Wednesday, November 12, 2008

Thư pháp Tiền vệ ở Việt Nam: "Rác" hay cuộc chơi táo bạo của các nho sĩ trẻ?

Thư pháp Tiền vệ ở Việt Nam: "Rác" hay cuộc chơi táo bạo của các nho sĩ trẻ?
Thứ tư, 12/11/2008, 07:00 GMT+7
http://vietimes.vietnamnet.vn/vn/nhietkevanhoa/5982/index.viet

Cái nôi cổ điển đã nuôi nấng các “nho sĩ trẻ” ngọt ngào và bền bỉ, đưa đến cho họ vốn liếng nho học phong phú bao nhiêu thì chân trời mới khoáng đạt cũng cuốn hút và giục giã họ bấy nhiêu. Cuộc tích lũy, rèn giũa thư pháp truyền thống một cách kính cẩn và thanh nhàn cả chục năm qua với những thành quả rất đáng kể, đang trở thành cầu nhảy cho những cuộc chơi táo bạo, thậm chí có thể tung hê, phá phách…



Trình diễn thư pháp chủ đề "Rác" ở Thiền quán



Những dải lụa trắng nhằng nhịt mực Tàu chạy dài trên đầu, dưới chân, cuộc “vẩy mực” từ cổng Thiền quán vào “đống rác” chất ngất ngang mái nhà với lỉnh kỉnh những đồ cũ hỏng, ba tác giả trẻ Trịnh Tuấn, Phạm Long Hà và Trần Thanh Bình đưa người xem vào một không gian chật chội với cảm giác bị xâm lấn, o ép bởi những thứ đồ bỏ đi. Đây là hình ảnh tượng trưng cho rác rưởi đang tràn ngập, ủ bệnh trong đời sống hàng ngày, những thứ vẩn đục, tha hóa đang “cưỡng xâm” sự trong trẻo, nhân văn. Ý tưởng này của những người làm ra cuộc sắp đặt và trình diễn thư pháp với cái tên “Rác” đã được thực hiện tại Thiền quán – 365 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội vào một buổi tối đầu tháng 11 vừa qua.

Nhưng người tham dự quan tâm đến cách làm của họ, đến hành vi được thể hiện hơn là những nội dung được dẫn giải. Qua cuộc chơi này, nghệ thuật thư pháp mới hay còn gọi là thư pháp Tiền vệ tiếp tục thể hiện tính chất xem – cảm chứ không còn là nhìn để hiểu, đọc để luận bàn ý nghĩa của câu chữ như những gì mà người ta đã có thể làm với những năm dài thư pháp truyền thống. Nếu muốn hiểu sẽ không thể luận được gì từ những vệt mực ngoằn ngoèo, những giọt mực tung tóe được nghệ sĩ buông thả hết sức thoải mái bằng bút lông lớn bé, bằng cả chổi quét sơn nhúng vào chậu mực và vờn trên bề mặt lụa trải xuống mặt đất.

Nhóm Viet Modern Art trên đây đã hưởng ứng sự khởi nguồn sung sức dòng chảy thư pháp Tiền vệ tại Việt Nam của nhóm The Zenei Gang of Five. Người đứng đầu The Zenei Gang of Five và ươm những hạt giống đầu tiên là họa sĩ Lê Quốc Việt, vốn được biết đến với bộ răng đen “cổ hủ”, vốn Hán Nôm, kinh kệ bao phủ toàn thân và những tranh khắc gỗ “nhiều ma hơn người thật”. Ái Châu Lê Quốc Việt đã gặp gỡ và “tập nhiễm” tinh thần thư pháp Tiền vệ từng khởi phát từ Nhật Bản, lan qua Hàn Quốc, Trung Quốc bởi các nhà cách tân. Hơn hai năm trước, tinh thần, tư duy sáng tạo, kỹ pháp của trào lưu Tiền vệ được Lê Quốc Việt truyền tải và thổi lửa trong một số nhà thư pháp trẻ vẫn điềm đạm, chuẩn mực với thư pháp trường quy. Mấy người xuất thân từ bộ môn Hán Nôm – Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội gồm Ân Xuyên Nguyễn Quang Thắng, Thiên Hỏa Nguyễn Đức Dũng, Chuyết Chuyết Trần Trọng Dương và Thiền Phong Phạm Văn Tuấn. Trong vòng bốn năm từ 2004 đến 2007, theo dòng hồi sinh và trở lại đời sống của thư pháp truyền thống cùng sự “lên ngôi” của thế hệ viết mới, Lê Quốc Việt và bốn cử nhân Hán Nôm cùng các đồng môn và một số nhà thư pháp trẻ khác làm nên những cuộc ra mắt thư pháp khá hoành tráng và có tiếng vang trong những mùa xuân Văn miếu.


Tác phẩm thư pháp của Lê Quốc Việt



Nhưng cũng trong hai năm từ đầu 2007 đến nay, nhóm 5 người gần như “đoạn tuyệt” với con đường cũ để chủ trương phát triển thư pháp đương đại theo xu hướng mới, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, giải phóng bản thân, nhằm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức phong phú của người xem, nhất là lớp công chúng mới và trẻ. Cuộc nung nấu và chuẩn bị miệt mài trong một ngôi nhà có vườn bên mép nước sông Hồng thuộc địa bàn xã Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội đã cho ra mắt một số tác phẩm cách tân đầu tiên, đứng bên những bức thư pháp Hán Nôm truyền thống và thư pháp quốc ngữ trong triển lãm “Hồn thu thảo” vào dịp Tết 2007. Có lẽ những ngày đầu đó, chúng đã dành cho những người đến Văn miếu xem triển lãm một cảm giác kỳ dị, khó gần.

Lời “đánh tiếng từ ngoài ngõ” này thực sự đĩnh đạc trong triển lãm “Chữ” ở Studio Thọ - 76 Mã Mây, Hà Nội của The Zenei Gang of Five gần một năm sau đó với những “bức tranh chữ” khá “tốn kém” nguyên liệu giấy mực. Tập hợp tác phẩm này và cách tạo ra chúng cho thấy sự biến đổi khác lạ thông qua nội dung không còn nệ vào văn chương cổ điển, lời hay ý đẹp của tiền nhân mà có thể đưa bất kỳ nội dung câu chữ nào mà tác giả thích. Các chữ được thể hiện đã phá bỏ ranh giới ô vuông gò bó, tràn ra xung quanh hoặc “ăn” hết mép giấy. Chữ không trung thành với nét tạo tự cơ bản theo năm thể triện, lệ, khải, hành, khải, thảo mà tự do “tung tác” thành những hình thù bùng nhùng khác nhau, những vệt, dòng, những tia và đốm mực to nhỏ rơi trên nền giấy cũng được phủ mực đã pha chế với các sắc độ đậm, nhạt phong phú, khác hẳn với quy phạm chữ đen trên nền trắng quen thuộc. Nhờ vậy, màu chữ có thể sáng lên trên nền tối hoặc mờ và có thể xem “tranh - chữ” cả ở mặt sau. Nền giấy cũng được dụng công tạo đủ kiểu hình thù và rất có chiều sâu. Có khi mực dàn đều mờ xám, có khi chữ mờ ken nhau dày đặc làm nền cho khối chữ lớn. Tính duy cảm, duy mỹ và tác dụng trang trí vì thế được đẩy lên cao.

Tác phẩm không còn thuần túy thể hiện chữ mà hướng đến gần với hình khối của hội họa, nhấn mạnh vào ý nghĩa “thư họa đồng nguyên”. Và đặc biệt là năm loạt tác phẩm cho thấy rõ cá tính và hứng thú của năm tác giả với những cảm xúc, suy nghiệm hay cả chút hăng hái, điên cuồng đầy tự do, hồn nhiên của năm cái tên riêng Quốc Việt, Quang Thắng, Đức Dũng, Trọng Dương, Phạm Tuấn, không giống nhau, không trộn lẫn. Hai lượt trưng bày tại Thọ Studio cuối năm 2007 đánh dấu cuộc phiêu lưu của tác phẩm thư pháp từ chốn thư phòng và “triển lãm kỳ cuộc” với tính chất xin – cho, phi thương mại để xuất hiện đàng hoàng tại không gian trưng bày chuyên nghiệp với mục đích rõ ràng quảng bá và mua bán.

Tiếp tục khẳng định sự xuất hiện và bước đi đầu của thư pháp Tiền vệ Việt Nam khi cùng tham dự triển lãm “Vũ hội chữ” tại Ngôi nhà nghệ thuật – 31A Văn Miếu và tham gia Festival Huế 2008 tại cố đô vào đầu và giữa năm nay, hoạt động của nhóm năm người The Zenei Gang of Five chứng minh rằng những việc họ có thể làm được cho thư pháp Việt Nam đương đại mới đang bắt đầu, và những cuộc ra mắt sau đó hứa hẹn độc đáo, lạ lẫm hơn. Cách mà hai tác giả Trần Trọng Dương và Phạm Tuấn trình diễn thư pháp Thiền tôn vinh vua Trần Nhân Tông tại Thiền quán vào cuối tháng 9 cũng cho thấy thêm hình thức thể hiện mới trong trình diễn thư pháp. Trong không gian trầm hương vẳng tiếng kinh mõ, hai tác giả ngồi tập trung quán tưởng rồi suy nghĩ, đắn đo cả tiếng đồng hồ khiến nhiều khán giả nhấp nhổm, sau đó người viết tự nghiệm ra hình chữ và thể hiện trên vải trắng.


Chữ trên cửa kính trong triển lãm sắp đặt “Điện tâm đồ”




Tác phẩm thư pháp trong cuộc sắp đặt “Điện tâm đồ” tại Trung tâm văn hóa Pháp (L’espace) – 24 Tràng Tiền, Hà Nội do Lê Quốc Việt và Trần Trọng Dương tham gia với họa sĩ Vũ Kim Thư vào cuối tháng 10 vừa qua với sự hậu thuẫn của những người còn lại càng cho thấy khả năng bao trùm không gian khi thực hiện tác phẩm theo phong cách, tinh thần Tiền vệ. Chữ ngoằn nghoèo trên giấy kéo ngang suốt bốn bức tường của gian phòng lớn với cách mô phỏng hình sóng điện tâm, mực có thể đổ chảy tràn trên tường. Lấn át người xem là bức thư pháp với những luồng, khối mực và tràn lan chữ nhỏ trên tấm lụa trắng rộng 1,6m dài 60m chạy thành những đường võng từ dưới sàn lên cao. Từng cửa kính trong suốt của phòng triển lãm trông ra phố nhảy nhót chi chít những tầng chữ nhỏ khá vui mắt. Ý tưởng và luận điểm của các tác giả xoáy vào vấn đề hành động vô thức, nhu cầu vượt thoát khỏi những ràng buộc cũ kỹ của văn tự chết, phản kháng sự nhàm chán của đời sống với nhiều sự việc, nhiều suy nghĩ mốc meo vẫn lặp đi lặp lại thành trạng thái sống cũ mòn. Cuộc chơi này càng thể hiện tham vọng ứng dụng thư pháp vào hoạt động nghệ thuật mới để phản ánh thái độ, quan niệm các tác giả trước xã hội phức tạp.

Trong thời gian không xa, The Zenei Gang of Five còn tiếp tục với những cuộc chơi mới và đã có thể mường tượng sự táo bạo, bứt phá hơn khi họ đưa ra một số hình dung cho các sắp đặt và trình diễn thư pháp Tiền vệ. Một số lớn tác phẩm của nhóm chuẩn bị được đưa sang Trung Quốc bồi biểu để có mặt tại Art Vietnam Gallery – số 7 Nguyễn Khắc Nhu, Hà Nội đầu năm tới. Vào khoảng giữa năm, dự kiến tiếp tục là cuộc xuất hiện mới của năm người cũng tại L’espace. Đặc biệt, buổi gặp gỡ, giao lưu sáng tác và trao tặng tác phẩm giữa The Zenei Gang of Five với các nhà thư pháp trong Liên hiệp thư pháp Đông Dương của Nhật Bản tại chùa Cót, Cầu Giấy, Hà Nội vài ngày trước đây là một dấu hiệu tốt, hứa hẹn mối liên thông mới của những người cách tân trên dòng nghệ thuật thư pháp đương đại. Thư pháp Tiền vệ đã thành một phong trào rộng rãi ở nơi nó sinh ra và những vùng đất nó đi qua. Ở Việt Nam, The Zenei Gang of Five trở thành những người đầu tiên gieo giống và bắt rễ mới và ít nhất đã có thêm vài người hưởng ứng họ qua cuộc trình diễn và sắp đặt “Rác”. Rất có thể trong khoảng trời chung của thư pháp Tiền vệ khu vực sẽ được kiến tạo thêm những mảng màu mới, mang những gương mặt của những người trẻ đến từ Việt Nam. Lúc đó rất có thể sẽ phát sinh những trò chơi tập thể hoành tráng giữa các cá nhân hoặc nhóm của không chỉ một nước.

Cái nôi cổ điển đã nuôi nấng các “nho sĩ trẻ” ngọt ngào và bền bỉ, đưa đến cho họ vốn liếng “thâm nho” và phong phú bao nhiêu thì chân trời mới khoáng đạt cũng cuốn hút và giục giã họ bấy nhiêu. Cuộc tích lũy, rèn giũa thư pháp truyền thống một cách kính cẩn và thanh nhàn cả chục năm qua với những thành quả rất đáng kể, đang trở thành cầu nhảy cho những chặng đường sải chân mạnh mẽ, thậm chí có thể hết mình tung hê, phá phách. Cũng có thể sẽ có những chặng mà “hiệu quả phá phách” không cao hơn hoặc không đạt đến chất lượng tác phẩm. Hoặc bên những cái hay cũng sẽ có cái mông lung, chới với v.v. Nhưng lột xác bằng cách kiên quyết tự đốt mình, truy cầu những cái mới và phủ nhận những cái cũ chính là một động lực của dòng sông nghệ thuật. Nghệ sĩ hay giả nghệ sĩ cũng được xác lập rõ nét hơn qua những chặng đường này. Và những người đi tìm ra giọng của mình trong trùng điệp những tiếng mừng vui, gào thét, hoan hỉ, kêu than.

Lưu Nguyễn



No comments: