Wednesday, November 12, 2008

Lần đầu tiên sau nhiều năm, có Bộ trưởng nhận trách nhiệm

09:14' 12/11/2008 (GMT+7)

http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/11/813117/

- Chia sẻ với Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát vì ông nắm chắc vấn đề, cầu thị và thực sự có trách nhiệm khi "sẵn sàng nhận bất kỳ hình thức kỷ luật nào" vì dự báo sai, nguợc lại, nhiều đại biểu lại thấy Bộ trưởng TN&MT Phạm Khôi Nguyên vẫn còn vòng vo, né tránh và vẫn nợ cử tri một lời xin lỗi.

ĐB Danh Út (Kiên Giang):

"Có ai kiểm điểm, từ chức chưa?"

Vụ Vedan có đến 14 năm liên tiếp sai phạm, 4 đoàn kiểm tra cũng phát hiện ra xả thải chưa qua xử lý thì Bộ lại làm chưa nghiêm. Trong khi đó Miwon (Phú Thọ) khuyết điểm, sai sót nhỏ thì Bộ lại đình chỉ hoạt động ngay. Sao không làm như vậy với Vedan, cần gì phải truy ra Hội trường nữa?

Tôi hỏi thì Bộ trưởng chưa trả lời, liệu có chuyện cái nhỏ thì dễ xử lý còn to thì khó không? Rốt cuộc cứ đổ thừa qua lại nhiều. Bộ trưởng chưa chịu trả lời, tôi cho là xử chưa công bằng.

Nguyên tắc ra pháp luật thì phải xử công bằng nhưng tôi chưa thấy công bằng trong vụ việc này.

Bộ trưởng trả lời chưa thoả đáng, chưa tập trung, chưa chuyên sâu. Chúng tôi chỉ yêu cầu xin lỗi dân một câu là xong hết, rồi quy ra trách nhiệm cá nhân chứ đừng quanh co, trốn tránh.

Tôi nghĩ quan trọng là Bộ trưởng phải hướng đến trách nhiệm cá nhân và của Bộ, nếu trong nhiệm vụ quyền hạn được giao mà không làm được thì còn có trách nhiệm với luật pháp chứ. Luật pháp như thế này chưa nghiêm, chưa có chế tài cụ thể cho những người được giao nhiệm vụ.

Không hoàn thành nhiệm vụ trong ngành, đến nay có ai bị kiểm điểm, ai từ chức chưa?

ĐB Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình):

"Thấy sai sao không chấn chỉnh?"

Tôi không hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên. Có đến 70% khu công nghiệp không có công trình xử lý rác thải, rồi nhiều dòng sông đã chết và đang chết như sông Nhuệ, sông Cầu. Vậy Bộ TN&MT biết doanh nghiệp không làm hoặc chưa xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng tại sao không phát hiện?

Luật Bảo vệ môi trường quy định trước khi đưa vào sản xuất phải có báo cáo thẩm tra môi trường, khu xử lý nước thải, rác thải. Rồi hàng năm cán bộ môi trường đi kiểm tra thường xuyên, thấy như vậy sao không chấn chỉnh? Trách nhiệm cá nhân Bộ trưởng và Bộ đến đâu thì không thấy nói đến trong phần trả lời chất vấn.

Dư luận đã rất bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường các khu công nghiệp, các dòng sông. Đáng lẽ phải báo cáo xử lý được bao nhiêu phần trăm, rồi khó chỗ nào, vướng chỗ nào chứ không thể bình chân như vại và nước đến chân mới nhảy như thế được.

Vi phạm Vedan, có trách nhiệm của ngành môi trường ở trung ương và địa phương. Khi cử tri hỏi bằng văn bản, không thể trả lời bằng chuyện đẩy đi đẩy lại phần trách nhiệm xử lý thuộc về bên nào hay trách nhiệm thuộc về của người quản lý trung ương hay địa phương.

ĐB Ngô Văn Minh (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam):

"Dũng cảm nhận lỗi, tiếc là hơi muộn màng"

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã dũng cảm nhận trách nhiệm về mình trong chuyện lúa gạo vừa qua, không đổ trách nhiệm cho Bộ trưởng khác, dù trong chuyện này còn có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Công thương nữa.

Tiếc là Bộ trưởng nhận lỗi hơi muộn màng. Đáng lẽ trước đó Bộ trưởng phải nhận trách nhiệm hoặc ngay khi phát biểu trước chất vấn, cử tri ít bức xúc hơn, chia sẻ, thông cảm hơn.

Với chuyện xuất khẩu lúa gạo, Vedan... tới đây Thủ tướng nên nói lại, để ĐBQH thỏa mãn hơn. Nói trách nhiệm Bộ trưởng nhưng văn bản tạm dừng ký các hợp đồng xuất khẩu lúa gạo là do Văn phòng Chính phủ đưa ra.

ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk):

Sao Bộ trưởng Công thương nói khác?

Tôi chia sẻ với Bộ trưởng Cao Đức Phát và đánh giá cao tinh thần cầu thị và sự dũng cảm, dám nhận trách nhiệm vì sai lầm trong dự báo lúa gạo, gây thiệt hại cho bà con nông dân của Bộ trưởng. Trong khi đó, Bộ trưởng TN&MT Phạm Khôi Nguyên vẫn còn vòng vo, tránh né lắm.

Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm theo dõi Quốc hội, tôi thấy có Bộ trưởng đứng ra nhận trách nhiệm cá nhân của mình và "sẵn sàng chấp nhận bất cứ hình thức kỷ luật nào". Sẽ không có kỷ luật nào hết, bởi Bộ trưởng Cao Đức Phát đã làm rất tốt, có trách nhiệm và nắm chắc vấn đề của ngành mình.

Điều này trái ngược với thái độ của Bộ Công thương trong câu trả lời bằng văn bản mà Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời tôi trước đó về trách nhiệm tham mưu của Bộ đối với chủ trương ngừng xuất khẩu gạo.

Bộ trưởng Hoàng giải thích, Chính phủ đã chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam ngừng ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo (ngoài số cần phải giao là 1,6 triệu tấn) chứ không dừng xuất khẩu như một số ý kiến phản ánh. "Đây là quyết sách mà các quốc gia sản xuất và tiêu thụ lúa gạo lớn đều áp dụng để đối phó với lạm phát và bảo đảm an ninh lương thực trong thời điểm gay cấn", Bộ trưởng Công thương khẳng định.

Bộ trưởng Công thương cũng trả lời rằng "năm 2008, trong điều kiện thị trường thế giới có những biến động khó lường, vượt ngoài khả năng dự báo của nhiều chuyên gia trên thế giới thì việc điều hành gạo như trên có thể nói là hợp lý, sát với thực tế, đảm bảo hài hòa vì lợi ích của bà con nông dân, giữ vững an ninh lương thực, ổn định được thị trường trong nước".

Phương Loan - Lê Nhung

No comments: