước Tòa Khâm sứ.

Nói như thế là không biết rằng: Tuần báo CÔNG GIÁO VÀ DÂN TỘC, trong số 1644, khi đăng bài tường trình “về vụ Tòa Khâm sứ ở Hà Nội”, cũng đã đăng toàn văn (bản dịch tiếng Việt) bức thư của Đức hồng y Quốc Vụ Khanh ngay ở trang 7 trong cùng một số báo để mọi người có thể tham khảo rộng rãi.

Trở lại với bức thư đề ngày 30-01-2008 của Đức hồng y Quốc Vụ Khanh, chúng ta có thể nói rằng nhờ sự quan tâm đặc biệt của Tòa Thánh mà việc cầu nguyện lâu ngày tại Tòa Khâm sứ ở Hà Nội đã có thể kết thúc đúng lúc. Bởi vì việc cầu nguyện ở Tòa Khâm sứ Hà Nội bắt đầu từ ngày 18-12-2007 và không biết là bao giờ có thể kết thúc.

Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt có lẽ cũng không muốn việc cầu nguyện ở Tòa Khâm sứ kéo dài và thấy là đã đến lúc có thể kết thúc, nhất là sau khi nhận được thư của Đức hồng y Quốc Vụ Khanh. Trong trong thư đề ngày 01-02-2008, ngài viết: “Nhờ lời cầu nguyện tha thiết của anh chị em, công việc đã có kết quả. Sau những căng thẳng, đã có đối thoại ... để đi đến một giải pháp tốt đẹp. Giải pháp này sẽ được thực hiện qua những bước cụ thể trong tôn trọng lẫn nhau theo ý kiến của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Bước đầu tiên vừa hoàn thành, đó là dịch vụ kinh doanh đóng cửa quán phở, giáo dân tháo gỡ lều bạt và cung nghinh Thánh giá về. Bước đầu tiên này cũng phù hợp vì hiện nay trời rất lạnh và anh chị em phải chuẩn bị đón Tết. Tôi không đành lòng nhìn thấy anh chị em phải giá lạnh giữa trời mưa đông rét mướt.”

Tuy vậy có người vẫn không bằng lòng với bức thư của Đức hồng y Quốc Vụ Khanh gởi Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đề ngày 30-01-2008 và với bức thư của Đức tổng giám mục Ngô Quang Kiệt gởi các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và anh chị em giáo dân trong Tổng giáo phận Hà Nội đề ngày 01-02-2008.

Một giáo dân, xưng tên là Nguyễn Học Tập ở Ý quốc, trong một bức thư dài 4 trang đánh máy khổ A4, gởi Đức hồng y Bertone đề ngày 01-02-2008, sau khi nói lên những lời cảm ơn nồng nhiệt và ước mong Tòa Thánh tiếp tục can thiệp để đất đai của Giáo hội ở Huế, Đà Lạt, Sài Gòn ... được trả về cho Giáo hội, cuối cùng đã nói lên một nỗi buồn và thất vọng như sau:

Trong suốt cuộc sống phải tranh đấu với Cộng sản, chúng con chưa bao giờ thấy tình trạng tranh đấu có lạc quan, hứng khởi như trong những ngày qua. Chúng con cảm thấy nỗ lực của Tổng Giáo phận Hà Nội đang trong thế thượng phong, như diều gặp gió … thế mà qua bức thư của Đức hồng y Quốc Vụ Khanh gởi cho Tổng giám mục Hà Nội, chúng con cảm nhận thấy một cái gì ... tiêu cực, bi quan ... giống như con diều đứt dây, con chim bị tên, chúng con rất buồn ... nếu không muốn nói là thất vọng.

Tác giả Duyên Lãng Hà Tiến Nhân, trong bài “Tưng bừng khai trương, âm thầm dẹp tiệm”, trên trang web tiengnoigiaodan, mỉa mai viết:

Chiến dịch đốt nến cầu nguyện của giáo dân Hà Nội bùng lên như trái banh được bơm hơi, rồi lại tự dưng xẹp xuống cái rụp làm chưng hửng ngay cả những giáo dân ngày đêm cầu nguyện tại tòa Khâm Sứ, làm ngỡ ngàng nhiều người vốn xưa nay tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo tài ba và khôn khéo của Giáo Hội, làm thất vọng hàng triệu con tim VN đang trông đợi và hy vọng, làm phẫn nộ không ít người đang tranh đấu cho những quyền lợi tối thượng của dân tộc. Hiện tượng thắp nến cầu nguyện phồng lên rồi xẹp xuống này nên được diễn tả theo ngôn ngữ của người Việt tỵ nạn tại Mỹ, vừa sâu sắc, vừa dí dỏm là “tưng bừng khai trương, âm thầm dẹp tiệm.

Đối với những người ở nước ngoài, có thể suy nghĩ như vậy.

Nhưng đối với chúng ta, những người ở trong nước, thì bức thư của Đức hồng y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gởi Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt ngày 30-01-2008 là một hồng ân cho Tổng giáo phận Hà Nội cũng như cho Giáo hội Việt Nam. Một hồng ân mà chúng ta có được dưới triều đại của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI.

Vì vậy, trong tâm tình biết ơn, chúng ta hy vọng rằng cuộc đối thoại giữa giáo quyền và chính quyền ở Hà Nội sẽ được sớm nối lại để tìm ra một giải pháp thích hợp cho một vấn đề tế nhị, như Đức hồng y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói và mong ước.

(Báo Công giáo và Dân tộc số 1647)

VỀ NHÀ ĐẤT CỦA TÒA KHÂM SỨ Ở HÀ NỘI

Lm Trương Bá Cần

Vừa qua một số giáo hữu Hà Nội đã tụ họp cầu nguyện nhiều ngày trước Tòa Khâm sứ cũ ở số 42 phố Nhà Chung, để yêu cầu nhà nước trả lại nhà và đất của Tòa Khâm sứ cũ cho Tổng giáo phận Hà Nội.

Một vài dư luận của Phật tử, tán phát trên mạng, cho rằng: Nếu có phải trả Tòa Khâm sứ ở 42 Phố Nhà Chung, thì phải trả cho Phật giáo, vì đất xây Nhà thờ Lớn Hà Nội và xây Tòa Khâm sứ là đất của Chùa Báo Thiên.

Trong những ngày qua lại thấy trên Internet Văn thư của Hòa thượng Thích Trung Hậu, Trưởng Ban Văn hóa Trung ương, T.U.N Ban thường trực HĐTS GHPGVN, gởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khẳng định rằng: “Chùa Báo Thiên, một di sản văn hóa đồ sộ vào bậc nhất nước ta tọa lạc trên khu đất rộng vài ngàn mét vuông, đã bị đập phá rồi xây Nhà thờ Lớn Hà Nội và Tòa Khâm sứ lên trên đó. Vừa qua, một số người lên tiếng đòi Chính phủ giao trả Tòa Khâm sứ ấy cho Thiên Chúa giáo, gây nhiều xôn xao trong quần chúng nhân dân. Chúng tôi đề nghị Thủ tướng nên xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một trong những thành phần chủ yếu để tham khảo trước khi có quyết định cụ thể liên hệ đến sự việc trên.”

Văn bản nói trên đề ngày 16-02-2008 được chụp và lưu hành trên Internet, với con dấu của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chữ ký của Hòa thượng Thích Trung Hậu.

Có lẽ đã đến lúc phải phân định rõ ràng quyền sở hữu nhà và sở hữu đất của Tòa Khâm sứ Hà Nội để nếu có phải trả, thì trả cái gì và trả cho ai.

I. VỀ QUYỀN SỞ HỮU NHÀ

Về Nhà thờ Lớn Hà Nội, được khởi công xây dựng năm 1884 và được đưa vào sử dụng năm 1887, với kinh phí của Tòa giám mục Tây Đàng Ngoài, nên rõ ràng là sở hữu của Tổng giáo phận Hà Nội ngày nay.

Còn về Tòa Khâm sứ ở cạnh Tòa Tổng giám mục ngày nay, do chưa tìm thấy chứng từ nào xác thực, nên trong bài tường trình đăng trên Tuần báo CÔNG GIÁO VÀ DÂN TỘC số 1644, chúng tôi chỉ đặt ra giả thuyết, đại khái, là: Đức Khâm sứ Ajuti (1925-1928) là vị khâm sứ đầu tiên ở Đông dương, đặt văn phòng làm việc tạm thời ở Hà Nội, không rõ là tại đâu. Tòa Khâm sứ chính được bắt đầu xây tại Huế từ giữa năm 1926; hai vị khâm sứ kế tiếp (Đc Dreyer 1929-1939 và Đc Drapier 1939-1946) đã ở và làm việc tại Tòa Khâm sứ chính thức ở Huế; Đức Khâm sứ Dooley, được bổ nhiệm năm 1950, đặt trụ sở tại Hà Nội: lúc này, ở Hà Nội hình như, ngoài tòa giám mục, không có cơ sở nào phù hợp để làm Tòa Khâm sứ, nên Tòa Khâm sứ hiện có ở số 42 Nhà Chung có thể đã được xây dựng năm 1950-1951.

Có người cho rằng chúng tôi đã “nhầm lẫn vấn đề từ căn bản” và trích bài trả lời phỏng vấn đài BBC của ĐTGM Ngô Quang Kiệt để minh chứng: khi phóng viên đài BBC hỏi có phải Tòa Khâm sứ gắn liền với thời thực dân nên bây giờ bị chính quyền thu lại không, “Đức Tổng (Giám mục) Hà Nội đáp lại ngay rằng không có chuyện Tây hay Tàu gì ở đây cả. Khu đất và Tòa Khâm sứ đó là của Tòa giám mục Hà Nội cho Đức Khâm sứ mượn, bây giờ không ở nữa thì trả lại cho Tòa tổng giám mục. Đức Khâm sứ đã viết thư cảm ơn và trả lại hẳn hoi. Như vậy trước khi cho mượn, trong khi mượn và sau khi Đức Khâm sứ ra đi, thì chủ sở hữu hợp pháp của Tòa Khâm sứ vẫn là Tòa giám mục Hà Nội.”

Chúng tôi hiện chưa có trong tay một văn bản chính thức nào của Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt về quyền sở hữu ngôi nhà Tòa Khâm sứ Hà Nội và không biết những lời trên đây có ghi lại đúng phần trả lời đài BBC của ngài hay không.

Nhưng chắc chắn là lúc xây dựng ngôi nhà làm Tòa nhà Khâm sứ Hà Nội vào những năm trước hay sau năm 1950, “không có Tây hay Tàu nào cả,” mà chỉ có Tòa giám mục Hà Nội hay Tòa Thánh mà thôi.

Tuy nhiên cũng cần phải có xác định một cách có thẩm quyền là Tòa giám mục Hà Nội đã cho Đức Khâm sứ Dooley mượn ngôi nhà do Tòa giám mục Hà Nội xây để làm Tòa Khâm sứ hay Tòa Thánh đã bỏ kinh phí xây dựng ngôi nhà Tòa Khâm sứ trên đất do Tòa giám mục Hà Nội cho mượn.

II. QUYỀN SỞ HỮU ĐẤT

Theo Bằng khoán điền thổ số 1765 lập ngày 18-4-1933, (được tán phát trên Internet) Khu Nhà thờ Chính tòa: diện tích 11.478 m2. Chủ trước: Đất mua đã lâu đời không rõ. Hiện chủ: Séminaire des Missions Etrangères dont le siège est à Paris, 128 rue du Bac, représenté par la Mission de Hà Nội (dịch nghĩa: Chủng viện Truyền giáo Nước ngoài trụ sở tại Paris 128 Phố Bắc, do Nhà Chung Hà Nội đại diện).

Nhà chung Hà Nội (tức Tòa giám mục Hà Nội) theo Bằng khoán điền thổ năm 1933, đã có quyền sở hữu đối với thửa đất 11.478m2 trên đó có Tòa Khâm sứ cũ và từ năm 1933 cho tới nay hình như chưa có một chuyển dịch nào khác trên thửa đất ấy. Khu đất xây Tòa Khâm sứ là do Tòa giám mục Hà Nội cho mượn: trước lúc rời Hà Nội, Đức Khâm sứ Dooley đã có thư cám ơn Tòa Giám mục Hà Nội đã cho Tòa Khâm sứ mượn đất.

Theo tác giả André Masson (trong cuốn “Ha Noi pendant la période héroique (1873-1888)” Paris 1929 trang 61-62), Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ đã cho phá bỏ Chùa Báo Thiên rồi làm thủ tục nhượng địa không bồi hoàn thửa đất tịch biên ấy cho Nhà Chung, để xây Nhà thờ Lớn Hà Nội.

Không biết khu đất của Chùa Báo Thiên chỉ đủ xây Nhà thờ Lớn Hà Nội hay còn đất để xây Tòa Khâm sứ hay không, hiện chúng ta chưa thấy tài liệu nào đáng tin cậy nói tới.

Ngoài Bằng khoán điền thổ được lập ngày 18-4-1933 và chứng từ của tác giả André Masson, còn có tài liệu nào khác về đất đai của Nhà chung Hà Nội nữa hay không? Chúng tôi thiết nghĩ các cơ quan quản lý hồ sơ địa bạ, địa chánh của thủ đô cần cho sưu tầm và công bố để làm rõ.

*

Như thế xét cho cùng, quyền sở hữu Nhà thờ Lớn Hà Nội thì đã quá rõ ràng; còn quyền sở hữu thực sự ngôi nhà Tòa Khâm sứ chỉ có thể thuộc về Tòa Tổng giám mục Hà Nội hay thuộc về Tòa Thánh Vatican mà thôi, chứ không thuộc về ai khác.

Riêng khu đất, trên đó hiện có Nhà thờ Lớn Hà Nội và Tòa Khâm sứ, xưa kia là đất của Chùa Báo Thiên, nay theo Bằng khoán điền thổ là đất thuộc sở hữu của Tòa Tổng giám mục Hà Nội, không biết Tòa án nào có thể phân xử một cách thỏa đáng cho các bên, ngoài Tòa án của lương tâm hay Tòa án áp đặt của kẻ chiến thắng.

Phật giáo và Công giáo hiện đang sống bằng yên với nhau trên một đất nước Việt Nam độc lập và thống nhất, trong đó mọi người đều bình đẳng, không có kẻ thắng người thua.

Năm 1882, quân đội Pháp thắng và quân đội của triều đình Huế thua, người Việt Nam theo Công giáo cũng như người Việt Nam theo Phật giáo đều là những người dân bị trị.

Sau ngày 30-4-1975, Việt Nam sạch bóng quân xâm lược, người Việt Nam được hoàn toàn làm chủ đất nước của mình.

Trong lúc toàn dân đang ra sức xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, liệu có nên vì mấy ngàn thước vuông đất mà làm xấu đi hình ảnh tốt đẹp đã có được về nhau, hay có nên chỉ vì những quyền lợi nhỏ mà gây nên tranh chấp, hận thù là những thiệt hại lớn, và làm trái với đạo bác ái tình thương cũng như đạo từ bi hỉ xả không?

(Trích báo cgvdt số 1646)

PHẢI CHĂNG NHÀ THỜ ĐỨC BÀ SÀI GÒN CŨNG ĐÃ ĐƯỢC XÂY TRÊN ĐẤT CỦA PHẬT GIÁO ?


Lm Trương Bá Cần

Theo như một số Phật tử hải ngoại viết và phổ biến trên Internet, thì “không chỉ nhà thờ lớn và Tòa Khâm sứ ở Hà Nội, mà nhà thờ lớn tại Tp. Hồ Chí Minh cho … đến Thánh địa Lavang cũng phải trả về cho Phật giáo.”

Về đất của Thánh địa Lavang ở Quảng Trị thì tôi chưa có dịp tìm hiểu và cũng chưa thấy ở đâu nói là đất đó trước đây thuộc Phật giáo.

Còn nhà thờ lớn Hà Nội, thì trên tuần báo Công Giáo và Dân Tộc số 1461, tuần lễ từ 11-6 đến 17-6-2004, ở trang 29-30-31, trong bài viết nhan đề “Nhà thờ lớn Hà Nội xây trên nền chùa Bảo Thiên”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho biết là: “Chùa Bảo Thiên có tháp cao vút là một danh lam thắng cảnh của Thăng Long … Do hai đợt Pháp chiếm Thăng Long năm 1873 và năm 1882, chùa Bảo Thiên trở thành hoang phế rồi nhường chỗ cho nhà thờ lớn Hà Nội xây lên.” Ông Nguyễn Đình Đầu dựa vào Tác giả André Masson (viết trong cuốn “Hà Nội pendant la période historique (1873-1883)” xuất bản tại Paris năm 1929, trang 61-62) cho biết rõ hơn rằng: Khoảng cuối năm 1882, Đức cha Phước (Puginier)… nhìn thấy cảnh chùa Bảo Thiên gần đó là thích hợp nhất (để xây nhà thờ). Ngài liền ngỏ ý với Công sứ Bonnal ở Hà Nội xem có cách nào xin được khuôn viên đẹp đẽ ấy. Bonnal hội ý với Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ và căn cứ vào tờ trình của kỳ mục phố phường là “chùa và tháp đã cũ kỹ rệu rạo, có nguy cơ sụp đổ bất thình lình gây thương vong cho người qua lại,” Nguyễn Hữu Độ “cho phá bỏ nhà chùa, tịch thu đất vô chủ đưa vào mục công thổ, rồi làm thủ tục nhượng địa không bồi hoàn thửa đất tịch biên ấy cho Nhà chung.” Công sứ Bonnal viết: “Tôi vui mừng đưa tận tay giám mục bằng khoán với quyền sở hữu tuyệt đối.”

Riêng về đất trên đó đã xây dựng nhà thờ lớn Sài Gòn như chúng ta còn thấy hiện nay, thì theo sự tìm hiểu của tôi, hiện chưa thấy có một chứng cứ nào về quyền sở hữu của Phật giáo trên đất này.

Chúng ta biết là trong thời kỳ bị truy nã gắt gao nhất là những năm dưới triều Vua Tự Đức trước lúc Pháp đến, Đức Giám mục Lefèbvre, đại diện tông tòa Địa phận Tây Đàng Trong tức Giáo phận Tp Hồ Chí Minh hiện nay, không có chỗ ở nhất định, nên không có nhà thờ chính tòa.

Tháng 2-1859, sau khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn, Đức Giám mục Lefèbre về ở tại khu vực Giáo xứ Xóm Chiếu ngày nay, lúc đó gần nơi tàu binh của Pháp đậu, và làm ở đó một nhà thờ bằng tranh tre. Sau đó, Đức Giám mục Lefèbvre đã sửa sang một cái miếu thờ thần thành hoàng bỏ hoang, ở gần cảng Nhà Rồng hiện nay, làm nhà thờ, có thêm hai cánh nên gọi là nhà thờ Thánh Gía. Ở đây hiện không có nhà hay đất nào thuộc sở hữu của Giáo hội Công giáo.

Sau khi Pháp chọc thủng được đồn Kỳ Hòa và đóng quân trên đất Sài Gòn, Đức Giám mục Lefèbvre được giao cho một ngôi chùa bỏ trống để làm nhà thờ chính tòa, trên đường Ngô Đức Kế ngày nay (xưa là rue Vannier).

Ngôi nhà thờ – chùa, ở đường Ngô Đức Kế, có lẽ không còn phù hợp nên ngày 28-8-1863, chính quyền thuộc địa đã khởi công xây cho Đức Giám mục Lefèbvre một nhà thờ mới ở trong khu vực Chợ Cũ ngày nay được bao quanh bởi các đường Hàm Nghi, Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng và Tôn Thất Thuyết.

Ngôi nhà thờ chính tòa xây năm 1863, chỉ 10 năm sau, đã bị mối mọt đục khoét, không sử dụng được, nên năm 1875 chính quyền thuộc địa đã cho Giáo hội được sử dụng phòng khánh tiết của Dinh Thống đốc cũ (sau này là trường Taberd, nay là trường Trần Đại Nghĩa), tạm thời làm nhà thờ chính tòa. Đất của ngôi nhà thờ – chùa ở đường Nguyễn Công Trứ đã được trả lại cho công thổ.

Ngày 7-10-1877, khởi công xây dựng nhà thờ chính tòa mà chúng ta còn thấy ngày nay, có lẽ trên một khu đất trống trước dinh Thống đốc Nam Kỳ (Dinh Thống nhất ngày nay), chứ không phải lấy đất của Phật giáo để xây nhà thờ cho Công giáo. Năm 1877, tức 15-16 năm sau khi Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp, đất đai ở trung tâm Thành phố Sài Gòn đã được định hình, công – tư rõ ràng. Từ quảng trường, phía sau Nhà thờ Đức Bà, cho tới Dinh Thống nhất ngày nay, chúng ta còn thấy hai bên đường Lê Duẩn còn hai khoảng đất trống làm công viên.

Còn về Tòa Giám mục của Địa phận Tây Đàng Trong – Sài Gòn, từ năm 1861, Đức Giám mục Lefèbvre được cấp cho ngôi nhà của một vị quan bỏ trống trên đường Nguyễn Công Trứ ngày nay (xưa là rue Lefèbvre).

Năm 1870, một Tòa Giám mục mới được chính quyền thuộc địa xây cho Đức Giám mục Miche, người kế nhiệm Đức Giám mục Lefèbvre, nằm trên đường Alexandre de Rhodes ngày nay (xưa là rue de l’évêché).

Sau khi Luật tách rời Giáo hội và Nhà nước (Loi de séparation de l’Eglise et de l’Etat) được Quốc hội Pháp thông qua năm 1905, Tòa Giám mục ở đường Alexandre de Rhodes bị thu hồi, Đức Giám mục Mossard cho xây tòa giám mục tại số 180 đường Nguyễn Đình Chiểu như chúng ta còn thấy ngày nay.

Tòa Giám mục cũ ở đường Alexandre de Rhodes được Hội Truyền giáo Nước ngoài Paris mua lại để làm trụ sở của Hội ở Đông dương. Chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã mua lại nhà của Hội Truyền giáo nước ngoài Paris, ở đường Alexandre de Rhodes, để làm Bộ Ngoại giao (nay là Sở Ngoại vụ Tp. Hồ Chí Minh). Hội Truyền giáo Nước ngoài Paris đã xây trụ sở mới ở số 11 đường Nguyễn Du trên đất của Chủng viện Sài Gòn. Đất của chủng viện Sài Gòn gồm 40.000 thước vuông được cấp từ năm 1862, chưa hề thấy ai nói là đất đó của Phật giáo bị tước đoạt cấp cho Công giáo làm chủng viện.

Nói tóm lại là hiện không có căn cứ nào để nói là Nhà thờ Chính tòa của Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh, cũng gọi là nhà thờ lớn hay Nhà thờ Đức Bà, được xây dựng trên đất của Phật giáo. Một sự mạo nhận không căn cứ, dẫu chỉ tán phát trên Internet, cũng rất nguy hiểm bởi vì có thể gây nghi ngờ nghi kỵ, tranh cãi tranh chấp, thậm chí hận thù giữa Phật giáo và Công giáo, là hai tôn giáo vốn đang sống chung hòa bình một cách tốt đẹp trên đất nước Việt Nam hôm nay.

(Trích báo CGvDT số 1645)