Monday, December 10, 2007

Sunday, December 2, 2007

Lại rộn lên chuyện tăng học phí

Xuân Huy

Chuyện tăng học phí gây bức xúc nặng nề cho người dân trong kỳ khai giảng năm học mới hồi tháng 9.2007 vừa rồi, đã tạm lắng yên được một thời gian ngắn, bởi dù sao, muốn cho con em được đến trường thì học phí cỡ nào phụ huynh cũng phải không thể không đóng. Nay câu chuyện học phí lại rộn lên là do có nguồn tin Việt Nam đang chuẩn bị khung học phí mới, liên quan đến một đề án học phí sẽ được trình Chính phủ và dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 9.2008. Điều nầy cho thấy Bộ GD-ĐT hoặc không quan tâm mấy đến phản ứng của dư luận xã hội, hoặc đã tìm được cho mình những lý lẽ-luận chứng rất vững chắc cho vấn đề tăng học phí, đủ để biện minh cho dự án.

Kể ra như vậy Bộ GD-ĐT cũng là một bộ gây bất an và phiền lòng cho quốc dân khá nhiều, do từ rất nhiều năm đã đưa ra quá nhiều thứ điều chỉnh, thay đổi, từ chuyện sách giáo khoa, chương trình học, cải cách chữ viết, cho đến các quy định mới về phương thức thi cử mà trình độ một sinh viên Việt Nam bình thường không thể đọc hiểu nổi nếu không đi dự những buổi sinh hoạt đặc biệt để nghe giải thích.

Trong những thời kỳ quá độ và chuyển đổi, đôi khi người dân phải chấp nhận một số sự phiền toái đến với mình mà vẫn cảm thông với Chính phủ, nhưng đây lại không phải là một trường hợp như thế. Bởi chiến tranh đã chấm dứt từ lâu, đất nước luôn được báo cáo phát triển toàn diện về mọi mặt, trong đó ngành giáo dục cũng được báo cáo tuy còn một số hạn chế nhưng cơ bản vẫn liên tục phát triển tốt, thì cái sự gây bất an cho người dân theo lôgic bình thường lẽ ra phải ngày càng giảm bớt chứ không gia tăng và gây hồi hộp như hiện nay, như thế mới đúng và đáng gọi là phát triển.

Theo ông Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết thì nội dung cái đề án nầy cũng không kém phần phức tạp, “Học phí sẽ được điều chỉnh nhưng sẽ có nhiều mức học phí phù hợp với các loại hình trường, các mức chất lượng khác nhau, các ngành khác nhau. Ngay trong cùng một trường, một ngành cũng có cũng có những mức học phí khác nhau phù hợp với các đối tượng SVHS, tương ứng với các mức miễn giảm...”.

Tóm lại là với đề án học phí mới sơ lược như trên, sẽ có nhiều cách phân biệt đối xử rất khác nhau tùy theo đối tượng, điều nầy tất yếu sẽ làm cho việc áp dụng học phí trên thực tế trở nên phức tạp đi nhiều do phải phân tích, quy loại cho từng nhóm đối tượng và các ngành đào tạo cũng như chất lượng đào tạo của mỗi loại hình trường. Điểm nổi bật nhất trong đề án là vẫn không thấy nói đến việc miễn học phí ở các trường công lập, ít nhất ở bậc tiểu học như Hiến pháp đã quy định. Điều nầy cho thấy rõ, hoặc Bộ GD-ĐT trong khi biên soạn đề án không quan tâm tham khảo gì đến bộ luật cao nhất của quốc gia, hoặc bản thân bản hiến pháp năm 2001 cũng đã không dự trù đúng tình hình thực tế của đất nước, khi nó nêu rõ một điều (điều 59) mà cho đến nay vẫn chưa làm được và cũng chưa bao giờ thấy Bộ GD-ĐT có một biểu hiện cố gắng nào để thực hiện: “Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí”. Cách làm việc nầy thật trái với chủ trương coi giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Liên quan đến đề án điều chỉnh học phí của Bộ GD-ĐT, những ngày gần đây dư luận xã hội từ phía người dân lẫn giới trí thức lại vang lên những tiếng nói phản ứng khác nhau, nhưng tựu trung thì hầu hết đều... không đồng tình. Nhiều người chú ý đến một bài viết mới đây của tác giả Trần Hữu Quang (Viện Nghiên cứu xã hội TP. HCM), trong đó tác giả đã đưa ra những luận chứng rất vững chắc và đề nghị hợp lý, để bác bỏ việc tăng học phí, đồng thời còn đi xa hơn khi đề nghị phải cần sớm miễn học phí ở các trường công lập: “Lẽ tất nhiên, không ai kỳ vọng có thể thay đổi ngay lập tức được mọi thứ trong hệ thống giáo dục, kể cả chuyện học phí và ngân sách cũng thế. Nhưng trước mắt, chúng tôi đề nghị ít ra ngưng lại chủ trương tăng học phí, để sớm tính toán ngay lộ trình tiến tới việc xóa bỏ hoàn toàn học phí và tất cả các khoản phí đóng góp khác trong trường công- vốn là một thứ “tồn tại” của một thời bao cấp đầy khó khăn cách nay hơn ¼ thế kỷ” (báo Tuổi Trẻ, 14.11.2007).

Trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề liên quan, cho rằng việc tăng học phí trong bối cảnh hiện nay là không thuyết phục, GS-viện sĩ Phạm Minh Hạc (nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục, chủ tịch Hội cựu giáo chức Việt Nam) đã phát biểu khẳng định: “...Nếu đặt ra vấn đề lấy tăng học phí, coi học phí là nguồn chính để chi cho giáo dục thì không thể được. Tôi cho rằng chúng ta phải tiến tới xóa bỏ học phí, trước hết là miễn học phí ở bậc phổ thông trong các trường công lập chứ không phải là tăng học phí. Khi chúng ta phấn đấu cho việc học sinh đi học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục các cấp nhưng học sinh vẫn phải đóng học phí, đó là điều thế giới họ không hiểu được!” (báo Tuổi Trẻ, 22.11.2007).

Tình trạng lạm dụng học phí tính đến nay đã được nói đến quá nhiều, nên ở một bình diện rộng lớn hơn, đến nước nầy, nếu không nhanh chóng khắc phục, chúng sẽ vô tình cho thấy tính chất khập khiễng của cái mà lâu nay người ta gọi là xã hội chủ nghĩa hay định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là điều không thể chấp nhận được, trước hết vì đã vi phạm vấn đề nguyên tắc một cách trầm trọng, vi phạm trắng trợn vào điều 59 bản hiến pháp 1992: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí”.

Vấn đề học phí đến đây lại mặc nhiên bị đẩy xa hơn thành chuyện quốc gia đại sự, báo động cho một tình trạng hiểm nguy rất đáng lo ngại, đơn giản chỉ vì hiến pháp trong bao lâu đã bị vi phạm thì thể thống quốc gia trong chừng ấy thời gian coi như thực tế cũng không còn. Đó cũng là một trong những lý do quan trọng có thể mang ra soi sáng giải thích chung cho tất cả những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng kéo dài mà đất nước và toàn thể nhân dân lao động đang phải chịu đựng và đương đầu một cách vô cùng khó khăn trầy trật.

Trong điều kiện thực tế cụ thể hiện nay, nghĩa là khi mà các khoản chi ngân sách vẫn đang bị đục khoét nghiêm trọng, cũng như không ít công trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách đã tỏ ra không đúng trọng điểm và kém hiệu quả (như dự án 112 đang bị khởi tố chẳng hạn...), thì sự viện dẫn lý do thiếu hụt ngân sách để biện minh cho việc gia tăng học phí càng không có khả năng thuyết phục được người dân. Hơn thế nữa, chúng ta còn được biết ngân sách dành cho giáo dục hiện nay là không đến nỗi thiếu kém. Con số đó là 20% hay 1/5 ngân sách quốc gia, tương đối thể hiện được câu “Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục” nói trong điều 36 Hiến pháp. Cụ thể số tiền là khoảng 66.770 tỉ đồng (theo báo Sài Gòn Giải Phóng, 5.9.2007), chia ra cho 22 triệu học sinh thì mức Nhà nước đầu tư cho giáo dục một học sinh vào khoảng 3 triệu đồng/học sinh/năm; nếu cộng thêm khoản đóng góp của xã hội mà theo các nhà nghiên cứu cũng tương đương con số đó thì mức đầu tư cho một học sinh Việt Nam hiện nay là khoảng 6 triệu đồng (khoảng 375 USD), cao hơn Trung Quốc (khoảng hơn 105 USD), Thái Lan (khoảng hơn 350 USD)...

Về việc chống lạm thu học phí cộng các khoản phí trá hình đi kèm, đã bắt đầu có những dấu hiệu tích cực vừa được nhen nhóm trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của dư luận cả nước, như có thể kể việc Sở GD-ĐT TP. HCM vừa qua đã thành lập mười đoàn thanh tra và bắt đầu đi kiểm tra về việc thu tiền đầu năm từ ngày 25.9 ở các trường trên địa bàn TP. HCM. Đây cũng là cách làm mà Trung Quốc đã từng thực hiện vài năm trước, mà theo bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc, “cứ cách chức hiệu trưởng thì sẽ có tác dụng hữu hiệu trong việc ngăn chặn lạm thu phí trong các nhà trường”. Với cách làm nầy, họ lập nên đến 56.000 tổ công tác để phát hiện việc lạm thu tại các trường, kết quả có đến 724 hiệu trưởng bị cách chức ở Trung Quốc trong năm 2003. Tuy nhiên ở ta, mọi sự cách chức thường tỏ ra rất lâu lắc khó khăn, không dễ mạnh tay, đặc biệt cách chức hiệu trưởng vì đây không thuộc loại tội phạm hình sự cụ thể, người ta có thể đưa ra hàng ngàn lý do biện hộ để được thông cảm, bởi trường nào nơi nào cũng thế... Nếu muốn hợp lý hơn và đạt yêu cầu, phải cách chức những người chỉ huy hiệu trưởng, tính dần lên đến cấp trách nhiệm cao nhất, vì họ mới đúng là người phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi sai trái của các hiệu trưởng trên mọi hiện trạng đã để xảy ra. Cho nên việc cách chức hiệu trưởng có thể tham khảo, cần làm để răn đe nhưng dứt khoát không nên được coi là giải pháp căn cơ, mà điều quan trọng là phải điều chỉnh các nền tảng lâu dài tạo nên giá trị thực chất và linh hồn của cả một chính sách lớn về nền giáo dục quốc dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân “hễ còn muốn đi học thì phải được đi học” đúng như quyền lợi công dân của họ đã được ghi rõ trong điều 59 Hiến pháp. Chính sách đó, linh hồn đó phải được tiêm nhiễm vào trong tư tưởng, ý thức, máu thịt của mọi cán bộ tham gia giáo dục, để khi hành xử mọi vấn đề liên quan, họ không thể đi chệch ra ngoài những nguyên tắc cùng mục tiêu cơ bản về đào tạo con người mà quốc gia và toàn dân đã đặt định. Làm sai mà còn làm sai kéo dài, coi như nền giáo dục quốc gia đã bị thất bại một cách căn bản, lôi theo sự thất bại nặng nề lớn hơn trong tương lai, chưa nói tới hàng trăm vấn đề liên quan khác như triết lý định hướng giáo dục, sách giáo khoa, chương trình học, phương pháp dạy và học, tiền lương giáo viên... cũng đang đồng thời đòi hỏi phải được xử lý một cách đồng bộ.

24. 11.2007

(Ns CGvDT số 155)

Trời gieo sương, mây... chớ đổ mưa!

Lm Thiện Cẩm, OP

Nếu tôi là người “Xứ dân gầy”, nói theo ngôn ngữ của nhạc sĩ Phạm Duy, trong bài hát Về Miền Trung, thì Mùa Vọng năm nay chắc sẽ không hát nổi bài ca Mùa Vọng: “Trời gieo sương xuống, mây hãy đổ mưa…”, theo cung điệu của Hoàng Kim, hay là bài “Trời cao hãy đổ sương xuống” của Duy Tân. Hay cùng lắm sẽ chỉ hát được nửa câu, tức là vế đầu: “Trời gieo sương xuống”. Bởi vì theo tin tức khoa học mới đây, người ta nói dân trong những vùng sa mạc có thể dùng những thiết bị đặc biệt để biến sương hay khí ẩm ban đêm thành nước uống. Nhưng nếu là mưa, thì không những miền Trung của Việt Nam, mà còn nhiều nơi trên thế giới, như Bangladesh, Papua-Tân Ghinê, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Phi Luật Tân…, trong mấy tuần lễ vừa qua, thì quả thật đã quá nhiều rồi!

Thật vậy, miền Trung, “Xứ dân gầy” của chúng ta đã phải chịu 6 trận bão lũ liên tục, và đang khi tôi viết bài này, thì cơn bão số 7 và tiếp theo sau là số 8 đang đe dọa những người dân khốn khổ, chưa kịp dọn dẹp nhà cửa, sân vườn sau những trận bão lũ trước.

Miền Trung là miền gầy guộc: phía Tây là núi, phía Đông là biển. Mỗi lần mưa bão thì nước từ những đỉnh núi dãy Trường Sơn, mà nhiều nơi biến thành đồi trọc, không còn rừng cây che chắn, khiến mọi dòng chảy trút cả xuống những con sông ngắn, tràn xuống thung lũng và đồng bằng. Phía Đông thì sóng biển dâng lên, có khi là những cơn sóng thần dữ dội. Nước trên nguồn đổ xuống, nước dưới biển dâng lên, hai vai gầy của xứ sở và người dân nghèo làm sao chịu đựng nổi!

Xui xẻo hơn nữa, trước khi trận bão lũ đầu tiên trong đợt bão lũ dây chuyền xảy ra, thì lại xảy ra vụ sập cầu Cần Thơ: cả nước xúc động, bao nhiêu tấm lòng người dân hướng cả về Tây đô. Tiền bạc đổ dồn về đó cả: tiền của Nhà nước, tiền của Nhật,-bồi thường có, cứu trợ có,- và nhất là tiền của nhân dân. Người sống nhận được tiền, người chết cũng được tiền, mà nếu chỉ dùng để mai táng thì quá dư thừa…

Đến khi bão lũ dồn dập rủ nhau nổi cơn giận dữ trút xuống miền Trung, thì hình như người ta hết nước mắt để khóc thương…! Nhất là khi chưa kịp nghĩ đến cứu trợ người bị nạn, thì những cơn bão lũ khác đã ập tới, và cho tới nay cũng chưa biết khi nào dừng hẳn lại!

Tôi nghe nhiều người phản ảnh: tại sao Đạo, Đời đều im hơi lặng tiếng, không thấy kêu gọi gì cả, mà chỉ thấy Tivi đọc đi đọc lại những thông báo khẩn cấp của cái gọi là “Ủy ban phòng chống lụt bão trung ương” gửi đến các tỉnh miền Trung, ra lệnh củng cố đê điều, sơ tán dân chúng, kêu gọi tàu thuyền cập bến hoặc tìm nơi cho tàu thuyền trú bão… Nhân tiện xin mở một cái ngoặc đơn: Tôi thắc mắc không biết “lụt bão trung ương” là gì! Đáng lẽ phải nói là “Ủy ban trung ương phòng chống lụt bão” thì mới đúng. Hai chữ “trung ương” phải đi với Ủy ban, chứ không đi với “bão lụt”. Cũng tương tựa như kiểu nói không chuẩn trong những câu như là: “Phản đối việc tập trận ở quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc”, trong khi đó, nếu nói đúng văn phạm Việt Nam thì phải là: “Phản đối Trung Quốc tập trận ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”! Ngôn ngữ Đài Phát thanh, Truyền hình, cũng như của báo chí chúng ta ngày nay bị Tây hóa quá nhiều. Người ta thường nói đến cuộc mít tinh, tọa đàm, hội thảo này nọ “được đặt dưới quyền, hay sự chủ tọa của đồng chí này, đồng chí nọ; hay là bài hát T “được trình bày do sự trình diễn” của ca sĩ X., trong khi đáng lẽ phải nói: “Đồng chí T chủ tọa cuộc mít tinh, hay cuộc tọa đàm”; “Ca sĩ X trình bày bài T của nhạc sĩ N”. Tôi xin phép đóng ngoặc đơn.

Trở lại vấn đề bão lũ. Trong buổi tọa đàm tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM vừa qua, nhiều đại biểu cũng phản ảnh về tình trạng có thể gọi là “nhất bên trọng, nhất bên khinh” đối với các nạn nhân ở Cần Thơ và các nạn nhân bão lũ miền Trung. Trong Giáo hội, cũng thấy nhiều người thắc mắc sao chưa thấy Tòa Tổng Giám mục lên tiếng gì về vụ này. Thậm chí có người đã đưa tiền và đồ cứu trợ đến cho cha này cha nọ, nhưng rồi cũng chưa biết tập trung về đâu.

Trong khi đó thì Truyền hình và báo chí vẫn tiếp tục cho chúng ta thấy những hình ảnh thật thương tâm của đồng bào ta ở những vùng thiên tai. Và nhất là mới đây, tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công khai nói lên điều bất hợp lý, là nước ta là nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới, vậy mà nhiều dân quê, nhất là ở những vùng xa vùng sâu, chỉ được ăn cơm vào những ngày Tết và ngày lễ, còn quanh năm ngày tháng phải ăn ngô khoai hay sắn! Đối với những dân vùng bão lũ hiện nay, thì ngô khoai hay bất cứ thứ hoa mầu gì khác cũng chẳng có mà ăn, ngay cả thóc giống và các giống ngô đậu cũng đều mọc mầm cả rồi. Thật bi đát. Có lẽ họ phải trông chờ vào Nhà nước và tình tương thân tương ái của tất cả chúng ta, không chỉ trong một vài tháng, mà có khi cả nửa năm nữa, chỉ để tồn tại trước đã. Ấy là chưa nói đến khả năng, là sau bão lũ thì lại đến hạn hán!

Tạo hóa cũng thật trêu ngươi: trong bão lũ thì tuy nước ngập đến trên nóc nhà và cuồn cuộn lôi đi cả đồ đạc lẫn người, vậy mà chẳng ai có nước uống. Trong khi đó, khi trời hạn hán, thì một giọt nước dơ cũng không có, đủ cho cỏ mọc! Nước nhiều thì ngập úng, không những chết bò chết trâu, chết cả rau quả hoa màu, mà còn chết cả người, còn hạn hán thì cũng làm cho cả đất đai cũng nứt nẻ.

Làm thế nào để giải quyết vấn đề khó khăn lớn lao này.

Các nhà lãnh đạo thế giới sắp sửa tổ chức một Hội nghị quốc tế tại Bali, bên Inđônêxia, để tìm cách giải quyết vấn đề nhiệt độ trái đất. Ít ra, thì ngày nay ai cũng nhận ra rằng nguyên nhân của thiên tai, như bão lụt, hạn hán, phần lớn cũng là do con người. Hiện tượng trái đất nóng dần lên là một sự kiện không ai chối cãi được nữa, và bằng chứng thì đã rành rành: các tảng băng ở Nam Cực đang tan dần, nhiều ngọn núi tuyết chỉ còn phơi ra những tảng đá. Trong khi đó thì nước biển mỗi ngày một dâng cao, đe dọa nhận chìm nhiều đảo quốc và những vùng đất thấp của các lục địa. Theo dự báo, nếu một ngày nào đó Nam và Bắc Cực hết băng tuyết, thì Việt Nam sẽ có thể mất tới 10% diện tích đất đai ven biển, còn những nước, những vùng hay thành phố, như Bangladesh, Hòa Lan, Louisana, Venetia vv. có thể sẽ chịu chung số phận với thành phố Pompéi của Ý ngày xưa, bị núi lửa nhận chìm xuống đáy biển.

Thế nên đã đến lúc nhân loại phải dừng tay lại, đừng hủy hoại môi trường của trái đất. Đừng chặt phá rừng cây, đừng hun nóng thêm bầu khí quyển bằng việc thả khói độc hại, giảm bớt sử dụng xăng dầu, giải quyết vấn đề rác thải, nhất là rác thải độc hại giết chết môi trường. Trả lại cho rừng núi và khí quyển sự trong lành tự nhiên, để hai lá phổi cũng tránh bị khói bụi mà sinh ra bệnh tật, nhất là ung thư…

Việc giảm bớt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tức xăng dầu, cũng có nghĩa là giảm bớt việc sử dụng xe ô tô, cũng đồng thời có tác dụng đến việc giảm bớt số lượng xe cộ lưu thông trên các đường phố và đường giao thông, giảm bớt ùn tắc và nhất là tai nạn, mà chỉ riêng nước ta, trung bình mỗi ngày cướp đi 40 mạng người!

Vì thế mà Mùa Vọng năm nay, chúng ta nên cầu xin cho Trời gieo sương xuống, nhưng thôi đừng cho mây đổ mưa xuống những vùng đã bị bão lũ nặng nề. Nhưng có lẽ điều quan trọng, là chúng ta phải nghe lời ngôn sứ Isaia mà dọn đường cho Chúa đến, bằng cách lấp đầy thung lũng, bạt thấp núi đồi, uốn thẳng những khúc đường cong queo, nghĩa là thực hiện công bằng xã hội, giảm bớt khoảng cách giầu nghèo, tích cực chống tham ô, lãng phí và tiêu cực, để mọi người dân, nhất là những người ở nông thôn, đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa, những người tàn tật, ốm yếu, bị bệnh phong, hay Sida, hoặc nhiễm chất độc da cam vv., tất cả được cảm thấy niềm hy vọng được đón mừng Chúa đến trong những người anh em, là chính chúng ta.

Và chúng ta cũng phải tự nhủ rằng Chúa đang đến, nhưng không phải đâu xa, mà chính là trong những người anh em bé nhỏ, nghèo hèn, những người cơ hàn, đang rét run, đói lạnh giữa những vùng nước lũ, hay đang ở trong khung cảnh màn trời chiếu đất…

25-11-2007

(Báo Công giáo và Dân tộc số 1635)

Trật tự an toàn giao thông: Cái vòng luẩn quẩn!

Lm Thiện Cẩm,OP

Tôi đã viết ít là hai bài về vấn đề an toàn và trật tự giao thông, trên Tuần san CGVDT, nhưng mỗi lần sau khi viết, ra đường lại thấy tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, đến nỗi có lần tự hỏi : có nên nói gì nữa không?

Tôi rất hiểu nỗi khổ tâm của các nhà chức trách, nhưng có cảm tưởng chúng ta đang tiếp tục đi con đường vòng vo, luẩn quẩn. Hết nghị định này đến thông tư khác, mà rốt cuộc chẳng cải tiến được gì. Nguyên một việc giải tỏa lòng lề đường mà bao nhiêu năm làm cũng không xong. Ngay cả đang lúc có những chiến dịch, thì những kẻ chiếm dụng lòng lề đường vẫn coi như một trò đùa và đối phó được dễ dàng : cảnh sát dẹp chưa xong chỗ này, thì chỗ khác lại trở lại y nguyên như cũ. Còn chuyện trật tự giao thông : bây giờ đâu chỉ có vấn đề xe cộ đi đúng qui luật ở dưới lòng đường, mà có lẽ cần đến cảnh sát để hướng dẫn xe máy chạy trên vỉa hè nữa ! Cứ tới lề đường 3/2 trước siêu thị Maximax mà xem : không lúc nào mà không có xe chạy trên lề đường, mà lại còn nhận kèn inh ỏi nữa chứ.

Chung qui tất cả cũng chỉ vì luật lệ của nước ta chưa khoa học, chưa chính xác, và nhất là thiếu nhất quán, và chưa quyết liệt. Nguyên một chuyện trước kia cấm xe hai bánh đi vào đường dành cho xe ô tô trên cầu Sàigòn, rồi ít lâu sau lại chỉ cho đi ngoài giờ cao điểm, nhưng nay thì chẳng biết có thay đổi gì không, mà xe hai bánh vẫn chạy rần rần, vượt trái vượt phải, chen lấn giữa hai hàng xe ô tô như biểu diễn xiếc vậy. Còn trên xa lộ Hà Nội thì khỏi nói. Các “vua” xe tải và công-te-nơ cứ việc chiếm tất cả mọi lằn đường, khiến ô tô con và xe máy chỉ còn biết lách được tí nào thì lách, còn không thì cứ việc đốt xăng nằm chờ ! Có người bảo tôi : những ông “vua” ấy đều có bảo kê cả đấy.

Với một lượng xe quá nhiều như vậy, và với một kỷ luật giao thông như hiện nay, theo tôi nghĩ, trước mắt chúng ta sẽ chẳng làm được gì, trái lại tình trạng sẽ càng trở nên nghiêm trọng, tới mức mọi con đường ra vào Thành phố, và ngay trong nội thành, cũng sẽ trở thành những bãi đậu xe, chứ không còn là đường cao tốc hay là đường phố nữa, thậm chí cả người đi bộ cũng chẳng còn chỗ nào mà đi !

Phải chi ngay từ những năm đầu, sau khi thực hiện được hòa bình thống nhất, chúng ta đã nghĩ tới bài toàn giao thông này, mà dành ưu tiên cho việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, thay vì cho nhập khẩu những phương tiện giao thông cá nhân quá rộng rãi như hiện nay, để đến khi nhận ra vấn đề, thì mọi sự đã quá muộn.

Ai cũng có thể thấy được rằng vấn đề chính hiện nay, đó là ý thức luật pháp của dân ta còn quá thấp. Ít ai tôn trọng luật pháp, thậm chí nhiều người còn không biết tự trọng, thậm chí ngay cả nhiều người có ăn có học cũng vậy. Người ta không hiểu rằng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, là hành vi thiếu văn minh, thiếu văn hóa, chứ chưa nói tới phạm pháp.

Nhưng cũng phải nói ngay rằng, hiện nay, trong nhiều trường hợp, nhiều người có văn hóa và muốn tôn trọng luật pháp cũng bắt buộc phải vi phạm luật lệ giao thông, bởi vì đó là cách duy nhất để thoát khỏi nạn ùn tắc kinh niên. Nhưng thực ra đó chỉ là ảo tưởng, bởi vì trong hầu hết các trường hợp, chính người giao thông tự làm hại mình, khi không chịu tuân giữ kỷ luật giao thông. Thật vậy, nếu như mọi người đi đúng đường, tôn trọng những dải phân cách, không chen lấn cho bằng được, thì giao thông có thể bị chậm lại, nhưng không ùn tắc, và tạo ra những con rắn lượn khúc như hiện nay : bên này thì người ta lấn quá ¾ đường, và ngược lại, bên kia cũng vậy, hóa ra hai đầu mối giao thông bị bịt lại, mà không sao giải tỏa được. Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh xe cộ uốn khúc rồng rắn, nhất là ở trên những cây cầu không dải phân cách.

Vậy có cách gì không để giải quyết vấn đề?

Trước hết, ngay từ bây giờ phải khởi động ngay những công trình xây dựng những tuyến đường metro, xây dựng những cầu vượt ở những ngã tư quan trọng, như ngã tư Hàng Xanh, ngã tư Bảy Hiền, Công trường Dân Chủ vv., ít ra là nhánh chính của cầu vượt, còn những nhánh phụ thì từ từ tiếp tục làm thêm, thí dụ ở ngã tư Hàng Xanh, thì làm cầu vượt đi thẳng từ Thành phố theo hướng Biên Hòa, rồi sau đó mới làm tiếp những cầu vượt đi về hướng Bình Triệu và Gia Định, Thị Nghè.

Còn xây dựng hệ thống metro như thế nào ? Không phải đoạn nào cũng phải đi ngầm dưới đất, mà có thể đi trên cao. Ở Thái Lan, và ngay cả bên Nhật, người ta làm những con đường tầng. Bên Thái Lan, người ta cho xe điện chạy tầng trên, còn xe hơi chạy dưới đất. Bên Nhật thì hai tầng đi ngược chiều nhau. Trong nội thành thì giải pháp này làm mất mỹ quan thành phố, nhưng dù sao cũng là giải pháp kinh tế và nhanh gọn nhất, vì ít phải giải tỏa, đền bù, nên có thể tiến hành ngay. Vả lại, chúng ta trước hết cần xây dựng một vài trục lộ metro chính theo hướng về miền Đông và miền Tây, và một tuyến đi về hướng Tây Ninh, sau đó sẽ tính đến chuyện mở rộng mạng lưới, với những đường chạy ngầm dưới đất.

Về đường tầng, tôi xin phép đề nghị một thí dụ : con đường Cách mạng tháng Tám hiện nay là một trong những đường có lượng người giao thông nhiều nhất, nhưng quá chật hẹp, và khó có thể mở rộng, vì kinh phí đền bù giải tỏa sẽ rất lớn. Nếu ta xây dựng một đường tầng, bên trên dành cho xe metro với nhiều trạm dừng, bên dưới dành cho các phương tiện giao thông khác. Khi ấy, người dân có yêu cầu đi trên đường này sẽ có thể sử dụng xe metro, hơn là đi xe đạp hay xe máy.

Con đường metro đi về hướng Miền Đông hay miền Tây cũng vậy, chúng ta chọn một con đường nhỏ nào đó làm đường tầng, không cần phải là một con đường lớn, vì bề ngang của đường ray xe metro chỉ cần 1,44m, nếu tính cả hai chiều cộng lại thì chỉ cần 2,88m, cộng với hai bên lề, đặc biệt là ở những chặng dừng, tối đã cũng chỉ cần chiều rộng trên dưới 10m là cùng. Hai con đường chạy về phía miền Đông và miền Tây, nếu sau này nối dài tới Hố Nai - Biên Hòa và tới Mỹ Tho, thì sẽ tạo ra hai huyết mạch lưu thông cho một lượng lớn những người miền Đông và miền Tây tới Thành phố học hành và làm ăn sinh sống, mà không cần phải thuê nhà trọ ban đêm, đồng thời chắc chắn sẽ giảm bớt số xe cộ lưu thông trên các đường cao tốc Sàigòn-Biên Hòa và Sàigòn-Mỹ Tho.

Một vấn đề khác, theo tôi nghĩ, nên phân luồng rõ rệt cho xe ô tô và xe hai bánh trên các trục lộ chính của Thành phố, bằng cách đặt những con lươn hẳn hoi, chứ không bằng những vạch sơn, mà thực tế chẳng ai tôn trọng. Một vấn đề nữa, là ở những ngã tư, phải tạo ra một vùng chờ dành cho các xe sắp quẹo trái, và đặt hệ thống đèn chỉ hướng cho những người quẹo trái, trước khi ra hiệu cho những người đi thẳng. Vì thực trạng hiện nay cho thấy ở các ngã tư, các xe quẹo trái thường lấn chiếm hết bên đường bên trái, chận đường đi của những xe từ phía trước thẳng tới.

Cuối cùng, tôi mong chính quyền cương quyết dẹp tất cả mọi hàng ăn trên vỉa hè, và dẹp đến nơi đến chốn, dứt điểm mới thôi. Những quán ăn này vừa chiếm dụng lòng lề đường, vừa gây ô nhiễm môi trường, gây mầm mống bệnh tật. Ngoài ra nó còn làm mất mỹ quan của Thành phố, khiến cho Thành phố chúng ta mang tiếng là thiếu vệ sinh và văn minh. Thành phố chúng ta đã có quá nhiều hàng ăn rồi, còn cho phép bày bán ngay bên những miệng cống thoát nước làm gì ?

07-11-2007

(Báo Công giáo và Dân tộc số 1634)

Ngày Nhà giáo trong năm giáo dục Kitô giáo.

Gm GB Bùi Tuần

Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm nay, 2007, nói về Giáo dục Kitô giáo.

Vì thế, ngày Nhà Giáo (20.11) năm nay gợi ý cho tôi nhớ tới cách riêng những nhà giáo của nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam hôm nay.

Họ là ai ? Thưa là tất cả mọi người thuộc đủ mọi thành phần trong Hội Thánh đang góp phần tích cực vào nền giáo dục Kitô giáo tại Quê hương này.

Nhưng trên thực tế, khi nói tới những thành phần được danh dự cao và nắm trách nhiệm lớn về giáo dục Kitô giáo, người ta thường đồng loạt nghĩ tới các người trên.

Ngày nhà giáo hướng về hàng giáo phẩm và giáo sĩ

Thực vậy, nếu ngày nhà giáo hướng về những nhà giáo cụ thể, thì ngày này trong Hội Thánh Việt Nam, các tín hữu cũng đang có định hướng cụ thể. Họ hướng lòng mình về hàng giáo phẩm và hàng giáo sĩ Việt Nam nói chung, và về những vị nào đang giáo dục họ trong giáo phận của họ, trong xứ đạo của họ nói riêng.

Họ nhìn các vị đó là những nhà giáo cao cấp, được sai đến với họ từ Đấng thiêng liêng. Cái nhìn đó là một cách phong thần, và cũng là một cách đợi chờ.

Những đợi chờ chính đáng của họ là những giá trị, mà thế gian không thể mang lại cho họ, nhưng lại rất cần cho họ, để họ sống cao thượng và hạnh phúc hơn ở đời này, nhất là để biết đường đi về cõi phúc đời sau.

Những giá trị như thế thường chìm ngủ trong con người, nhưng chúng sẽ được đánh thức nhờ những tiếp cận. Như được nghe một bài nhạc, bài viết có sức đánh động tâm hồn hướng về bác ái hy sinh, như được thấy một người tỏa hồn chân tu trong sáng, như được dự một cuộc lễ đầy bầu khí thiêng liêng có sức nâng tâm hồn lên cõi trời cao thẳm.

Đối với hầu hết người Việt Nam, những giá trị như thế cần được diễn tả cụ thể. Nhờ đó, lương tâm con người dễ tiếp thu. Họ thấy mình khao khát những gì là chân thiện mỹ đích thực. Đơn sơ thôi. Nhẹ nhàng thôi. Giống hình ảnh hồn nhiên của thiên nhiên. Ví dụ bông hoa nhỏ, cánh đồng cỏ xanh, dòng sông chảy, cây nến lung linh, làn gió nhẹ.

Giáo dục bắng gương sáng

Đã lâu rồi, khoảng năm 1980, tôi từ Long Xuyên đi Sài Gòn. Tới bắc Mỹ Thuận, tôi chen mình vào đám đông. Khi chiếc bắc đang trôi sang bờ bên kia, thì một người đàn ông lạ từ xa lách đám đông, lại bên tôi và hỏi: “Chú có phải là ông cha nhà thờ không ?” Tôi thưa: Dạ đúng, Ông biết tôi sao ? Người khách thưa: “Tôi thấy chú mặc áo Dòng thì đoán vậy thôi. Tôi có một điều muốn nói với chú là: Chú ráng sống tôn giáo cho thực tốt. Bởi vì đã đến thời: Ma giáo thì nhiều, còn tôn giáo thực thì ít”.

Không bao giờ tôi được gặp lại người khách lạ đó. Nhưng những gì ông nói với tôi đã chìm lắng trong lòng tôi. Tôi thấy tôn giáo và ma giáo chen lẫn nhau. Cảnh đó là thực tế đau buồn. Nhiều nhà giáo của nền giáo dục Kitô giáo đã nhận ra thực tế xót xa ấy.

Để đẩy lùi những ma giáo trong tôn giáo, các ngài đã tăng cường giáo dục bằng gương sáng:

- Làm gương sáng trong các lời nói, sao cho có chân lý và yêu thương.

- Làm gương sáng trong các hoạt động xã hội, sao cho có vị tha.

- Làm gương sáng trong phượng tự, sao cho có tĩnh tâm, cầu nguyện, sám hối.

- Làm gương sáng trong mọi tổ chức sinh hoạt tôn giáo, sao cho có bề sâu.

- Làm gương sáng trong đời sống thường ngày, sao cho có giản dị.

Có thể nói, giáo dục tôn giáo bây giờ là nêu gương sáng.

Gương sáng mà con người đang chờ đợi nhiều nhất bây giờ là những giá trị đẹp của một lương tâm tốt. Lương tâm tốt là lương tâm biết kính trọng sự thực. Sự thực là phải có thực chất trong việc thực hành bổn phận:

- Bổn phận đối với Đấng thiêng liêng.

- Bổn phận đối với mọi người, đặc biệt là đối với bậc sinh thành.

- Bổn phận đối với người nghèo khổ.

- Bổn phận đối với Hội Thánh và quê hương, đất nước.

Hơn nữa, tôi thấy gương sáng mà người ta đang đòi hỏi rất nhiều nơi các nhà giáo của nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam hôm nay còn là tư cách đẹp của người môn đệ Chúa Giêsu.

Xin hãy nêu gương sáng về hiền lành và khiêm nhường, như Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy học với Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29).

Xin hãy nêu gương sáng về sứ vụ tu thân, như Chúa Giêsu đã dạy: “Ai muốn làm môn đệ Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Thầy” (Mt 16,24).

Xin hãy nêu gương sáng về đức yêu thương, như lời Chúa Giêsu đã dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con thương yêu nhau” (Ga 13,35).

Nhà giáo có THỂ không THUỘC hàng giáo phẩm, giáo sĩ

Cũng đã lâu rồi, tôi ngồi ở một quán lá nghèo bên vệ đường vùng quê xa ngoài giáo phận Long Xuyên, để được hớt tóc. Ông hớt tóc, khi biết tôi là một giám mục, đã thỏ thẻ với tôi đại khái thế này: “Cuộc sống ngoài đời khổ lắm. Chúng con không muốn các đức cha và các cha phải thiếu thốn như chúng con. Rất mong các đấng các bậc được tương đối đầy đủ. Đoàn chiên rất tự hào có những bề trên đạo đức, nhìn xa thấy rộng”.

Tới bây giờ tôi không biết ông hớt tóc đó là ai. Nhưng tôi coi ông là một nhà giáo, đáng tôi kính phục. Thì ra, có những người tôi coi là được chúng tôi giáo dục lại là nhà giáo âm thầm, mà Chúa Thánh Thần gởi đến với chúng tôi. Họ nói rất ít, nhưng rất ít mà lại có đầy hồn Phúc Âm.

*

Với mấy tư tưởng trên đây, tôi muốn gởi lời cảm tạ đến mọi người đã là nhà giáo của tôi.

Tôi cũng muốn gởi lời kêu gọi các tín hữu: Hãy cầu nguyện cho các nhà giáo đã và đang góp phần vào nền giáo dục Kitô giáo tại Quê hương Việt Nam này, cách riêng cho hàng giáo phẩm và giáo sĩ của chúng ta.

Tôi cũng nghe rất nhiều người nói: “Nền giáo dục Kitô giáo không phải là nền giáo dục truyền thống Việt Nam, nhưng hiện nay vẫn có rất nhiều tự do để biểu dương các thứ quyền lực hoành tráng của mình”. Ý kiến đó xem ra đang hướng dẫn chọn lựa của xã hội Việt Nam. Sự kiện trên đây đáng chúng ta suy nghĩ sâu xa.

(Báo Công giáo và Dân tộc số 1633)

Từ Trung tâm Trọng điểm cai nghiện đến Bệnh viện Nhân Ái

Lm Thiện Cẩm

Được biết Trung tâm Trọng điểm cai nghiện ma túy trên đồi Thác Mơ, thuộc tỉnh Bình Phước, sắp sửa biến thành Bệnh viện Nhân Ái, nhưng cũng vẫn do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp quản lý.

Trung tâm Trọng điểm cai nghiện ma túy được thành lập mấy năm trước đây, và chính quyền thành phố có đề nghị Đức Hồng y Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác vào việc chữa trị và giáo dục những người mắc nghiện. Một số các dòng tu nam nữ đã theo lời mời gọi của Đức Tổng Giám mục, cử anh chị em tu sĩ của mình đến đây để lập thành một cộng đoàn lấy tên là Mai Linh. Kể từ ấy đến nay, cộng đoàn Mai Linh chung sống với nhau và làm việc hăng hái phục vụ những người mắc nghiện. Vui thì ít,-vì có vui là “vui trong Chúa” và vui trong tình huynh đệ anh chị em,- còn buồn thì nhiều, vì đời sống chẳng dễ dàng chút nào, mà lại luôn luôn phải đối diện với những khuôn mặt đa số còn trẻ, nhưng đang phải sống trong đau khổ, dằn vặt, đôi khi tuyệt vọng, mất niềm tin yêu vào gia đình, xã hội. Các anh chị em tu sĩ của chúng ta không chỉ phải lo săn sóc các anh chị em mắc nghiện, mà còn phải làm chứng cho tình yêu thương của Chúa Kitô, “dọi ánh sáng vào nơi tối tăm”, “đem niềm vui tới chốn u sầu”…

Nhưng nay chính quyền Thành phố quyết định dời các học viên cai nghiện đi nơi khác, và biến Trung tâm thành Bệnh viện Nhân Ái, chuyên chữa trị bệnh nhân HIV, cũng gọi là AIDS, theo tiếng Anh. Số bệnh nhân sẽ rất đông, và công việc phục vụ cũng sẽ khác nhiều so với trước đây. Vì thế có nhiều vấn đề được đặt ra.

1.Trước hết là vấn đề nhân sự. Bệnh viện sẽ cần đến một số tu sĩ đông hơn nhiều so với hiện nay. Vậy làm thế nào “động viên” được một đội ngũ những tu sĩ tương đối phải có tay nghề, chứ không chỉ thuần là những chân tu! Và đây lại là một trong những khó khăn lớn: Các đấng bậc bề trên dòng tu bao giờ cũng phải nghĩ đến chuyện làm sao bảo vệ được “căn tính” của dòng mình, và ưu tiên lo lắng cho đời sống thiêng liêng, hay nói khác đi, cho vấn đề linh đạo của anh chị em, mà trong đó đặc biệt là đời sống cộng đoàn. Nhưng mỗi dòng tu lại có một linh đạo riêng, không hoàn toàn giống với các dòng tu khác. Vậy mà cộng đoàn Mai Linh thì lại là một “tổng hợp” những linh đạo khác nhau, liệu có trở thành một thứ sà-lát hay không? - Điều này thiết tưởng các đấng bề trên nên hỏi chính các anh chị em đã từng sống trong cộng đoàn Mai Linh từ mấy năm qua, thì mới có thể có câu trả lời chính xác được.

2.Cũng vì lý do muốn bảo vệ “căn tính” linh đạo riêng của mỗi dòng tu, mà nghe nói có những bề trên muốn cho các anh chị em của mình có những cộng đồng riêng, chứ không sống chung trong một cộng đoàn duy nhất “hỗn hợp” như hiện nay. Ý kiến này thoạt đầu xem ra có vẻ hợp lý, nhưng thực tế khó thực hiện. Trước hết, chúng ta khó có thể lập nhiều cộng đoàn tu sĩ trong một khu vực do Nhà nước quản lý. Hơn thế nữa, với những cộng đồng tách biệt, và với những thời khóa biểu không thống nhất, rất khó phối hợp trong những công tác chung ở Bệnh viện. Ngay cả đến vấn đề làm thế nào để tất cả các cộng đoàn riêng ấy tham dự thánh lễ hằng ngày, xem ra cũng khó thực hiện, vì hoặc là phải có nhiều linh mục, hoặc các tu sĩ phải di chuyển đến một nhà nguyện chung, ấy là nếu mỗi cộng đoàn đều có những tu xá tách biệt. Ngay cả hiện nay, anh chị em sống chung trong một cộng đoàn, mà cũng chỉ được tham dự thánh lễ chiều thứ Bảy, ngày Chủ nhật, và may mắn nữa là sáng thứ Hai mà thôi, còn trong tuần thì thường phải “nhịn đói” Thánh Thể!

3.Theo tôi được biết, nhiều anh chị em hiện đang sống tại đây vẫn thích đời sống cộng đồng “hiệp nhất” này, dĩ nhiên là với điều kiện có những thời gian được trở về cộng đồng dòng tu của mình. Điều này vẫn luôn được thực hiện. Đời sống cộng đồng “hiệp nhất” này tuy không phải dễ dàng, nhưng lại rất phong phú, vì là nơi mà các tu sĩ tuy thuộc các hội dòng khác nhau, nhưng nhờ được chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm và những giá trị và truyền thống linh đạo của dòng mình, nên có thể cảm nghiệm được hiệu quả của sự hiệp nhất, và cũng nhờ vậy mà có thể thành dấu chỉ của Hội Thánh Chúa Kitô.

4.Còn một lý do khác để biện minh cho sự hợp tác của các tu sĩ nam nữ trong cộng đoàn Mai Linh, đó là: đây là một cơ hội thuận lợi để các tu sĩ Việt Nam trải nghiệm và xây dựng một mô hình “hiệp nhất trong đa dạng”, mà từ trước tới nay chưa hề có. Thật vậy, trong Giáo hội Việt Nam hiện nay, trừ nhóm Các giờ kinh Phụng vụ, -tuy không sống thành cộng đoàn,- nhưng thường xuyên làm việc chung với nhau gần bốn chục năm qua, để dịch Kinh Thánh và Phụng vụ.- Nhóm bao gồm cách anh chị em linh mục, tu sĩ, dòng triều, thuộc các hội dòng khác nhau;- ngoài nhóm này, chưa có một tổ chức nào quy tụ các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân cho một tổ chức lâu bền nào.

5.Kinh nghiệm lịch sử Giáo hội toàn cầu cho tới nay cho thấy: khi một tu sĩ nào muốn thi hành một sứ vụ nào đó “ngoài luồng”, không thuộc “truyền thống” của dòng mình, thì đều phải ra khỏi dòng. Điển hình là trường hợp của Mẹ Têrêxa, của Abbé Pierre và của cha Jacques Leuw. Mẹ Têrêxa phải bỏ dòng mình để đi lo cho những người cùng khốn, và rồi lập dòng Thừa sai bác ái, Abbé Pierre thì bỏ dòng Phanxicô để đi giúp những người vô gia cư, và lập tổ chức Bạn đường Emmaus, cha Jacques Leuw thì bỏ dòng Đa Minh để tổ chức hội Linh mục thợ, thay thế cho phong trào Linh mục thợ gồm các linh mục thuộc nhiều dòng bên Pháp, đã bị Tòa Thánh dẹp bỏ hồi đầu thập niên 50. Ngày nay, tại Việt Nam, nếu chúng ta có khả năng cộng tác với nhau để thi hành một sự vụ lớn lao, có tính cấp bách này, thì tại sao không để cho các anh chị em của chúng ta được thi hành sứ vụ mới này, mà không cần phải rời bỏ gia đình dòng tu của mình. Chuyện ấy cũng tương tự như những người con trong một gia đình có thể rời bỏ cha mẹ và anh chị em để đi cộng tác với những thành phần của những gia đình khác, để phục vụ cho một công trình xã hội, hay một tổ chức ngoài gia đình? Thế giới ngày nay ngày càng trở nên nhỏ bé, các nước tìm cách liên kết, cộng tác với nhau, thành lập những cộng đồng quốc gia, như Cộng đồng Âu châu, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, vv. Cả những nước vốn từ lâu khép kín như một đan viện “dòng kín” trước Vatican II, như Bắc Triều Tiên nay cũng phải tính đến chuyện mở cửa và hội nhập. Trong mỗi xã hội cũng vậy, nhiều mô hình kinh tế, nhiều công ty, xí nghiệp, nhà máy cũng phải sắp xếp lại, liên doanh sản xuất, thay đổi mẫu mã để hội nhập thị trường mới luôn luôn biến động… Các dòng tu của chúng ta, theo tôi nghĩ, cũng phải suy nghĩ lại cách sống, phương pháp và mục tiêu hoạt động vv. để thích nghi, thì mới hội nhập, hay nói theo thần học, là Nhập thể vào được thế giới hiện đại. Theo tôi nghĩ, sở dĩ nhiều dòng tu, nhiều cộng đoàn tu sĩ đang chết dần chết mòn bên Âu Mỹ, là do không chịu đổi mới và thích nghi.

6.Biết đâu, cộng đoàn Mai Linh sẽ là một mô hình dòng tu mới mà Chúa muốn hình thành, để đáp ứng một yêu cầu cấp bách, đó là phục vụ các bệnh nhân HIV. Có hai cách thể hiện mô hình này: Một là các anh chị em tu sĩ vẫn duy trì lý tưởng hay căn tính của dòng mình, nhưng chấp nhận cho phép một số anh chị em tham gia vào Cộng đoàn hiệp nhất Mai Linh, như hiện nay đang làm. Hai là từ Cộng đoàn Mai Linh hiện nay, Chúa muốn chúng ta hình thành một dòng tu mới, thì liệu các bề trên có sẵn sàng quảng đại để cho anh chị em của mình rời bỏ cộng đoàn dòng tu của mình, mà gia nhập dòng tu mới này không? Ông Gioan Tẩy giả ngày xưa cũng đã để mấy môn đệ của ông rời bỏ ông mà đi theo Đức Giêsu (x.Ga 1,35-39), và như trên đã nói, các bề trên của Mẹ Têrêxa đã để cho người chị em của mình ra đi theo ơn gọi mới, và các bề trên của Abbé Pierre và cha Jacques Leuw cũng đã làm như vậy. Mỗi tu sĩ, cũng như cộng đoàn tu sĩ không chỉ sống cho mình, hay cho cộng đoàn của mình, mà còn phải sống cho Giáo hội, và cho cả thế giới, cho toàn thể anh em nhân loại.

7.Sau khi suy nghĩ như vậy, tôi thấy có lẽ cần có một người nào đó, một người cảm nhận được “ơn gọi”, được Đức Hồng y Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm chính thức,- sau khi tham khảo với các bề trên có tu sĩ tham gia cộng đoàn Mai Linh,- làm người đặc trách, với những quyền hạn rõ rệt, và có đủ phương tiện để thi hành sứ vụ: là quy tụ, hiệp nhất cộng đoàn, giúp cộng đoàn tự mình tìm ra những qui luật cần thiết cho “Cộng đoàn hiệp nhất Mai Linh”, không cần đến sự can thiệp trực tiếp của bất cứ bề trên nào khác, trừ Đức Hồng y Tổng Giám mục. Vị đặc trách ấy sẽ là người đại diện của Đức Hồng y bên cạnh cộng đoàn, và cũng là người đại diện của ngài để liên hệ, trao đổi với chính quyền về hợp đồng và mối tương quan giữa Chính quyền và Tòa Tổng Giám mục.

Đó là nói đến trường hợp Giáo hội vẫn muốn duy trì sự hợp tác với Chính quyền trong sự nghiệp phục vụ các anh chị em HIV, một sự hợp tác tuy không phải bao giờ cũng dễ dàng, nhưng rất có ý nghĩa, không những về mặt đoàn kết dân tộc, mà còn trở thành dấu chỉ sự hiệp nhất, khiến mọi người có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô, như Người đã nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18,20).

Tuy nhiên, như tôi được biết,- và chính tôi cũng đã nhiều lần công khai lên tiếng về vấn đề này,- có khá nhiều người trong Giáo hội mong muốn Nhà nước để Giáo hội, cũng như các tôn giáo khác, được tự do lập những trung tâm riêng của mình, thay vì mô hình hợp tác như hiện nay. Sự hợp tác này tuy có ý nghĩa về mặt đoàn kết Đạo Đời, nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, thường xảy ra những va chạm về nhiều mặt hành chánh, thủ tục, và cả trong cuộc sống hằng ngày, khi mà các tu sĩ phải lệ thuộc nhiều cơ quan chính quyền về nhiều phương diện, chẳng hạn như ngay cả về vật chất, như là nhà cửa, trang thiết bị vv.

Có lẽ Nhà nước nên khuyến khích và tạo điều kiện để các tôn giáo cộng tác trong trọng trách xã hội lớn lao này với tâm đức và chuyên môn, cùng lòng hy sinh tận tụy của các tu sĩ và các nhà tôn giáo.

Nhưng một vấn nạn cuối cùng được đặt ra: nếu Nhà nước để các tôn giáo được tự do hoàn toàn mở trường, mở bệnh viện và những cơ quan xã hội như trên vừa nói, thì liệu có những dòng tu Công giáo nào có khả năng làm việc đó một mình, không cần đến sự hợp tác của các dòng tu hay tổ chức nào khác? Và như vậy một Công đoàn hiệp nhất như Mai Linh có thể còn tồn tại được không ?

Theo ý kiến riêng của tôi, thì chúng ta có lẽ cần đến nhiều mô hình phục vụ, trong đó Cộng đoàn Mai Linh vẫn còn là một mô hình lý tưởng không nên dẹp bỏ.

06-11-2007

(Báo Công giáo và Dân Tộc số 1633)

Thursday, November 8, 2007

Hãy bảo vệ lấy môi trường xã hội và tinh thần của chúng ta !

Lm. Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô


I- Vấn đề môi trường không hề là vấn đề mới mẻ, nhưng gần đây lại trở thành thời sự nóng bỏng trên thế giới. Từ lâu người ta đã nói tới nguy cơ của việc phá hoại thiên nhiên và làm ô nhiễm môi trường đối với trái đất và đời sống con người. Chẳng hạn việc phá rừng đưa tới những trận lũ lụt ngày càng nhiều và hung hãn hơn, kéo theo sạt lở đất cũng như hiện tượng sa mạc hóa do đất bị xói mòn và xuống cấp; phá rừng không thương tiếc cũng là một nguyên nhân của tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước uống tại nhiều quốc gia, do nguồn nước ngầm bị giảm và các dòng sông bị ô nhiễm. Nói gì xa xôi, hãy cứ nhìn vào nước ta thì thấy ngay.

Nhưng hiện nay, nguy cơ đang được Liên Hiệp Quốc, các chính phủ, các tổ chức bảo vệ môi trường và các đảng xanh báo động ở mức khẩn cấp là sự biến động chưa từng có về khí hậu. Mới đây ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã cảnh báo: “Nếu chúng ta không hành động bây giờ, hậu quả của tình trạng thay đổi khí hậu sẽ rất thảm khốc.” Trái đất đang nóng lên do chính con người gây ra, đó là điều không thể chối cãi. Theo Tổ chức khí tượng thế giới, “nhiệt độ bề mặt toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2007 gần như được xếp vào mức ấm nhất kể từ … năm 1880.” Nhiệt độ tăng lên thì cái gì xảy ra? Mực nước biển sẽ dâng cao hơn do lớp băng trên Bắc Băng Dương sút giảm. Hiện nay người ta đã tính toán cho thấy từ năm 1953-2006, lớp băng này đã suy giảm khoảng 7,8% mỗi thập niên. Nếu không làm gì để ngăn chận tình trạng này, nước biển sẽ có thể dâng lên 0,5m đến 1m vào năm 2100 (hiện nay đã là 0,4m rồi). Cao hơn 1m, nhiều nước sẽ mất đi nhiều vùng lãnh thổ, nhiều thành phố lớn nhất thế giới sẽ biến mất, hàng triệu người lâm nguy.

Bây giờ đáng lý tất cả các nhà hoạch định chính sách kinh tế của mọi nước phải thấy rõ là không thể tăng trưởng kinh tế với bất cứ giá nào, không thể hy sinh môi trường cho kinh tế. Vả lại, việc bảo vệ môi trường thiên nhiên có liên quan trực tiếp tới kinh tế. Nhất là nó liên quan tới sức khỏe, tới chất lượng cuộc sống và cả tính mạng của con người. Ngoài ra, nó còn mang ý nghĩa đạo đức nữa. Trái đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên không thuộc riêng về các thế hệ hiện tại, nhưng các thế hệ tương lai cũng có quyền thụ hưởng như họ. Người ta phải khai thác và giữ gìn nó trong tinh thần trách nhiệm. Đối với người Kitô hữu, đó còn là một sứ mạng do chính Chúa Tạo Hóa giao phó cho. Nhà văn Pháp Saint-Exupéry nói: “Chúng ta không thừa hưởng trái đất này từ cha mẹ chúng ta, mà vay mượn nó từ con cháu chúng ta.”

II. Việc bảo vệ môi trường thiên nhiên, như thế, là vô cùng quan trọng. Nhưng bảo vệ môi trường xã hội và môi trường tinh thần (đạo đức) cũng rất quan trọng, còn quan trọng hơn. Vật chất, tiện nghi, tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP …chỉ là một điều kiện, nói cho cùng là rất tương đối, không thể là yếu tố quyết định hạnh phúc con người, không thể tự nó làm tăng chất lượng cuộc sống, nói gì tới việc gia tăng “tính người”, “chất người” cho ta. Việt Nam mở cửa hội nhập thế giới, lấy kinh tế thị trường thay cho kinh tế bao cấp vô hiệu, đó là điều đáng mừng. Chúng ta đang được hưởng bao nhiêu điều tốt đẹp do chính sách mới đó. Nhưng đồng thời cũng không được coi thường sự suy thoái của môi trường xã hội và đạo đức hiện đã rất trầm trọng. Nhiều mảng văn hóa, nhiều mảng truyền thống tốt đẹp của dân tộc đang bị đe dọa, thậm chí đã rơi rụng trước ảnh hưởng xấu của nền văn minh vật chất hưởng thụ và thực dụng đang tràn vào mà xem chừng khó có gì ngăn chặn hữu hiệu.

Tôi xin nhắc tới cuộc tranh luận thời sự nóng hổi trên báo chí Việt Nam hiện nay, về hiện tượng được gọi là “cuộc giải phóng tình dục” trong giới trẻ (hay một bộ phận của giới trẻ?). Những người trẻ này coi việc quan hệ tình dục dễ dàng, tự do, trong tình yêu hay ngoài tình yêu, trong hôn nhân hay ngoài hôn nhân là một chuyện tự nhiên, thoải mái, không nhất thiết phải kín đáo, lại còn cho như thế là hiện đại, hợp thời. Báo Người Lao Động ra ngày 30-10-2007 có bài với nhan đề và ba tiểu đề đầy ý nghĩa: Học đòi yêu như… Tây: -Sẵn sàng… overnight (nghĩa là qua đêm), -Không thích thì “bái bai” (chia tay), -và Yêu đương… ngoại nhập.

Qua theo dõi trên báo chí, tôi thấy số đông (ngay trong giới trẻ) không đồng tình với quan niệm trên. Những bậc cha mẹ, những nhà giáo dục nên lên tiếng chống lại hiện tượng trên khi mới manh nha nhưng đang muốn được xã hội coi là nhu cầu bình thường của tuổi trẻ. Xin đừng ngại bị coi là cổ hũ, lỗi thời. Không phải tất cả cái “mới” đều là tốt cả, không phải tất cả những cái có “xưa nay” đương nhiên là xấu hay lạc hậu cả. Cái lập luận coi nhu cầu sinh lý giống như việc ăn, việc uống, việc ngủ nghỉ v.v. là hoàn toàn sai. Ta không ăn, không uống lâu ngày ta sẽ chết, nhưng không ai chết vì không có quan hệ tình dục cả. Chỉ có tình yêu thì ai cũng phải có, không thể thiếu. Vả lại, ngay cái ăn, cái uống, cái mặc, việc giải trí, v.v. không còn là cái đơn thuần bản năng, mà là văn hóa. Ăn không phải chỉ để no bụng, mặc không phải chỉ cho ấm, nhưng ăn gì, ăn thế nào, nấu nướng ra sao, bày biện thế nào, ngồi ăn với ai, cầm đũa hay cầm xiên muỗng hay bốc bằng tay… đều là văn hóa và nhu cầu của con người cả. Rồi trong mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa còn có những nét riêng nữa. Về các nhu cầu căn bản khác cũng vậy. Truyền thống văn hóa không bất di bất dịch, nhưng những giá trị đích thực thì không có tân, có cổ gì hết.

Cái gọi là giải phóng tình dục đã xảy ra bên phương Tây nhiều thập kỷ rồi. Nó có thực sự giải phóng con người không thì lại là chuyện khác. Lạ thay, sau khi được sống hoàn toàn thoải mái theo cuộc giải phóng tình dục, nhiều người trẻ vẫn thấy trống rỗng, cô đơn, chán chường, và ở một ít nước, trong một thời gian, có hiện tượng người trẻ tự tử gia tăng. Khi sự tự do trong đời sống tình dục đã trở thành phổ biến và bình thường (không bị xã hội đặt vấn đề nữa), người Tây phương dần dần nhận ra những mặt trái của nó, và nhiều giá trị truyền thống như gia đình, lòng chung thủy, sự hy sinh cho con cái… lại được đề cao.

Người Việt Nam ta đang say sưa với sự phát triển kinh tế, chưa ý thức về nguy cơ của nạn ô nhiễm môi trường thiên nhiên; còn về ô nhiễm xã hội và tinh thần, họ có biết đến nhưng hình như rất ít quan tâm. Nhưng sự tàn phá của thứ ô nhiễm này còn đáng lo sợ hơn!

(30-10-2007)

Suy nghĩ về một vấn đề gây xôn xao dư luận


Lm. Thiện Cẩm OP

Trong mấy tuần qua, nhất là sau vụ phát tán những cảnh nóng đời tư một diễn viên lên mạng, thì dư luận xem ra đang tập trung vào hiện tượng giới trẻ “vô tư” trong quan hệ tình dục. Nhiều bài báo đăng tin và cả mở những diễn đàn về vấn đề này, trong đó có nhiều nhà tâm lý như thạc sĩ Lê Thị Linh Trang và tiến sĩ Đinh Phương Duy, được cô Đặng Tươi, phóng viên Tuổi Trẻ, phỏng vấn 1 .

Các nhà tâm lý này đã phân tích và đưa ra nhiều ý kiến về nguyên nhân của tình trạng tạm gọi là khác thường, nếu không gọi là suy đồi đạo đức và đáng lo ngại này, nhưng nói chung, cả hai nhà tâm lý nêu trên, đều không đến nỗi gay gắt hay lên án nặng nề thế hệ trẻ ăn chơi xả láng hiện nay.

Ở đây, tôi không nói lại những gì những người này đã nói, mà cũng chẳng nhìn vấn đề theo nhãn giới của một nhà luân lý hay đạo đức, cũng không với tư cách của một linh mục, mà chỉ lấy tư cách của một con người như mọi người, một con người Việt Nam thuộc thế hệ 3x, nghĩa là “quá đát” so với thế hệ trẻ hôm nay.

Trước hết, theo tôi nghĩ, chúng ta phải hết sức khách quan và bình tĩnh, nhìn sự việc như là “bình thường”, theo nghĩa là tất cả những gì diễn ra trên trái đất này, đều do quy luật biện chứng : hễ có cái này, thì có cái kia. Không có gì tự nhiên xảy ra mà không có nguyên nhân. Chỉ có điều là so với quá khứ, mọi sự việc không xảy ra quá nhanh chóng và nhân rộng ra như hiện nay. Có thể nói, những biến cố hồi trước xảy ra theo tốc độ của người đi bộ, hay cùng lắm là đi xe đạp. Nhưng nay thì còn có tốc độ xe ô tô, xe lửa,-mà tốc độ có thể đạt trên 300 km giờ hay hơn nữa, ấy là chưa kể đến tốc độ của máy bay có thể vượt tốc độ âm thanh. Ngoài ra, cuộc cách mạng của tin học hiện nay cho phép có khi chỉ trong vài giây “tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu. Và thông điệp đã loan đi khắp chân trời góc biển” ! (Tv 18,5). Nguyên một vụ như video clip được phát tán trên mạng vừa qua, đủ chứng minh cho điều đó.

Tuy nhiên, chúng ta đừng vội lên án giới trẻ hôm nay, mà có lẽ trước tiên phải đặt vấn đề với người lớn, nhất là với những nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và xã hội, xem chúng ta đang xây dựng một thế giới thế nào đây, để cho những chuyện tiêu cực như thế, và còn nhiều chuyện khủng khiếp hơn thế nữa đang xảy ra như cơm bữa, và trên quy mô toàn cầu, mà luật pháp hầu hết các nước lại cho phép, và mọi người lại coi như hết sức bình thường. Tôi muốn nói tới chuyện phá thai và nạo thai, một hình thức giết người, mà lại là giết những kẻ vô tội nhất trên đời !

Và lý do để cho các nhà chính trị, kinh tế thế giới biện minh cho tội sát nhân được ngụy trang dưới vỏ bọc “kế hoạch hóa gia đình”, hay là “kế hoạch hóa dân số thế giới”, đó là nếu cứ để người ta sinh đẻ bừa bãi, không giới hạn, thì lấy gì mà nuôi ?, và làm thế nào tăng đà phát triển kinh tế ?

Thật ra, không ai không đồng ý với chủ trương kế hoạch hóa dân số, kế hoạch hóa gia đình, nhưng với một điều kiện tiên quyết là không được giết người dưới bất cứ hình thức nào. Chúng ta không thể lấy lý do để bảo đảm lương thực cho người này, mà phải giết người khác, nhất là những kẻ chưa có khả năng tự vệ, thậm chí chưa thể mở miệng đòi quyền sống cho mình.

Chúng ta không thể lấy sự phát triển kinh tế làm mục đích, mà coi con người chỉ là phương tiện. Trái lại, nền kinh tế nào cũng phải vì mục đích phục vụ cho con người. Một chủ nghĩa chính trị, kinh tế mà không có chỗ cho con người, thì sẽ đưa đến những hậu quả khôn lường. Triết gia nổi tiếng nhất của Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay, cố giáo sư Trần Đức Thảo, đã nói một điều rất ý nghĩa, trước khi từ giã cõi nhân sinh, khi phê bình “chủ nghĩa không có con người” 2 . “con người” ở đây là “con người nói chung, tức là con người nhân cách, với những xu hướng, đòi hỏi giá trị tinh thần” (trang 33). Nói cách khác, theo tôi nghĩ, đó là “con người toàn diện”, con người “sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).

Nhưng tiếc thay và thật đáng lo ngại, khi các nhà hoạch định kinh tế hiện nay hầu như hoàn toàn đi theo hướng vật chất, nên đã chọn lựa ưu tiên cho “toàn cầu hóa kinh tế”, mà bỏ bê việc phát triển những giá trị tâm linh của con người. Người ta ưu tiên mưu cầu lợi ích kinh tế, mà ít hay không chú trọng gì đến những giá trị tinh thần và văn hóa nghệ thuật. Thay vì nói như thi sĩ Holderlin: “Con người cư ngụ trái đất như một thi nhân”, thì nhân loại hôm nay lại chỉ muốn sống không khác gì loài vật ! Nói khác đi, người ta vật chất hóa con người, lo cho nó đầy đủ cái ăn, cái mặc, thậm chí ăn cho dư thừa chất béo để rồi phải đi chạy chữa giảm cân, hay là tạo ra hết mốt này mốt nọ, đến nỗi khoác lên thân mình những thứ quần không ra quần, áo không ra áo, phủ trên những thân xác no đủ, mà bên trong có lẽ nghèo đói tâm linh.

Mạnh Tử xưa đã nói đại ý: con người mà không có giáo dục, thì giống như loài cầm thú. Vậy mà nhìn vào việc giáo dục trong thế giới hôm nay, và đặc biệt ở nước ta hiện nay, thì chúng ta thấy gì ? Người ta dạy chữ, dạy toán, khoa học, kỹ thuật, vv. và vv. chứ mấy ai quan tâm đến chuyện “dạy làm người” ! Mà ngay cả đến dạy chữ cũng chưa ra trò, đến nỗi có những học sinh lớp sáu, lớp bảy mà chưa biết đọc ! Vậy mà vẫn được khen thưởng là học sinh tiên tiến và được lên lớp, thì hỏi cả thầy cô giáo ở trường hay lớp đó có còn là người, theo nghĩa là có lòng nhân, hay chỉ là một cái máy, một con robot “đứng lớp” ?

Thế giới chúng ta ngày nay là thế giới của những chỉ tiêu, và trước hết là chỉ tiêu kinh tế : nào là GDP, nào là kim ngạch xuất nhập khẩu vv. cho tới chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo, chỉ tiêu thi đậu, lên lớp, và thậm chí chỉ tiêu chết trong bệnh viện ! Báo chí mới đây nói đến chuyện chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo ở đâu đó ngoài Nghệ An : người ta không căn cứ vào thực trạng giàu nghèo của người dân, nhưng cứ theo chỉ tiêu đã được phân bổ mà giảm tỉ lệ hàng năm ! Mỗi năm phải giảm bao nhiêu hộ nghèo, thì cứ phải giảm đúng chỉ tiêu, cho dù số người nghèo thực tế còn nhiều, và có khi càng ngày càng gia tăng ! Tôi nghe nói còn cả “chỉ tiêu người chết” nữa, nghĩa là mỗi năm không được để cho bệnh nhân chết tới một mức nào đó trong bệnh viện, cho nên người ta bắt người nhà phải đem bệnh nhân hấp hối ra khỏi bệnh viện, để chết đâu thì chết, chứ không chết trong bệnh viện là được.

Trở lại với vấn đề của bài viết này, theo tôi nghĩ, chính luật pháp của đa số các nước trên thế giới thả lỏng cho người ta ly dị, ngừa thai, phá thai bừa bãi, khiến chuyện “chăn gối” trở nên dễ dàng bừa bãi, vô trách nhiệm, mất đi ý nghĩa cao thượng. Nói cách khác, “chuyện ấy” không còn có ý là một dấu chỉ của tột đỉnh tình yêu, của một sự hiến tặng, mà chỉ còn là một thứ trò chơi, mà mục đích chỉ là khoái cảm nhục dục. Và vì yêu đương cũng chỉ là một trò chơi, cho nên hậu quả của nó cũng chẳng có ý nghĩa và giá trị gì, do đó chuyện vứt bỏ nó đi, cũng chỉ là một chuyện “vô tư”.

Người lớn chúng ta còn đang làm những chuyện động trời mà hậu quả còn nặng nề, ghê gớm, đe dọa tới chính vận mệnh của cả đất nước, cả dân tộc. Đó là “quốc nạn” tham nhũng, bóc lột nhân dân bằng nhiều thủ đoạn, trong đó nổi cộm nhất hiện nay là phù phép qui hoạch đất đai : lấy đất của dân, lấy cớ qui hoạch, rồi treo, rồi sửa đổi qui hoạch, chia lô chia chác hay bán rẻ cho nhau… Rồi công an phòng chống ma túy đi buôn ma túy, cán bộ kiểm lâm thông đồng với lâm tặc, chánh án lo chạy án cho can phạm…

Người xưa vẫn nói : thượng bất chính, hạ tắc loạn. Các nghệ sĩ sân khấu và phim ảnh đã có rất nhiều cố gắng đưa lên sân khấu và màn hình những bóng đen của xã hội nước ta: từ trong gia đình ra tới làng xã, quận huyện, chứng minh cho thấy chính môi trường xã hội ô nhiễm ấy đang gây ra những “bệnh tật” tâm hồn của dân ta, đặc biệt là giới trẻ. Chồng ăn chả, vợ ăn nem, thì có lạ gì nếu con cái cũng đi ăn trái cấm !

Và cứ thử nhìn vào chính Giáo hội cũng thấy, quả thật chúng ta cũng chẳng đáng hãnh diện là bao, với những gì đã và đang xảy ra trong hàng giáo sĩ, và ngay tại Vatican, cũng như ở nhiều nơi, nhất là bên Mỹ, như là chuyện đồng tính luyến ái, chuyện lạm dụng tình dục trẻ em... Chúng ta có lẽ chỉ nên cùng nhân loại sám hối, hơn là trách móc hay lên án kẻ khác.

Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, trong bài nói chuyện với các Giám mục Congo-Brazzaville, ngày 19/10/2007 vừa qua có nói : “Để có thể làm cho mọi người tin theo Tin Mừng trong sự thật và một cách sâu xa, thì chúng ta phải trở nên những chứng nhân trung thực hơn và đáng tin cậy hơn của Chúa Kitô.” 3

Vậy thì để khỏi bị cám dỗ lượm đá để ném những thiếu phụ ngoại tình, hay những phụ nữ lang chạ như người phụ nữ Samari ngày xưa, hoặc người “thu thuế”, tức là những kẻ bị mang tiếng tội lỗi, chính chúng ta cũng hãy noi gương Đức Giêsu “Đón nhận gánh nặng tội lỗi của cả nhân loại trên vai mình và mang tất cả xuống sông Giođan”“nhận vị trí của các tội nhân”, như Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI viết trong cuốn Đức Giêsu Thành Nazareht của ngài 4 .

31-10-2007

Wednesday, October 31, 2007

Trí thức: Những suy nghiệm từ lịch sử

Trần Khuyết Nghi

Nói về mối quan hệ giữa tầng lớp trí thức với giới cầm quyền, người ta thường nhắc đến câu nói rất nổi bật và cũng rất nổi tiếng nầy của nhà chính trị sáng lập ra nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã phát biểu thẳng thừng trong một bài nói chuyện ở Diên An: “Trí thức là cục phân”. Câu nói nầy của Mao Trạch Đông gây sốc khá mạnh, có lẽ cũng từng làm tổn thương và mích lòng cho không ít người, nhất là đối với những người tự cảm thấy dường như mình đích thị là đối tượng đang bị nhà chính trị đầy quyền lực kia xem thường. Trong lịch sử Trung Quốc và các nước Châu Á, Mao Trạch Đông là người duy nhất phá lệ dám công nhiên phát biểu những lời lẽ miệt thị trí thức, có lẽ một phần do ông thành thật, phần khác do quyền lực của Mao lúc đó còn quá mạnh, “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, khác hẳn với các bậc “tiên vương” của ông theo truyền thống lúc nào cũng nói đến việc phải tôn trọng kẻ sĩ (tức giới trí thức), coi kẻ sĩ như là rường cột có hệ lụy đến sự hưng vong của quốc gia và chế độ.

Nhưng không phải chỉ có Mao, bậc tổ sư về chính trị của cả ông lẫn Tần Thủy Hoàng là nhà triết học-chính trị học Hàn Phi Tử cũng đã từng mạt sát trí thức. Cách nay trên hai ngàn năm, khi viết thiên “Ngũ đố” để nêu ra năm loại mọt (ngũ đố) chuyên đục khoét và làm băng hoại xã hội. Hàn Phi đã đưa thành phần trí thức lên đầu sổ (trong nguyên văn ông dùng chữ “học giả”), đây không dịch sát nguyên văn mà chỉ tóm lược ý chính cho dễ hiểu: “Các học giả chỉ biết nịnh hót xưng tụng đạo của tiên vương (các vua đời trước), mượn tiếng là trọng nhân nghĩa, trau chuốt dung mạo và y phục, lời ăn tiếng nói để làm loạn pháp độ đương thời, làm mê hoặc lòng vua chúa; bọn du sĩ dùng thuyết gian trá mượn thế lực của nước ngoài để đạt được tư lợi, làm thiệt hại cho quốc gia; bọn đeo gươm thì tập hợp đàn em, lập tiết tháo để nổi danh mà phạm lệnh cấm của triều đình; bọn thị thần nịnh bợ, tích tụ tài sản, ăn hối lộ, mượn cái thế của nhà cầm quyền để chạy chọt xin xỏ cho những người mình đã nhận hối lộ; còn bọn thương nhân và thợ thì sửa lại những đồ xấu xí để bán giá cao, đầu cơ tích trữ những vật thường dùng để đợi thời bóc lột mối lợi của nông phu. Năm hạng người đó là mối mọt của nước, bậc vua chúa không diệt trừ họ thì trong thiên hạ có quốc gia bị tàn phá suy vong, có triều đại bị tiêu diệt, cũng không có gì lạ!” (...Nhân chủ bất trừ thử ngũ đố chi dân, tắc hải nội tuy hữu phá vong chi quốc, tước diệt chi triều, diệc vật quái hĩ!).

Mao Trạch Đông là người đại diện cho nhà cầm quyền của một nước lớn, ông khinh thường trí thức thì không nói làm chi, vì có những lý do riêng của ông; hơn nữa ngay lúc ấy có lẽ ông cần đến tầng lớp công nông nhiều hơn. Đến như Hàn Phi Tử đúng nghĩa là một “đại trí thức” độc lập không cầm quyền của thời Tiên Tần mà khi nhìn về những người cùng thời trong số thành phần có ăn học, ông chẳng những không có vẻ gì trọng vọng mà còn trách cứ họ nữa, xếp họ vào đầu danh sách của năm loại mọt phá nước hại dân. Một học giả-nhà văn-nhà cải cách kinh tế-chính trị nổi tiếng của đời Tống, Trung Quốc là tể tướng Vương An Thạch cũng không vui gì khi nhắc tới những người trí thức cùng thời với mình, trong bức thư ông trả lời Tư Mã Quang về việc Tư Mã Quang ngăn cản cuộc cải cách bằng “tân pháp” của ông: “Người ta quen với thói cẩu thả tạm bợ đã lâu, không phải mới một vài ngày, kẻ sĩ đại phu đa số không lo gì đến quốc sự, chỉ mị dân, chiều theo thị hiếu của số đông, cho như vậy là tốt. Hoàng thượng muốn biến đổi phong khí đó, mà tôi không lượng số người phản đối nhiều hay ít, muốn tận lực ra giúp hoàng thượng chống lại bọn họ, như vậy thì làm sao mà đại chúng chẳng nhao nhao lên?”.

Tuy nhiên, nếu xét trong suốt bề dài lịch sử của chế độ phong kiến, về cơ bản các vua chúa vẫn thường tôn trọng trí thức như một công cụ để làm việc và bảo vệ chính quyền. Kẻ sĩ nếu gặp được minh quân thì cũng có thể thi thố tài năng để thực hiện hoài bão tế thế an bang theo đạo lý thánh hiền ; bằng như ngược lại, đời họ sẽ tiêu trầm theo năm tháng, nếu cố giữ tiết tháo thì không làm bậy hoặc dua nịnh triều đình, cả ngày chỉ uống rượu làm thơ ca tụng giai nhân và cảnh đẹp, hoặc nói chuyện “thanh đàm” (phê bình suông về chính trị và nhân vật). Tính ra trong sự phê bình lẫn nhau thì kẻ sĩ vẫn phê bình các nhà cầm quyền nhiều hơn là ngược lại, vì dù sao họ cũng là thành phần ít có điều kiện để phạm lỗi nhiều hơn.

Theo truyền thống của Trung Quốc và Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ, qua phương thức tuyển chọn nhân tài hầu như cố định bằng con đường khoa cử, giới trí thức nho sĩ với tư cách là quan văn luôn đứng ở trong hoặc bên cạnh nhà cầm quyền, giúp nhà cầm quyền trị dân, bù lại họ cũng hưởng được một số đặc quyền đặc lợi của triều đại mà mình phục vụ. Trên thực tế họ là giới cầm quyền hay ít nhất cũng là những người thừa hành quyền lực của chính quyền trung ương. Theo nhận xét của các nhà nghiên cứu, cả ở Trung Quốc và Việt Nam, do các điều kiện mới về lịch sử, chỉ từ đầu thế kỷ 20 mới có một bộ phận độc lập nhưng chưa mạnh của thành phần trí thức tách ra khỏi hệ thống cầm quyền, đó là một số nhà văn, nhà báo, giáo viên, dân biểu quốc hội..., nhưng tình trạng nầy diễn ra trong giai đoạn ngắn ngủi, ở Trung Quốc chỉ đến năm 1949, còn ở Việt Nam thì có thể tính đến hai mốc lịch sử 1954 và 1975 tùy theo miền.

Ở Nga, giới trí thức hình thành sớm hơn. Họ đã có một khoảng thời gian dài đến vài ba thế kỷ có được vai trò cùng tiếng nói ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của nền văn hóa-khoa học của đất nước, nhưng sang đến thời kỳ chính quyền Xô-viết (1917) thì nền văn hóa Nga lại bắt đầu có những chuyển hướng phức tạp mà nét đặc trưng là sự thao túng của hình thái văn hóa-xã hội cực quyền cùng với bệnh giáo điều, kết quả là, theo sự ghi nhận của Từ điển bách khoa văn hóa học (Viện nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2002) thì “trong suốt thời gian tồn tại của Liên bang Xô-viết, giới trí thức Nga luôn là đối tượng của các hình thức đàn áp liên tục thay đổi, nhưng tất cả đều nhằm một mục tiêu: hủy diệt tính độc lập tinh thần và bản chất riêng của giới trí thức Nga, biến họ thành kẻ phục vụ cho huyền thoại về hệ tư tưởng...”.

Căn cứ trên kinh nghiệm thực tế chung của lịch sử các xã hội có hoàn cảnh tương tự, người ta thấy phần tử trí thức tùy theo trường hợp có khi đứng trong có khi đứng ngoài chính quyền, nhưng dù trong hay ngoài, nếu là người trí thức chân chính và có lương tâm thì họ vẫn luôn ráng giữ thái độ trung thực, độc lập hoặc tương đối độc lập về chính kiến đối với các nhà đương cuộc, để có thể mạnh dạn đặt vấn đề hoặc phê phán trước các hiện tình còn chưa tốt của xã hội mà họ đại biểu cho nhân dân có quyền đòi hỏi phải cải cách. Điều nầy có nghĩa với tư cách là phần tử ưu tú được xã hội nuôi dưỡng đào tạo, họ sẽ có trách nhiệm chung về sự an nguy của dân chúng, và không vì sự thuận tiện của cuộc sống bản thân mà sẵn sàng phụ họa cho những điều sai trái đi ngược lại với quyền lợi của những người cùng khổ. Họ phải đấu tranh bằng cách nầy hay cách khác chống lại mọi hình thức ma mị độc tài nếu có, để bảo vệ dân chủ, duy trì các giá trị nhân văn, và trong khi làm như vậy, họ tâm niệm lợi ích của nhân dân là luật pháp tối thượng.

Bàn về mối quan hệ giữa trí thức với chính quyền, có quan niệm cho rằng người trí thức phải đứng ngoài chính quyền mới giữ được thái độ độc lập. Điều nầy đúng nhưng phải còn tùy, và thường không sát với thực tế cuộc sống, như chúng ta có thể thấy qua một số dẫn chứng trên kia về các mô hình tồn tại thông thường của phần tử trí thức trong xã hội và với chính quyền ở các điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau. Vấn đề chỉ phân biệt ở chỗ lương tâm và trách nhiệm của người trí thức chứ ít tùy thuộc vào chỗ họ có hưởng bổng lộc nhà nước hay không, mặc dù cái sự tùy thuộc nầy coi vậy cũng phải thường trả giá rất đắt nếu không muốn bị rơi vào cái thế trên đe dưới búa, tiến thoái lưỡng nan. Trên thực tế, chỉ một số rất ít người giữ được chỗ đứng tương đối độc lập, và trong điều kiện may mắn đặc biệt đó họ mới có thể hưởng được cái thú của một người tự do, và mới viết được những lời lẽ như sau đây của nhà hoạt động văn hóa độc lập Nguyễn Hiến Lê khi ông bàn một cách thoải mái về thái độ của nhà văn đối với chính quyền: “Tôi nghĩ rằng cái thú nhất của người cầm bút là được độc lập, và cái vinh dự lớn nhất của họ là giúp được chút ít gì cho quốc dân. Muốn giữ được độc lập và giúp được quốc dân thì nên ở ngoài chính quyền, đứng ở cương vị đối lập với chính quyền. Đối lập không nhất định là chỉ trích, lại càng không có nghĩa là đả đảo. Đối lập là một cách kiểm soát, hợp tác hữu hiệu nhất và nghiêm chỉnh nhất. Ta không lệ thuộc chính quyền thì mới dám nói thẳng với chính quyền và chính quyền mới chú ý tới lời nói của ta...Chúng ta còn phải tiếp tục tranh đấu cho được tự do ngôn luận...Muốn thành công thì một mặt chúng ta phải coi chừng những kẻ muốn bịt miệng chúng ta, mặt khác phải có thái độ đứng đắn. Chính quyền có điều đáng khen thì ta khen, chứ không nịnh; chính quyền lầm lẫn thì chúng ta thẳng thắn nhận định với những lý lẽ vô tư và vững vàng, những lời nhã nhặn và minh bạch. Chúng ta vì quốc gia mà xây dựng. Tất nhiên có những lúc ta phải tỏ nỗi bất bình, chẳng phải của riêng ta mà của quốc dân, chẳng hạn với những kẻ bán nước, hút máu mủ của dân; lúc đó giọng ta có thể gay gắt nhưng lòng ta không có chút căm thù cá nhân. Chúng ta đả một thái độ, một chính sách, chứ không đả một cá nhân...” (xem bài “Người trí thức chân chính Nguyễn Hiến Lê”, trong tập Nguyễn Hiến Lê, cuộc đời và tác phẩm, NXB. Trẻ, 2003).

(Báo Công giáo và Dân tộc số 1489, tuần lễ từ 31.12.2004 đến 6.1.2005)