Wednesday, February 13, 2008

Về vụ Tòa Khâm sứ Hà Nội

Lm Trương Bá Cần

Tòa Khâm sứ cũ ở Hà Nội tọa lạc tại số 42 phố Nhà Chung- Quận Hoàn Kiếm, từ năm 1959, sau khi Đức Khâm sứ Dooley rời Hà Nội, thuộc quyền quản lý của Nhà nước.

Từ năm 2000, ĐHY Phạm Đình Tụng rồi, từ năm 2003, Đức TGM Ngô Quang Kiệt, hằng năm, đều có văn bản xin Chính phủ giao lại Tòa Khâm sứ cũ cho Giáo hội Công giáo sử dụng làm cơ sở hoạt động tôn giáo, nhưng chưa được đáp ứng.

Trước đây cơ sở này được dùng làm nơi sinh hoạt thiếu nhi, sau này được dùng làm nơi buôn bán: “Trước đây bán phở, nay lại mở ngân hàng và ngày 13-12-2007, thêm kinh doanh giữ xe, quang cảnh hỗn độn.”

I.VIỆC GIÁO HỮU TỤ TẬP NGÀY ĐÊM CẦU NGUYỆN TRƯỚC SÂN TÒA KHÂM SỨ CŨ

Đức Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt, trong thư đề ngày 15-12-2007, sau khi cho biết như trên, đã kêu gọi các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân Tổng giáo phận Hà Nội “tích cực cầu nguyện để những nơi tôn nghiêm của tôn giáo được tôn trọng, nhu cầu chính đáng của Giáo phận và của Hội đồng Giám mục Việt Nam được đáp ứng.”

Không biết có phải để hưởng ứng lời mời gọi của Đức Tổng Giám mục Hà Nội hay vì bức xúc tự phát, ngày 18-12-2007, đông đảo giáo hữu Hà Nội tụ họp, có lúc lên tới hàng ngàn người, thay phiên nhau, liên tục ngày đêm, căng lều bạt trong sân Tòa Khâm sứ cũ, để cầu nguyện.

Việc đông đảo giáo hữu tụ họp cầu nguyện trước Tòa Khâm sứ cũ, trong những ngày qua, đã gây nên căng thẳng giữa giáo quyền và chính quyền ở Hà Nội.

Ngày 11-01-2008, UBND TP Hà Nội đã gởi công văn do Bà Phó Chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng ký, phê phán việc Công giáo tụ họp tại số 42 phố Nhà Chung như thế là “vi phạm Pháp lệnh về tôn giáo và Luật xây dựng, Luật đất đai, gây ra những bức xúc trong quần chúng nhân dân cũng như trong bà con giáo dân trên địa bàn” và kêu gọi chấm dứt việc tụ tập nói trên.

Trong văn bản trả lời đề ngày 14-01-2008, Tòa Giám mục Hà Nội đã qui trách nhiệm cho “các cơ quan chức năng đã không giữ lời hứa lại còn bất chấp tình cảm của giáo dân. Người dân không biết tin vào ai nên chỉ còn biết cầu nguyện. Cầu nguyện rất nghiêm trang không làm mất trật tự, không có hô hoán, cũng không một lời phản đối chính quyền hay một biểu ngữ”. Cầu nguyện là quyền tự do tín ngưỡng nên giáo hữu vẫn cứ tiếp tục cầu nguyện.

Việc công giáo cầu nguyện như thế đã làm dư luận Công giáo và không Công giáo ở hải ngoại sôi động, ít nữa là trên mạng internet.

Phát biểu của Công giáo hải ngoại, cá nhân cũng như đoàn thể, phần lớn, dĩ nhiên là đồng tình và ủng hộ, thậm chí soạn sẵn mẫu thư bằng tiếng Mỹ để nhiều người ký tên xin các nghị sĩ Mỹ làm áp lực buộc chính phủ Việt Nam trao trả Tòa Khâm sứ cũ ở Hà Nội cho Giáo hội Công giáo.

Trái lại phát biểu của Phật tử hải ngoại không những không đồng tình mà còn cho là Công giáo “đem biểu tượng tôn giáo đi đòi đất vốn không phải của mình,” đại khái, cho rằng đất xây nhà thờ lớn và xây Tòa Khâm sứ cũ là đất của Chùa Bảo Thiên mà thực dân Pháp đã tước đoạt để cấp phát cho Công giáo. Vì thế chỉ có Phật giáo mới có quyền đòi lại đất đó, nhưng Phật giáo từ bi hỉ xả đã không hề làm, vì cho rằng chuyện đó thuộc về lịch sử đã qua, không đặt lại vấn đề làm mất đoàn kết dân tộc và gây xáo trộn xã hội.

Những cuộc tranh cãi trên mạng liên quan đến vụ Tòa Khâm sứ cũ ở Hà Nội, thực ra, đã không ảnh hưởng gì nhiều đến tình hình ở Việt Nam. Tuy nhiên việc giáo hữu tập họp cầu nguyện suốt ngày đêm ngoài trời giá lạnh kéo dài lâu ngày có làm cho nhiều người lo ngại.

Ngày 30-01-2008, Đức Hồng y Bertone, Quốc vụ Khanh Tòa Thánh đã gởi thư cho Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt nói lên sự quan ngại của Tòa Thánh và, thừa lệnh của Đức Thánh Cha Benedicto XVI, yêu cầu Đức Tổng Giám mục Hà Nội “can thiệp để tránh những hành động có thể làm mất trật tự công cộng và để người ta trở về tình trạng bình thường.”

Ngày 01-02-2008, Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã gửi thư cho các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân trong Giáo phận, cho biết là “giáo dân đã tháo dỡ lều bạt và cung nghinh Thánh Giá về.”

Ngày 02-02-2008, bức tường trước cơ sở ở số 42 phố Nhà Chung đã được xây dựng lại với cổng sắt kiên cố.

Việc cầu nguyện trong sân tòa Khâm Sứ cũ ở Hà Nội, như thế, đã chấm dứt : phải chăng đã có một thỏa thuận về việc giải quyết vụ Tòa Khâm sứ ở số 42 phố Nhà Chung giữa chính quyền và giáo quyền, ở một cấp nào đó ?

II. VỤ TÒA KHÂM SỨ HÀ NỘI CÓ THỂ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT NHƯ THẾ NÀO ?

Theo như thư mời gọi của Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đề ngày 15-12-2007, thì việc cầu nguyện của giáo hữu Hà Nội nhằm hai mục đích: một là để “những nơi tôn nghiêm của tôn giáo được tôn trọng,” hai là để “nhu cầu chính đáng của Giáo phận và của Hội đồng Giám mục được đáp ứng.”

1. Tòa Khâm sứ ở Hà Nội, cũng như ở nơi nào khác, không phải là nơi thờ tự, mà chỉ là nơi ở và làm việc của vị khâm sứ, đại diện của Đức giáo hoàng, nên có thể nói là nơi tôn nghiêm và, khi không còn sự hiện diện của vị khâm sứ, nói chính xác như ĐHY Quốc Vụ khanh trong thư đề ngày 30-01-2008, là nơi biểu tượng (lieu symbolique), cần được trân trọng.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của đài BBC, ông Nguyễn Thế Doanh, một viên chức cao cấp của Ban Tôn giáo chính phủ, quả quyết là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo phải ngưng tất cả mọi dự án kinh doanh khách sạn, vũ trường và nhà hàng trong khu vực của Tòa Khâm sứ cũ. Và hiện nay, quán phở ở số 42 phố Nhà Chung đã ngưng hoạt động : Công giáo coi đó như là bước đầu (thành công) để “giáo dân tháo dỡ lều bạt và cung nghinh Thánh giá về.”

Việc tôn trọng sự tôn nghiêm ở khu vực Tòa Khâm sứ tại số 42 phố Nhà Chung, sát cạnh Tòa Tổng Giám mục Hà Nội ở phố 40 Nhà Chung, như vậy là có thể đạt được dễ dàng, nếu có sự trao đổi bàn bạc trong tinh thần xây dựng và tôn trọng lẫn nhau giữa giáo quyền và chính quyền.

2. Về việc đáp ứng nhu cầu chính đáng của Giáo phận (Hà Nội) và Hội đồng Giám mục Việt Nam, như được nói đến trong thư kêu gọi cầu nguyện của Đức TGM Ngô Quang Kiệt đề ngày 15-12-2007, là Tòa Khâm sứ cũ ở số 42 phố Nhà Chung được giao lại cho Giáo hội Công giáo.

Việc giao nhận này gồm hai đối tượng là nhà và đất.

Theo Hiến pháp và Luật đất đai của Việt Nam, cá nhân và tập thể chỉ có quyền sở hữu nhà, còn đất thuộc sở hữu toàn dân.

Chủ sở hữu nhà, nếu vắng mặt lâu dài, có thể ủy quyền cho một người khác quản lý. Trong trường hợp nhà vắng chủ mà không ai được ủy quyền trông nom, thì Nhà nước có trách nhiệm quản lý, chứ không để xảy ra cảnh tranh giành chiếm dụng.

Trong cuộc di cư năm 1954-1955 cũng như trong cuộc di tản sau 30-4-1975, tất cả các ngôi nhà vắng chủ mà không có người được sở hữu chủ ủy quyền, trên nguyên tắc, đều do Nhà nước quản lý, cả những ngôi nhà cho người nước ngoài thuê.

Tòa Khâm sứ ở Hà Nội, năm 1959, sau khi Đức Khâm sứ Dooley ra đi, cũng như Tòa Khâm sứ ở Sài Gòn, sau năm 1975, đều thuộc diện Nhà nước quản lý.

Chúng ta biết là Đức Khâm sứ Ajuti, vị Khâm sứ đầu tiên của Tòa Thánh ở Đông Dương, đã tới Sài Gòn ngày 15-11-1925 và sau mấy ngày lưu lại Sài Gòn, đã đáp tàu đi Hải Phòng để lên Hà Nội nhận nhiệm sở. Đức Khâm sứ Ajuti đã đặt trú sở Hà Nội, là nơi có cơ quan đầu não của Pháp ở Đông Dương. Lúc đầu trụ sở của Tòa Khâm sứ đặt tạm thời ở đâu đó, chứ Tòa Khâm sứ chưa được xây dựng bởi vì giữa năm 1926, cụ Nguyễn Hữu Bài là người Công giáo, Thượng thư Bộ Lại của triều đình Huế, sau khi hội ý với một số giáo hữu giàu có, đã ra Hà Nội thỉnh ý Đức Khâm mạng Ajuti về dự định quyên góp để xây dựng Tòa Khâm sứ ở Huế và ngày 03-04-1927, Đức Khâm sứ Ajuti gửi thư cho cụ Thượng Bài để thông báo là Tòa Thánh đã chấp thuận cho xây Tòa Khâm sứ ở Huế, địa điểm do cụ Thượng Bài lựa chọn. Tòa Khâm sứ ở Huế đã được đưa vào sử dụng từ ngày 02-06-1929 dưới thời Đức Khâm sứ Dreyer (1929-1937). Và Đức Khâm sứ Drapier (1937-1947) là vị Khâm sứ cuối cùng sử dụng Tòa Khâm sứ ở Huế. Đức Khâm sứ Dooley được bổ nhiệm làm Khâm sứ ở Đông dương năm 1950 lại đặt trụ sở ở Hà Nội. Tòa Khâm sứ ở số 42 phố Nhà Chung - Quận Hoàn Kiếm, có lẽ đã được xây dựng khoảng năm 1950-1951. Bởi vì vào thời đó, ở Hà Nội, ngoài Tòa Tổng Giám mục hiện nay ở số 40 phố Nhà Chung, hình như không có ngôi nhà nào khác có đủ điều kiện để làm Tòa Khâm sứ. Đức Khâm sứ Dooley cũng chỉ ở tại cơ sở 42 phố Nhà Chung cho tới năm 1959. Năm 1955 một vị Khâm sứ nữa được bổ nhiệm ở Sài Gòn, song song với Đức Khâm sứ Dooley ở Hà Nội. Vị Khâm sứ của Miền nam Việt Nam đặt trụ sở ở đường Hai Bà Trưng – Quận I, chứ không ở Huế. Tòa Khâm sứ ở Huế trước năm 1975 được sử dụng làm trụ sở chính của Dòng Mến Thánh Giá Huế, nên không cần đến sự quản lý của Nhà nước. Còn Tòa Khâm sứ ở đường Hai Bà Trưng, năm 1975, sau khi Đức Khâm sứ Henri Lemaitre ra đi, hiện vẫn do Nhà nước quản lý.

Nhà vắng chủ, không được ủy quyền cho ai, đều do Nhà nước quản lý. Nhà nước quản lý, chứ không phải tịch thu: quản lý nhà vắng chủ có nghĩa là trông nom bảo quản cho tới khi chủ cũ trở về, sẽ trao trả. Như tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội, sau năm 1954 hay tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn sau 1975, đều do Nhà nước quản lý, nhưng sau khi quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam đã được tái thiết lập, thì tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội và ở Sài Gòn đều được trao trả cho chính phủ Mỹ.

Tòa Khâm sứ cũ ở Hà Nội đang do nhà nước quản lý, trên nguyên tắc, khi quan hệ ngoại giao được thiết lập giữa Việt Nam và Tòa Thánh, vấn đề trao trả sẽ được đặt ra. Nhưng hiện nay, khi quan hệ ngoại giao chưa được thiết lập, Hội đồng Giám mục Việt Nam hay Tòa tổng giám mục Hà Nội, nếu thực sự có nhu cầu sử dụng, cũng có thể xin Nhà nước giao cho cho mình quản lý bởi vì Hội đồng Giám mục Việt Nam hay Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đều là những tập thể có đủ tư cách và điều kiện để quản lý. Nhà nước quản lý nhà vắng chủ là Nhà nước làm giúp, làm thay; khi có người gánh vác giúp mình, thay mình thì tại sao phải bao biện. Vấn đề giao Tòa Khâm sứ cũ ở Hà Nội cho Giáo hội Công giáo quản lý và sử dụng là vấn đề có thể được giải quyết qua thương thảo.

Ngay cả đất, trên đó đã được xây dựng Tòa Khâm sứ ở số 42 phố Nhà Chung là đất thuộc Giáo phận Hà Nội, nay thuộc sở hữu của toàn dân. Nhưng Tòa tổng giám mục Hà Nội, nếu có nhu cầu, cũng có thể xin Nhà nước giao quyền sử dụng. Bởi vì tuy đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng Nhà nước vẫn trao quyền sử dụng cho những người dân có yêu cầu, nhất là những người sở hữu hợp pháp trước đó.

Vấn đề là phải có yêu cầu, có thương thảo, xem xét trong xây dựng, trong tinh thần tôn trọng luật pháp.

Việc trao trả đất đai tài sản cho chủ cũ cũng có những mặt phức tạp và khó xử, nhất là khi đất đai tài sản không nằm dưới sự quản lý của Nhà nước, mà đã giao cho người khác hay bị chiếm dụng và mua đi bán lại nhiều lần.

Như đất đai tài sản của Giáo hội Pháp bị Cách mạng 1789 tịch thu và đem bán sung vào công quỹ. Đầu thế kỷ XIX, khi chế độ thay đổi, Giáo hội Pháp đòi lại đất đai và tài sản đó. Để tránh những xáo trộn trong xã hội Pháp, Đức Giáo hoàng Pio VII đã phải đứng ra thương thuyết với Napoléon Bonaparte và ký kết Thỏa ước (Concordat) năm 1801, qua đó, đại khái Giáo hội Pháp cam kết không đòi lại đất đai tài sản đã bị tịch thu và bán sung vào công quỹ; Giáo hội nhìn nhận quyền sở hữu của những người, phần đông là nông dân Công giáo, đã mua đất đai tài sản của Giáo hội. Đề bù lại nhà nước Pháp cam kết cấp phát lương bổng cho các giám mục và linh mục quản xứ cũng như cấp kinh phí cho việc đào tạo và việc phụng tự.

Năm 1905, Chính phủ cho thông qua Luật chia tách Giáo hội và Nhà nước (Loi de séparation de lÉglise et de lÉtat), hủy bỏ Thỏa ước năm 1801, không những không còn cấp phát lương bổng cho các giám mục và linh mục mà còn thu hồi các cơ sở được tạo dựng nhờ kinh phí của nhà nước. Giáo hội Pháp đã lên án và tẩy chay chế độ cộng hòa phi tôn giáo. Mãi tới những năm 1890, Đức Giáo hoàng Léo XIII (1878-1903) mới tìm cách hòa giải Giáo hội Pháp với nền Đệ Tam Cộng hòa.

*

Chúng ta hy vọng rằng nền ngoại giao của Tòa thánh, một nền ngoại giao lấy việc rao giảng Tin Mừng làm nền tảng, sẽ góp phần vào việc giải quyết vấn đề đất đai của Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, một cách công bằng và hợp tình hợp lý : trong thư gởi Đức TGM Ngô Quang Kiệt đề ngày 30-01- 2008, Đức Hồng y Quốc vụ Khanh Tòa Thánh đã từng hứa rằng: “Tôi xin cam đoan với Đức cha là, về phần mình, Tòa thánh, như vẫn thường làm, sẽ không bỏ lỡ việc làm cho chính phủ của quê hương Đức cha, hiểu được nguyện vọng chính đáng của người Công Giáo Việt Nam.”

Vấn đề đất đai ở Việt Nam hiện đang hết sức phức tạp do cơn sốt đất, nhất là ở các đô thị lớn, càng ngày càng tăng cao đến chóng mặt, (một thước vuông đất ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lên tới nhiều chục triệu đồng); khiến nhiều người dân, chưa thỏa mãn về giá tiền đền bù, căng lều bạt giữa sương gió hàng mấy tháng trời, trên vỉa hè Tp Hồ Chí Minh, để khiếu kiện lâu dài.

Thực ra Công giáo có khiếu kiện đòi lại đất đai của Giáo hội là cũng chỉ để phục vụ việc rao giảng Tin Mừng, chứ không phải để thu gom tiền vàng.

Những giáo hữu căng lều bạt cầu nguyện trước Tòa Khâm sứ cũ ở Hà Nội trong những ngày qua không giống như những nguời dân căng lều bạt khiếu kiện trên các vỉa hè ở Tp Hồ Chí Minh. Bởi vì các giáo hữu ở Hà Nội, không một ai vì quyền lợi riêng của mình. Hơn nữa họ không phải là những cá nhân lẻ loi mà có cả một tổng giáo phận ở sau họ. Tổng giáo phận Hà Nội cùng với họ “hơn bốn mươi ngày qua … đã sống một lễ Hiện Xuống mới; mọi người đồng tâm nhất trí, chuyên tâm cầu nguyện và hăng hái rao giảng Tin Mừng hòa bình, bất chấp những khoù khăn gian khổ, tạo nên một bầu khí hiệp thông rộng lớn không chỉ trong Tổng giáo phận mà cả khắp nơi trên thế giới,” theo như nhận định của Đức TGM Ngô Quang Kiệt trong thư đề ngày 01 – 02 – 2008.

Tuy nhiên một số Phật tử ở Hải ngoại đã không nhìn sự việc như vậy. Họ nói : “Đã nhiều năm rồi, cả xã hội, trong đó có người Phật tử, đang nhìn người Công giáo với một hình ảnh mới,” nay vụ Tòa Khâm sứ cũ ở Hà Nội “đã gần như kéo cách nhìn của họ lui về 100 năm trước.” (*)

Cách nhìn Công giáo như thế phải chăng chỉ là cách nhìn của một số Phật tử hải ngoại, trên mạng Internet, từ nhiều năm nay vốn dị ứng với Công giáo. Hy vọng rằng phần đông Phật tử nói riêng và phần đông đồng bào không công giáo nói chung vẫn không thay đổi cái nhìn mới về chúng ta.