Wednesday, September 12, 2007

Ai ơi, dân ta còn lắm kẻ nghèo!

LÂM VÕ HOÀNG

Sau hơn hai mươi năm đổi mới, nước ta, nhờ đầu tư nước ngoài, đã phát triển khả quan, nhưng chậm chạp, và nhứt là chưa đúng bài bản đồng bộ như những nước trước đây so với Việt Nam, tuy còn chiến tranh, nhưng vẫn chưa thể so kè. Nay thì họ với ta đã khác xa lắm lắm, như Hàn Quốc chẳng hạn, ở những năm đầu 1960.

Chẳng có gì thần kỳ cả. Chẳng qua họ thấy được con đường gian khổ phải trải qua, và cả nước phải cắn răng, nuốt lệ, thực hiện cho kỳ được “bốn mục tiêu quốc gia” (Hàn Quốc) mà cứ hỏi bất cứ trẻ em nào đều trả bài ron rót. Nhờ đó họ sớm trở thành cường quốc kinh tế hồi nào không hay. Trong khi đó Việt Nam, sau chiến thắng còn lây quây trong đủ thứ vấn đề gai góc, sau đó phải mất nhiều thời gian để tháo gỡ lần hồi từng mối, mỗi khi phát hiện, mà vẫn chưa biết chừng nào mới có một “đồng bộ”, để có đủ khí thế tiến lên phát triển chắc chắn bền vững ?

Nói tới đây, chắc không khỏi bị quở chuyên nói tốt cho người. Nhưng lấy công tâm mà nhớ lại, trên tivi thường chiếu cảnh Palestin, Irắc tang tóc đau thương, xe bom, trọng pháo làm người chết, nhà cháy, nhưng đường sá của họ phẳng lì sạch bóng, các vạch tuyến còn mới tinh, đèn đường không thấy đứt một bóng. Còn ta không bom, không pháo, sao đường sá đầy lỗ hang, rác rưởi, xà bần quá xá !

Trong tình hình phát triển nước ta còn nhiều tự phát, ai giỏi chạy, giỏi làm toán chia có nhiều “cô bác bạn bè” thì phất lên, nhiều khi đột ngột không ai biết nguồn gốc “núi tiền” của họ ở đâu ra. Mặt khác, cách thu thuế của ta hơn ba mươi năm qua, vẫn chưa nên hình nên tướng, chỉ biết dùng hăm dọa làm khó là chính, trình độ không khác thời thánh Mátthêu còn tại vị, nên chưa thể hiện vai trò kinh tế – tài chánh điều hòa thu nhập quốc gia, nắm vững thu nhập, chi tiêu từng tổ chức, cá nhân. Từ đó, tạo một tầng lớp người trung lưu không đóng thuế, hoặc rất ít, nhưng lại tiêu xài như nước (bổ dưỡng, chăm sóc, thời trang, nội thất, giải trí, ăn uống, bồ bịch, bôi trơn, lo lót, tiêu dùng từ sang đến cực sang…), phần đông gồm những người có chức quyền, hoặc hành nghề tự do. Họ và con cái lớn lên của họ, đều có nhà cửa đàng hoàng, tự nuôi thân, và vợ con rất đầy đủ, no ấm, toàn ăn bổ dưỡng, mặc sang trọng còn hơn vợ con Mỹ hoặc chạy trường cho con mấy ngàn đô cũng không tiếc.

Chính cách sống thường ngày của họ cách xa với những người tay làm hàm nhai, tay lấm chân bùn, khiến cho nhà nước và nhân viên nhà nước tưởng ai cũng như mình, cần gì có nấy, thậm chí không cần cũng có (người dâng), cho nên từ tháp ngà dễ dàng “đẻ” ra cho toàn dân nhiều chánh sách, quy định xa rời thực tế, khiến cho ai nấy, ngoài tầng lớp của họ, phải ứ hự, kêu trời, như trong ba trường hợp trước mắt như sau là : học phí, đồng phục và mũ bảo hiểm.

Học phí

Năm 1938, tôi vào học lớp đồng ấu (lớp 1) trường làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá, cho tới lớp triết, cuối cấp trung học, trường Chasseloup Laubat (của Pháp) mà không tốn một đồng nào của cha mẹ. Đã vậy từ suốt học trình như trên, mỗi năm trường đều cho mượn sách giáo khoa đầy đủ, tới bãi trường mới trả lại. Tôi còn nhớ anh Nguyễn Hữu Khánh cũng học Chasseloup, sau làm báo Tuổi Trẻ, trước khi vô khu với anh Nguyễn Điền, đã đĩnh đạc bưng chồng sách đem lên phòng giám thị xin nghỉ học và trả sách. Tây biết, nhưng không muốn lôi thôi, nên không hỏi gì hết. Sau lên đại học Sài Gòn, còn do Pháp quản lý, tiền ghi danh lớp tiến sĩ là 300 đồng/ học kỳ, trong khi tôi đi làm gia sư được trả 2.000 đồng/tháng.

Rồi bây giờ, mức học phí tuy đã khá nặng, nhưng chịu riết bấy lâu nay, da cổ đã chai, nên còn chịu đựng được, nay bỗng nhiên nhà nước đòi tăng học phí rất cao. Trên báo có một vài phản ứng, nhưng hầu như chìm dần. Phải chăng vì không còn ai đấu tranh chống tăng học phí, hay vì phản ứng này thiếu chánh nghĩa?

May là nhà nước, vì lợi ích của mở cửa và hội nhập, vẫn còn khả năng lắng nghe tiếng thở than âm thầm của người dân, cho nên đích thân Thủ tướng Chính phủ đã đề ra chính sách không để người trẻ nào bỏ lớp thất học, chỉ vì thiếu tiền đóng trước hai tháng học phí, và lập quỹ cho học sinh nghèo vay trả học phí.

Đây là quan tâm và từ tâm đối với những tài năng vì mắc kẹt cái nghèo mà đâm ra thất thế, nhưng tính khả thi của đề án lập quỹ cho vay đóng học phí xem ra ít sáng sủa vì thông thường “có thóc mới cho mượn gạo”. Ở đây đã không có khả năng đóng học phí trong hiện tại và tương lai thì lấy đâu mà trả nợ vay ? Giải pháp tốt nhất là “nuôi” họ học thành tài, rồi bắt họ làm việc cho nhà nước, rồi trừ tiền vay lần hồi vào lương. Như vậy hai bên đều có lợi : họ được bảo đảm có việc làm và nhà nước nắm được “quỹ” nhân tài, tha hồ đưa họ đi phục vụ mấy chỗ hóc bà tó để đóng góp phát triển nó. Thậm chí, khi họ học giỏi thành tài, thiếu gì nhà giàu có con gái muốn gả sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra “chuộc” họ, hoặc doanh nghiệp, có tầm nhìn cũng bỏ tiền ra như vậy, thế là nhà nước tha hồ tính tiền lời như ngân hàng, khiến cho “quỹ” sẽ nở nồi.

Bàn như trên là chưa đi sâu vào thực chất vấn đề. Quả thật vậy, cho vay như thế là nhà nước cho vay tay mặt, rồi tay trái lấy lại (thu học phí) mà lại được tiếng thơm “của người phúc ta”. Tức là họ đi học bằng tiền (vay và trả lại) của họ, chớ có phải bằng tiền nhà nước, như học bổng đâu! Ơn nghĩa, nếu có, là do chút “miếng khi đói bằng gói khi no” thôi, muốn tính hay “xù” đều được cả, bởi Hàn Tín dù chỉ ăn bát cơm nguội lúc hàn vi, đã đến dâng một ngàn lạng vàng cho Phiếu mẫu vài năm sau đó. Khi trở thành nguyên soái được “đăng đàn bái tưởng” của Lưu Bang, chỉ nghiêng mình chút xíu trước tên mặt tái, xấu tướng, mà dựng nên cơ đồ nhà Hán lẫy lừng nhứt của Trung Quốc. Rõ ràng làm gì đôi bên cũng đều có lợi.

Thế thì thực chất vấn đề là gì ? Nhà nước tạo điều kiện cho dân học hành tới nơi tới chốn, trước nhứt vì lợi ích của chính mình, không thể sống mãi để cai trị dân nước mà mình hoặc tổ tiên mình phải tốn hao mọi mặt, với số lượng kinh hồn, mới chiếm được.

Ngược lại người dân muốn tồn tại, phải hy sinh đóng góp chi phí nuôi bộ máy nhà nước, ở thôn quê thì gồm 30 khoản, học sinh thì 13 khoản, dù cỡ lớp 6 cũng lên tới bạc triệu, chưa kể lớp 10 “vừa tựu trường đã đóng 200.000đ học hè” (Tuổi Trẻ 12.9).

Còn nhà nước muốn tồn tại phải có công dân của nước mình là công dân có học hành, tri thức đàng hoàng đầy đủ để tham gia bộ máy nhà nước. Chứ không lẽ nhà nước sẽ phải mướn người nước ngoài tham gia bộ máy nhà nước, để cai trị dân mình như các đội banh thuê các “ngoại binh” ?

Như vậy lẽ ra nhà nước ta phải lấy tiền thuế nuôi mầm non, gầy dựng lớp kế thừa có học của mình và cho mình. Bởi việc học hành của họ đâu chỉ lợi ích cho riêng bản thân họ ? Ta đã hiểu sao về tư tưởng “trồng người” của Bác Hồ ?

Đồng phục

Đồng phục học sinh là một chủ trương lớn của quốc gia, cho nên phải để Bộ Giáo dục quy định chung cho cả nước, cho mỗi cấp. Mục đích yêu cầu của đồng phục là sạch sẽ, giản dị trong kiểu cách, thể hiện nét văn hóa quốc gia. Đồng phục minh thị một bộ phận của xã hội và đòi hỏi người mặc nêu cao ý thức trách nhiệm gây cảm tình, tạo sự tôn trọng của người khác.

Đối với nước nghèo, đồng phục (đủ để thay đổi) là một tảng đá không nhỏ bỏ thêm vào gánh nặng chi phí của gia đình. Do đó, vẫn có thể thay bằng một huy hiệu nào đó là đủ. Đồng phục phải tiện gọn, thanh nhã như thế nào đó, để có thể dùng trong nhiều dịp khác : ra đường, lại nhà người khác, đi ăn giỗ, đám cưới thì càng tăng thêm nét trẻ, có học, cho đám đông. Đồng phục kỵ nhất là lòe loẹt, gây phản cảm.

Thế nhưng mới đây một số trường bày đặt ra kiểu mới đồng phục cho mình, với một số chi tiết rườm rà, để không giống ai và có thông báo trước mỗi năm mỗi đổi chi tiết màu sắc để chỉ có đồng phục của trường kinh doanh mới hợp lệ. Thật là tệ !

Từ lâu lắm cho tới gần đây hình như đồng phục học sinh nam là quần dài xanh đậm, áo sơ mi trắng, có thêu tên họ và tên trường và nữ sinh là áo dài trắng, tất cả trông rất phù hợp. Còn sinh viên và học sinh cấp 3 hình như được mặc tự do, miễn là không gai mắt. Tôi thấy đồng phục như bấy lâu nay, đã quen mắt mọi người, cho nên có thể coi là truyền thống, như sinh viên, học sinh Nhật mặc đồng phục kiểu áo đại cán của mình có lẽ từ thời Minh Trị duy tân. Do vậy, nếu Bộ quy định cho cả nước đồng phục đã quen mắt thì nên cấm các trường không được bày vẽ để kinh doanh đồng phục cho học sinh mình.

Mũ bảo hiểm (MBH)

Hổm rày báo chí đã nói nhiều rồi và sẽ còn nói tiếp nữa, vì đây là một vấn đề quan trọng cho cả nước, đặc biệt đối với dân nghèo cho nên tôi chỉ đóng góp theo suy nghĩ độc lập của mình. Đó là :

- Khi nói MBH an toàn hơn mũ bảo hộ lao động (MBHLĐ), như một lãnh đạo phụ trách an toàn giao thông tuyên bố, mà không có trình bày cơ sở khoa học nào hết, thì sẽ thiếu tính chất thuyết phục. Vì MBHLĐ là chất nhựa cứng khá dầy, bên trong có một hệ thống mũ ôm trọn cái đầu, từ trán ra sau ót, bằng dây nhựa dẻo to bản, có khoảng cách gần 2 phân với mũ nhựa cứng, để cho mát đầu và giữ không cho đầu tiếp xúc trực tiếp với mũ cứng, như một cái giảm chấn. Duy chỉ có bộ dây hình chữ Y, giữ chặt mũ dính với cằm là còn thô sơ, cho nên các thợ điện, thợ hồ ít khi quàng xuống cằm làm cho mũ dễ rơi khỏi đầu. Như vậy dù đội MBH mà không thắt dây quai cằm, thì rủi có gì, cả hai mũ đều rơi ra như nhau; nếu thay bộ dây cằm, thì với MBHLĐ té xuống đất, từ độ cao ngồi trên yên xe, có lẽ chưa đến nỗi nào, ít ra cũng hiệu quả hơn MBH “bánh tráng” là hàng giả đang bán nhan nhản trên thị trường.

Tóm lại, chưa có thử nghiệm khoa học – kỹ thuật, xin chớ vội mê tín, rồi võ đoán cho MBH an toàn hơn MBHLĐ. Khiến cho không mắc mớ gì mà bắt đồng bào giàu, nghèo của mình xúm lại mua MBH mà theo báo Tuổi Trẻ đã đẫn có đến 75% không đạt yêu cầu, tức là dỏm, là bánh tráng nướng không hơn không kém.

Vì vậy, người viết xin đề nghị cơ quan, cán bộ đặc trách tạo điều kiện cho dân nghèo thôn quê, thành thị chấp hành luật pháp bằng cách cho đội MBHLĐ rẻ tiền hơn, thực ra là một loại MBH tránh tai nạn ở trên cao, một thời gian để thử nghiệm và rút bài học cho mọi người, có trách nhiệm, hay nạn nhân, cho tới khi tìm được giải pháp tối ưu, có sức thuyết phục mọi người. Vì ai ơi, dân ta còn lắm kẻ nghèo, rất muốn tuân hành luật pháp, nhưng đỡ đồng nào hay đồng đó.

Báo Công Giáo Và Dân Tộc số 1624