Wednesday, October 17, 2007

Hệ thống pháp luật như xương sống, có mạnh và thẳng, con người và quốc gia mới đứng ngay

Lâm Võ Hoàng
Pháp luật (quốc nội hay quốc tế) là sức mạnh, là xương sống nâng đỡ toàn thân của mọi tổ chức xã hội có kỷ cương. Quân đội, công an được trang bị mạnh không phải để hoạt động theo ý mình, mà có chức năng dùng sức mạnh được trang bị đó để bảo vệ sự bền vững và tính chấp hành của luật pháp. Cơ quan pháp luật có nhiệm vụ thi hành luật pháp ở hai mặt : giải quyết mọi nhu cầu thể hiện và tranh chấp của công dân và mọi nhu cầu chế tài các vi phạm luật pháp của công dân và tổ chức.

Trên hết, cơ quan tối cao thay mặt nhân dân và chế độ cầm quyền, có nhiệm vụ làm ra luật pháp bao trùm mọi mặt hoạt động, ý hướng của chế độ và nhân dân. Vì trong cụ thể và thực tiễn, sự thể muôn hình vạn trạng, cho nên tinh thần và phương pháp xây dựng luật pháp là không thể qui định từng vụ việc, mà chỉ có thể đề ra những nguyên tắc nêu lên ý nghĩa thâm sâu và những điều kiện cấu thành sự việc. Tính nguyên tắc của qui định pháp luật không có, hoặc không rõ ràng, thì chỉ dẫn tới những diễn giải, suy luận làm tổn thương uy tín của luật pháp và làm lợi cho những kẻ lợi khẩu, nói ngang.

Gần đây trên báo chí có hai vụ tranh chấp, một còn trong giai đoạn xử lý nội bộ, và một đã đưa ra hai tòa, đều gây tức ấm ách, do làm ngang, phán ngang làm thương tổn không cần thiết đến uy danh của một doanh nghiệp hạng to nhất nước và nhất là của một cơ quan tài phán cấp trên.

+ Việc đầu tiên được chuyên gia kinh tế, luật sư Nguyễn Ngọc Bích trình bày trên tuần báo Kinh tế Saigon ngày 27.9.2007, tựa đề “Cách ra quyết định trong tập đoàn”, mà người viết xin dựa vào sự kiện được nêu để góp ý như sau:

Đó là việc Pétro Việt Nam PVN, công ty mẹ (60% cổ phần) của Đạm Phú Mỹ (ĐPM) có cổ đông khác là Ngân hàng đầu tư và phát triển (nắm 5%), Ngân hàng Á châu (ACB) nắm 1% và nhiều cổ đông khác nắm phần còn lại. Trong số 60% cổ phần đó của PVN có giá trị của miếng đất 28ha, nay đã trở thành sở hữu sử dụng của ĐPM, đúng hơn của tập thể cổ đông ĐPM, ngoài ba cổ đông nêu trên còn có các cổ đông nắm số cổ phần còn lại.

Điều gây bức xúc là ông chủ tịch PVN có công văn và với tư cách công ty mẹ chỉ đạo “những đại diện của mình trong Hội đồng Quản trị ĐPM tiến hành các bước theo qui định để chuyển giao đất này cho một đơn vị khác trong tập đoàn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất”. Việc chỉ đạo này, theo người viết, là đúng và cần thiết. Vì “chỉ đạo” không có giá trị pháp lý nào cả, nhưng lại có hiệu quả “bảo vệ” những người đại diện tuân hành ý muốn của “chủ”. Điều đáng nói là trong “các bước theo qui định”, ông Chủ tịch chăng lập lờ không nêu rõ sự “chuyển giao đất này” là hữu thường (có trả tiền nhượng lại quyền sử dụng đất) hay vô thường (không tính tiền) ? Vì nếu “hữu thường” thì bình thường, vì trong cân đối tài sản “mất đất” được bù bằng “được tiền”. Còn nếu “vô thường” thì sẽ có rắc rối, dám dẫn tới “hình sự” là làm “tẩu tán tài sản” vô cớ, với sự kiện tụng không thể tránh của các cổ đông thiểu số khác (ngoài hai tai to mặt lớn câm) của ĐPM bị thiệt hại vì sự “tẩu tán tài sản” kia làm giảm giá trị nội tại của cổ phần họ.

May thay, công ty con được chỉ đạo “nhận” lại dứt khoát không chịu nhận “của rơi từ trên trời”, nên đã không có kết thúc bi thảm mà còn có dịp cống hiến cho nền doanh nghiệp thị trường còn non nớt của ta một bài học đáng giá, nhớ đời là “mẹ con không hại nhau, nhưng của con mẹ không được rớ tới, nếu con chưa ưng thuận”.

+ Việc thứ hai được nêu trong bài “Ai hoàn trả công sức cho tôi ?” của Nguyễn Tấn trong cùng số báo “Kinh tế Saigon” nói trên, có nội dung ai oán hơn, xuất phát từ một phán quyết non nớt (vì không thể giải thích) của một Tòa cấp trên làm thiệt hại trắng tay vô cớ cho một bên gọi là bên B và làm giàu vô cớ cho bên kia gọi là bên A có thể do ai xúi dại, phủi hết mọi ơn nghĩa, kiện B ra tòa. Câu chuyện theo bài báo như sau:

“Cuối năm 2004, công ty A có trụ sở tại Tp. HCM, thông qua mạng Internet, quen được một mối ở Hàn Quốc cung cấp giàn giáo đã qua sử dụng với giá chào rất rẻ.

Tưởng ngon ăn, công ty này liền chồng tiền đặt hàng ngay cho phía nước ngoài là 25.000 USD (400 triệu VNĐ). Thế nhưng, hàng được về vài mẻ thì tắc tị và nhà cung cấp cứ lờ đi. Để đòi lại tiền, công ty A nhờ công ty B là một doanh nghiệp do một Việt kiều làm chủ, có chức năng cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư, kinh doanh và đại diện sở hữu công nghiệp, tư vấn giúp mình trong việc giải quyết tranh chấp.

Tháng 8.2005, hợp đồng dịch vụ tư vấn được ký kết, trong đó A ủy quyền cho B đại diện bảo vệ quyền lợi cho mình, để buộc nhà cung cấp nước ngoài thực hiện hợp đồng và bồi thường các khoản thiệt hại. Hợp đồng tư vấn chỉ kết thúc và bên A chỉ thanh toán tiền tư vấn cho bên B, khi việc giải quyết tranh chấp đạt được bằng một quyết định có hiệu lực thi hành của tòa án hoặc của cơ quan có thẩm quyền buộc nhà cung cấp nước ngoài phải thực hiện những nghĩa vụ trên. Tổng giá trị hợp đồng bên A phải trả cho bên B là 12.500 USD. Căn cứ hợp đồng, bên B đã thực hiện các công việc như tư vấn giúp A cách giải quyết tranh chấp, tiến hành các thủ tục khởi kiện. Kết quả là đến đầu năm 2006, Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đã ra phán quyết buộc nhà cung cấp nước ngoài phải hoàn trả cho công ty A 25.000USD và toàn bộ phí trọng tài hơn 24 triệu đồng.

Hợp đồng tư vấn coi như đã hoàn thành. Thế nhưng, sau đó bên A bất ngờ đâm đơn kiện B ra tòa. Lý do được đưa ra là vì B chỉ có chức năng dịch vụ tư vấn nói chung mà không có chức năng dịch vụ tư vấn pháp luật. Vì vậy hợp đồng tư vấn giữa A và B là vô hiệu và B phải hoàn trả cho A số tiền dịch vụ tư vấn 9.500 USD đã thanh toán trước cho bên B… Tại phiên tòa xử sơ thẩm ngày 16.7.2007, HĐXX TAND quận 11 khẳng định : hợp đồng giữa A và B không phải là một hợp đồng dịch vụ pháp lý, mà là một hợp đồng dịch vụ tư vấn. Hợp đồng này có hiệu lực pháp luật, phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với các bên ký kết hợp đồng và phù hợp theo các qui định của Luật thương mại. Căn cứ theo thỏa thuận tại hợp đồng, bên B đã hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với bên A, cụ thể là đã tư vấn giúp cho bên A giải quyết được tranh chấp bằng một phán quyết trọng tài có hiệu lực thi hành. Do đó tòa không chỉ bác yêu cầu đòi lại tiền của bên A, mà còn buộc A thanh toán hết số tiền 3.000 USD còn nợ chưa thanh toán cho B.

Án sơ thẩm bị kháng cáo. Ngày 24.9.2007, tại phiên phúc thẩm HĐXX Tòa Kinh tế TAND Tp. HCM đã cải sửa bản án với phán quyết buộc B phải hoàn trả toàn bộ 9.500 USD tiền tư vấn cho bên A, không chấp nhận yêu cầu của bên B buộc A thanh toán số tiền còn nợ chưa thanh toán 3000 USD cho B. HĐXX lập luận rằng hợp đồng giữa A và B là hợp đồng kinh tế dưới dạng dịch vụ pháp lý mà B không có chức năng trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nên hợp đồng nói trên bị vô hiệu toàn bộ”.

Rõ ràng, ghi chép lại dài dòng như trên là để thấy rõ phán quyết của TAND quận 11 nghiêm túc vững chắc trong lập luận cũng như trong kết luận, tức là đã phân biệt rạch ròi, tuy không cần giải thích rườm rà giữa hợp đồng dịch vụ pháp lýhợp đồng dịch vụ tư vấn.

Dịch vụ pháp lý (tức là đơn thuần pháp lý trước các cơ quan tài phán hoặc có nội dung pháp lý là chính) như luật sư trước tòa hoặc trước các cơ quan hành chính, đều do chính bản thân luật sư thực hiện, thay mặt cho thân chủ. Như vậy sẽ rất thuyết phục nếu cho bên B không có chức năng thực hiện dịch vụ pháp lý.

Còn dịch vụ tư vấn có thể bao gồm nhiều loại hình dịch vụ, không loại trừ dịch vụ pháp lý dưới dạng tư vấn (chỉ cách khởi kiện, làm đơn giùm để thân chủ ký tên. Mặt khác, với tư cách đại diện ủy quyền của thân chủ, nhà tư vấn có đủ tư cách tiếp xúc, thương thảo với mọi đối tác, kể cả hành chánh, trừ đối tác tài phán như nói trên.

Trong lĩnh vực này, thành công của bên B đem lại cho bên A là do tài năng chuyên nghiệp của tư vấn thông hiểu luật lệ, cách làm của Việt Nam lẫn quốc tế. Chỉ bằng cung cách quốc tế, nắm được luật pháp của Việt Nam cũng như của Hàn Quốc và thông tục quốc tế mà bên B mới có thể, “tiên lễ hậu binh”, siết chặt vòng vây pháp lý chung quanh đối tác Hàn Quốc, dẫn đến phán quyết trọng tài quốc tế có hiệu lực thi hành trên thế giới và sẽ khiến cho đối tác Hàn Quốc phải “lương thiện” trở lại. Cái khôn khéo của bên B là vận dụng sức mạnh của Trung tâm trọng tài quốc tế tại Việt Nam, chớ không phải của tòa án Việt Nam. Như vậy bên B xứng đáng hưởng tiền tư vấn 12.500 USD.

So bản án phúc thẩm với bản án sơ thẩm, ta không khỏi buồn thấy cấp trên, do không giải thích được cơ sở pháp lý của phán quyết khiên cưỡng của mình, nêu ra một phán quyết kỳ cục là một đằng làm trắng tay kẻ có công trạng mà tòa không thể phủ định, mặt khác, làm giàu vô cớ cho kẻ vong ân bội nghĩa, trơ trẽn nuốt lời hứa, đã không mất Huyền Trân mà còn được hai châu Ô Lý. Hơn thế nữa, tòa đã làm cái mà thông tục pháp lý thế giới đều kiêng kỵ và luôn trấn áp, đó là tội phạm “làm giàu không căn cứ” (enrichissement sans cause). Vì vậy đã đến lúc ta coi lại xương sống của ta, tức là hệ thống pháp luật, pháp lý của ta, có thoát vị bẹn, hay thoát vị đĩa đệm không, để sớm sửa chữa.

Công Giáo Và Dân Tộc số 1629