Wednesday, January 9, 2008

Những điều trông thấy

LÂM VÕ HOÀNG

Đây là những điều đã qua khá lâu và những phản ứng cũng không phải ít. Tuy nhiên vẫn còn có chỗ để bàn thêm rốt ráo, thậm chí chạm vào những động cơ căn bản, xuất phát điểm của những điều không khỏi “đau đớn lòng”, khi hướng về tương lai mà “những điều trông thấy” ấy có thể dẫn dắt.

Đó là đóng dấu còn nợ trên văn bằng tốt nghiệp đại học của những sinh viên ưu tú, chỉ vì mắc tội nghèo phải xin vay tiền từ lòng tốt của nhà nước và tội cô thân thất thế, nên chưa sớm kiếm được việc làm tốt lương cao, để trong một năm, trả nợ vay ăn học của 4 hoặc 5 năm.

Đó là quyết định cấm xe ba gác, xích lô, hàng rong… mà tuyệt nhiên chưa có đối sách đền bù, hỗ trợ công ăn việc làm mới.

Đó là phổ cập chế độ lãnh lương qua máy trả tiền ATM, không phân biệt lương hậu hĩnh hay còm cõi.


Đóng dấu còn nợ trên văn bằng đại học

Nước ta tuy nhỏ bé, nhưng từ ngàn xưa nhờ trọng học, có tầng lớp sĩ phu tổ chức xây dựng, điều hành đất nước với đầy đủ rường rột vững vàng, dựa trên nền tảng đạo đức khôn ngoan : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, tới muôn ngàn đời sau vẫn có giá trị tu thân tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, kể cả sau khi tiếp thụ văn hóa, khoa học kỹ thuật duy lý của Tây phương.

Nhờ trọng học và có học, dân ta sớm vĩnh viễn thoát khỏi cảnh ăn lông ở lỗ, có đạo đức xã hội và bản thân, nên sớm tạo được hồn dân tộc, yêu nước, thương nòi, khao khát độc lập tự do, giữ thể thống trong mọi hoàn cảnh, biết cân bằng tương quan lực lượng, tuy ở phía dưới nước lớn mà không hề bị đồng hóa và vẫn giữ được cá tính, bản sắc dân tộc cho đến ngày nay.

Thế đấy, nhưng tại sao những “cử nhân” trước đây được cờ quạt, võng lọng đưa về làng “ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau” bái tổ vinh qui rỡ ràng, mà nay, chỉ vì chưa có điều kiện trả nợ vay đi học (có thấm vào đâu so với tiền ném qua cửa sổ của lũ con cái thất học, hư hỏng của bọn tham quan), những cử nhân, kỹ sư, thậm chí bác sĩ phải đau đớn nhận tấm bằng có đóng dấu còn nợ. Văn hóa đâu? Văn minh đâu? Học thức đâu?

Dù cho “người phàm mắt thịt” tới đâu, cũng phải thấy họ đã đáp ứng xuất sắc yêu cầu cơ bản đầu tiên của món nợ vay là từ một học sinh non nớt (dù sao cũng là tú tài !) họ đã trở thành một trí thức chuyên viên, một sĩ phu trẻ của đất nước, thậm chí thế giới (không thể phủ định giá trị văn bằng đại học của họ) đủ sức đóng góp hữu hiệu cho đất nước, dân tộc, nhân loại. Đồng tiền tuy quý nhưng chưa to bằng bánh xe, có phải như thế không?

Vậy thì, động cơ nào thúc đẩy đến chỗ đành đoạn chủ trương đóng dấu “còn nợ” trên văn bằng quý báu của người ta và nhằm mục đích nào ? Phải chăng vì bất lực buộc người ta phải trả nợ, bất lực do non kém kinh nghiệm, bản lĩnh hành chánh pháp lý, người ta đành viện đến việc đóng dấu vào văn bằng, khiến cả nước ngỡ ngàng.

Cấm xe ba gác và hàng rong

Báo chí đã phản ánh khá đầy đủ nỗi thống khổ tuyệt vọng của tầng lớp phải cật lực lao động, hơn cả những người mang danh lao động, để kiếm miếng sống cho gia đình và góp phần gầy dựng con cái thành người có học, hữu ích cho đất nước mai sau. Tuy đã được nhà nước chiếu cố cho lùi hạn định đến 6 tháng nữa, nhưng vấn đề vẫn sẽ y nguyên. Vì chắc gì trong 6 tháng đó, có đầy đủ chính sách đền bù, hỗ trợ, giúp đỡ những người sẽ thất nghiệp vì bị bít đường sinh nhai mà chưa thấy bất cứ lối thoát nào, nói chi lối thoát khả thi.

Hầu như bên trên, như người “cõi trên”, chưa xác định được trọng lượng kinh tế và dịch vụ xã hội của họ, nên coi vấn đề cấm như không. Theo báo chí, những xe ba gác linh hoạt chui vào các hẻm sâu đã giải quyết được 70% rác của thành phố Hồ Chí Minh. Cấm họ rồi xử lý rác như thế nào đây ? Hay là chỉ biết phạt. Xin nhớ, việc giải quyết nón bảo hiểm nằm trong tầm tay người đi xe máy. Còn rác chỉ có thể do nhà nước giải quyết mà thôi.

Còn hàng rong là ân nhân cứu khổ cho những người thu nhập thấp là chủ yếu. Người viết mỗi ngày ngồi đọc báo trước cửa nhà, với 10.000 đồng có thể ăn năm món quà sáng no tới trưa, thường khi ăn 2000đ xôi khúc là đủ bữa điểm tâm. Không kể “chợ lưu động” của mấy chị đi xe đạp có đủ cá, thịt, rau, gia vị. Không thể chối cãi họ là nét văn hóa đặc thù của đất nước mà cho tới cả Tây cũng không chê. Hơn thế nữa họ là nguồn gốc duy trì truyền thống ngon lành của ẩm thực bình dân vốn là khuôn mặt thật của đất nước. Họ mà biến đi, thì bộ mặt đô thị sẽ biến dạng liền.

Thế tại sao lại cấm họ? Có khả năng là ta hay sính bên Tây, bên Mỹ, hay trên thế giới, mà quên rằng bên họ cũng có bình dân sản xuất tiêu thụ hàng bình dân, với thu nhập bình dân. Ở đâu cũng có kẻ giàu, người nghèo. Bên ta có những người cực giàu, xuất thân, hoặc có ảnh hưởng đến giới hành chánh, nên tưởng ai cũng như họ, ăn xài đắt tiền tối đa, đôi giày, cái bóp đầm trên 20 triệu là bình thường, ra đường là xe hơi, tài xế, màn che sáo phủ, muốn cho môi trường sống của họ phải giống y như các nước kia và đâu đâu cũng phải là Phú Mỹ Hưng. Xe ba gác, hàng rong chỉ làm bẩn bộ mặt thành phố.

Trong khi đó lại không thấy rằng chính lối công tác quan liêu tắc trách làm cho đường phố đầy ổ voi, cống không nắp, nước ngập lôi rác dưới cống trôi lềnh bềnh… mới làm xấu, bẩn bộ mặt thành phố. Trong khi một chị hàng rong nở nụ cười mời mọc du khách là đủ làm cho người này thấy đất nước ta đẹp và nhớ hoài. Ta phải tự sửa mình, trước khi qui tội cho đám nhà nghèo.

Lãnh lương qua ATM

Cũng vì sính máy móc ngoại, nên ta chủ trương lãnh lương qua ATM, không dè số ATM không thể đủ để phục vụ cho số người bắt buộc phải sử dụng nó. Ngoài ra nó cũng trục trặc hoài, thậm chí nuốt thẻ của người ta, ghi trả, nhưng không đưa tiền ra. Khiếu nại thì giải thích vòng vo, bảo chờ giải quyết máy…

Cũng vì quá sính, nên quên rằng đa số người bắt buộc phải lãnh lương qua ATM, sẽ rút hết một lần số lương còm không đủ sống của mình. Họ sẽ mất nhiều thì giờ chầu chực tới phiên, hoặc chưa quen và rành máy móc, không thể không gặp sự cố mà họ luôn là người có lỗi. Hơn nữa tới được cái máy ATM, phải kiếm chỗ để xe, mất tiền gởi sẽ làm cho họ tiếc cái thiên đàng lãnh lương tại chỗ làm bằng tiền mặt, đem về liền cho bà xã hoan hô.

Tóm lại tiến bộ không ai không muốn. Nhưng muốn cái tốt nhất mà mình hoàn toàn không có khả năng dù trong tương lai dài, như sạch bằng Singapore quả là không lượng sức mình và làm khổ cho dân mình. Ta cứ coi các nước láng giềng tiến bộ hơn ta, như Thái Lan chẳng hạn, họ cấm gì, còn cho phép gì, ta cứ bắt chước y như họ là không lầm đâu. Trung Quốc đệ tam cường quốc kinh tế thế giới mà vẫn đầy những tồn tại của xa xưa. Cứ đi một vòng Thượng Hải, Thẩm Quyến thì sẽ thấy đầy xe ba gác nhỏ, phơi áo quần treo đầy. Ta hãy qui định rõ ràng trước, còn tác hại ta mới cấm, kẻo tội cho dân lắm!

Báo Công giáo và Dân tộc số 1640

Đội mũ bảo hiểm ra đồng

Lm Nguyễn Hồng Giáo

Chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) trên tất cả các tuyến đường đã được khai triển hơn hai tuần nay và được đánh giá là thành công ngoài chờ đợi ngay từ ngày đầu tiên. Các phương tiện truyền thông thi nhau ca tụng: nào là ý thức công dân và tinh thần kỷ luật của nhân dân ta là rất cao; nào là chủ trương đã được chính quyền tuyên truyền rất chu đáo và toàn thể cán bộ đã vào cuộc với đầy quyết tâm và nhiệt tình. Có người vội vàng khái quát rằng sự thành công này cho thấy: chính sách nào thực sự phục vụ công ích và hợp với lòng dân thì luôn luôn chắc chắn thành công.

Nhưng cũng không thiếu những tiếng nói không đồng tình. Họ nghi vấn: người dân chấp hành vì tinh thần kỷ luật và ý thức công dân hay vì sợ bị phạt nặng? Quả thực, giữa việc mua một chiếc MBH một trăm hay trên một trăm ngàn đồng (hay dù chỉ dăm bảy chục) và việc phải chịu phạt đến 150.000 đồng mỗi lần vi phạm, người ta không còn chọn lựa nào có lợi hơn là sắm cho mình một chiếc MBH. Tất nhiên nhiều người đội mũ vừa vì lợi ích bản thân để “bảo vệ cái đầu” mình vừa để chấp hành qui định pháp luật, nhưng còn biết bao người đội mũ chỉ để đối phó, chẳng hạn khi họ chỉ đội “hờ” trên đầu, không khoá dây mũ. Và còn những nghi vấn khác …

Tôi ở thành phố, chỉ nhìn thấy tình hình thành phố và nghe, đọc được những nhận định phần nhiều chỉ liên quan tới thực tế tại các thành phố. Tôi vẫn cứ tự hỏi: tình hình và dư luận ở thôn quê thì sao?

Mới đây tôi có việc về gia đình tại một làng quê thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, và tôi đã thấy một thực tế hơi bất ngờ.

Ở đây chính quyền cũng thực hiện chủ trương một cách triệt để với những biện pháp không kém khắt khe trong một thôn làng mà xe ô-tô hầu như chỉ chạy trên con đường nhựa liên thôn liên xã xuyên qua làng. Luật buộc đội MBH áp dụng cho tất cả mọi con đường chạy ngang dọc trong làng, ngay cả những con đường nhỏ hẹp. Nghĩa là hễ ra khỏi nhà, bước lên xe máy là phải có cái “nồi cơm điện” (như nhân dân quen nói) chụp lên đầu. Công an xã cũng hết sức nhiệt tình thổi phạt, có khi đuổi xe vi phạm đến tận trong nhà, và cứ là 150.000 đồng không bớt. Dân nói: “họ rình để thổi phạt!”

Tôi nghe kể một chuyện gần như tiếu lâm: một thanh niên đang cởi trần mặc quần cụt sơn nhà, vì thiếu vật dụng nào đó, anh ta cứ để mình trần như thế mà leo lên xe chạy tới chợ cách nhà mấy trăm mét. Thế là bị công an thổi phạt. Nghe con kể lại, bà mẹ tức điên lên. Bà lẩm bẩm: “Để tao!” Bà ta liền đội cái mũ vải vào, chụp thêm cái MBH lên trên rồi lại buộc cái khăn trùm đầu che kín tất cả, và lên xe máy chạy. Đến gần nơi con mình bị phạt, bà ta không bất ngờ thấy công an thổi còi và dơ tay ra hiệu bắt dừng lại. -“Bác không đội MBH, cháu phải phạt bác. Lúc nãy, thằng X con bác đã bị phạt rồi, nó không nói cho bác biết à?”. –“Cái chi?”, bà ta hỏi. “Phạt cái chi? Cứ coi cho kỹ trên đầu tao có mấy thứ bảo vệ?” Nói rồi, bà ta mở cái khăn trùm bên ngoài ra cho anh công an coi. Anh ta hơi bất ngờ và tỏ ra bối rối: “Thôi, bác đi đi!” –“Tao nỏ (chẳng) cần đi mô cả”, bà ta vừa nói vừa quay xe lại và hả hê chạy thẳng về nhà…

Trong nhà cháu út tôi chỉ có hai vợ chồng và hai con nhỏ, đứa học lớp ba, đứa học lớp mầm nhưng cũng phải có ba chiếc MBH, tính ra hết 300.000 đồng. Mấy đứa cháu khác đông con hơn, phải sắm nhiều mũ hơn. Tình hình này là rất bình thường ở đây, lúc này. Hôm tôi phải về lại thành phố, thằng cháu tôi định lấy xe máy chở tôi ra ngoài đường liên xã đón xe ô-tô như mọi khi, nhưng tôi bảo nó xách đồ và cùng đi bộ với tôi, đoạn đường thật ra cũng không xa. Gia đình một cháu khác có nhà ở đầu làng; nó giải thích với tôi rằng từ ngày bắt đội MBH, vợ chồng và con cái chúng nó ít về chơi nhà bà nội vào buổi tối như thói quen “vì thấy nón tơi bất tiện quá!”. Nó nói: “Bây giờ phải đội MBH không những khi muốn đi tới nhà nhau trong làng bằng xe máy mà cả khi đi làm ngoài đồng, ngoài rẫy nữa!” Và lúc đó, phải “cặp kè” thêm cái nón lá hay cái mũ vải!

Nói chung, dân chúng tại đây không phàn nàn về chính chủ trương nhưng họ cảm thấy cách thực hiện chủ trương quá máy móc. Họ cũng tự hỏi do đâu chính quyền cương quyết, gay gắt và nhiệt tình đến thế? Nếu như cán bộ cũng tận tâm và quyết liệt bằng phần nửa như thế trong nhiều chủ trương khác, như cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, giảm bớt các loại tiền đóng góp, hoặc chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí chẳng hạn, thì nhân dân được nhờ biết mấy!

Tôi vẫn là người đội MBH nghiêm túc từ rất nhiều năm nay, và hoàn toàn ủng hộ chủ trương đội MBH bắt buộc. Nhưng sau những gì đã mắt thấy tai nghe ở thôn làng tôi, tôi càng tin rằng cách thực hiện nhất loạt như nhau ở đô thị và ở thôn quê là máy móc, không sát thực tế, chỉ dễ dàng cho chính quyền còn người dân, nhất là ở nông thôn thì chịu bao nhiêu là khó khăn thiệt thòi. Ở những làng xã khác thì tôi không biết, nhưng ở làng xã tôi, người dân không hề được thuyết phục, họ chỉ chịu đựng một chủ trương vì không còn cách nào khác.

Tôi viết bài này để phản ánh một thực tế mình vừa nghiệm qua.

2/1/2008

Báo Công giáo và Dân tộc số 1640