Wednesday, May 7, 2008

Siêu đô thị và nguy cơ bị "bỏ rơi" của người nghèo

Nguyễn Quân

Bạn đọc Nguyễn Quân, ĐH Toulouse 1, Pháp bàn thêm về vấn đề quy hoạch mở rộng Hà Nội từ kinh nghiệm quốc tế trong quá trình đô thị hóa nhân bài viết của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Theo thống kê, vào năm 1900, toàn thế giới chỉ có 10% dân số sống ở đô thị. Đến năm 1950 con số này là gần 30%. Vào 2007, theo thống kê của Liên hợp quốc, số người sống ở đô thị đã vượt ở nông thôn. Xu thế này sẽ còn gia trong những năm tới, đặc biệt là tại châu Phi và châu Á.

Năm 2030, hai khu vực sẽ tập trung đa số các đô thị lớn của thế giới. Lúc đó, số người sống ở thành thị sẽ lên tới 5 tỉ người, chiếm 60% dân số toàn cầu. (Đến cuối năm 2007 có chừng 3,3 tỉ người sống ở đô thị).

Hiện nay, những khu vực phát triển nhất là những nơi có tỉ lệ đô thị hoá cao nhất: Châu Âu, Bắc Mỹ chiếm vị trí hàng đầu với ¾ dân số sống ở thành thị. Với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, quy mô của các đô thị cũng gia tăng một cách ấn tượng.

Vào năm 1975 chỉ có 3 thành phố với dân số hơn 10 triệu người là Tokyo, New York và Mexico. Tới năm 2005 con số này là 20, ba thành phố đứng đầu vẫn giữ nguyên: TokyoMexico với 19,4 triệu và New york 18,7 triệu. Phần lớn các thành phố có dân số hơn 10 triệu người nằm ở các nước đang phát triển: Trung Quốc có hai trục đô thị lớn là Thượng Hải và Bắc Kinh, Ấn Độ với ba thành phố Bombay, New Delhi và Calcutta. và vùng phụ cân với 35,2 triệu dân,

Mở rộng địa giới các đô thị và gia tăng dân số chủ yếu diễn ra tại đô thị thuộc các nước đang phát triển. Nói cách khác, hiện tượng đô thị hoá hiện nay chủ yếu diễn ra tại các nước đang phát triển nằm ở Nam bán cầu, với làn sóng người từ các vùng nông thôn đổ về thành phố, dẫn tới việc hình thành các trung tâm đô thị khổng lồ mà người ta vẫn gọi mà các megacity, trong khi ở các nước phát triển, tỉ lệ dân cư sống ở đô thị dường như đã tới mức tới hạn.

Hơn thế, dân thành thị ở các nước giàu lại có xu hướng sống ở ngoại vi, hoặc ít ra thì mua nhà nghỉ ở nông thôn. Hiện tượng này giải thích bởi ham muốn được sống tiếp xúc với thiên nhiên, một ảo ảnh hiện diện từ châu Âu tới Nhật Bản, Hoa Kỳ, cho dù văn hoá, lối sống mỗi nơi có những điểm khác biệt.

Hiện tượng "siêu đô thị" và "nông thôn hoá đô thị"

Các megacity chủ yếu hình thành tại các nước nghèo. Nguyên nhân là những nước này không có phương tiện tài chính cũng như kinh nghiệm để xây dựng hệ thống hạ tầng vươn ra các vùng xung quanh, trong khi tốc độ nhập cư của dân nông thôn quá nhanh, cộng với năng lực quy hoạch kém, tham nhũng, v.v... Vì thế, cơ sở hạ tầng đã kém lại càng quá tải, trong khi dân cư lại vẫn tiếp tục đổ về các thành phố lớn.

Các thành phố thêm một phình to ra trong khi chất lượng cuộc sống không được cải thiện và khoảng cách giàu nghèo ngày một đào sâu thêm. Đó là cái vòng luẩn quẩn mà các nước đang phát triển đang phải đối mặt.

Tuy nhiên dân cư sống tại đô thị ở các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với các vấn đề cấp bách như đói nghèo, thiếu nước sạch hay sự phát triển không kiểm soát được các khu ổ chuột. Chính quyền cố gắng để đáp ứng các nhu cầu hiện tại nhưng lại không chuẩn bị tốt cũng như thiếu kinh nghiệm và phương tiện cần thiết để đối phó trước những tác động của việc gia tăng với tốc độ như thế. Rất nhiều dân cư mới gia nhập lớp dân đô thị nghèo đói và sẽ góp phần gia tăng số lượng hàng tỉ người sống trong các khu nhà ổ chuột.

Kinh nghiệm cho thấy rằng bất chấp hoàn cảnh khó khăn mà họ đối mặt như thế nào chăng nữa tại thành phố đô thị thì những người cư dân mới này cũng sẽ không ra đi. Ví dụ cho thực tế trên là nghịch lý trong quá trình đô thị hoá tại các nước Châu Phi: Các thành phố được mở rộng nhanh chóng cùng lúc với hiện tượng mà các nhà nghiên cứu gọi là "nông thôn hoá" chính nó. Chất lượng cuộc sống giảm ngay chính tại các đô thị này, một bộ phân lớn dân cư đô thị phải chịu hưởng chất lượng cuộc sống không khác gì dân cư ở nông thông và đặc biệt họ làm các công việc liên quan đến nông nghiệp.

Ngoài ra, đó là sự ngăn cách bất bình đẳng giữa khu vực nông thôn và đô thị, những khó khăn và bất cập trong việc tiếp cận nước sạch và điện của cư dân đô thị, cũng như sức ép chính trị của lớp thị dân mới này. Những thành phố quá cỡ cũng xuất hiện ở châu Mỹ Latinh, châu Á là một thực tế đã và đang diễn ra, do các quốc gia đã để quá trình đô thị hoá diễn ra tự phát mà không có chiến lựơc quy hoạch phù hợp, dẫn đến các thành phố đã phình ra quá cỡ trong khi kết cấu hạ tầng yếu kém không thể đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu của cư dân đô thị.

Những vấn đề mà các quốc gia này phải đối mặt là là dân số tập trung quá lớn vào một vài đô thị (megacity), áp lực về việc làm (thất nghiệp) và nghèo đói, vấn đề nhà ở, cơ sở hạ tầng và dịch vụ, giao thông, tội phạm, bạo lực và khủng bố, vấn đề quản lý đô thị…

Những thách thức do hiện tượng đô thị hoá ồ ạt

Việc đô thị hoá ồ ạt và hình thành các siêu đô thị dẫn tới sự quá tải của hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có của các đô thị, khiến các đơn vị hành chính phải nỗ lực tìm kiếm những giải pháp để nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu của những cư dân đô thị mới xuất hiện sau dòng người di cư từ nông thôn cũng như từ sự gia tăng dân số tự nhiên tại các đô thị. Điều này đòi hỏi những khoản đầu tư vô cùng lớn tạo nên gánh nặng cho các quốc gia đang phát triển vốn yếu kém về nguồn lực tài chính cũng như nhân lực cho lĩnh vực này.

Trong quá khứ, chính quyền thường đối phó bằng cách cố gắng hạn chế việc di cư từ nông thôn vào thành thị bằng các biện pháp hành chính. Chính quyền đô thị bỏ rơi người nghèo hoặc đơn giản là chối bỏ sự có mặt của họ.

Hàng triệu dân cư đô thị hiện nay đang phải sống trong tình trạng không nước sạch, điện, không có cơ hội tiếp cận với giáo dục và y tế (Những tiêu chuẩn cực kỳ tối thiểu của cuộc sống đô thị). Hiện tượng trên gây ra những hậu quả tai hại đối với cuộc sống dân cư và tình trạng xung đột xã hội tại các đô thị xuất phát từ những mâu thuẫn nội tại trong lòng các đô thi liên quan đến nhà ở, y tế, giáo dục, trợ cấp xã hội hay bất bình đẳng xã hội.

Ngay tại những nước phát triển như Pháp cách đây vài năm cũng đã xảy ra nhưng cuộc bạo loạn tại các đô thị mà nguyên nhân là sự bất bình đẳng giữa tầng lớp dân cư cũ và mới trong đô thị.

Người ta thường quy những khó khăn và thách thức tại các đô thị cho hiện tượng nhập cư. Điều này là một nhầm lẫn, bởi ba lý do.

Thứ nhất, việc gia tăng dân số tại đô thị không chỉ do làn sóng người nhập cư mà còn do hiện tương gia tăng tự nhiên dân số.

Thứ hai là không phải làn sóng di cư là nhân tố của đô thị hoá mà ngược lại chính các đô thị thu hút dòng người di chuyển tới những nơi mà họ có thể có chất lượng cuộc sống tốt nhất.

Lý do thứ ba căn bản nhất là việc di cư nếu được quản lý tốt sẽ là nhân tố tích cực cho sự phát triển của đô thị cũng như nông thôn. Sự gia tăng quá trình thị hoá trong những tập kỷ qua là chưa từng có trong lịch sử nhân loại, cũng tạo ra những nguy cơ và cơ hội cho phát triển. Nó đòi hỏi những giải pháp thích hợp đối phó với các thách thức. Điều này trước tiên phải thể hiện ở việc thừa nhận tính tất yếu của hiện tượng đô thị hoá và những lợi ích nó mang lại, cũng như thừa nhận quyền của người nghèo được hưởng những khả năng mà cuộc sống đô thị mang lại.

Nếu lớp dân cư nghèo nhất là những người mang lại sự năng động không thể nghi ngờ và những giải pháp đột phá để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng cư dân này, giấc mơ "thành thị" được nuôi dưỡng bởi biết bao con người không thể thực hiện nếu thiếu vắng sự giúp đỡ từ bên ngoài. Các đô thị nhất thiết phải đảm đương được việc cung cấp cho dân cư những dịch vụ cần thiết để đáp ứng những nhu cầu căn bản nhất.

Trước tiên là nhà ở: Việc tiếp cận với nhà ở đối với người nghèo là nhân tố căn bản cho cuộc sống của họ, tiếp theo, là dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục… Sự chú ý và quan tâm tới nay tập trung chủ yếu vào các siêu đô thị, trong khi hơn một nửa dân cư đô thị trên thế giới sống trong các thành phố dưới 500.000 dân vốn hết sức thiếu các điều kiện căn bản. Không được đặt các đô thị nhỏ này bên lề của sự phát triển.

Tuy vậy, những khó khăn và bất cập này không thể đảo ngược được xu thế đô thị hoá hiện nay. Và thế giới vẫn không ngừng đô thị hoá trong thời gian tới. Từ nay cho tới thập niên tiếp theo, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, hơn một nửa dân số thế giới sống trong các thành phố. Trước năm 2030, thế giới sẽ có 5 tỉ người sống ở đô thị, tức khoảng 60% dân số toàn cầu. Ở châu Á và châu Phi, con số sẽ tăng gấp 2 chỉ trong vòng 1 thế hệ: từ 2000 đến 2030, số dân đô thị sẽ từ 1,4 lên 2,6 tỉ người ở châu Á, và từ 300 lên 740 triệu người ở châu Phi.

Ngoài ra, trên quy mô toàn cầu, chính trong những khu phố ổ chuột là nơi tiến hành cuộc đấu tranh để thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỉ, đặc biệt là mục tiêu giảm một nửa số người rất nghèo từ nay đến năm 2015.

Bằng một cái nhìn dài hạn, việc có một kế hoạch chiến lược và sự lãnh đạo dũng cảm, kiên quyết dám đương đầu với những lợi ích mà vốn tạo ra sự nghèo đói đô thị, có thể quyết định lối ra cho cuộc chiến đấu này. Những cũng cần có những cố gắng ở tầm quốc tế để giúp đỡ những cố gắng ở tầm quốc gia, vì sức mạnh của nền kinh tế thị trường không cho phép mỗi quốc gia tự giải quyết những vấn đề liên quan đến nhu cầu của những cư dân nghèo nhất ở đô thị.

Tương lai chúng ta dù muốn hay không sẽ bị đô thị hoá, cần thiết đưa ra chính sách quy hoạch và phát triển đô thị phù hợp và thừa nhận chỗ đứng của chính sách này trong hệ thống chính sách công quyền nhắm thu hút một phần tiềm lực phát triển của nó và giảm thiểu đói nghèo trong khu vực đô thị cũng như nông thôn.

http://www.tuanvietnam.net//vn/tulieusuyngam/3661/index.aspx

Tuesday, May 6, 2008

Không nên đưa Thủ đô làm nơi thí nghiệm"

Võ Văn Kiệt

  • Mở rộng Hà Nội chỉ mới là một ý tưởng đưa ra ở mức độ cảm tính của Bộ Xây dựng. Thủ đô của cả nước, của cả dân tộc và cả của lịch sử. Không nên và không được phép đưa Thủ đô làm nơi thí nghiệm cho bất cứ mục đích gì. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt phản biện về đề xuất mở rộng Hà Nội.

Sao giản đơn đến vậy?

Theo tôi biết, mở rộng Hà Nội từ 921 km2 lên 3.324,92 km2 chỉ mới là một ý tưởng vừa mới nảy sinh trong quá trình thực hiện đồ án "Quy hoạch vùng Thủ đô". Ý tưởng đó, nếu được ủng hộ, cũng chỉ có giá trị làm tiền đề cho một công trình khoa học. Thế nhưng, Bộ Xây dựng đã trình lên Thủ tướng Chính phủ phương án như là đã được nghiên cứu thấu đáo rồi.

Tôi không hiểu vì sao một bộ chuyên ngành như Bộ Xây dựng, khi đề xuất một chủ trương lớn, lại có thể giản đơn đến như vậy. Đáng ngạc nhiên hơn là Hội đồng Nhân dân Hà Nội đã nhanh chóng thông qua với biểu quyết đồng tình tuyệt đối. Hội đồng Nhân dân Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hoà Bình cũng thuận theo. Lãnh đạo 18 bộ, ngành cũng đồng thuận.

Quốc hội chưa họp mà đã có nhiều vị phát biểu trên báo VietNamNet, ngày 01/12/2007, như là chuyện đã được “thông qua” rồi: "Dứt khoát năm nay phải giải quyết xong quy hoạch Hà Nội. Tháng 12 này cố gắng duyệt được quy hoạch vùng thủ đô và địa giới"... "Yêu cầu Hà Nội và các bộ liên quan chuẩn bị ngay phương án quy hoạch để sớm trình Quốc hội."

"Việc công khai trước công luận để thu thập ý kiến rộng rãi là một cách nên làm trong tiến trình dân chủ (nên chăng, cần có một Website riêng, trước cho chủ trương, sau cho đồ án để các chuyên gia, kể cả người dân - đối tượng tham gia thực hiện - có diễn đàn trao đổi, qua đó chắc chắn có nhiều ý kiến thông minh giúp các nhà chuyên môn tìm ra giải pháp đúng đắn"

Lẽ ra, trước một việc cực kỳ hệ trọng như vậy, Bộ Xây dựng phải giải trình, dựa trên những cơ sở dữ liệu, cho thấy sự cần thiết phải mở rộng Thủ đô: Trong quá trình phát triển, Hà Nội đang ách tắc ở khâu nào? Hà Nội thiếu đất? Thiếu bao nhiêu? Cho cái gì? Trong hơn 921 km2 Hà Nội đang quản lý, đất đai đã sử dụng hết bao nhiêu? Vào những việc gì? Còn lại bao nhiêu cần thêm bao nhiêu để làm gì? Tại sao? Lợi? Hại? Lộ trình? Ngay cả thời gian lượng định cho dự báo: 20 năm, 30 năm hay 50 năm? Căn cứ vào đâu? Chuẩn mực nào? Tiêu chí nào tất cả những câu hỏi phải được giải trình bằng một đồ án quy hoạch nghiêm túc với nhiều công phu, có chất lượng.

Thay vì chứng minh bằng đồ án, Bộ Xây dựng chỉ mới trình bày với Thủ tướng Chính phủ một ý tưởng. Một ý tưởng đưa ra ở mức độ cảm tính, giống như trước đây, Bộ đề xuất phá bỏ Hội trường Ba Đình.

Quy hoạch đô thị là một lĩnh vực đa ngành, tiếp cận và xử lý nhiều phạm trù tri thức, tác động nhiều chiều đến nhiều mặt của cuộc sống và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển chung của đất nước. Vì vậy, mở rộng đến đâu, mở rộng như thế nào, mở rộng để làm gì, rất cần được nghiên cứu với sự phối hợp của nhiều ngành, tham khảo và sử dụng một cách nghiêm túc những kết quả nghiên cứu lâu nay của các ngành khoa học khác, thì mới mong có được một dự báo đủ căn cứ, đáng tin cậy, có tầm nhìn lâu dài. Thế nhưng, việc đó, cho đến nay, đã không được tiến hành đầy đủ.

Thực tế xây dựng và phát triển đô thị ở nước ta trong thời gian qua cho thấy lĩnh vực "Quy hoạch đô thị" đã vượt khỏi tầm của Bộ Xây dựng.

Mở rộng Thủ đô là một việc lớn, trọng đại, của toàn Đảng, toàn dân, một bước đi lịch sử có quan hệ nhiều mặt trong quá trình phát triển đất nước. Thủ đô mở rộng ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống không chỉ riêng Hà Nội, mà còn tác động mạnh, nhiều mặt, đến nhiều địa phương liên quan và đến cả nước. Cách thức mở rộng Thủ đô sẽ là một mẫu mực, một điển hình về cách nghĩ, cách làm về tiến trình đô thị hoá ở nước ta. Mở rộng Thủ đô phải là kết quả của một công trình khoa học được khảo sát nhiều mặt, nhiều chiều, được tính toán kỹ, có phương án so sánh để có thể chọn ra một phương án khả thi.

Do đó, việc công khai trước công luận để thu thập ý kiến rộng rãi là một cách nên làm trong tiến trình dân chủ (nên chăng, cần có một Website riêng, trước cho chủ trương, sau cho đồ án để các chuyên gia, kể cả người dân - đối tượng tham gia thực hiện - có diễn đàn trao đổi, qua đó chắc chắn có nhiều ý kiến thông minh giúp các nhà chuyên môn tìm ra giải pháp đúng đắn).

Nguy cơ khủng hoảng đô thị

Kể từ khi Đảng chủ trương đổi mới, đất nước đã vượt qua khủng hoảng, nhiều lĩnh vực đã đạt được tốc độ phát triển tốt. Nhưng, về xây dựng lại chưa tạo ra được cho đất nước một bức tranh đẹp.

Có thể nước ta có nhiều đặc điểm không giống các nước khi khởi đầu tiến trình đô thị hoá. Thực tế, việc sao chép những mô hình đô thị hiện đại của các nước tiên tiến đang bộc lộ những độ vênh nhất định. Đặc biệt, thực tiễn phát triển đô thị khá "nóng" ở nước ta thời gian qua đang bộc lộ những khiếm khuyết, báo trước khả năng có thể xảy ra "khủng hoảng đô thị".

Bộ Xây dựng, cơ quan chuyên ngành được giao trách nhiệm, đã tỏ ra “đuối sức” trước nhiều vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra trong cơn lốc xây dựng và phát triển đô thị hiện thời.

"Thực tiễn phát triển đô thị khá " nóng" ở nước ta thời gian qua đang bộc lộ những khiếm khuyết, báo trước khả năng có thể xảy ra "khủng hoảng đô thị".

Ai cũng biết đô thị hoá là quá trình tất yếu của công nghiệp hoá. Ở những quốc gia khác nhau, trình độ kinh tế - xã hội khác nhau, tiến trình đô thị hoá cũng khác nhau. Lựa chọn loại hình đô thị thích hợp cần xuất phát từ thực tế đời sống của các cộng đồng dân tộc Việt Nam, trình độ kinh tế - văn hoá, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, lịch sử và xã hội Việt Nam.

Theo tôi, Thăng Long – Hà Nội với nghìn năm lịch sử phong phú; hào hùng, với văn hoá được tích luỹ nhiều đời, không phải thủ đô nào trên thế giới cũng có được. Hà Nội không nhất thiết phải lựa chọn mô hình đầu tàu kinh tế, việc mà nhiều địa phương có nhiều thuận lợi và có khả năng làm tốt hơn Hà Nội nhiều.

Mặt khác, mô hình đô thị cực lớn với động lực công nghiệp là một mô hình đô thị đã cũ, nhiều sai lầm mà phương Tây đang phải từ bỏ. Chính những thành phố có hàm lượng văn hoá cao, có đời sống đô thị giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành, có nhịp sống hợp lý, làm giàu bằng kinh tế tri thức mới là mô hình mà các nước đi trước chúng ta đang tìm kiếm.

Lối thoát cho bế tắc không nằm ở diện tích

"Hà Nội không nhất thiết phải lựa chọn mô hình đầu tàu kinh tế, việc mà nhiều địa phương có nhiều thuận lợi và có khả năng làm tốt hơn Hà Nội nhiều".

Thủ đô Thăng Long – Hà Nội có đủ những yếu tố, đủ để xây dựng cho mình một thành phố như thế. Thay vì, chọn một mô hình đô thị khổng lồ với vô vàn vấn nạn, từ tắc nghẽn giao thông đến ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, thị trường đất đai rối loạn cản trở phát triển kinh tế như nhiều đô thị lớn trên thế giới đang gặp.

Hà Nội nên chọn cho mình mô hình một thành phố lịch sử, văn hoá, đầu tàu về khoa học – kỹ thuật tiên tiến, có quy mô vừa phải, hợp lý, có môi trường đô thị trong lành, văn minh, công bằng, dân chủ, đủ năng lực khai thác, ứng dụng những thành tựu khoa học tiên tiến của thời đại trong xây dựng, quản lý vận hành, ngõ hầu tạo dựng một môi trường sống lý tưởng. Một mô hình đô thị không cần nhiều đất đai mà cần nhiều hơn những giá trị đạo đức, nhân văn, nhân tài và chất xám. Đấy mới chính là “Hướng nhìn - Tầm nhìn” của nghìn năm Thăng Long và của thời đại.


Một mô hình đô thị không cần nhiều đất đai mà cần nhiều hơn những giá trị đạo đức, nhân văn, nhân tài và chất xám. Đấy mới chính là “Hướng nhìn - Tầm nhìn” của nghìn năm Thăng Long và của thời đại"

Lối thoát cho những bế tắc của Thủ đô hiện nay, theo tôi, không phải và không chỉ nằm ở yếu tố diện tích. Dù nhỏ hơn nhiều lần, nhưng có được sự đồng thuận của toàn dân nhờ những lợi ích cụ thể mà người dân có thể đong đếm được, một số thành phố -thị xã như: Hội An (Quảng Nam), Tuy Hoà (Phú Yên), thành phố Ninh Bình... đang phát triển tốt với những bước khá vững chắc.

Lẽ ra, Hà Nội phải là nơi làm gương cho cả nước trong việc quy hoạch và xây dựng một thành phố nhân ái, văn minh mà vẫn giàu có, năng động; sẵn sàng thích ứng với mọi đổi thay của thời cuộc và tạo ra cho chính mình những bản sắc, bản sắc của một Thủ đô Việt Nam.

Muốn làm được như vậy, Chính phủ cần thành lập một “Uỷ ban nghiên cứu phát triển Hà Nội” với đầy đủ thành phần, tập trung chuyên gia ưu tú từ các ngành hữu quan, khảo sát đánh giá thực trạng để có đủ cơ sở khoa học giải đáp tất cả các câu hỏi.

Thủ đô của cả nước, của cả Dân tộc và cả của lịch sử. Không nên và không được phép đưa Thủ đô làm nơi thí nghiệm cho bất cứ mục đích gì.

Quốc hội sẽ họp vào tháng này. Một trong những vấn đề Quốc hội sẽ bàn là "Mở rộng Thủ đô”. Xin xem đây là một ý kiến đóng góp từ trách nhiệm và từ dư luận.

http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/05/781438



Sunday, May 4, 2008

Đừng để người nghèo bị gạt ra bên lề

Võ Văn Kiệt

Kinh tế mấy năm qua vẫn tăng trưởng khá, nhưng sau những bão lụt – thiên tai, cuộc sống của người dân lại đang phải trải qua những đợt giá cả thiết yếu bất ổn liên tục. Người nghèo – những hộ thu nhập thấp, những người phải chạy ăn từng bữa – trên thực tế chỉ được thụ hưởng rất ít các kết quả tăng trưởng, trong khi chính họ phải gần như lãnh trọn những hậu quả do lạm phát đang diễn ra. Muốn đất nước có được sự phát triển bền vững, tôi cho rằng chúng ta không thể thiếu những chính sách cốt lõi để giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo.

Cam kết lịch sử

Trong suốt hai thập niên đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực để xóa đói giảm nghèo. Tỉ lệ người nghèo, tính theo chuẩn mực quốc tế (có mức sống dưới 1 USD/ ngày), đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 14,7% năm 2007. Một số viên chức quốc tế đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam. Nhưng những đánh giá ấy chủ yếu dựa trên các báo cáo trong nước và chúng ta hiểu khoảng cách giữa thực tế và báo cáo là còn đáng kể. Tôi nhớ cách đây không lâu, báo chí phát hiện thêm rất nhiều nhà tranh vách đất ở một số địa phương mà theo báo cáo trước đó đã “100% ngói hóa”. Mặt khác, dù phần lớn dân chúng đã “thoát nghèo” nhưng chỉ cần sau một mùa bão lụt, sau một đợt rét hại, những thành quả kinh tế mà những người dân này tần tảo để có lại gần như bị xóa sạch. Tôi vừa đến một số vùng như vậy và không khó lắm để thấy người nghèo đang chiếm một tỉ lệ lớn thế nào, đang phải sống vất vả ra sao.

Chăm lo cho người nghèo hiện nay không đơn giản chỉ là thực hiện một cam kết có tính lịch sử, mà còn là bảo vệ tôn chỉ mục đích của một đảng cách mạng luôn nhận mình đứng về phía nhân dân. Thực hiện cam kết đó không chỉ căn cứ vào những chính sách trực tiếp, mà trước khi ban hành những chính sách lớn cần phải phân tích, đánh giá sâu sắc những tác động của chúng lên các tầng lớp dân nghèo.

Chúng ta chưa có những đánh giá đầy đủ về tiến trình công nghiệp hóa xảy ra ở các vùng nông thôn và đặc biệt là nông thôn miền núi. Tiến trình này đúng là đã góp phần làm tăng trưởng kinh tế, đưa được một số nông dân vào lao động trong các công xưởng sử dụng lao động đơn giản. Nhưng mức tiền công quá thấp mà những nông dân này được trả không đủ tạo lập vị trí kinh tế cho họ, nói chi đến địa vị chính trị vinh dự mà chúng ta thường đề cập của giai cấp công nhân.

Công nghiệp hóa, đô thị hóa là một hướng đi cần thiết nhưng phải cân nhắc lợi ích lâu dài. Khi trở lại một số địa phương, thăm một số công trình, trong đó có những công trình được bắt đầu từ khi tôi còn công tác ở Chính phủ, tôi rút ra bài học rằng : nếu đô thị hóa hay công nghiệp hóa mà không cân nhắc đầy đủ sẽ dễ dẫn đến tình trạng các ngôi nhà, làng bản, thị trấn đặc trưng của các vùng cao dần được thay thế bằng những ngôi nhà, phố xá chen chúc, hình ảnh vẫn thường thấy ở vùng xuôi. Khi đó chúng ta không chỉ gây ra những tổn thất về văn hóa mà còn đánh mất cả lợi ích kinh tế lâu dài. Đầu tư phát triển, một mặt không thể thiếu những giải pháp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, gìn giữ bản sắc văn hóa; mặt khác phải có chính sách để người nghèo, đặc biệt là nông dân, bà con các vùng nông thôn, vùng dân tộc… không bị gạt ra bên lề tiến trình phát triển, nhất là tiến trình xây dựng các khu đô thị, nhà máy trên làng bản, ruộng đất lâu đời của họ.

Từ thiện không thể thay chính sách

Chúng ta nghiên cứu và giảng dạy khá đầy đủ về sự dã man của tư bản trong giai đoạn “tích lũy tư bản hoang dã”. Nhưng chúng ta đã chưa cập nhật để thấy khả năng tự điều chỉnh ở các quốc gia này. Phúc lợi cho người lao động, người nghèo ở nhiều nước tư bản hiện cao đến mức mà tôi nghĩ các nhà lý luận rất cần tham khảo. Kinh nghiệm sau hơn hai thập niên đổi mới cho thấy không thể có “công bằng” đúng nghĩa trong một xã hội mà tất cả đều nghèo (như chúng ta thời bao cấp). Cũng không thể cào bằng bằng cách điều tiết hết lợi ích của người giàu để chia cho người nghèo. Xã hội sẽ không phát triển nếu không có chính sách kích thích một bộ phận dân chúng vươn lên làm giàu chính đáng. Nhưng, nếu không có chính sách hợp lý và không chống được tham nhũng để quá trình “tích lũy tư bản” diễn ra như thời “hoang dã” (nhờ hối mại quyền lực và có được đặc quyền khai thác tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất đai), thì không bao giờ tạo ra được công bằng và sự phát triển bền vững.

Có lẽ chưa có một quốc gia nào bày tỏ sự quan tâm đến người nghèo một cách thường xuyên như ta. Thậm chí với nhiều người, nó đã dần trở thành một thứ khẩu hiệu. Sự quan tâm đến người nghèo bằng các phương tiện truyền thông, qua các bài phát biểu, cuộc nói chuyện hay bài viết, tôi nghĩ là đã quá đủ. Nhưng chúng ta hãy nhìn vào các số liệu điều tra sau đây của UNDP để thấy chúng ta đã thật sự làm được những gì : nhóm 20% những người giàu nhất ở VN hiện đang hưởng tới 40% lợi ích từ các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước; trong khi nhóm 20% những người nghèo nhất chỉ nhận được 7% lợi ích từ nguồn này.

Gần như thường xuyên chúng ta chứng kiến những hoạt động quyên góp, đấu giá… được tổ chức rầm rộ trên truyền hình, phần lớn những hoạt động ấy do Ủy ban T.Ư MTTQ VN tổ chức. Tôi không phản đối cách làm đó, nhưng tôi nghĩ công việc ấy để các nhà hoạt động từ thiện chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp, các nhà hảo tâm làm thay thì tốt hơn rất nhiều. Theo kinh nghiệm của tôi, những người có nguyện vọng từ thiện đúng nghĩa thường chọn cách làm từ thiện trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp, vì họ tin đồng tiền đi qua các tổ chức như thế sẽ không bị xà xẻo trên đường đến với người nghèo. Những người muốn giúp đỡ người nghèo thay vì dùng tiền bạc để mua danh và khoa trương, thường không chọn cách làm từ thiện theo kiểu “đấu giá” ồn ào trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có tạo được những nền tảng pháp lý cho xã hội dân sự phát triển, để những tổ chức từ thiện đúng nghĩa có thể xuất hiện thì tình cảm cộng đồng mới thức dậy một cách chân thành, người nghèo từ đó mới được phần nào chia sẻ.

Tuy nhiên, các hoạt động từ thiện chỉ có thể khơi gợi một nguồn lực khác của xã hội chứ không thể thay thế các chính sách của Nhà nước. Sứ mệnh chính trị của những tổ chức như Mặt trận, vì vậy lớn hơn là việc quyên góp, xin – cho rất nhiều. Mặt trận có thể tham gia xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả hơn, thông qua việc đề xuất và phân tích chính sách, sao cho : lợi ích từ các nguồn tài nguyên quốc gia được phân phối hợp lý cho các chủ nhân của nó; người nghèo được hỗ trợ để có thể tiếp cận được với những quyền lợi căn bản nhất.

Đầu tư của Nhà nước vào các công trình phúc lợi y tế, giáo dục, văn hóa… không nên tập trung ở các đô thị, nơi mà các nguồn lực khác của xã hội có thể tham gia. Nhà nước cũng cần sớm hoàn thiện các thiết chế như : bảo hiểm y tế, quỹ trợ cấp, tín dụng giáo dục… cho người nghèo ở cả đô thị và nông thôn. Tạo điều kiện cho người có năng lực, có khát vọng có thể làm giàu tối đa nhưng cũng không bỏ mặc những người không có khả năng tự bươn chải. Chấp nhận một khoảng cách không thể tránh khỏi giữa tầng lớp những người giàu và nghèo, nhưng phải nâng được mặt bằng mức sống của người nghèo lên để họ có thể tiếp cận được những phúc lợi tối thiểu về nhà ở, y tế, giáo dục; để không có người dân nào không được chữa bệnh, không được đi học chỉ bởi họ nghèo.

VN : Chênh lệch giàu nghèo 34,4 lần

10% dân số nghèo nhất chỉ chiếm 4,2% thu nhập và chi tiêu quốc gia.

10% giàu nhất chiếm 28,8% thu nhập và chi tiêu quốc gia.

20% dân số nghèo nhất chiếm 9% tổng thu nhập và chi tiêu quốc gia.

20% dân số giàu nhất chiếm 44,3% tổng thu nhập và chi tiêu quốc gia.

Chênh lệch giữa 10% dân số giàu nhất với 10% dân số nghèo nhất là 6,9 lần, còn theo chỉ số Gini (chỉ số chênh lệch giàu nghèo) ở VN là 34,4 lần.

(Nguồn : Báo cáo phát triển con người 2007 – 2008 của UNDP)


Nhân cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu

Lm. Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

Một cuộc khủng khoảng lương thực trầm trọng đang diễn ra trên toàn thế giới, gây ra bất ổn tại nhiều nước, thậm chí có nơi chính phủ bị sụp đổ do bạo loạn vì thiếu lương thực. Ngay những nước hiện còn có an toàn lương thực cũng chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng này. Ông Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc vừa kêu gọi cả thế giới nỗ lực tìm cách đối phó.

Cuộc khủng hoảng khiến chúng ta ngạc nhiên và bỗng dưng cho ta cảm thấy rằng trật tự thế giới (cũng như trật tự xã hội trong mỗi nước) hóa ra là khá mong manh. Khi nhu cầu thiết yếu nhất của con người là sống và để sống phải ăn phải uống -nước cũng sẽ là một vấn đề “sống chết” trong tương lai- mà không được giải quyết thì mọi trật tự chính trị, xã hội đều bị đe dọa.

Tôi nhớ lại bài “dụ ngôn” của Xanh-Ximôn (Saint-Simon), một lý thuyết gia của chủ nghĩa xã hội mệnh danh là chủ nghĩa xã hội “không tưởng” (theo cách gọi của Ăng-ghen) như sau:

“Giả sử nước Pháp mất đi cùng một lúc 50 nhà vật lý học hàng đầu, 50 nhà hóa học, 50 nhà sinh vật học, 50 chủ ngân hàng, 200 nhà buôn, 600 nông dân, 50 chủ lò rèn …cừ khôi nhất. Vì họ là những người Pháp cần yếu nhất trong việc sản xuất, tức là những người làm ra những sản phẩm quan trọng nhất, thì quốc gia sẽ là một cái xác không hồn ngay lập tức trong giây phút nó mất đi những con người đó.

“Thử tưởng tượng ra một giả thuyết khác. Giả sử nước Pháp giữ nguyên tất cả những thiên tài hiện có trong các ngành khoa học, nghệ thuật, công nghệ nhưng rủi ro lại mất đi trong cùng một ngày ngài bào đệ của nhà vua, tức quận công Ăng-gu-lem (…), tất cả các sĩ quan cao cấp của triều đình, tất cả các bộ trưởng, tất cả các cố vấn quốc gia, tất cả các uỷ viên thẩm tra, tất cả các thống chế, tất cả hồng y, tổng giám mục, giám mục, tổng đại diện và kinh sĩ, tất cả các quận trưởng và phó quận trưởng (v.v.) thì tai hoạ này chắc chắn sẽ làm cho dân Pháp buồn vì họ vốn có lòng tốt; nhưng sự mất mát 30 ngàn cá nhân được xem là quan trọng nhất của Nhà nước ấy, chỉ đem lại nỗi ưu phiền về nặt tình cảm mà thôi vì sự mất mát đó tuyệt đối không gây ra một thiệt hại chính trị nào cho Nhà nước”. Xanh-Ximôn viết dụ ngôn này vào năm 1819 (thời ấy hệ thống giáo phẩm thường cũng bị gắn vào hệ thống chính trị).

Trong giả thuyết thứ nhất của dụ ngôn, chúng ta thấy Xanh-Ximôn đề cao những người trực tiếp và gián tiếp sản xuất ra của cải vật chất, và trong những người này tác giả đặt nông dân lên hàng đầu (ông nói tới những 600 nông dân, 200 nhà buôn, còn các giới khác thì chỉ 50 mà thôi!). Ta không thể không nghĩ tới câu tục ngữ Việt Nam:

Nhất sĩ nhì nông

Hết gạo chạy rông,

Nhất nông nhì sĩ!

Khi Xanh-Ximôn mất, Các Mác mới 7 tuổi. Về sau, trong lý thuyết của mình, Mác sẽ đề cao giai cấp công nhân, coi đó là giai cấp cách mạng nền móng cho xã hội tương lai. Khi Lê-nin đưa thuyết Mácxít ra áp dụng sau Cách mạng Nga 1917, ông sẽ đặt chế độ cộng sản trên nền tảng giai cấp công-nông liên minh vì lúc bấy giờ Nga chưa có nền kinh tế công nghiệp phát triển như Anh và Đức vào thời Mác. Việt Nam ta hiện nay cũng chủ trương công-nông liên minh.

Báo Tuổi Trẻ ngày 12-4-2008 đăng bài rất được chú ý của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhan đề “Đừng để người nghèo bị gạt ra bên lề”. Ông Kiệt viết: “Chăm lo cho người nghèo hiện nay không đơn giản chỉ là thực hiện một cam kết có tính lịch sử, mà còn là bảo vệ tôn chỉ mục đích của một đảng cách mạng luôn nhận mình đứng về phía nhân dân. Thực hiện cam kết đó không chỉ căn cứ vào những chính sách trực tiếp, mà trước khi ban hành những chính sách lớn cần phải phân tích, đánh giá sâu sắc những tác động của chúng lên các tầng lớp dân nghèo.” Ông nhận định tiếp: “Có lẽ chưa có một quốc gia nào bày tỏ sự quan tâm đến người nghèo một cách thường xuyên như ta (…). Nhưng chúng ta hãy nhìn vào các số liệu điều tra sau đây của UNDP (Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc) để thấy chúng ta đã thật sự làm được những gì: nhóm 20% những người giàu nhất ở VN hiện đang hưởng tới 40% lợi ích từ các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, trong khi nhóm 20% những người nghèo nhất chỉ nhận được 7% lợi ích từ nguồn này.” Tờ báo trích bổ sung tài liệu của UNDP: chênh lệch giàu nghèo ở VN là 34,4 lần ; 10% dân số nghèo nhất chỉ chiếm 4,2% thu nhập và chi tiêu quốc gia; 10% giàu nhất chiếm 28% thu nhập và chi tiêu quốc gia; 20% dân số nghèo nhất chiếm 9% tổng số thu nhập và chi tiêu quốc gia; 20% dân số giàu nhất chiếm 44,3% tổng thu nhập và chi tiêu quốc gia.

Ai thuộc về số những người nghèo nhất nói đây? Chắc hẳn là đa số công nhân và nhất là nông dân, bà con các vùng nông thôn, vùng dân tộc. Họ được hưởng rất ít lợi ích từ tiến trình phát triển. Người nông dân chịu thiệt thòi một cách trực tiếp trong quá trình nông nghiệp hóa. Mỗi khi có những nhà máy, những công nghiệp, đô thị mọc lên, những phúc lợi xã hội mà sự phát triển mang lại cho nông dân chỉ chiếm một giá trị rất nhỏ so với lợi nhuận mà đất đai của nông dân đem lại cho những tầng lớp khác” (x. Tuổi Trẻ, sđd, tr 3).

Ông Đặng Ngọc Dinh thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ nói: “Nguồn lực nông dân, nông nghiệp, nông thôn đang được huy động cho phát triển nhưng chính sách đầu tư trở lại chưa cân xứng.” Một cuộc điều tra của Chi cục Phát triển nông thôn Tp Hồ Chí Minh cho thấy năm 2006, trong nhóm những người nông dân bị thu hồi đất, con số lao động bị thất nghiệp tăng từ 28,1 lên 38,88%, còn số người chuyển qua được công nghiệp chỉ tăng từ 3,1 lên 6,6% (x.Tuổi Trẻ ngày 12/12/2007, tr 3).

Người ta cũng tính toán rằng 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam do nông dân đồng bằng sông Cửu Long làm ra. Một lượng cực lớn cà phê xuất khẩu cũng do nông dân Tây nguyên mang lại, nhưng đời sống bà con hai vùng này vẫn thấp nhất nước. Giá nông sản gần đây tăng cao thì thực chất phần giá trị gia tăng lớn nhất không vào túi nông dân mà vào túi các doanh nghiệp, các trung gian; còn khi giá cả hạ xuống thì nông dân là người đầu tiên phải khốn đốn vì nhà nước vẫn không có chính sách trợ giúp, trong lúc giá phân bón, thức ăn gia súc, gia cầm cứ tăng vùn vụt (x. Tuổi Trẻ 11/1/2008).

Trong bối cảnh thế giới và đất nước ta hiện nay, đọc lại và nghiền ngẫm dụ ngôn của Xanh-Ximôn viết cách nay gần 190 năm, không khỏi làm cho lòng ta thêm bức xúc!

27-4-2008

(Báo Công Giáo Và Dân Tộc số 1655, ngày 2/5 - 8/8/2008)

Suýt đói trên núi gạo

Lâm Võ Hoàng

Cơn khủng hoảng “bão táp trong tách trà” của giá gạo ăn nội địa đã đẩy nước ta vào tình cảnh một xứ hoang tưởng, như trong phim xưa : “Alice trong xứ huyền ảo”, nơi có đồng hồ chạy ngược thời gian. Cách nay một số báo, trên CGvDT, có tiếng kêu trời vì lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long không ai chịu mua giùm, nhứt là các nhà xuất khẩu chờ giá lúa xuống tới đáy, trong khi giá gạo thế giới tăng vù vù ở con số không thể tưởng tượng. Bây giờ tới phiên nước ta bị ám ảnh bởi cảnh tượng dân Mỹ nối đuôi mua gạo với giá tăng vọt không ngớt, bèn cám phận mình, tránh sao cho khỏi.

Rồi khi nghe tiếng đồn thổi từ lối xóm, liền rùng rùng đua nhau mua gạo trữ. Chỉ chờ có thế, như có ai nhận nút, các bên bán rùng rùng găm gạo hoặc bán theo giá tăng từng giờ, hoặc nghỉ bán, nhà máy xay hoạt động cầm chừng, các đầu mối cung cấp các địa điểm bán lẻ thông báo hạn chế giao hàng. Các siêu thị xưa nay được tiếng giàu vốn, giàu hàng, bán nhỏ giọt mỗi người 10kg và cũng bắt chước găm dự trữ, có nơi quên mình là “anh hùng” (!) cũng hành động như ai nấy, tức là cũng găm dự trữ.

Như vậy nguồn gốc nguyên nhân khủng hoảng giá gạo vừa qua không chỉ là lời đồn thổi, dù gì đi nữa cũng không đủ sức mạnh kéo mọi người ra khỏi nhà chầu chực mua được gạo bất cứ giá nào. Có nhà mua trữ cho tới 300kg. Hơn thế nữa, giá càng tăng cao, càng kích thích người tiêu dùng mở rộng hồ bao, trái với qui luật kinh tế thông thường. Vì cái gì đều có thể nhịn được, trừ cơm. Cho nên từ ngàn xưa có câu vè : “Nhứt sĩ, nhì nông, hết gạo chạy rông, nhứt nông nhì sĩ” và “củi quế gạo châu” tức là giá gạo có thể tăng bằng giá trân châu, mà mua được cũng thấy có phúc.

Vì vậy, chớ nên mắc công tìm kiếm ai là tác giả những lời đồn thổi. Hàng xóm chỏ miệng qua rào hỏi thăm “đã mua gạo chưa?” cũng là lời đồn thổi khiến cho ai chưa mua được (vì thiếu tiền, thiếu thì giờ chen lấn, chầu chực…) đều rộn rã trong lòng, như thuở nhỏ, nghe tiếng trống chầu giục giã của đám hát bội cung đình.

Thế thì trong nhiều nguyên nhân, nguyên nhân nào là chủ yếu ? Đó là thiếu vắng lời trấn an kịp thời của những người trách nhiệm.

Không ai lên tiếng kịp thời rằng “chúng ta đang ngồi trên núi gạo, gần một triệu rưỡi tấn “qui ra gạo”, chớ có ít đâu”. Nói như vậy, ắt không khỏi có người bẻ lại : “Gạo đó để dành cho xuất khẩu đã hợp đồng rồi, ai đụng tới rủi có gì, ráng chịu trách nhiệm !” Tuy nhiên, như mọi việc, chuyện hòng tính đem gạo dự trữ của người ta ra dập tắt “bão giá gạo”, không đơn giản. Còn vấn đề giá cả nữa chứ ! Giá cả quốc tế vọt lên tới nóc nhà, bắt tôi phải bán ra với giá vốn hồi mua vào, nghe sao thông ? Nhứt là đối với “người trong nhà” với nhau ! Thành ra chỉ hô hào, trấn an, hăm he, chớ không có hành động cụ thể, như bên Mỹ cháy rừng, người ta từ trên máy bay, trút nước ào xuống đất cả chục, cả trăm mét khối mỗi lần.

Ngoài ra còn có bọn chuyên rình thời cơ, vung tiền “kinh doanh gạo”, ngoài chức năng, chuyên nghiệp, chỉ quậy phá thị trường, từ chứng khoán, bất động sản, đến hàng hóa, hốt bạc rồi rút lui, để lại trên chiến trường đầy xác đồng bào nghèo. Thật khủng khiếp khi giá gạo (cần ăn tối thiểu ngày hai bữa) tăng vọt 200, thậm chí 300% trong vòng vài hôm. Trong khi phản ứng đối phó của ta quả thật chậm chạp. Trong khi trong chiến tranh ta tài tình ngoài sức tưởng tượng : bất cứ chiến lược chiến dịch nào của Mỹ, ta đều phá vỡ tan nát. Không phải chỉ nhờ nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, mà chủ yếu là nhờ bao ngàn ngày chống ngoại xâm là bấy nhiêu ngàn ngày cảnh giác, thức tỉnh và sẵn sàng.

Giờ đây thái bình thịnh trị, ta quên rằng có cái chết ngọt ngào, không tên, hoàn toàn khác với những gì đã biết và trải qua. Bây giờ quốc doanh chỉ lo cho doanh số, lợi nhuận của mình, hơn bất cứ tên tư bản gớm ghiếc nào của năm xưa. Họ nắm mọi phương tiện, nhưng khi lâm trận họ lo giữ kho của họ, bỏ mặc chiến trường cho lãnh đạo và quần chúng xoay sở. Có gì, họ dư phương tiện để chạy tội. Kinh nghiệm “bão giá gạo” vừa qua cho ta thấy bài học của An Dương Vương vẫn còn đó. May là hồng phúc đất nước ta chưa cạn kiệt, cho nên bài học chỉ “nhá lên” để nhắc nhở, chớ chưa đi tới, còn khuya mới tới, kết cục của bố con Mỵ Châu.

(Báo Công Giáo Và Dân Tộc số 1655, ngày 2/5 - 8/8/2008)