Wednesday, July 30, 2008

Phải có cái tâm, cái tuệ và cái hành, mới mong nói chuyện giải quyết vấn đề lớn nông nghiệp, nông thôn, nông dân nước ta

Lâm Võ Hoàng

Tuy tách bạch như trên, nhưng ba cái “nông” đó chỉ là “ba trong một”, một nghiệp chướng duy nhất. Do vậy giải quyết được một cái, là giải quyết luôn hai cái kia. Cũng như đuổi được ngoại xâm là có liền độc lập và hòa bình. Như nước ta có được độc lập và hòa bình thì con đường phát triển được mở rộng ra, cũng như ông táo luôn luôn phải có ba cái đầu mới chịu đỡ nổi nồi cơm.

Nói “nghiệp chướng” như trên, không phải tự nghề nông sinh ra, mà là do các thành phần xã hội khác (sĩ, công, thương) hè nhau gây ra cho nghề nông. Mặc dù những thành phần này đa số đều xuất thân từ nông thôn mà ra, rồi “phú quý sinh lễ nghĩa”, vô tư coi thường, coi nhẹ nguồn cội của mình, cũng như có khi bắt chước người nước ngoài, tấm tắc ca ngợi sự phồn vinh, tập trung ở đô thị của mình, để quên lãng nông thôn, thậm chí “ăn hiếp” vô tội vạ nông thôn, khi đã dám cả gan thu hồi đất trồng giống gạo cao sản độc đáo (tương tự như đất trồng lúa nếp độc đáo của làng Vòng ngoài Bắc) để làm sân gôn cho tây và người sính tây giải trí. Làm như khi gặp đói kém có thể cạy đất sân gôn đỡ dạ được ! Hoặc tang thương hơn, dụ dỗ nông dân bán đất làm khu công nghiệp, để con cháu có thể xin vào làm công nhân đỡ cực hơn cày cấy, rốt cuộc nông dân bị lùa hàng đoàn ra “chợ thất nghiệp”, sống chết không ai hay.

Nông nghiệp, nông dân là đứa em ngờ nghệch trong nhà chung. Các anh chị khôn ngoan, có hoàn cảnh tốt hơn được sống ở đô thị, thay vì giúp đỡ em út (và cả ông bà nữa) thoát khỏi lạc hậu, nghèo nàn, có mức sống khả quan. Như bên Nhật, có cuộc sống nói chung ấm no nhưng còn có đầu óc biết suy nghĩ, cố gắng giữ nghề nông bằng mọi giá, vì là cái nôi của truyền thống sức mạnh dân tộc, để cho mai sau còn có chỗ tựa để giữ vững cái “Nhật bản tính” đặc thù, độc đáo, luôn giữ vững vị trí đệ nhị hùng cường kinh tế công nghiệp, tài chánh toàn cầu, so với anh Trung Quốc to lớn, vẫn luôn ở kèo trên.

Nước ta, là nước nông nghiệp dưới thời quân chủ, giai cấp sĩ (có học) chỉ là lớp kem nổi trên sữa, ra làm quan rồi cũng về quê dưỡng già và chết. Từ đó là nguồn gốc và nôi phát sinh mọi cơ chế tồn tại, sinh hoạt và phát triển của đất nước, chỉ có một lõm thực sự đô thị là Tràng An, tức là Hà Nội, nhưng vẫn bén rễ ở quê, để có chỗ để nương tựa khi thất thế trong xã hội, hay thậm chí gia đình và để chết an nhàn. Bằng cớ là cho tới nay, không kể lưu dân kiếm sống, phần đông gia đình ở đô thị lớn (vì đô thị nhỏ đã sát sàn sạt với thôn quê) đều vất vả mua vé xe tàu để về quê ăn tết.

Nhưng do đâu, hiện nay, nông nghiệp, nông thôn và nông dân trở thành đề tài bức xúc, trăn trở, không ngớt quan tâm của đất nước ? Đến đỗi, cơ quan tối cao của Đảng phải động não tìm ra giải pháp cấp bách ? Tất nhiên, mục đích yêu cầu, phương hướng giải quyết, các biện pháp thực hiện, với sự đóng góp chí tình của các chuyên gia liên ngành, đã được đề ra có ý nghĩa và giá trị. Nhưng mà sau khi coi lại, vẫn cứ thấy còn xa xăm diệu vợi như bấy nay. Chẳng qua là chúng ta bằng lòng với những cái “cần” được nêu ra, mà quên rằng những cái “cần” ấy là đúng đấy, nhưng nếu “cóc có”, thì làm sao đây ? Chẳng hạn như giao nhiệm vụ chiến lược sinh tử này cho ai, theo chức năng, thì một mặt họ nhận liền (nếu không giẫy nảy), nhưng kế đó giao lại cho cấp dưới (quán tính thâm căn cố đế của mình mà !) riết cho tới lớp dưới cùng, vấn đề vẫn sẽ “vũ như cẩn”.

Bởi vì vấn đề cơ bản tùy thuộc ở những yếu tố “đủ”, tức là nếu tìm ra được ai có thể tin tưởng vào cái tâm biết yêu thương nông dân, nông nghiệp, để có thể bền chí, quyết tâm làm cho kỳ được nhiệm vụ mới, bất kể kích bác, đòi bỏ tù, tòa án binh… như ở quân khu 9 lúc phải thực hiện Hiệp ước Genève đã dám nghĩ khác hơn Trung Ương là xác tín rằng đối phương sẽ phá Hiệp ước cho nên cả quân khu phải bảo tồn lực lượng cho tình huống đó, chớ không đơn giản ca hát, sắm sửa, xuống tàu Pháp về Bắc (như hồi ký xuất sắc đăng trên báo Pháp Luật Tp. HCM mới đây). Nhất là đối với người công giáo luôn xác tín tình yêu hiện thân trong Chúa Kitô là sức mạnh, nhân tố sáng tạo trời đất. Cho nên người nông dân phải quên hết những quyền lợi, đặc lợi nhỏ nhen của mình mà nâng tầm yêu thương chính mình cũng đang thất thế đấy, các thế hệ con cháu của họ cần phải thoát cái lầm lụi của họ hiện nay và các đồng cảnh khác đang lặn hụp như họ để chỉ kiếm miếng sống hằng ngày ở ngoài Bắc cũng như trong Nam, để cùng với các thành phần khác của xã hội và nhất là với sự sáng suốt yêu thương nhân dân của nhà nước coi cái việc cầm quyền của mình là để nâng đỡ người đồng bào thất thế bất cứ vì nguyên nhân nào, hơn là nghe lời đường mật của các phần tử chỉ lo làm giàu cho mình bằng cách hù dọa tai biến, thiếu gạo ăn, tự tách mình ra khỏi tuyệt đại bộ phận bị bóng râm che lấp ánh sáng mặt trời, như gần đây họ thuyết phục nhà nước cấm xuất khẩu gạo, trong khi giá gạo thế giới đang tăng lên vùn vụt và tồn kho gạo trong nước mà họ cho là của họ còn khả quan, khiến cho giá gạo trong nước leo thang máy lên vùn vụt cho tới khi giá thế giới ổn định lại, mới cho xuất khẩu lại, với hậu quả là nông dân đồng bào ta “mất ăn” phần giá gạo tăng lên hồi trước, đánh mất phần bù lỗ cho giá vật tư nông nghiệp tăng khiếp vía mà chẳng thấy ai lo chi hết.

Họ là ai ? Chắc chắn không phải xuất thân từ thành thị mà từ nông dân, nông thôn mà ra nhờ được lý lịch trong sáng, cầm chầu, cầm chịch trong ngành lúa gạo, mà lại thiếu cái tâm và cái tuệ nữa, nói chi cái hành mà họ như nước chảy bèo trôi, khiến cho đồng bào bà con của gia đình họ phải chịu thiệt thòi oan uổng, khi tới mùa gieo trồng, còn mải ôm lúa cũ, không có tiền mua vật tư làm mùa cho dù giá gia tăng khủng khiếp. May trời thương cho mưa thuận gió hòa, nên không bị tai hại về mặt đó.

Họ khống chế cái “nhìn” của nhà nước đến đỗi các chuyên gia nông nghiệp phải kêu gào nhà nước cúi xuống nghe nông dân hơn là nghe “trung gian mất cơ sở” cứ lo nhậu và tăng hai, nên hết nghe tiếng rên siết của ai.

Chuyện lúa gạo nói chung, kinh doanh lúa gạo thặng dư nói riêng, rất là khó, không phải tự thân vấn đề khó mà khó vì thành phần đối tác chủ yếu là nông dân, đã dốt nát mà còn nghèo nàn, chỉ làm con mồi bóc lột cho các thành phần trung gian, từ hàng xáo, thương gia thu mua lúa gạo, lực lượng chuyên chở, xay xát, điều chế gạo theo tiêu chuẩn quốc tế ghi trong hợp đồng xuất khẩu, rồi ngân hàng cấp tín dụng cho các thành phần tham gia các giai đoạn nói trên, rồi nhà xuất khẩu đưa gạo ra bán ở ngoài và ngân hàng trung gian thu hồi tiền bán. Mỗi giai đoạn đều có bất trắc riêng mà nông dân, thậm chí các thương gia thu mua khó lòng biết, từ đó “dùi đánh đục, đục đánh săng” cho tới nông dân thì thành… cốm dẹp.

Nói cho ngay, các giai đoạn trên kia không thể đi tắt. Cho nên vấn đề là kiếm cho được một đầu mối tổng hợp tâm, có tuệ, và có hành như nói trên để làm cho trôi chảy quá trình kỹ thuật cho vay thu mua lúa gạo, cho vay xuất khẩu và thu hồi tiền về không bị mất mát, trừ hao, do ngân hàng xuất khẩu lơ mơ không biết tự bảo vệ và bảo vệ khách hàng của mình. Nói tóm lại là ngân hàng tổng hợp đầu mối nói trên, đảm bảo đủ tâm tuệ và hành để bảo vệ xuyên suốt từ chính mình, đến người nông dân trồng lúa, bằng cách thấu suốt hết mọi ngóc ngách trong chu kỳ, từ gieo hạt lúa, đến xuất khẩu, đều có mặt của ngân hàng, tức là từ thành phố cảng xuất khẩu, đến nông dân trong ruộng tại các tỉnh sản xuất và lưu thông lúa gạo.

Để thông suốt và có mặt như nói trên, ngân hàng phải có tư thế lớn, rất lớn, để đủ thực lực tài chánh tài trợ tất cả các khâu nói trên. Vì chỉ có tài trợ, mới buộc được người được vay khai báo mọi hoạt động của họ và kiểm tra tính chân thật của lời khai của họ. Mục đích là ở đầu mối, nông dân được vay làm mùa dễ dàng, đầy đủ, đúng lúc, để mua vật tư nông nghiệp mà người bán cũng là khách hàng vay của chi nhánh ngân hàng tức là nhà nhập khẩu, cũng là khách hàng vay của ngân hàng để nhập khẩu, để với sự giúp đỡ của Hội sở ngân hàng, được đặt hàng tận gốc để mua sỉ các vật tư nông nghiệp từ máy cày đến phân bón, thuốc trừ sâu… Như vậy, ngân hàng nhờ cho vay trực tiếp, có thể kiểm soát được các giá cả trong giây chuyền cung cấp, để bảo đảm người nông dân được mua đúng giá và trong trường hợp khan hiếm được ưu tiên cung cấp vật tư đã đặt mua.

Ở khâu tiêu thụ lúa thu hoạch của nông dân, ngân hàng cho vay thu mua từ hàng xáo, đến thương gia mễ cốc các tỉnh có gạo thặng dư lớn, cho đến các “vua” lúa gạo ở trung tâm xuất khẩu, như Saigon trước kia. Tất nhiên nhờ quan hệ cho vay, nên ngân hàng nắm được các mối cung cấp lúa gạo cho các “vua”, cũng như ở chi nhánh nắm được các mối cung cấp lúa gạo cho thương gia mễ cốc và qua các hàng xáo nắm được tình hình cung cấp lúa gạo từ nông dân và các địa phương, có hay không có vay ngân hàng.

Ở cấp nông dân, ngân hàng tổ chức những tổ liên bảo, giữa một nhóm nông dân, để đứng bảo lãnh nợ của nhau với ngân hàng. Đứng đầu, các tổ liên bảo trong xã, ngân hàng chọn một thanh niên trẻ, xốc vác, có qua lớp đào tạo của ngân hàng và được nhiều người có uy tín trong địa phương giới thiệu và bảo lãnh tinh thần, làm liên lạc viên kiểm tra. Họ được ngân hàng cấp vốn vay làm ăn với lãi suất ưu đãi, thậm chí số không. Ngược lại họ không được nhận bất cứ khoản tiền, quà cáp nào của các nông dân mà họ giúp đỡ thủ tục, kiểm soát sử dụng vốn vay và đôn đốc thu hồi nợ vay cho ngân hàng. Ai có khó khăn, họ đề nghị chi nhánh ngân hàng có biện pháp giúp đỡ, để khỏi lâm tình trạng không thể trả nợ. Như vậy,trong xã họ là người có uy tín lớn vì được chi nhánh ngân hàng tín nhiệm và trong nhiều dịp tiệc tùng của ngân hàng họ được mời, sánh vai với các khách hàng “gộc” của chi nhánh.

Trên đây không phải là chuyện Liêu trai mà là có thật. Đó là trường hợp của ngân hàng Việt Nam Thương Tín, tuy là quốc doanh, nhưng được quyền tự trị hoạt động theo luật pháp ngân hàng, như 32 ngân hàng tư nhân, thuộc 10 quốc tịch khác nhau. Vì là quốc doanh nên Việt Nam Thương Tín đặt hàng đầu công tác của mình là những việc chính phủ, các bộ thời ấy giao, như làm ngân hàng đầu mối tổng hợp tài trợ làm mùa và thu mua lúa gạo tập trung, để bảo đảm cung cấp cho tiêu thụ các thành phố lớn, miền Trung và Tây Nguyên. Công tác này là một cục xương mà anh em cán bộ, nhân viên phần đông là trẻ coi ngon như miếng sườn non, vì thỏa mãn được khát vọng yêu thương tận tụy trong lòng mỗi anh em, cũng như có dịp thi thố năng lực chuyên môn kinh doanh rủi ro của ngân hàng với lòng chính trực, thận trọng, bản lĩnh, mạnh dạn tin tưởng nhau từ trên xuống dưới. Quả Việt Nam Thương Tín xứng đáng là tình yêu của chúng tôi, nhờ đó sau 1975, tuy gặp khó khăn như mọi người, chúng tôi vẫn thương mến, giúp đỡ nhau, trên hết không làm bất cứ điều gì có thể làm hổ thẹn anh em. Tâm, tuệ, hành luôn là hành trang của những anh em còn ở lại. Trong tư thế riêng, mỗi người đều đóng góp tích cực cho đất nước trường tồn. Không có hành trang đó, chúng tôi hoặc đã đi xa, hoặc đã sống khác hơn.

Thế nào là xã hội hóa giáo dục

Lm Thiện Cẩm, OP


Ngày thứ Năm 24 tháng 7 vừa qua, Ban Tôn giáo Chính phủ đã triệu tập một cuộc họp qui tụ các đại biểu tôn giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh, để tham gia ý kiến về việc thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục, y tế và từ thiện xã hội, nhân đạo.

Trước đây, tôi vẫn hiểu “xã hội hóa” ở đây theo nghĩa là Nhà nước không còn độc quyền về ba lãnh vực, mà tôi coi là thiết yếu nhất đối với người dân, đặc biệt là những người nghèo. Theo tôi nghĩ, đã gọi là “xã hội hóa” thì phải hiểu là để cho mọi người trong xã hội tham gia vào công tác giáo dục, y tế và từ thiện, nhân đạo. Nói nôm na là để cho nhân dân, dù là với tư cách cá nhân, hay tập thể, như tôn giáo, hiệp hội vv. có quyền mở trường, mở nhà thương và các cơ sở từ thiện, bác ái, nhân đạo. Nhưng sau này, tôi hiểu ra rằng hình như “xã hội hóa” ở đây chỉ được hiểu theo nghĩa là tư nhân, ngoại trừ các tôn giáo, được tham gia hoạt động giáo dục, y tế và từ thiện, nhân đạo. Nhưng riêng đối với các tôn giáo, thì chỉ được cộng tác, hỗ trợ chính quyền để làm tốt những công tác đó mà thôi.

Thật vậy, cả Pháp lệnh Tôn giáo năm 2004 và Nghị định 05/2005/-NQ-CP, đều không cho phép các tôn giáo tham gia công tác giáo dục, y tế vv. theo nghĩa là được mở trường, mở nhà thương vv.

Cụ thể Điều 33 trong Pháp lệnh TNTG 2004 ghi rõ :

1.-“Nhà nước khuyến khích và tạo điềư kiện để tổ chức tôn giáo tham gia nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khỏe người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần, hỗ trợ phát triển các cơ sở giáo dục mầm non và tham gia các hoạt động khác vì mục đích từ thiện nhân đạo phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và qui định của pháp luật.

2.- “Chức sắc, nhà tu hành với tư cách công dân được Nhà nước khuyến khích tổ chức hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo theo qui định của pháp luật.”

Đây quả thật là một bước thụt lùi so với Sắc Lệnh 223 do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành ngày 14-6-1955, trong đó ghi rõ ở điều 9:

“Các tôn giáo được phép tổ chức mở trường tư thục. Các trường tư thục đó phải dạy theo chương trình giáo dục của Chính phủ. Ngoài giờ dạy theo chương trình giáo dục của Chính phủ, có thể dạy thêm giáo lý cho những học sinh muốn học.”

Thật vắn tắt, gọn gàng và rõ rệt, chứ không chỉ cho phép các tôn giáo cộng tác, hỗ trợ Nhà nước mà thôi, như đóng góp tiền bạc, tặng hiến đất đai, cơ sở vv.

Trong khi đó Nhà nước đã mở rộng cửa đón tiếp các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào mọi hoạt động kinh tế, giáo dục, y tế và xã hội nói chung. Thật vậy người nước ngoài hôm nay có thể mua đất, xây trường dạy học mọi cấp, kể cả từ nhà trẻ, mẫu giáo vv. : đâu đâu cũng thấy trường “quốc tế”, mọc lên, to cao đẹp đẽ, với học phí cũng cao cao ngất ngưởng, mà đa số người dân không thể nào với tới. Cũng vậy, những bệnh viện tư do người nước ngoài hoàn toàn làm chủ cũng đang mọc lên ở những thành phố lớn, như Hà Nội và Thành phố Hồ chí Minh, trong khi đó thì các bệnh viện gọi là “công” thì quá tải tới mức không thể tưởng tượng nổi, và viện phí cũng ngày càng tăng, và giá thuốc thì lên như phi mã. Vậy mà các tôn giáo lại không được phép làm gì để cứu chữa những bệnh nhân nghèo khó!

Điều khiến tôi bức xúc, thậm chí bất bình hơn cả, khi thấy những người chủ trương chính sách giáo dục mở cửa không suy nghĩ, tới mức cho phép người nước ngoài, dưới chiêu bài “quốc tế”, được mở cả những trường mầm non, mẫu giáo cho trẻ con Việt Nam. Tôi thật không thể hiểu người ta nghĩ gì mà lại chủ trương như vậy? Chẳng lẽ người Việt Nam chúng ta không đủ khả năng và trình độ để dạy dỗ giáo dục con em mình hay sao, mà phải trao cho người nước ngoài uốn nắn dạy dỗ chúng ngay từ tấm be ? Chẳng lẽ chúng ta muốn con em chúng ta ngay từ thơ ấu đã bị “quốc tế hóa”, nghĩa là mất gốc, không còn là người Việt Nam?

Khi tôi phát biểu những ý kiến đầu tiên này trong cuộc hội thảo nói trên, hầu hết các đại biểu đều tỏ ý tán thành. Các đại biểu cũng đồng tình với lời phát biểu của linh mục Huỳnh Công Minh, đại diện cho Đức Hồng y Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng Nhà nước khỏi cần động viên các tôn giáo tham gia hoạt động giáo dục, y tế và từ thiện nhân đạo: các tôn giáo từ lâu đã sẵn sàng và nóng lòng được tham gia vào những hoạt động này. Vấn đề là đã đến lúc Nhà nước nên qui định rõ ràng và cụ thể những hình thức tham gia những hoạt động ấy như thế nào mà thôi.

Linh mục Tổng đại diện còn than phiền về tình trạng xuống cấp của tinh thần đạo đức xã hội, mà chung qui cũng chỉ vì nền giáo dục của chúng ta đang suy thoái và khủng hoảng trầm trọng. Xã hội chúng ta ngày nay đâu đâu cũng đầy gian dối, ích kỷ, mỗi người chỉ biết sống cho mình, và cho những giá trị vật chất, đánh mất đi lòng nhân nghĩa, bao dung, vốn là tính chất truyền thống của người Việt Nam. Sở dĩ thế là vì chúng ta không còn quan tâm đến giáo dục đạo đức.

Một nữ đại biểu của đạo Bà Hai đề nghị đem giáo dục tôn giáo vào học đường. Các đại biểu tôn giáo khác nghe thì đồng tình, nhưng xem ra ai cũng tỏ vẻ nghi ngờ khả năng hiện thực của đề nghị ấy. Nhưng quả thật, tôn giáo nào cũng mong muốn ít ra là Nhà nước cho phép mở các trường tư thục tôn giáo từ mẫu giáo trở lên, và cho phép dạy đạo cho những học sinh muốn học, ngoài chương trình của Nhà nước, như chính Hồ Chủ tịch đã chủ trương, trong Sắc lệnh 223, ban hành năm 1955.

Đối với tôi, xưa nay vẫn hy vọng rằng với chế độ xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta sẽ được cơm no áo ấm, được học hành và khám chữa bệnh và có công ăn việc làm, như Hồ Chủ tịch đã viết trong Di Chúc. Nhưng sau hơn ba mươi năm hòa bình thống nhất, tình trạng đói nghèo, và thất nghiệp, đặc biệt là tình trạng giáo dục và y tế chưa được như mong ước, nếu không muốn nói là khó khăn hơn : học phí ngày càng tăng, viện phí cũng vậy, đến nỗi nhiều học sinh phải bỏ học để ở nhà phụ giúp cha mẹ kiếm sống, nhiều người không đủ tiền khám chữa bệnh và mua thuốc. Vậy mà không ít những người có tâm huyết, khả năng và trình độ lại chưa được tham gia vào những hoạt động có tính cách căn bản và cần thiết nhất cho xã hội. Quả thật, chúng ta đã để lãng phí bao tài nguyên tinh thần và vật chất của các người tôn giáo. Vì lý do gì vậy? Tôi đã nhiều lần công khai lên tiếng trong những đại hội hay tọa đàm, hội thảo, và mong muốn nhận được một câu trả lời, nhưng chưa ai nói cho tôi nghe.

Điều mà tôi tha thiết mong đợi là Nhà nước sớm thực hiện chính sách mở cửa để các tôn giáo được tham gia bình đẳng với người nước ngoài vào những hoạt động giáo dục, y tế và từ thiện, nhân đạo, đúng như Hồ Chủ tịch đã từng chủ trương như vậy, và Hội đồng Tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mấy năm trước đây đã đề nghị như thế.

Lý tưởng mà nói, Nhà nước nên cố gắng thực hiện chính sách cưỡng bách phổ thông giáo dục, ít ra là từ mẫu giáo tới hết cấp II, và từ cấp III trở lên mới để các tư nhân và người nước ngoài tham gia hoạt động này.

Riêng đối với các cháu mầm non và nhà trẻ, không nên để người nước ngoài, dù là dưới danh nghĩa “quốc tế” tham gia giáo dục đào tạo chúng, vì đó là nhiệm vụ thiêng liêng đối với chúng ta, vì như cha ông đã dạy phải “dạy con từ thuở còn thơ”, hay “dạy con từ thuở lên ba”. Cũng như ngày nay người ta khuyên nên cho trẻ thơ bú sữa mẹ, thì chúng ta cũng phải để các trẻ thơ của chúng ta được nuôi dưỡng bằng một nền giáo dục dân tộc để nên người Việt Nam thực thụ, chứ không bị lai căng, lạc loài, có khi nói tiếng mẹ đẻ chưa sõi, thì thử hỏi lớn lên, chúng có thể hiểu biết và yêu mến quê hương dân tộc, hay sẽ coi trọng nền văn hóa “quốc tế” nào đó hơn nền văn hóa mà chúng ta vẫn hãnh diện là đã có từ bốn ngàn năm hay không ?

28-07-2008

(Báo Công Giáo Và Dân Tộc số 1668, 1.8 - 7.8.2008)

TỪ HIỆN TRẠNG CHƯA THỰC THI CHỮA BỆNH MIỄN PHÍ CHO TRẺ DƯỚI 6 TUỔI

Xuân Huy

Ở Việt Nam hầu như không thiếu bất kỳ loại luật lệ-quy định gì, trong đó có đầy rẫy những văn bản dưới luật thuộc các loại quyết định, quy định, thông tư, chỉ thị... không sát hợp với tình hình thực tế không có tính khả thi hay thậm chí vi hiến mà thỉnh thoảng người ta phải mất công xét bỏ trong quá trình hoàn thiện hệ thống luật hoặc cải cách hành chính. Tuy nhiên, có những quy định thật vô lý đã được xét bỏ nhưng nhiều cơ quan hữu quan cấp dưới vẫn cố ý trì hoãn kiểu nầy kiểu khác không chịu thi hành, hoặc cũng thi hành nhưng lại tìm cách đặt ra thêm những “giấy phép con”... khác để làm khó người dân, khiến cho công cuộc cải cách hành chính trong nhiều năm gần như giậm chân tại chỗ. Mặt khác, cũng có những luật ban đầu không được thi hành, nghĩa là chỉ tồn tại trên giấy tờ, nhưng sau đó cơ quan chức năng (thường là các bộ hữu quan) quyết định cho triển khai thì các cấp hữu quan cũng lại tìm cách ngăn trở kiểu nầy kiểu khác dựa vào các câu chữ hai ba nghĩa nằm trong những quyết định, chỉ thị, hướng dẫn... của ngành phụ kèm theo luật. Thành thử, nếu người dân khi hữu sự cứ cả tin vào những thứ “kim khoa ngọc luật” đó mà hành xử thì có khi lại bị hụt hẫng rách việc, không loại trừ có thể còn toi cả mạng mình hoặc tương lai của cả một đời con cháu mình.

Sở dĩ có tình trạng như nêu trên vì ở nước ta cho tới nay có thể nói vẫn chưa có được cái mà hàng mấy thế kỷ trước người ta gọi là “tinh thần của luật pháp” (l’esprit des lois). Luật pháp như thế chỉ còn lại là những câu chữ vô hồn ước thúc con người được đặt ra để làm khó công dân nhiều hơn là để tạo sự tiện lợi cho họ. Điều nầy có nghĩa giữa chính sách, Hiến pháp và luật pháp còn có một khoảng cách biệt khá xa. Nói cách khác, luật pháp không thể hiện Hiến pháp và đường lối chính sách, không quán triệt trong máu thịt, tinh thần của mọi thành viên có trách nhiệm thi hành chúng, vì thế mới có trường hợp giáo dục theo Hiến pháp là “chính sách hàng đầu” (Điều 35) nhằm tạo mọi điều kiện cho mọi người dân đều được đi học nhưng khi dắt đứa con mới ở độ tuổi đi học vào trường xin học chỉ lớp 1 thôi, phụ huynh cũng phải chạy “vắt giò lên cổ”, tốn đủ thứ tiền mà còn chưa chắc được việc một cách suôn sẻ. Tương tự như thế, chính sách chăm sóc và bảo vệ trẻ em thể hiện qua Hiến pháp (Điều 61, “Công dân có quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khỏe...”), qua Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XI thông qua có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2005 cũng là một thí dụ tiêu biểu điển hình về khoảng cách biệt quá xa giữa chính sách, Hiến pháp, luật pháp và việc thi hành luật pháp.

Mới đây, ngày 17.7.2008, người ta đọc thấy trên mục “Bạn đọc viết” báo Sài Gòn Giải Phóng chuyện một phụ nữ dân quê nhà nghèo đưa đứa con chỉ mới hơn 20 ngày tuổi nghi bị sài uốn ván (một loại bệnh thập tử nhất sinh) đi chữa bệnh tại bệnh viện tỉnh Đồng Nai, sau đó chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1 rồi bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới (TP. HCM), nhưng tại cả ba nơi, mẹ đứa nhỏ đều bị đòi tiền khi chuyển viện hoặc phải đóng tiền tạm ứng khi nhập viện. Người mẹ không có tiền phải chạy vạy khắp nơi cầu cứu bà con và những người quen biết, vì bệnh viện nói thẳng nếu không đóng tiền (và do đó không thể chuyển viện từ Nhi Đồng 1 qua bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới) thì số phận của đứa trẻ trong đêm nay ra sao gia đình phải chịu trách nhiệm (!). Khi viện dẫn đến quy định về trẻ em dưới 6 tuổi được chữa bệnh miễn phí thì các bệnh viện đều đòi phải xuất trình những loại giấy tờ mà cha mẹ đứa nhỏ vừa không hiểu biết các loại thủ tục rắc rối của ngành vừa không thể nào chuẩn bị kịp trong lúc gấp gáp hối hả.

Lẽ ra, một đứa bé mới 20 ngày tuổi thì đích thị là đối tượng phải được chữa bệnh miễn phí mà chẳng cần bất kỳ một loại giấy tờ chứng minh nào, kể cả giấy chứng sinh, vì các bác sĩ và người phụ trách hành chính bệnh viện không thể nhìn lầm đứa bé sơ sinh 20 ngày tuổi với đứa trẻ khoảng 6 tuổi được. Đây cũng lại là trường hợp tiêu biểu vừa làm khó để không thi hành luật pháp và các quy định của ngành, vừa vô tâm vô cảm và thiếu nhân đạo của các nhân viên phụ trách y tế trước bệnh tật và nỗi khổ của dân nghèo. Tình trạng nầy càng cho thấy, các bệnh viện và nhân viên phụ trách y tế hoàn toàn không có chút quán triệt gì đối với các chính sách chung lớn của quốc gia về việc chăm sóc sức khỏe cho dân chúng nói chung và cho trẻ em dưới 6 tuổi nói riêng, nếu không muốn nói họ còn là những lực cản trở, mặc dù thành phần lãnh đạo các bệnh viện thì lý lịch anh nào cũng tốt.

Được biết, khoản 2 Điều 15 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) quy định rõ: “Trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Trẻ em dưới 6 tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được khám bệnh không phải trả tiền ở các cơ sở y tế công lập”. Điều 27 quy định: “...bảo đảm kinh phí khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi... ở các cơ sở y tế công lập trung ương và địa phương”.

Như vậy, trên văn bản luật, câu chữ đã quá rõ ràng. Ngoài ra, Bộ Y tế còn có thêm một văn bản quyết định mang số 306/YT-KH-TC đề ngày 14.01.2005 chỉ đạo triển khai việc thực thi theo đúng tinh thần các điều quy định của luật nêu trên. Nếu chính sách y tế và tinh thần của luật pháp thật sự được quán triệt trong mọi công dân và những người thi hành (đặc biệt là những người lãnh đạo bệnh viện), thì riêng cho ngành y tế, không nên đặt thêm bất kỳ thủ tục nào rườm rà, mà phải tiến tới sự “zêrô hóa” các thủ tục, theo tinh thần “phàm hễ đúng với tinh thần của chính sách và của luật pháp thì phải được thực hiện một cách phổ biến nhất quán trên toàn quốc”, bởi chuyện chữa bệnh là liên quan đến mạng sống của con người và phải đặt nó lên trên tất cả mọi quy định, thủ tục hành chính. Trong tinh thần đó, cần phải loại bỏ trước hết thủ tục đóng tiền tạm ứng khi nhập viện mà hầu như mọi bệnh viện hiện nay trên toàn quốc đều đang áp dụng; phải coi việc có chữa bệnh miễn phí được cho trẻ em dưới 6 tuổi hay không như là một tiêu chí quan trọng để đánh giá khả năng làm việc và thiện chí-lương tâm-trách nhiệm của giám đốc bệnh viện và của các cơ quan chủ quản hữu quan, tính từ thấp lên đến cấp cao nhất.

Trên thực tế, nhiều trẻ em Việt Nam dưới 6 tuổi cho đến nay vẫn không được khám chữa bệnh miễn phí. Truy lại ba năm về trước, báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 16.6.2005 cho biết: “Sau hơn 2 tuần triển khai thực hiện miễn viện phí trẻ dưới 6 tuổi theo quyết định của Bộ Y tế, tại các bệnh viện từ phường xã, quận huyện đến thành phố, số trẻ được miễn viện phí rất thấp, chỉ khoảng trên 1%, dẫn đến nguồn kinh phí còn nhiều nhưng chưa dùng đến”. Tình trạng nầy, dư luận và báo chí phản ảnh đã nhiều, nhưng mặc cho mọi sự phản ảnh, các viên chức ngành y tế vẫn tiếp tục viện dẫn đủ mọi lý do để trì hoãn việc thi hành, nên cho đến nay, đúng 3 năm sau, so chiếu lại với lúc khởi đầu, tình trạng vẫn gần y như cũ và vì thế dân chúng lại phải tiếp tục kêu rêu như lời của bà mẹ đứa bé nhà quê nhà nghèo mới 20 ngày tuổi kể ở đoạn trên. Thiếu giấy chuyển viện, không mang theo giấy chứng sinh hoặc hộ khẩu, đến không đúng tuyến... là các lý do mà bệnh viện thường nỡ đưa ra để từ chối khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, kể cả đối với những bệnh nhân mà cha mẹ của chúng thật sự là thành phần lao động nghèo khổ ở nông thôn và thành thị. Nhưng sở dĩ các bệnh viện vẫn nại được lý do làm khó người dân còn vì ngành y tế khi triển khai luật thường đưa ra thêm những quy định không thể hiện tính nhất quán và tính phổ biến của chính sách và của luật pháp. Đại loại, có thể dẫn chứng công văn số 3340/SYT-TCKT-NVY nầy của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, phần II, mục 1a có nội dung: “Đối với trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi của địa phương khác có nhu cầu đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập tại TP. HCM thì thực hiện theo hợp đồng đã ký kết với Sở Y tế hoặc bệnh viện đa khoa Tỉnh; trường hợp các địa phương chưa ký hợp đồng thì khi xuất viện người nhà có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản chi phí khám chữa bệnh cho các cơ sở y tế... Các cơ sở y tế công lập trực thuộc cung cấp đầy đủ biên lai, hóa đơn, chứng từ viện phí hợp lệ và đúng quy định để gia đình bệnh nhân làm căn cứ thanh toán với Sở Y tế hoặc cơ sở y tế công lập (nơi chuyển viện) của địa phương mình”.

Đọc loại công văn có nội dung như nêu trên, người ta dễ có cảm tưởng Việt Nam là một nước bị phân xẻ thành nhiều tiểu quốc với mỗi tiểu quốc là một tỉnh hoặc thành phố, nên việc thi hành những bộ luật có tính toàn quốc không thể thông đạt ngay được từ trên xuống dưới mà còn phải thông qua nhiều loại quy định cụ thể nầy khác. Điều nầy có nghĩa khi đứng trước một bệnh nhân thì tùy theo điều kiện của mỗi địa phương mà phải có cách xử lý khác nhau, nhưng xử lý kiểu gì trước hết phải thu tiền rồi sau mới hạ hồi phân giải (!), chẳng khác nào như chuyện cái cầu Đồng Nai vừa rồi, mới khởi công xây đã đòi thu phí của dân!

Do thiếu quán triệt tinh thần nhân đạo của chính sách y tế chung nên người ta thường có khuynh hướng cố tạo ra nhiều loại thủ tục rắc rối phiền hà để hạn chế việc thi hành, mặc dù miễn viện phí thì chỉ hao tiền nhà nước, thực tế là tiền dân, và người được hưởng cũng chẳng ai khác hơn là những người dân trong nước. Chữa được bệnh cho dân mà nhà nước không lấy tiền của dân, đó mới đúng là hành vi-nghĩa vụ-chức năng của mọi nhà nước từ cổ chí kim, nên được coi là một sự đương nhiên muốn khen cũng được mà không cũng tốt. Nhưng như vậy điều khó hiểu vẫn là tại sao các quan chức thừa hành ý chí của nhà nước lại có vẻ như tiếc tiền giùm cho nhà nước khi họ tìm cách đưa ra các quy định có tính cách hạn chế? Tất nhiên, một số quan chức lãnh đạo bệnh viện đôi khi cũng có cái khó riêng của họ, do sự ràng buộc của các quy định ngành và các điều kiện thực thi nầy khác, nhưng dù sao như thế cũng là bằng chứng cụ thể hùng hồn cho thấy Hiến pháp và luật pháp trong nhiều trường hợp đã tỏ ra bất lực, vô hiệu, gây ảnh hưởng xấu nặng nề đến niềm tin của nhân dân đối với ngành y tế nói riêng và đối với cả một đường lối chính trị nói chung. Qua việc thực tế không chữa bệnh miễn phí cho người dân theo đúng pháp luật, suy diễn ra, còn có hàng trăm chuyện phải bàn liên quan đến sự khiếm khuyết trong hành vi-trách nhiệm của nhà nước, từ những bằng chứng khoảng cách giữa luật pháp với thực tế. Nhưng trên hết là một chính sách nhất quán cần thiết mà nếu lấy đó làm tiêu chuẩn thì hầu hết các thủ tục phiền hà dành cho ngành chữa bệnh đều trở nên thừa thãi vô nghĩa, có hại, và không một lý do gì khác có thể biện minh được.

28.7.2008
(Nguyệt san Công giáo và Dân tộc số 163, tháng 7.2008)