Wednesday, January 7, 2009

Góp ý đầu năm: Cải cách hệ thống ngân hàng

Lâm Võ Hoàng

Hệ thống ngân hàng bao gồm : Ngân hàng Trung Ương (ngân hàng nhà nước hiện nay) và các loại ngân hàng kinh doanh như Ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư... (tổ chức tín dụng hiện nay). Ngân hàng Trung ương là ngân hàng của Nhà nước có nhiệm vụ đặc thù là phát hành giấy bạc, quản lý hệ thống các tổ chức tín dụng mang danh nghĩa ngân hàng. Tức là loại trừ các tổ chức tài chánh như các Quỹ Đầu tư, Công ty chứng khoán.. thuộc quyền kiểm soát của Bộ Tài chánh. Bởi lẽ chỉ có các ngân hàng mới được nhận tiền ký thác của công chúng, kể cả các ngân hàng đầu tư được nhận ký thác trung hạn và dài hạn, còn ký thác vãng lai, ngắn hạn và tiết kiệm, thì dành cho các Ngân hàng thương mại (ký thác không kỳ hạn, có kỳ hạn và dưới mức ký thác trung hạn). Ngân hàng thương mại nói chung chủ yếu thuộc các tư nhân nhưng nhà nước nếu có nhu cầu đặc biệt có thể lập ngân hàng thương mại, bình đẳng với các Ngân hàng thương mại tư nhân.

Vì có liên quan mật thiết với công chúng là đối tượng bảo vệ đặc biệt của luật pháp ngân hàng, nên các loại ngân hàng thương mại có qui chế hoạt động chặt chẽ và được kiểm soát thường xuyên. Còn các Quỹ Đầu tư, thuộc quyền kiểm soát của Bộ Tài chánh, chỉ sử dụng vốn của các thành viên hùn vào, để đầu tư tham gia vốn của các doanh nghiệp có triển vọng. Công ty chứng khoán gắn liền với thị trường chứng khoán, nên thuộc quyền kiểm soát của Bộ Tài chánh, vì hoạt động của thị trường và công ty chứng khoán có tính chất tài chánh, chứ không phải tiền tệ như các tổ chức tín dụng. Nếu có thể, Bộ Tài chánh cần nắm luôn các đối tượng hoạt động chứng khoán, chứ không để khơi khơi dưới quyền của Ủy ban chứng khoán nhà nước. Chừng đó, hoạt động tiền tệ và hoạt động tài chánh mới được phân biệt rạch ròi và mỗi bên mới tập trung quan tâm chặt chẽ hơn các đối tượng dưới quyền kiểm soát của mình.

Ngân hàng nhà nước hiện nay là một Bộ (phải chăng để cho oai ?) nhưng không thực hiện hoàn toàn nhiệm vụ đáng lý phải có, như đã được nêu ra 20 năm trước đây trong đề án “Đổi mới căn bản ngân hàng” của một nhóm nhỏ chuyên viên ngân hàng, hợp tác với các chuyên gia ngân hàng nhà nước Việt Nam lúc bấy giờ theo yêu cầu và chỉ đạo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nay thời gian đã trôi qua, nhưng vẫn còn kịp để thật sự “đổi mới căn bản ngân hàng”, như chỉ đạo lúc ấy của vị lãnh đạo quá cố, một số cải cách cần được mạnh dạn tiến hành để đổi mới tăng cường sức mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam, trước khủng hoảng, suy sụp tài chánh kinh tế, tiền tệ thế giới. Bằng không, chúng ta khó tránh khỏi một cuộc khủng hoảng tài chánh, kinh tế, ngân hàng do chính chúng ta tạo ra, cộng hưởng thêm vào khủng hoảng từ bên kia chân trời, nổi cộm là hằng triệu tấn lúa của nông dân, gần Tết rồi mà vẫn còn nằm ỳ đó, như những bà cô lỡ thời.

Để thực hiện sự “vùng dậy cần thiết” đó và với tin tưởng của người viết đối với ông đương kim Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, mà người viết được biết là một cán bộ tài ba xuất thân từ ngân hàng huyện, trải qua các nấc, lên tới vị trí Bí thư Tỉnh ủy, rồi Thống đốc hiện nay, sự “vùng dậy” ấy là khả thi, như đổi tuyển bóng đá Việt Nam mới đây dưới quyền ông Calisto, miễn sao được ủng hộ hết mình của Chính phủ như ông Sáu Dân năm xưa.

- Trước hết, vai trò Thống đốc Ngân hàng Trung ương phải được quyền tự chủ rộng rãi để ứng biến với mọi tình thế có liên quan đến tiền tệ, tín dụng trên mọi mặt trận, không chỉ ngân hàng mà còn thương mại, tài chánh, đầu tư, xã hội.. Cho nên không thể ngồi giữa triều ca mà chỉ huy chiến trận. Để giảm thiểu sự hy sinh, Thống đốc có thể giữ hàm Bộ trưởng, có quyền tham dự hội nghị Chánh phủ hằng tháng khi cần. Chủ yếu là được gặp thường xuyên Thủ tướng để trao đổi và tranh thủ sự ủng hộ đối với mọi đề xuất quan trọng và cần thiết. Hơn thế nữa, những liên lạc thường xuyên với Ban Kinh tế Trung ương Đảng để báo cáo, giải thích, cung cấp thông tin, tranh thủ sự ủng hộ, đó là mấu chốt thiết yếu, nếu thực hiện được.

Mặt khác, thông lệ quốc tế là khu vực ngân hàng có qui chế lương bổng và an sinh khả quan để nuôi dưỡng lòng tận tụy của cán bộ công nhân viên, (như đãi ngộ trước đây của chế độ cũ), ít ra không cách biệt quá đáng với khu vực các tổ chức tín dụng hiện nay.

- Kế đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cần đổi danh xưng, như đề nghị mới đây của Tạp chí Ngân hàng tháng 12.2008, thành Ngân hàng Trung ương Việt Nam, để từ đó thể hiện vai trò Ngân hàng mẹ của các ngân hàng kinh doanh, cũng như bản thân thực sự hoạt động như môt ngân hàng tự chủ, chớ không phải như một cơ quan Chính phủ, nhiều ràng buộc bất ưng, “có tiếng chớ không có miếng”.

Cụ thể, trong vai trò mới, Ngân hàng Trung ương, qua hệ thống các Ngân hàng kinh doanh (tổ chức tín dụng) trực tiếp cho vay thu gom lúa mùa vụ của nông dân, mùa cá, mùa cà phê..., hoặc cho vay mua đất xây nhà tái định cư, hoặc đền bù giải tỏa “tiền trao cháo múc” (giao đất).

- Cuối cùng, qui luật tự nhiên, xây dựng đổi mới hệ thống thanh tra ngân hàng bản chất hoàn toàn khác với thanh tra các ngành khác là có lỗi rồi mới thanh tra. Ở đây ta thanh tra thường xuyên, xem xét từng hồ sơ cho vay của mỗi ngân hàng để sớm phát hiện các sai sót hoặc gian lận, mặt khác chấm điểm các hồ sơ tốt để các ngân hàng có thể đem thế chấp, khi thiếu thanh khoản. Vì từ nay ta cấp vốn hay tái cấp vốn đều trên cơ sở tái chiết khấu các hồ sơ tín dụng đạt tiêu chuẩn an toàn. Ngoài ra, ta sẽ thay đổi cách ấn định tỷ giá ngoại tệ, bằng cách ta ấn định tỷ giá chuẩn mà ta sẵn sàng mua hay bán trong ngày hôm đó với các ngân hàng. Như vậy lần hồi ta sẽ thể hiện tốt đẹp hơn vai trò ngân hàng mẹ của các ngân hàng hoạt động trong nước, kể cả ngân hàng nước ngoài. Từ đó với những thông tin trực tiếp, chính xác, là nắm tốt hơn tình hình hoạt động kinh tế, tài chánh của đất nước và điều chỉnh thích hợp hơn chính sách tiền tệ, ngoại hối vi mô và vĩ mô của Chánh phủ mà ta sẽ là một cố vấn đáng tin cậy.

Tóm lại, “kết đoàn chúng ta là sức mạnh, kết đoàn chúng ta là sắt gang”, mặt trận tiền tệ, tuy là tương đối có quy củ, nhưng vẫn mong manh, nếu không biết tranh thủ đồng minh, bắt đầu từ trong nhà. Ta cần tái lập lại Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Việt Nam (thay vì duy trì Hội đồng tiền tệ mà chưa ai nghe có được tích sự gì) ít ra theo mô hình của Pháp lệnh ngân hàng 1990, theo đó với Thống đốc là Chủ tịch, sẽ gồm một số đại diện các Bộ có liên quan mật thiết, một số chuyên gia tài chánh ngân hàng, đặc biệt với đại diện Bộ Tài chánh làm giám sát thường trực, không biểu quyết để bảo đảm vô tư, nhưng có quyền xem xét mọi hồ sơ và đòi hỏi mọi giải thích. Báo cáo giám sát được gởi cho Thống đốc, Bộ trưởng Tài chánh và Thủ tướng, hằng tháng, hay thời kỳ. Với ê kíp ấy, Ngân hàng Trung ương sẽ mạnh dạn tiến lên, cũng như sẽ tránh được nhiều chủ quan sai sót, bảo đảm ngày ra đi, ta chỉ sẽ lên, chớ không cay đắng.

(Tuần báo Công Giáo Và Dân Tộc số 1689, ngày 2.1 - 8.1.2008)