Tuesday, April 22, 2008

Sẽ thiệt thòi nếu không xuất khẩu gạo lúc này


18:13' 22/04/2008 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/kinhte/2008/04/779697

- Vào thời điểm cuối tháng 4/2008, cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới đã lên đến cao điểm. Ở vị thế quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới, Việt Nam nên ứng xử thế nào? Giáo sư Võ Tòng Xuân đã có cuộc trao đổi với VietNamNet. Trái với một số quan điểm, ông cho là chúng ta cần tranh thủ xuất khẩu gạo vào thời điểm hiện nay, và hoàn toàn không phải lo ngại về an ninh lương thực.

- Thưa Giáo sư, ngày thứ Hai 21/4 vừa qua, hàng loạt báo trên thế giới đưa tin Việt Nam đã tạo được một kỷ lục về giá gạo chào bán cho Philippines, đó là 1.200 USD/tấn. Một số dự báo còn cho là giá gạo trong tháng tới có thể lên đến 1.500 USD/tấn. Vậy Giáo sư nhận định về tình hình này như thế nào?

Mô tả ảnh.

GS Võ Tòng Xuân: "Sẽ thiệt thòi nếu không xuất khẩu gạo lúc này"

Trong giai đoạn này, khi Philippines chưa thu hoạch lúa, lượng gạo của họ thiếu nên họ phải mua gấp với giá cao như vậy. Nếu mình chào hàng được giá đó, tôi nghĩ mình nên xuất bán. Vì để qua tháng nữa, có thể giá sẽ không còn cao như vậy nữa.

Hiện nay các nước đều lo gia tăng sản xuất gạo để bán được giá cao, từ Trung Quốc đến Việt Nam, từ Indonesia đến Philippines. Khi mọi nơi thu hoạch, lượng cung sẽ tăng và giá sẽ không được cao như hiện nay.

- Trong mấy tháng đầu năm 2008, Việt Nam và Ấn Độ giảm xuất khẩu gạo, trong khi Thái Lan lại tăng xuất gạo, trong 3 tháng đầu năm họ tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Vậy quan điểm của Giáo sư là mình có nên xuất khẩu ở thời điểm giá cao này?

Tôi nghĩ là mình nên xuất, nếu không sẽ thiệt thòi cho Việt Nam mình. Tuy nhiên chỉ có những nông dân thu hoạch vào thời điểm này là có thể thu được lợi từ giá cao. Còn phần lớn nông dân đã thu hoạch trong tháng trước đó. Các công ty lương thực đã mua gạo của nông dân rồi, nên các công ty sẽ được hưởng lợi hơn là người nông dân.

Nói tóm lại là chúng ta nên xuất vào thời điểm hiện nay. Còn nếu bỏ qua cơ hội này, tôi nghĩ sẽ khó có lúc đạt được giá cao như vậy.

- Năm ngoái, giá gạo xuất khẩu chỉ khoảng 300 USD/tấn, đến nay là 1.200 USD/tấn. Mỗi tấn gạo bán ra đã tăng thêm được 900 USD. Vậy ước tính người nông dân được hưởng bao nhiêu trong số 900 USD tăng thêm đó?

Như tôi đã nói, khi bà con nông dân thu hoạch đợt tháng 3 vừa rồi, họ cũng đã bán hết. Ít có nông dân nào giữ gạo lại. Hiện lúa gạo nằm trong tay các công ty lương thực cấp tỉnh hoặc cấp trung ương. Vì vậy khi giá gạo tăng vọt, phần lợi người nông dân được hưởng cũng chẳng bao nhiêu. Phần lớn do các công ty và các thương lái được lợi.

- Người ta đang nghi ngờ là trên thế giới có những thương lái đang đầu cơ gạo để đẩy giá lên cao. Giáo sư nghĩ có chuyện đó không?

Chắc chắn là có chuyện đó, nhất là ở Philippines. Cũng giống như ở Việt Nam hồi trước năm 1975. Mỗi lần thương lái đầu cơ thì gây ra tình trạng khan hiếm và giá gạo tăng lên.

Tôi có được nghe kể hồi năm 1966, lúc đó ông Nguyễn Cao Kỳ còn là Thủ tướng ở Miền Nam. Năm đó đột nhiên giá gạo tăng cao gấp ba lần mức bình thường. Ông Nguyễn Cao Kỳ cho mời 12 nhà kinh doanh lúa gạo hàng đầu Miền Nam lúc đó đến nói chuyện. Ông ra kỳ hạn trong vòng 24 giờ, nếu giá gạo không xuống thì sẽ bốc thăm để bắn bỏ một trong 12 vị. Ngay ngày hôm sau, giá gạo xuống. Vì thế tôi mới nói, chuyện đầu cơ tăng giá gạo là có thực.

- Vậy hiện nay ở Việt Nam, liệu có hiện tượng đầu cơ giá gạo hay không? Cụ thể là mua gạo của nông dân ở thời điểm giá thấp, chờ đến khi giá lên thật cao thì mới bán ra.

Theo tôi nghĩ cũng có thể có đấy. Nhưng nếu làm thì do các công ty làm thôi, còn nông dân và các tư nhân làm gì có tiền và có điều kiện để làm như vậy.

- Hệ thống kinh doanh gạo hiện nay, từ lúc thu mua của nông dân, rồi vận chuyển, xay xát, lưu kho, xuất khẩu… mình đã có hệ thống cạnh tranh chưa?

Cũng có cạnh tranh đôi chút, nhất là ở công đoạn mua lúa từ nông dân. Còn xuất khẩu gạo vẫn do các doanh nghiệp nhà nước thực hiện.

- Một số công ty thời gian qua nói họ lỡ ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp, nay phải mua gạo đầu vào giá cao nên họ bị lỗ. Giáo sư thấy câu chuyện đó có đúng không?

Đây là điều có thực. Ví dụ như đầu năm nay có những nhà xuất khẩu đã đấu thầu bán 300.000 tấn gạo với giá chỉ 320-340 USD/tấn. Có thể họ biết không mua được gạo với giá đó để xuất, nhưng họ vẫn ký. Không loại trừ trong quan hệ giữa bên bán và bên mua của Philippines hay Indonesia có vấn đề gì đó không rõ ràng.

Mô tả ảnh.

Hiện lúa gạo nằm trong tay các công ty lương thực cấp tỉnh hoặc cấp trung ương. Vì vậy khi giá gạo tăng vọt, phần lợi người nông dân được hưởng cũng chẳng bao nhiêu. Ảnh minh họa vận chuyển gạo.


Đến khi không mua được lúa của nông dân với giá thấp, họ phải tìm cách để cắt giảm lỗ. Một cách đơn giản là vận động ngừng xuất khẩu để giá lúa của nông dân bị hạ xuống. Cách thứ hai là đòi hỏi các công ty xay xát và đánh bóng gạo phải ký hợp đồng lại để chia sẻ lỗ với nhà xuất khẩu. Cách thứ ba là yêu cầu các công ty lương thực cấp tỉnh phải cùng chia lỗ. Cuối cùng thì nông dân có thể lỗ, nhưng nhà xuất khẩu không chịu lỗ.

- Giáo sư kỳ vọng trong năm tới hoặc vài năm tới, liệu có sự thay đổi nào trong cơ chế xuất khẩu gạo, để lợi ích về đến tay người nông dân nhiều hơn?Ví dụ như xoá bỏ độc quyền trong xuất khẩu?

Tôi đã nhiều lần đề nghị, cần tạo điều kiện để tư nhân được tham gia xuất khẩu gạo. Nhưng thực tế là tư nhân cũng không tham gia được bao nhiêu. Những hợp đồng xuất khẩu lớn đều được ký với tư cách Chính phủ với Chính phủ. Vì thế vẫn khó cải thiện được lợi nhuận của nông dân trông lúa.

Như ở Thái Lan, xuất khẩu gạo là do các công ty tư nhân thực hiện. Nhà nước đấu giá, rồi giao lại cho tư nhân xuất khẩu. Như vậy người nông dân được hưởng lợi nhiều hơn. Ở Việt Nam, để làm được như vậy thì Nhà nước phải rất mạnh dạn thay đổi hệ thống thu mua và xuất khẩu gạo.

- Trong tình hình giá gạo tăng cao như hiện nay, Giáo sư nghĩ trong năm tới ở Miền Tây có thay đổi gì về cơ cấu sản xuất nông nghiệp hay không? Ví dụ như giảm nuôi tôm cá, giảm bớt trái cây để tăng trồng lúa?

Tôi nghĩ cơ cấu sẽ không có gì thay đổi. Phá vườn trái cây để trồng lúa thì rất uổng phí. Còn cá và tôm thì vẫn nuôi trên những diện tích trồng lúa không được.

Chỉ có điều chúng ta cần tập trung vào những giống lúa cao sản, ngắn ngày, và kháng được rầy nâu. Cần giảm hoặc không nên trồng những giống lúa cao cấp. Những giống lúa này có năng suất thấp, lại kém sức đề kháng với rầy nâu và dịch bệnh.

Chúng ta cũng có thể tăng cường diện tích trồng thêm vụ thứ ba. Vừa qua chúng ta có xu hướng bớt trồng vụ ba vì tăng thêm nạn rầy nâu, dịch bệnh, và hiện tượng phân hoá các giống lúa. Nếu chúng ta trồng vụ ba với giống lúa kháng rầy, đồng thời tăng cường phân bón để duy trì độ màu của đất, thì chúng ta có thể tăng sản lượng lúa của Đồng bằng sông Cửu Long. Đến khi trữ lượng lúa gạo trên thế giới tăng cao, chúng ta sẽ lại giảm vụ thứ ba.

- Một câu hỏi cuối. Nhiều người vẫn lo ngại về an ninh lương thực ở Việt Nam. Nhưng hàng năm sản lượng gạo của Việt Nam vượt mức tiêu dùng trong nước đến 4 triệu tấn. Vậy thực sự chúng ta có vấn đề về an ninh lương thực hay không?

An ninh lương thực không đáng lo. Việt Nam luôn luôn dư gạo để xuất khẩu. Thứ hai, với giống lúa cao sản ngắn ngày thì chỉ trong vòng 3 tháng chúng ta lại thu hoạch được một vụ mới. Những nước phải phụ thuộc vào nhập khẩu gạo theo từng tuần và từng tháng, họ rất lo về khủng hoảng lương thực. Ở Việt Nam điều đó chắc chắn không xảy ra.

- Xin cảm ơn Giáo sư.

  • Bích Ngọc

Monday, April 21, 2008

Vị đắng dâng trào

Lâm Võ Hoàng

Đọc bài “Bớt xuất khẩu để kềm giá gạo” (Tuổi Trẻ 4.4) ghi lại ý kiến của ông Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, người viết không thể không cảm thấy một vị đắng dâng trào. Ông nói trơn tru như một “em xi” (người dẫn chương trình), chuyên nghiệp. Ai nghe ông, tin ông ắt sẽ thấy khỏe khoắn như ngồi trong “tứ phương vô sự lâu”. Nào là “Tôi khẳng định giá gạo xuất khẩu sẽ ở mức cao kéo dài trong nhiều năm tới, càng chậm xuất khẩu gạo, càng có lợi về giá (?)… giá thành sản xuất lúa có tăng nhưng hiện bình quân chỉ khoảng 2.000 – 2.200 đồng/kg, trong khi giá bán lúa cao hơn nhiều lên tới 4.200 – 4.300 đồng/kg, như vậy người làm lúa được lãi gấp đôi rồi” (!).

Thế nhưng, ngay dưới bài của ông, là mẩu tin “giá lúa giảm nhẹ” của Ngọc Diện, được in trên nền màu hồng : “Những ngày qua giá lúa ở khu vực ĐBSCL có dấu hiệu chững lại, có nơi giảm 200 – 300 đồng/kg so với tuần trước. Cuối tháng trước giá lúa dài thường dao động từ 4.300 – 4.500 đồng/kg, thì chiều 3.4 ở An Giang, Cần Thơ, chỉ còn 4.200 đồng/kg… (thậm chí) tại Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, thương lái mua lúa dài thường tại sân phơi của nông dân chỉ với giá 4.000 – 4.100 đồng/kg. Tình trạng tranh mua cũng không như trước, trong khi người dân rất cần bán lúa để tái đầu tư cho mùa”.

Về ảnh hưởng của việc tăng giá vật tư nông nghiệp, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, gióng lên một tiếng chuông hoàn toàn khác với tiếng chuông “nào ta hãy mừng vui!” của ông Chủ tịch tác giả của “người làm lúa được lãi gấp đôi rồi”. Thật vậy một đằng nói chung chung, không kèm theo ngày tháng của giá cả trong khi giá quốc tế, giá nội địa nhảy choi choi hàng ngày, thậm chí hằng giờ, đằng khác nói có chừng mực, có ghi chú ngày tháng của giá, có nêu rõ địa chỉ và loại lúa mua bán, chớ không phải lúa nào như lúa nào. Rõ ràng người ngồi trong bàn giấy thấy, biết và nói khác người tại chỗ hay ở trận tiền. Do vậy mới có chủ trương “bớt xuất khẩu để kềm giá gạo”, chủ trương này có lợi, gây hại cho ai?

Bớt xuất khẩu gạo, để làm gì?

Theo ông Chủ tịch, từ đầu năm tới giờ, ta chỉ giao được 800.000 tấn gạo trên 1.800.000 tấn đã ký và trong hai tháng tới phải giao một triệu tấn đã ký còn lại. Trong tình hình “lúa đông xuân đâu còn nhiều mà ký”, liệu các nhà xuất khẩu 1.000.000 tấn gạo còn nợ hợp đồng, có đủ tồn kho để giao hàng hay chưa? Hỏi như vậy không có nghĩa làm “gái góa ngày đêm lo việc thành đổ” (mặc dù) đã có vua xây”. Vì số lượng gạo phải giao hàng, nếu chưa đủ tồn kho, ắt phải trông cậy vào vụ mùa hè thu phía Nam vốn không như vụ đông xuân, thường gặp trắc trở do thời tiết, cũng như lũ chụp chẳng hạn, và vụ mùa đông xuân phía Bắc còn đang trên đà khôi phục toàn bộ diện tích sau đợt rét đậm vừa qua đã làm lúa chết hết. Nếu thời may mà “1 triệu tấn nữa phải giao trong hai tháng tới” đủ tồn kho và các doanh nghiệp chỉ cần “tập trung giao hàng” mà thôi thì vụ mùa hè thu trong Nam có thể lo cho phần chỉ tiêu tối thiểu còn lại của xuất khẩu gạo 2008, tức là 3,5 – 1,8 = 1,7 triệu tấn không khó tìm hợp đồng ký kết, vì thiếu gạo toàn cầu.

Như vậy ẩn số là số tồn kho thực để giải quyết số 1 triệu tấn gạo đã hợp đồng. Nếu khác với ước mong trên đây, tức là do tồn kho chưa đủ, mà các doanh nghiệp vẫn không ra tay mua vào cho đủ số, thì vụ mùa hè thu, vốn thất thế hơn đông xuân, khó có thể cõng trên lưng gầy hai mạng được và từ đó những bất cập khó lường cho xuất khẩu, thậm chí tiêu dùng gạo trong nước, như ở Thái Lan chẳng hạn. Do đó, Hiệp hội lương thực Việt Nam phải công khai số tồn kho thực tế dành cho một triệu tấn phải giao trong hai tháng tới. Bằng không dư luận có thể nghĩ rằng Hiệp hội đang chơi ván bài nào đó, như Khổng Minh tọa lầu năm xưa, bày ra chuyện bớt xuất khẩu để chờ sụt giá lúa nhiều hơn nữa mới ra tay mua vào để trả nợ. Vì một triệu tấn đâu có nhỏ. Cả hơn ba tháng từ đầu năm mà mới chỉ giao được 800.000 tấn, làm sao trong điều kiện “lúa đông xuân đâu còn nhiều”, vụ mùa hè thu “mới gieo sạ được khoảng 100.000ha”, giao đủ một triệu tấn trong hai tháng?

Mặt khác, người ta có thể nghĩ việc chưa vội mua vào không chỉ chờ lúa sụt giá thêm nữa, mà còn lý do khác để chậm mua là đỡ tiền lời ngân hàng, đỡ tiền kho vựa (nông dân giữ giùm), đỡ chim chuột hao hớt… Tới chừng “xả cảng” lúa gạo sẽ chạy vào tay Hiệp hội, chớ có đi đâu mất mà sợ?

Kềm giá gạo để làm gì?

Nước ta xuất khẩu gạo hạng nhì thế giới, nhưng nông dân ta vẫn nghèo. Vì ai cũng biết nông dân nếu không làm ruộng để tạo ra lúa gạo nuôi sống xã hội thì không biết làm gì khác. Chính vì biết như vậy mà mọi người tha hồ khai thác thất thế đó. Gánh nặng tiền lãi vay vốn ngân hàng và tý nhn bên ngoài, vật tư nông nghiệp không ngớt tăng giá, đã thế, trong môi trường u ám của xã hội nông thôn, với đủ thứ kềm kẹp và hàng chục khoản đóng góp ngoài nghĩa vụ thuế má... nông dân ta còn phải chờ bán được lúa mới có thể đầu tư cho mùa vụ mới. Đối với nông dân có một luật thép là giá lúa thấp cao gì cũng phải bán, vì nhà không đủ chỗ ở, có đâu chỗ chứa lúa chờ thời? Mặc dù vậy, khi gạo ra đô thị, do giá vượt quá sức mua của người dân ở đó, thì tiếng oán lại đổ xuống nông dân “ăn gạo không mất tiền”, cho nên mới có chánh sách kềm giá gạo.

Cục dự trữ quốc gia ở đâu rồi?

Trung Quốc có dân số đông nhất thế giới, gấp 15 lần Việt Nam, thế mà họ có Cục dự trữ quốc gia về gạo, hữu hiệu đến độ còn biết đưa gạo mục, mốc, hư sang bán ở các nước khác để thu hồi vốn. Không nghe nói dân họ bị đói kém, cho dù có đói kém thật. Vả chăng nếu họ thực sự đói kém, thì tại sao họ lại có gạo mốc thừa để đưa đi bán? Còn Cục dự trữ an toàn quốc gia của ta được sinh ra để làm gì, đã làm gì, mà Chánh phủ, thậm chí ông Chủ tịch Hiệp hội lương thực, phải lo “bớt xuất khẩu để kềm giá gạo” ? khiến cho nông dân bán không được lúa, làm lúa rớt giá trong khi Nhà nước thương dân cứ lo dân thiếu gạo ăn, đành phải bao cấp và phải giải quyết chuyện no đói của dân một cách tréo ngoe.

Tóm lại, như Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho rằng: “Hiện nay một số nơi giá lúa bắt đầu giảm, nhưng giá vật tư nông nghiệp lại tăng quá cao. Lúc trước, khi thấy giá lúa tăng, nông dân rất vui vì cân đối được giá vật tư nông nghiệp. Nhưng bây giờ bà con lo lắng trước vụ hè thu mới. Nhưng vài ngày qua, rất ít người mua lúa và giá lúa lại giảm” (không biết lấy gì đầu tư cho vụ hè thu).

Rõ ràng đây là một vị đắng dâng trào của một đứa con ĐBSCL, thuở bé bãi trường theo mẹ lên ruộng sống trong môi trường lam lũ nhà nông. Bây giờ già rồi mà vẫn phải kêu trời. Không mấy thuở trời cho giá gạo thế giới tăng cao để nông dân ta vừa có thể âu ca bán lúa, phục vụ xuất khẩu gạo, vừa cân đối tăng giá không ngừng của vật tư nông nghiệp, vừa đóng góp tăng cường, bình ổn số lượng gạo hàng hóa trên thế giới, gián tiếp làm giảm áp lực giá gạo tăng vọt ở các nước nghèo nhập khẩu gạo vì không biết trồng lúa. Thế nhưng do sự tắc trách của các bộ phận liên quan, chỉ biết ký giấy, chớ không nắm tình hình giao dịch sản lượng lúa gạo, cứ phú thác mọi sự cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam, khiến cho nông dân bơ vơ như gà mất mẹ, đành phải cam chịu, không những mất trớt hướt phần lợi lộc trời cho, mà còn lo âu, ngày đêm lậy trời cho sớm bán hết lúa để có tiền trả nợ và mua lúa giống, phân bón v.v... đầu từ gấp cho vụ mùa hè thu sắp đến. “Thật là một thiệt thòi lớn đối với nhà nông” (T.S Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL).

(Báo Công Giáo và Dân Tộc số 1653 ngày 18/04/2008)