Wednesday, November 12, 2008

Không được mạo danh thư pháp để làm bẩn chữ Quốc ngữ!

Không được mạo danh thư pháp để làm bẩn chữ Quốc ngữ!
Thứ ba, 2/10/2007, 07:00 GMT+7
http://vietimes.vietnamnet.vn/vn/nhietkevanhoa/3719/index.viet

Chữ Quốc ngữ được tạo thành bởi sự kết hợp lạ lùng giữa lý trí cứng nhắc của phương Tây[i] và sự uyển chuyển, thánh thót của giọng nói Đại Việt. Sự hài hòa đó đã được minh định bằng cả kho tàng văn học Việt Nam hiện đại. Nếu ai muốn dùng chữ Quốc ngữ để “vẽ vời” đều sẽ làm mất cân đối sự kết hợp đó. Do vậy, chúng trực tiếp làm bẩn chữ Quốc ngữ.

Ngoài chữ Quốc ngữ, chữ Hán và chữ Nôm, thư pháp còn được chuyển tải qua tiếng Anh, tiếng Đức và chưa biết chừng sẽ có cả thư pháp… chữ Arab cũng nên. Vậy nên có rất nhiều người đang làm bẩn chữ Quốc ngữ bằng cách mạo danh thư pháp.

Thư pháp hay thư..."ngáp"?


Chữ Quốc ngữ mang tính lý tính cao được thể hiện trên cơ sở các ký tự Latin của phương Tây, trong khi thư pháp mang theo một số yếu tố tâm linh của phương Đông. Cách thể hiện của hai lối viết này là hoàn toàn khác nhau. Vậy thì cái gọi là thư pháp Việt ngữ cho đến giờ phải chăng là sự ngụy ngôn của một số người mang danh thư pháp gia và nó có thể gây ảnh hưởng không tốt cho tiếng Việt?

Phóng viên (PV): Chưa có một sự công nhận chính thức nào của những người quản lý văn hóa tại Việt Nam dành cho bộ môn viết chữ Quốc ngữ đẹp theo một số quy tắc của thư pháp Hán, tôi tạm gọi là thế. Giáo sư có nhận xét gì về cái gọi là thư pháp Việt ngữ - như là cách nhìn nhận của số đông ở nước ta hiện nay?

Giáo sư Trần Trí Dõi (GS.TTD): Theo ý kiến của riêng cá nhân tôi, cách viết chữ Việt theo hệ Latin không thể gọi là thư pháp được. Có lẽ tại Việt Nam, chỉ cách viết chữ Hán mới có đủ các điều kiện để gọi là “thư pháp” vì đây là chữ tượng hình. Bản chất của tượng hình đòi hỏi mỗi chữ phải thể hiện tất cả các nét trong một “khung” hay một không gian xác định và các nét chữ ấy được thể hiện theo “những quy ước” có giá trị nhất định. Vì thế, mỗi chữ viết là một “bức họa” đầy đủ. Ở trong bức họa ấy, người viết vừa có thể thể hiện hết ý nghĩa của chữ viết, vừa thể hiện cái tài hoa thông qua cách viết của người viết. Với lại, “những quy ước” để chữ viết là một “bức họa” trong cách viết chữ Hán đã có từ hàng nghìn năm nay. Đây chính là lý do thứ hai quy định giá trị “thư pháp” của cách viết chữ Hán.

Giáo sư Trần Trí Dõi

Giáo sư Trần Trí Dõi hiện là Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), đồng thời là Chủ nhiệm Bộ môn "Ngôn ngữ và Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam".

Còn cách viết chữ Việt theo hệ Latin là khác. Cách viết này là cách viết phiên âm. Chữ viết, vì thế, trước hết là thể hiện âm của ngôn ngữ rồi nhờ đó nó mới mang nghĩa. Cho nên, dù thể hiện nét chữ như thế nào người ta cũng phải làm sao để người đọc quy nó về một âm nhất định. Nhờ có thể quy về một âm như thế người ta mới nhận ra “nghĩa” mà nó thể hiện. Như vậy, làm sao có “thư pháp” được?! Cho nên anh nói rằng: “Chưa có một sự công nhận chính thức nào của những người quản lý văn hóa tại Việt Nam dành cho bộ môn viết chữ Quốc ngữ” [về] cái giá trị thư pháp thì cũng là điều bình thường.

PV:
Trong bài viết “Vấn đề chữ viết nhìn từ góc độ lịch sử tiếng Việt” của giáo sư có đoạn: Chữ viết là một phương thức biểu thị chuỗi lời nói bằng những ký hiệu viết-đồ hình, do đó cũng như ngôn ngữ, nó luôn luôn mang tính hệ thống. Điều này cũng có nghĩa chữ viết luôn luôn là một dạng thức ký hiệu có tính hệ thống của ngôn ngữ. Chính vì thế, khi nhìn ở khía cạnh lịch sử, người ta chỉ có thể nói một kiểu văn tự nào đó đã ra đời khi những ký hiệu viết-đồ hình ấy đã thỏa mãn tính hệ thống cả ở bản thân chúng lẫn sự hành chức của chúng. Người ta có thể nhìn nhận tính hệ thống ở nhiều khía cạnh khác nhau…” Chữ Quốc ngữ nhìn từ góc độ của thư pháp, vốn đang là một trào lưu và được một bộ phận công chúng yêu thích. Theo giáo sư, dưới góc độ ngôn ngữ học, “cái gọi là thư pháp Việt ngữ” ấy sẽ đi theo chiều hướng nào trong khi đa số công chúng vẫn chưa nhận thức rõ về vấn đề này?

GS.TTD: Anh nói đúng, “chữ Quốc ngữ nhìn từ góc độ của thư pháp, vốn đang là một trào lưu”. Theo tôi, trào lưu có nghĩa là mới chỉ có ở một số người chứ chưa phải là số đông trong xã hội. Ngôn ngữ - bản chất của nó - là một hiện tượng xã hội. Vì thế nếu nhìn từ góc độ ngôn ngữ học, như tôi đã trả lời ở trên, khó có thể gọi trào lưu ấy là thư pháp được. Nó chỉ là cái cách để “một trào lưu” thể hiện mình thông qua cách viết chữ Việt theo hệ Latin khác nhau mà thôi.

Những chữ viết Latin được gọi là thư pháp như thế có thể có những lý giải khác nhau. Những người đọc mãi vẫn… không nhận ra chữ gì thì trong những bức chữ được gọi là thư pháp Việt ấy, có lẽ, họ thấy chữ viết “chân phương nhưng uyển chuyển” đẹp hơn. Còn số người viết kiểu chữ “thư pháp Quốc ngữ” ấy sẽ tự mình giải thích “nó đẹp như thế nào” và “vì sao nó đẹp” và họ có quyền giải thích theo cách của họ.

Vấn đề là làm sao họ “chinh phục” được số đông cần thiết trong xã hội khi mà ở nhà trường người ta đang dạy cho học sinh vở sạch “chữ đẹp”. Làm sao mà người đọc nói chung cảm nhận được cái đẹp của chữ đó khi cùng một âm ở từ này thì thế này, ở từ khác lại thế khác. Có thể người ta đến “xem” rất đông. Nhưng ai loại trừ [ngoài những người] đến là do nhân tiện, [còn đều] đến là do hiếu kỳ thấy chữ viết lạ hoặc loại trưởng giả học làm sang?

PV: Từ khi Alexandre De Rhodes áp dụng các ký tự Latin vào Việt Nam, trải qua mấy trăm năm nay, tiếng Việt thực sự được “mềm hóa” qua thời gian do ngữ âm uyển chuyển của người Việt. Vậy những bức chữ được viết theo kiểu tạo hình và mang một số quy tắc nhất định của thư pháp Hán liệu có ảnh hưởng không tốt đến tiếng Việt và quá trình phát triển của tiếng Việt hay không?

GS.TTD: Anh nghĩ “những bức chữ được viết theo kiểu tạo hình và mang một số quy tắc nhất định của thư pháp Hán sẽ có ảnh hưởng không tốt gì đến tiếng Việt” là lo hơi xa đấy. Tôi xin lấy một ví dụ để anh suy ngẫm. Nếu như anh đã từng nhìn chữ viết của những trí thức “thời Tây học”, thì anh hiểu ra ngay khi người ta biết bản chất của nó là gì, thì kiểu tạo hình của thư pháp Hán đòi hỏi người ta phải viết chân phương chữ Việt hơn. Những người ở lứa tuổi “cổ lai hy” ấy có học hoặc sống trong môi trường chữ Hán, đã viết chữ Quốc ngữ đẹp như thế nào. Bây giờ chúng ta khó luyện cho học sinh, sinh viên của ta như thế được.


Alexandre De Rhodes đã dùng ký tự Latin ghi lại giọng nói của dân chúng nước Việt

PV: Với vài kỹ xảo cơ bản của thư pháp Hán, một chút khéo tay và sáng tạo, cả việc khéo léo PR cho bản thân, người ta có thể tự biến mình thành một “thư pháp gia” khả kính trong con mắt nhiều người trong khi nền tảng văn hóa lại chưa đáp ứng được việc lý giải những gì mình viết ra. Nhiều bức chữ được cố ý tạo hình quá đáng, thậm chí còn không đọc được, phải chăng “thư pháp Việt ngữ” đang góp phần làm… tối nghĩa tiếng Việt bằng cách “bóp méo” chữ viết trong khi chúng ta đang kêu gọi giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Giáo sư đánh giá gì về việc này?

GS.TTD: Ở đây nên có sự phân biệt giữa chữ viết Việt và tiếng Việt. Phải khẳng định rằng những “bức chữ được cố ý tạo hình quá đáng, thậm chí còn không đọc được” mà người ta cho là “thư pháp” như anh nói ấy cũng ảnh hưởng khá nhiều đến sự trong sáng của tiếng Việt. Nhưng, theo tôi, nó còn đang góp phần làm rắc rối cho lớp trẻ đi học. Trong khi nhà trường và xã hội đang yêu cầu “viết chữ đẹp” (tất nhiên không phải đẹp kiểu của các “thư pháp gia” hiện nay), thì lại có một kiểu viết “đọc không được” lại cho là đẹp! “Ông giáo dục” yêu cầu một đằng, những người tự nhận là mình đang làm “văn hóa” lại cổ súy một nẻo. Chỉ lợi cho những em ngại viết chữ đẹp có “lý lẽ” để tranh luận với bố mẹ hay thầy cô thôi.

PV: Hiện nay, như tôi đã nói, có rất nhiều người mang danh “thư pháp gia” và đi kèm cùng họ là những cơ sở giảng dạy cái gọi là thư pháp Việt ngữ; theo giáo sư, nên chăng phải dừng lại việc cổ súy cho phong trào viết chữ… khó hiểu này? Bởi tuy không phải là một loại hình nghệ thuật nhưng “cái gọi là thư pháp Việt ngữ”, cũng có ảnh hưởng nhất định đến đời sống văn hóa và phần nào là đời sống tâm linh của xã hội. Vì vậy, liệu những tác động mang tính hạn chế hay cấm đoán phong trào này có thể gây ra một số phản ứng thái quá?

GS.TTD: Nếu là cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội có tính chất nhà nước mà cổ súy, thì nên dừng lại, vì chưa có đủ cái lý để thuyết phục số đông xã hội, [thì] khó có thể chấp nhận. Còn những người họ tự mang danh “thư pháp gia” cho đó là thư pháp và có những cá nhân chấp nhận họ, thì đó là quyền của họ. Bởi vì “cách viết chữ” như thế là những cuộc chơi nên mỗi người có quyền lựa chọn thú chơi và cách chơi.

Chơi cũng có “ba bảy đường chơi”. Tôi xin lấy một ví dụ, một “thư pháp gia” nào đó viết một văn bản nhất định theo kiểu “thư pháp”. Nếu nó [có] giá trị đích thực, thì người ta sẽ “đổ xô đến” để chiêm ngưỡng, có ngăn cũng không được. Nhưng thời gian vừa qua, tôi chỉ thấy một vài người gửi bài đến một vài tờ báo để “chứng minh cho mọi người cái đẹp của thư pháp Latin”. Và như đã nói, nhiều người đến xem chỉ vì tò mò, hiếu kỳ mà thôi. Có khi chính những người đang thao thao nói về thứ thư pháp ấy cũng… chưa chắc biết họ nói về cái gì, [tôi] nói có đúng không?

PV: Xin cảm ơn giáo sư.

[i] Alexandre De Rhodes đã dùng ký tự Latin ghi lại giọng nói của dân chúng Đại Việt

Mai Quốc Ấn (VieTimes)



PHẢN HỒI CỦA ĐỘC GIẢ VỀ BÀI VIẾT

trần Phúc - văn phòng HDND&UBND Cẩm Khê Phú Thọ -

th­u phap việt điều không tuong !

nguyễn phùng kiên - - npkien@gmail.com

Tôi rất tán thành với ý kiến của giáo sư Trần Trí Dõi. Đúng là cách tự tạo ra một thứ gọi là thư pháp tiếng Việt như vậy giống như thể sự học đòi kiểu cố cho bằng anh bằng em. Một suy nghĩ mang đậm tính cách nông dân, con gà tức nhau tiếng gáy, kiểu "chữ người ta thư pháp mình không thư pháp được sao?". Một sự kệch cỡm văn hóa.

Phạm Ngọc Chau - Hà Nội - chauc4@gmail.com

Tôi rất hoan ngênh bài không được mạo danh thư pháp để làm bẩn chữ quốc ngữ. Tôi không phải chuyên ngành ngữ văn, chỉ là người bình thường. Nhưng vài năm gần đây, khi trông thấy những hình viết (hay vẽ) chữ quốc ngữ rắm rối trên lịch tường, vv tôi thấy gợn gợn và se lòng. Tại sao vậy: nhiều chữ tôi không đọc được và cuối cùng là không biết đấy là từ gì (tôi là GV đại học). Vậy viết chữ ra làm gì nhỉ? có phải đây là học đòi một cách ngô ngọng chữ Hán không. Buồn quá, nhiều gia đình cố mua cho được một bức đại tự chữ Hán để treo, nhưng lại không biết đấy là chữ gì, chưa nói đến nghĩa của nó.

Lê Hồng Bội - tpHCM - baoloc1970-mail@yahoo.com

Từ khi phong trào thư pháp chữ quốc ngữ xuất hiện ở Việt Nam, tôi ít khi nào nhìn những chữ đó quá 3 giây, và tôi vẫn thường nói với con tôi (đang học tiểu học) là những người đó viết chữ xấu quá, không thể đọc được.Có một trường hợp rất buồn cười: một nhà hàng trong khu vực tôi ở đã in menu gửi đến từng nhà trong khu; menu được in toàn bằng chữ thư pháp với cỡ chữ hơi nhỏ; tôi cố gắng hết sức mà vẫn không tài nào đoán được nhà hàng đó bán món gì. Thật uổng cho mấy triệu đồng đã bỏ ra để in và gửi menu.

Nguyễn Hùng - -

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của Giáo sư. Nếu gọi đấy là thư pháp thì mấy loại chữ loằng ngoằng kiểu lào thái miên cũng được dân nước họ viết thành thư pháp hết. Người trung quốc về sau chắc họ cũng viết thư pháp bằng thứ chữ phiên âm latinh được sao???

Lê Toan - Vũng Tàu -

Tôi hoàn toàn đồng ý với giáo sư và các độc giả. Không thể chấp nhận có "Thư pháp chữ quốc ngữ" được, những kiểu chữ đó chỉ để viết theo sở thích cá nhân mà thôi. Tôi kính đề nghị các cấp thẩm quyền nên cấm các hộ kinh doanh "thư pháp chữ quốc ngữ" trong khuôn viên Quốc Tử Giám, bởi đây là nơi tôn nghiêm và mang tính giáo dục cao và là nơi có khả năng định hướng đến văn hoá đối với du khách nước ngoài và những người Việt Nam đến tham quan.

Văn Thành Lê - 42 Trần Phú, TP Đà Nẵng - vanthanhle@gmail.com

Trong một tờ lịch nọ có hai câu thơ được viết theo kiểu “thư pháp” tiếng Việt: Thập tải luận giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái hoa mai”. Rất tiếc, “Thư pháp gia” đã viết nhầm “luân” thành “luận” và “mai hoa” thành “hoa mai”, làm méo mó ý nghĩa thâm thúy của câu thơ rất nổi tiếng của Cao Bá Quát. Nếu “thư pháp gia” này biết chữ Hán và viết thư pháp chữ Hán sẽ không gây ra một sự phản cảm tệ hại như thế.Tôi không cổ xúy cho việc viết “thư pháp” chữ Việt.

Phan Thanh Long - Tp HCM - shiying_fei@yahoo.com

Tôi cũng đồng ý với bài viết. Chữ Quốc Ngữ của ta theo ký tự Latin có thể có nhiều kiểu chữ, cách viết khác nhau. Nhưng vẽ vời các đường nét để...làm ra nghệ thuật là không nên và cũng không có nhiều giá trị nghệ thuật.

dong Pha - go vap- sai gon - zudongpo@yahoo.com.vn

Bài viết của giáo sư là rất đúng,dân ta hay làm những việc không giống ai rồi hoang tưởng cho mình ''vận dụng,sáng tạo'' cuối cùng chỉ góp phần làm nhục quốc thể mà thôi.Làm gì có thư pháp Việt .Phương Tây có ai lấy mẫu tự la tinh viết tranh thư pháp đâu ,

Nguyễn Mạnh Hùng - 116 Nguyễn Đình Chiểu - nmhung@hcm.vnn.vn

From: Nguyễn Mạnh Hùng Trưởng Phòng Thông tin Khoa học & Hợp tác Quốc tế. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2. 116 Nguyễn Đình Chiểu. Q.I, Tp, HCM. Điện thoại: 8229617. 0908194419. e-mail: nmhung@hcm.vnn.vnTo: VIETIMES – VIET NAM NET.Rất cảm ơn Vietimes – Viet Nam Net đã có bài “Không được mạo danh thư pháp để làm bẩn chữ quốc ngữ!”.Tôi là người có đôi chút am hiểu về nghệ thuật, tôi rất yêu nghệ thuật. Tôi rất trân trọng sự sáng tạo. Nhưng tôi rất dị ứng với cái gọi là “Thư pháp”. Tôi không hiểu những người đang cổ suý cho thư pháp và đang luyện thư pháp nghĩ gì? Tôi càng không hiểu hơn khi có người đi mua hoặc đi xin những tờ giấy có những chữ viết ngoằn nghèo về treo ở một chỗ trang trọng trong phòng khách của gia đình.Sở dĩ tôi dị ứng với thư pháp là vì có lần tôi dẫn cháu tôi đến một nhà người quen chơi. Trong phòng khách của họ có treo một bức thư pháp chữ Việt. Cháu tôi đã chỉ và hỏi tôi đó là chữ gì và nội dung của các chữ đó. Thú thực, có chữ tôi đọc được, có chữ tôi không đọc được. Tôi đã không giải thích được với cháu tôi về ý nghĩa của bức thư pháp đó. Tôi lại càng lúng túng hơn khi bạn tôi đang ngồi trước mặt. Và, chính anh cũng cảm thấy bối rối. Đều đó cho tôi thêm nhận xét rằng, có nhiều người chỉ vì thời thượng nên treo thư pháp trong nhà cho vui, chứ chưa hẳn đã thích thư pháp.Khi tôi học đại học, trong lớp tôi có một anh bạn viết chữ rất xấu. Xấu đến nỗi, cho dù anh ta có cố nắn nót cũng không thể viết đẹp được. Cứ đến kỳ thi, anh ta lại mượn vở của tôi để học, vì chữ tôi viết rất đẹp. Lý do để anh ta mượn vở của tôi là chính anh ta đã không đọc được chữ của anh ta viết ra. Khổ là hồi đó chưa có máy photocopy, nên anh ta không thể mượn vở của tôi lâu được. Không cần giải thích thì ai cũng hiểu kết quả thi của anh ta thế nào. Sau hơn hai chục năm, chúng tôi gặp lại nhau. Anh mời tôi và một người bạn nữa đến nhà anh chơi. Tôi rất ngạc nhiên vì trong phòng khách nhà anh treo đầy thư pháp. Anh tự hào chỉ các tấm giấy viết chữ ngoằn nghèo treo trên tường và giới thiệu đó là các tác phẩm của anh. Anh nói thêm, rất nhiều người ngưỡng mộ anh đã đến nhà anh để xin chữ của anh. Tôi ngồi cạnh bàn học của con trai anh. Tiện tay, tôi lấy một cuốn tập của cháu và lật ra xem. Qua cuốn tập của con anh, những kỷ niệm về anh từ những ngày xa xưa đã hiện lên trong tôi. Nét chữ của con trai anh rất giống nét chữ của anh, rất là thư pháp. Tôi chợt nghĩ , anh và con trai anh đã là những nhà thư pháp bẩm sinh. Nghĩa là chẳng cần phải học và cũng chẳng cần phải luyện cũng có thể viết được. Tuy nhiên, theo anh giải thích, tính triết lý ở trong các con chữ ngoằn nghèo rất cao với rất thâm thuý. Anh có thể ngồi hàng giờ để giải thích tại sao chữ A phải viết thế này, chữ E phải viết thế kia. Rồi anh buột miệng chê trách, có nhiều người viết chữ mà chẳng hiểu các con chữ nói gì.Tôi có một anh bạn khác cũng có một đam mê giống như anh bạn viết thư pháp, nhưng ở trong lĩnh vực hội họa. Anh này rất thích vẽ tranh. Có điều, anh không thể điều khiển được các ngón tay để vẽ cái gì đó cho thật giống với chính nó. Trong nhà anh treo rất nhiều tranh. Anh nói, anh theo trường phái “Lập thể” của Picasso. Anh cũng tự giới thiệu là có nhiều người ngưỡng mộ tranh của anh và đặt mua tranh của anh. Thấy tôi không mấy hào hứng, anh góp ý, cậu cũng nên nâng tầm hiểu biết và trí tưởng tượng của cậu bằng cách tìm hiểu và thưởng thức nghệ thuật. Do công việc, hàng ngày tôi phải ngồi trên máy vi tính. Cơ hội cầm bút để viết không nhiều. Mới đây, vợ tôi nói, anh để quên cuốn sổ ở nhà, không biết của ai, em và con mở ra coi. Chịu, không thể biết anh đã viết gì. Tôi biết là chữ viết của tôi đã xấu đi. Do vậy, tranh thủ lúc thư giãn, tôi đã lấy vở ra để tập viết lại. Tôi không muốn vợ tôi, con tôi và các cháu của tôi chê chữ viết của tôi xấu. Tôi tập viết là để dạy cho cháu tôi viết đúng, viết đẹp. Quan trọng hơn, tôi không muốn các cháu tôi đi học bị điểm kém vì chữ xấu. Tôi không muốn trong gia đình tôi có nhà thư pháp.

Giang Đức Kiệm - 40 Tổ 35 Quan Hoa Cầu Giấy Hà nội - kiemgd@gmail.com

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiên của GS Trần Trí Dõi. Chỉ nên viết thư pháp bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm.

Hồ Phương - Bệnh viện Nhi Trung ương -

Tôi đồng ý với các ý kiến đóng góp trên

Trương Xuân Minh - 140 Lê Độ tp Đà Nẵng - truongxuanm@yahoo.com

Thật ra thư pháp chữ Quốc Ngữ là một điều "bắt chước " không đúng theo thư pháp chữ Hán, chữ Hán là chữ tượng hình nên khi viết thư pháp nó thể hiện cái vẻ đẹp uyển chuyển, đầy hình tượng, còn chữ Quốc Ngữ thì không thể có được điều đó, tôi rất đồng tình với những ý kiến là không nên viết thư pháp bằng chữ Quốc Ngữ vì theo tôi không nên sử dụng chữ Quốc Ngữ để vẽ rồng, vẽ phượng nó sẽ tạo ra sự phản cảm.

Nguyễn Hồng Ngọc - Phương Mai - Đống Đa - Hà Nội -

Là người Việt Nam tôi rất đồng tình với các ý kiến đóng góp ở trên và rất tâm đắc với bài viết của bạn Nguyễn Mạnh Hùng -116 Nguyễn Đình Chiểu.Tôi cũng muốnkhông có nhiều nhà thư pháp chữ Quốc ngữ.

Lê Tất Tôn - Nhà 6 Ngõ 12/47 Đào tấn Hà nội - Tykat03@yahoo.com.vn

Tôi rất tán thành ý kiến trên của Ông Mai Quốc Ân.Nguyên mẫu chữ quốc ngữ , nếu chọn ngay trong máy tính này cũng có rất nhiều kiểu chữ đẹp và mọi người đều có thể đọc được.Mấy Bác viết mấy chữ lằng nhằng,lăng quăng rồi tự phong là "tác phẩm thư pháp quốc ngữ"là không thể chấp nhận được.Rất tiếc là nhiều người thành tâm ,say sưa đi theo con đường này. Thực sự chả ai cấm được. Nhưng người làm văn hoá thì nên tránh, không khuyến khích, không cổ vũ làm chi.Bố mẹ các cháu nhỏ thì cho các cháu tránh xa,rèn các cháu viết chữ cho chỉnh,đẹp .Dạy các cháu rằng"Nét chữ là nết người"Không nên viết các chữ rối rít tít mù không ai hiểu được .Nết người ấy ra sao?Lê Tât Tôn

hoang gia cung - 158 ly thganh tong do son hai phong -

toi dong y voi giao su tran tri doi la chu viet ma bat chuoc viet thu phap kieu chu vuong trung quoc la lam ban chu quoc ngu. la hoc doi khong hieu mot so nguoi nay c on dinh sang che tro choi thieu van hoa nay den bao gio /

Trần Nam Thành - CT XM Hoàng Thạch, Hải Dương. - TnthanhLan@gmail.com

Tôi xin được tỏ lòng kính trọng sâu sắc GS Trần Trí Dõi và cảm ơn GS cũng như các độc giả đã tỏ thái độ trước hiện tượng lạm dụng cái gọi là thư pháp Quốc Ngữ! Thật tôi không hiểu ra sao nữa, chúng ta đang cố gắng kêu gọi làm trong sạch Tiếng Việt vậy mà họ lại cố gắng làm điều ngược lại nhân danh một sự tìm tòi sáng tạo! Tôi thấy thực sự chẳng khác gì ngôn tư trên mạng của giới trẻ, bản thân tôi cũng còn trẻ mà vẫn không thể chấp nhận, vấn đề là các nhà quản lý cần làm gì để "Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt"? Làm gì để định hướng thẩm mỹ của giới trẻ?

Một người am hiểu chữ Hán, chữ Nhật, chữ La tinh - - ktlinh04@yahoo.com

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiên của GS Trần Trí Dõi. Chỉ nên viết thư pháp bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm.Tôi cảm thấy hối hận vì vô tình đã nhìn thấy những bức "thư pháp" này trên một vài tờ báo và lịch. Nó để lại một vết rất xấu trong ký ức tôi. Tết này tôi mong được xem những tờ lịch phong cảnh và những câu thơ Việt Nam hay được viết đẹp như chữ trong các lớp luyện viết chữ đẹp hiện nay.

KSĐThoN - TPHCM - ksdthon@yahoo.com

Chữ thư pháp chỉ làm tôi mệt đầu vì phải cố đoán người ta viết gì. Vì vậy từ lâu tôi đã bỏ qua loại chữ này khi nhìn thấy chúng ở bất cứ đâu. Hôm nay thấy có người có ý nghĩ giống mình tôi nghĩ nước ta không nên quá đề cao loại chữ này.

Vũ Ngọc Quỳnh Trâm - TT tc2 Xuân Đỉnh Từ Liêm Hà Nội - t31.tt.tc2@gmail.com

Tôi rất hoan nghênh quý báo đã đăng bài " Không được mạo danh thư pháp để làm bẩn chữ quốc ngữ", xin cảm ơn và bày tỏ sự kính trọng đối với giáo sư Trần Trí Dõi. Tôi đã từng được học tiếng Hán và viết chữ Hán, nên phần nào cũng hiểu được chữ Hán rất khác chữ Việt. Thư pháp Hán đã có từ rất lâu đời trong lịch sử Trung Hoa.Điều này ai cũng biết. Tuy nhiên gần đây, ở Vệt Nam chúng ta xuất hiện hiện tượng một số người viết ra cái gọi là Thư pháp tiếng Việt và không ngừng cổ súy cho cách viết này.Tôi thấy đó chỉ là sự bắt chước. nhưng sự bắt chước này không làm cho chữ việt của chúng ta đẹp lên mà đúng như khẳng định của giáo sư Trần Trí Dõi là đang bôi bẩn chữ Việt. Điều này rất có hại cho các thế hệ tương lai của chúng ta. Tôi nghĩ cần có thêm nhiều tiếng nói để sớm ngăn chặn tình trạng tiếng Việt nói chung và chữ Việt nói riêng đang bị làm vẩn đục.

Hoàng Ngọc Kim - Ngọc Lâm - Long Biên - Hà Nội - kimngochv@yahoo.com

Tôi rất đồng tình với những ý kiễn của giáo sư Trần Trí Dõi. Thư pháp chữ Việt, theo tôi, chỉ là sự bắt chước thô thiển đến mù quáng của những người làm ra vẻ "ta đây"! Nó chỉ làm cho chữ viết của chúng ta mất đi cái vẻ duyên dáng, thể hiện tâm hồn của người viết, "nét chữ - nết người". Nó chỉ làm cho chữ viết của chúng ta trở thành một mớ loằng ngoằng chẳng khác gì con giun, con bọ. Với 40 năm làm việc giảng dạy ở trường Đại học, Học viện và gần 70 tuổi đời mà nhiều khi tôi không đọc nổi dòng chữ trên tờ bìa lịch. Không hiểu họ viết cho ai! Xin những người thích "sáng tạo" hãy trả lại vẻ đẹp đáng tự hào của nét chữ Việt.

Sơn Lâm - 25 A Phan Đình Phùng, Hà Nội - son_lam04@yahoo.com.vn

Tôi rất tâm đắc với những ý kiến của Giáo sư Trần Trí Dõi trong bài viết này. Hiện nay, trong khi những người làm văn hoá, các nhà giáo, các trí thức đang gắng sức làm mọi việc để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chữ Việt thì có nhiều người tự xưng là “nhà thư pháp” tiếng Việt để bôi bẩn chữ Quốc ngữ. Tôi đã đọc nhiều “ thư pháp “ viết trên một số tờ lịch mà không hiểu được đó là chữ gì. Nếu đó là sở thích riêng của một số người thì không sao vì đó là quyền tự do của họ nhưng tốn giấy mực để in ấn và tuyên truyền như một trào lưu trong xã hội thì không thể chấp nhận được. Còn nhớ, vào giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, các nhà cải cách chữ viết đã đưa vào trường học một bộ chữ “cải cách” bằng cách bỏ tất cả các nét lượn cong của các chữ cái như h, l, k …Hậu quả là thế hệ học sinh thời đó viết chữ xấu kinh khủng. Sau đó người ta đã buộc phải sửa sai, trả lại nét đẹp vốn có của chữ Quốc ngữ. Chẳng lẽ sự trả giá cho bài học đó còn chưa đủ lớn hay sao mà nay còn tuyên truyền phổ biến cái gọi là “ thư pháp tiếng Việt”. Các nhà quản lý văn hoá nên chăng hãy vào cuộc để ngăn chặn xu hướng bất bình thường này.

Nguyễn Như Phong - Báo An ninh thế giới - nhuphong121@yahoo.com

Tôi rất hoan nghênh VieTiems đã " khới" lên vấn đề mà bấy lâu nay được gọi là " Thư pháp tiếng Việt". Đúng là một số " nhà thư pháp tiếng Việt" đang làm bẩn chữ quốc ngữ. Chữ Hán là chữ tượng hình vì thế mới có "Thư trung hữu họa", còn chữ của ta là hệ chữ latin và là loại chữ " tượng thanh", vậy làm sao có thể mang " âm thanh" ra mà vẽ vời, rồi gán cho những ý tưởng nọ,. ý tưởng kia...Hỡi các nhà " thư pháp tiếng Việt", các vị đang " làm bẩn chữ quốc ngữ"... Xin các vị hãy dừng tay.

HBK - Hà Nội - tofu3891@gmail.com

Tôi đọc được những bài viết phản ứng với Thư pháp Việt lần này đã là lần thứ 3 nhưng có lẽ đây là bài viết làm cho tôi cảm thấy thuyết phục nhất. Dù sao thì tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình "Thật đáng thương cho chữ Việt". Tôi tự hỏi: không hiểu các nước có nền văn hóa lâu đời, có loại hình nghệ thuật thư pháp (như Trung Quốc chẳng hạn) sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy những con giun mà các nhà thư pháp Việt đã vẽ ra?

Lê kim Giang - 26 Hàng Bún Hà nội - lekimgiang@gmail.com

Tôi thật sự rất tâm dắc với diễn đàn này và thầm sót xa cho những ai đã quá dại khờ để đi xin hay thậm chí còn mua một chữ Quốc ngữ Việt nam viết theo kiểu thư pháp để treo trong nhà hay quá hơn lại còn để treo vào những chỗ trang trọng nhất như bàn thờ tổ tiên với mong muốn dạy cho con cái hay ai đó điều gì vì theo tôi: Thư pháp Việt vẽ ra là một loại chữ mà người sống không đọc được mà người chết cũng chẳng hiểu gì

Nguyễn Lâm - Hà Nội - Nguyenlam_icm@yahoo.com.vn

Tôi đồng tình với quan điểm của bạn Lê Tất Tôn: "Thực sự chả ai cấm được. Nhưng người làm văn hoá thì nên tránh, không khuyến khích, không cổ vũ làm chi. Bố mẹ các cháu nhỏ thì cho các cháu tránh xa,rèn các cháu viết chữ cho chỉnh,đẹp. Dạy các cháu rằng "Nét chữ là nết người". Không nên viết các chữ rối rít tít mù không ai hiểu được"

Phạm Thị Cẩm Lý - - ptcly@yahoo.fr

Thật như "bắt được vàng" khi tôi đọc đựoc bài viết này. Tôi đã giải toả được ý nghĩ rằng mình là một người "ngu ngốc, không hiểu cái đẹp". Quả tình, khi xem người ta viết thư pháp, tôi vẫn thường đặt câu hỏi:" cái đẹp thư pháp trong những đường nét kia là ở đâu sao ta không nhận ra?" và thế rồi, hôm nay, đọc được những dòng bộc bạch của mọi người ...Đúng, chúng ta khôngthể để người khác "dắt mũi" trong nhận đình về cái đẹp theo kiểu ấy được. Tuy nhiên, chúng ta hãy chờ xem, họ, những nhà thư pháp, hoặc những người theo trào lưu thư pháp tiếng việt ấy lên tiếng. Bây giờ thì hãy cứ vui lên, chúng ta đang chuyện trò với nhau bằng một thứ chữ viết "bình thường" và là thứ đáng quý nhất đấy.

Vinh - -

Bình thường mỗi lần nhìn thấy một bức "thư pháp" tiếng Việt nào đó, tôi lại hay nói đùa với bạn bè rằng: chắc là viết xấu quá không ai đọc nổi nên phải chuyển qua "thư pháp" để loè người ta thôi. Nếu như thư pháp chữ Hán đẹp đẽ, thâm thuý bao nhiêu thì cái thứ " thư pháp" tiếng Việt xấu xí và kệch cỡm bấy nhiêu. Đáng buồn là vẫn còn một số người vẫn cho rằng đó là một thứ văn hoá thời thượng và mù quáng tung hê, tán thưởng. Thật buồn cười.

Đăng Nhật - Nhơn Trạch,Đồng Nai. - nhatdangdo@yahoo.com.vn

Tôi không rành về thư pháp.Nhưng theo tôi chữ viết tiếng Việt thì phải rõ ràng và mọi người điều đọc được.Chứ viết mà đọc phải đóan thi khác nào chữ của trẻ con mói tập viết(hay những người viết chữ xấu goi là chữ bác sỹ)khi đọc phải nặng cả đầu mà không biết phải chữ đó không.Mình là người Việt thì nên luyện chữ Việt truyền thống cho đẹp là tốt nhất.

Hoàng Mai - - hoangmai.tran@gmail.com

Tôi có tham dự một số triển lãm hoặc hội chợ có các gian hàng thư pháp. Quả thực trước nhiều gian hàng này , chúng tôi thấy cứ như mình chưa biết chữ, đoán già đoán non, rồi hỏi cả người viết để biết nội dung nhưng biết rồi thì cũng chẳng thể nào luận ra được chữ. Cuối cùng, chúng tôi có một định nghĩa tiếu lâm " chữ viết không đọc được gọi là thư pháp"Vâng, xin đừng lạm dụng thư pháp và đừng đánh mất thư pháp.

cao trung khải - bà rịa vũng tàu - thanhvank@yahoo.com

Tôi đồng ý với ý kiến của GS và của các bạn trong trang phản hồi.Thư họa hay thư pháp chỉ thực hiện được đối với loại chữ tượng hình mà thôi như chữ hán đó. Thông qua nét bút viết nên một chữ , nó nói lên ý nghĩa của từ cũng như tìm thấy cái hồn của từ cũng như cái thần trong nét chữ đó. Còn chữ Việt thì không thể nào viết theo lối thư pháp được vì kí tự chữ la tinh kết lại để biểu thị âm mà thôi, nó không thể diễn đạt được cái ý, cái hồn trong đó .Do đó khi viết chữ Việt theo lối thư pháp như chữ hán thì vô tình làm bẩn chữ viết và những người có chút ít hiểu biết về ngôn ngữ họ sẽ chê cười. Không nên lạm dụng hai chữ nghệ thuật mà làm xấu đi nét chữ việt. Nếu các bạn không tin thì chỉ cần học qua chữ hán cổ một khoá thì các bạn tự nhiên thấy xấu hổ khi viết chữ Việt bằng lối "thư pháp".

No comments: