Tuesday, January 22, 2008

Nguyễn Khải và những câu chuyện đời thâm thúy


Nhà thơ Nguyễn Duy (trái), Bí thư Chi bộ, trao giấy chứng nhận 50 năm tuổi Đảng (1998) cho nhà văn Nguyễn Khải. Ảnh: Tư Liệu
Nghe tin nhà văn Nguyễn Khải mổ tim và sức khỏe hiện thời của ông rất xấu, tôi vào thăm ông và cứ bâng khuâng nghĩ về đời người. Mấy năm gần đây, con cái của ông trưởng thành, cuộc sống của ông không còn vất vả như trước

Ông mừng lắm và rất tự hào về con cái. Ông nói, ít ra con mình cũng có địa chỉ để giới thiệu với bạn bè. Riêng tôi, rất mừng cho ông về những ngày cuối đời. Ba người con của ông, người nào cũng có nghề nghiệp, có gia đình hạnh phúc, có thu nhập ổn định; người nào cũng yêu thương bố mẹ. Người con trai út của ông không chỉ có “địa chỉ” để ông mạnh miệng giới thiệu với bạn bè, mà còn là người giỏi kinh doanh. Người con trai út của ông dành cho ông một căn phòng rộng rãi để ông trưng bày những tác phẩm của mình, những kỷ vật của một thời và để viết. Khi mệt, ông có thể bước ra thư giãn ở một khoảng sân rộng có “cây muôn sắc, có hoa bốn mùa”. Đi đâu đều có xe hơi đưa đón, nếu không thì con bắt ông đi taxi chứ không cho ông đi xe ôm nhằm tránh tai nạn giao thông. Mỗi lần gặp, ông hay nói đùa, sướng quá nên chẳng còn áp lực gì để viết, nhưng đọc những gì ông viết gần đây, dù chỉ một bài báo nhỏ, tôi cũng thấy lấp lánh sự sắc sảo, tài hoa.

Tôi không còn nhớ quen thân ông từ lúc nào, nhưng dường như vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Ngày đó, cả hai vợ chồng ông còn trong quân đội, 3 đứa con của ông (hai trai, một gái) chưa trưởng thành. Nhà ông ở quận 4 và tôi công tác ở quận 4 nên thường xuyên qua lại. Ngày đầu tập sáng tác, tôi có nhờ ông xem giúp một truyện ngắn. Mấy ngày sau gặp lại, ông khen hay và bốc tôi lên tận mây xanh. Nhưng đã nghe nhiều người nói về ông, nên tôi thành thật thưa rằng, ông cứ nói thật lòng đừng cho trẻ uống nước đường. Ông cười, bảo tôi về nhà suy nghĩ, chọn chuyện viết lách là nghề hay là nghiệp, vì nghề thì có thể bỏ chứ nghiệp thì sẽ theo ta đến cuối đời. Khi nào nghĩ thông thì hãy đến tìm ông. Tuần sau, tôi báo cho ông là nghiệp chứ không phải nghề, bởi tôi rất thích viết và luôn thấy có nhiều đề tài mới lạ. Ông cười tươi và hướng dẫn cho tôi thế nào là chuyện, thế nào là truyện. Ông dặn tôi, hãy viết những gì mình thích, mình yêu chứ đừng viết theo phong trào, đừng vay mượn; viết phải đúng với cái tạng của mình, phải có tư tưởng; chữ nghĩa chỉ là bề nổi của tảng băng...

Khi tôi in được vài ba đầu sách, ông dặn tôi đừng tự huyễn hoặc mình. Ông nói, bọn mình chỉ là con chó bông, chó kiểng. Ngày ngày, người ta tắm rửa, vuốt ve nhưng chớ dại tưởng mình là nhất mà cào cấu, cắn bậy làm cho chủ hoặc người thân yêu của chủ chảy máu là bị... đập đầu ngay. Những lời dặn dò của ông, tôi nhớ đời.

Thấy tôi chịu khó đọc, chịu khó học, ông thích lắm và thường gọi mấy đứa con ra chỉ, cứ như tôi là tấm gương không bằng. Ông nói, nhà văn mà không chịu đọc, không chịu học thì khó đi xa, vì nghề này không có thầy. Cứ đọc, cứ học, cứ viết rồi... trời sẽ thưởng công. Lúc nhà văn Colombia Gabiel Garcia Marquez đoạt Giải Nobel, người đọc Việt Nam cũng thích thú với Ngài đại tá chờ thư, Trăm năm cô đơn... thì ông hỏi tôi biết Marquez là ai không? Tôi nói là nhà văn vừa đoạt Giải Nobel. Ông cười, cho tôi xem bài báo tiếng nước ngoài đã cũ lắm và chỉ tên tác giả là G.G. Marquez. Trong bài báo có nhắc tên ông. Ông nói, ngày ông đi dự đại hội nhà văn trẻ thế giới, thì Marquez chỉ là anh nhà báo làng nhàng, bây giờ là nhà văn đoạt Giải Nobel, còn những nhà văn trẻ thế giới ngày ấy chắc cũng... như ông! Nghề viết nó như vậy. Đó cũng là bài học, tôi không thể nào quên.

Nguyễn Khải là người rất yêu trẻ con và thích... nhiều con. Sau khi vợ chồng tôi có được đứa con rồi những mấy năm không thấy có thêm, ông hết nói với tôi lại nói với vợ tôi cần phải sinh thêm ít ra một đứa nữa. Tết nào, ông cũng lì xì cho thằng con tôi và kèm một bao lì xì cho em. Khi tôi thêm đứa thứ hai thì ông mừng lắm. Theo ông, trẻ con phải có anh có em để biết chia sẻ; nếu không, lớn lên nó sẽ ích kỷ chẳng tốt lắm đâu. Bây giờ ngẫm lại, những lời nói của ông với tôi từ chuyện đời cho đến chuyện viết lách cũng là những phần chìm của tảng băng như những tác phẩm sau này của ông. Nói về thương con, ông cũng là người số một. Hồi người con trai lớn của ông chưa lập gia đình, mỗi lần lên cơn suyễn, dù ở nhà hay đến bệnh viện, tôi cũng thấy ông chăm con như khi con còn tuổi bú mớm. Lúc con gái ông vào cấp 2, được chọn vào đội học sinh giỏi văn, ông đến nhờ tôi xin ra khỏi lớp chọn. Theo ông, con gái đi vào nghiệp văn chương chẳng sung sướng gì, vả lại vào lớp chọn chỉ... nhọc con. Ông lo nhất là cậu trai út, nhưng khi vào đời lại là người thành đạt nhất trong ba anh em.

Khi tôi viết những dòng này, ông đã trở về cát bụi. Nhưng một đời với văn, với xã hội, với gia đình như thế cũng đã là hạnh phúc, và bạn đọc sẽ mãi nhớ về ông - nhà văn Nguyễn Khải!

Nhà văn Nguyễn Khải qua đời

Do tuổi cao và bệnh tim, nhà văn Nguyễn Khải đã qua đời lúc 19 giờ 25 phút ngày 15-1-2008 tại Bệnh viện Nhân dân 115 - TPHCM. Nhà văn Nguyễn Khải, tên khai sinh: Nguyễn Mạnh Khải, sinh ngày 3-12-1930 tại Hà Nội, quê gốc phố Hàng Nâu, TP Nam Định. Ông là một trong những gương mặt nổi bật của thế hệ nhà văn trưởng thành sau cách mạng tháng Tám 1945; đại biểu Quốc hội khóa VII; Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn VN khóa III.

Các tác phẩm chính: Xây dựng (tiểu thuyết, 1951), Xung đột (tiểu thuyết, 1959), Mùa lạc (truyện, 1960)... Gặp gỡ cuối năm (tiểu thuyết, 1982)... Nguyễn Khải nhận nhiều giải thưởng văn học, như: Giải thưởng Văn học Lê Thanh Nghị (Liên khu III, 1951), Giải thưởng Văn nghệ VN (1951-1952), Giải thưởng Hội Nhà văn VN (1982)..., Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt II - 2000). Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Ban Biên tập Báo Người Lao Động xin chia buồn với gia đình nhà văn Nguyễn Khải và Hội Nhà văn VN.

VU GIA

15-01-2008 23:16:43 GMT +7

http://www.nld.com.vn/tintuc/van-hoa/212687.asp

Nguyên Ngọc: Còn nhiều người cầm bút rất có tư cách



(VietNamNet) - Văn học ta không yên đâu. Nó đang quẫy cựa, hình như ngày càng mạnh mẽ, cả quyết liệt hơn nữa, để nói về cái thế giới mà nó biết là không hề đơn nghĩa, tuyến tính, tất định này, và nói cũng bằng một ngôn ngữ đa nghĩa, đối thoại, dân chủ, ngày càng dân chủ hơn. Và như thế là đáng mừng.

Còn nhiều người cầm bút rất có tư cách

Không chỉ là thể loại

Soạn: AM 604997 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nhà văn Nguyên Ngọc.

Câu hỏi đặt ra là: Tiểu thuyết ta đang ở đâu?

Nhưng trước hết, thế nào là tiểu thuyết? Đối tượng ta định nói đến cụ thể là những cái gì? Bởi vì, chẳng hạn những tác phẩm gần đây của Nguyễn Bình Phương, rõ ràng là tiểu thuyết và của một tác giả có lẽ vào loại đáng chú ý nhất hiện nay, thường không dài hơn những cái ta vẫn quen gọi và coi là truyện ngắn bao nhiêu. Còn "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư, đang rất được dư luận chú ý, và công khai được gọi là truyện ngắn, thì lại không ngắn hơn lắm so với các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Vậy cái nào nên coi là truyện ngắn, cái nào là truyện vừa, cái nào là tiểu thuyết? Cái nào là đối tượng của vấn đề ta đang muốn nói đến?

Thực ra, trong "dư luận" vẫn thường gặp trường hợp người ta bảo "cái truyện ngắn này rất tiểu thuyết", "đậm đầy chất tiểu thuyết", còn cái truyện dài kia, dài thế nhưng "chẳng tiểu thuyết tí nào", "rất nhạt tính tiểu thuyết". Và cái cảm giác "đậm, nhạt" đó không phải là không có căn cứ. Tức là quả có một cái gọi là "tính tiểu thuyết", "chất tiểu thuyết". Và tôi nghĩ đó mới chính là điều quan trọng ta cần và muốn nói đến.

Vấn đề này đúng ra không mới. Đặc biệt Milan Kundera, nhà tiểu thuyết nổi tiếng và cũng là nhà lý luận về tiểu thuyết đặc sắc, đã nhiều lần nói đến chuyện này. Theo ông, tiểu thuyết không chỉ là một thể loại (trong các thể loại văn học), mà là một giai đoạn, một cấp độ mới trong tư duy nghệ thuật của con người về thế giới. Tư duy đó xuất hiện và chỉ có thể xuất hiện khi con người bước vào thời kỳ hiện đại, cũng tương tự như trong vật lý vậy, khi vật lý cổ điển được vượt qua và tư duy khoa học đạt được đến tư duy vật lý hiện đại, cụ thể là khi tư duy cơ giới được vượt qua và xuất hiện quan niệm về tính bất định của thế giới. Tiểu thuyết là nghệ thuật về sự bất định của cuộc đời, về sự phi chân lý độc tôn, về tính đa nguyên chân lý của thế giới. Văn học đạt đến tư duy tiểu thuyết là khi nó nó từ bỏ niềm tịn về tuyến tính nhân quả, về tính tất định của cuộc đời, và hiểu ra rằng ở đời có vô số chân lý cùng tồn tại đồng thời, chẳng cái nào "phải" hơn cái nào, chẳng cái nào là chính, là tuyệt đối, tối cao, độc tôn.

Đương nhiên nhận thức đó về sự bất trắc ở đời đã tiềm ẩn từ xa xưa trong nghệ thuật, nhưng trước đây nó chỉ được coi như những tai nạn ngoại lệ lẻ loi. Còn bây giờ đấy là "quy luật phổ biến". Bất định là phổ biến. Tiểu thuyết, nói theo cách nào đó, chính là cuộc dò tìm mãi mãi cái bất định vô tận đó của số kiếp con người. Có một thời kỳ văn học "dạy" cho con người những chân lý tuyệt đối, độc tôn. Còn bây giờ, với tiểu thuyết, văn học nói với con người rằng chẳng hề có chân lý tuyệt đối nào cả, cuộc đời là một mớ chân lý tương đối "mà những con người chia lấy cho nhau" (lời M. Kundera). Và đó chính là văn học hiện đại, đó là văn học đã được hiện đại hoá.

Trên cơ sở một quan niệm như vậy, tôi muốn thử đặt lại câu hỏi đã nêu ở đầu bài này một cách khác: văn học ta đã hiện đại hóa được đến đâu? Đặt và thử xem xét Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tư, Mạc Can, Nguyễn Xuân Khánh, Tạ Duy Anh, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Thuần, Châu Diên, Võ Thị Hảo, Đỗ Hoàng Diệu... (tôi kể một cách ngẫu nhiên, không theo thứ tự nào hết) đang đứng ở chỗ nào trong bối cảnh đó. Tôi cho rằng cách nhìn như vậy có ích hơn, bởi vì nếu văn học phải phát triển thì chính là nó cần phát triển theo hướng đó. Nó biết nhìn cuộc đời, và giúp cho người ta nhìn cuộc đời theo một cách khác hơn, đỡ cơ giới đi, hiện đại hơn, "người" hơn, "đời" hơn. Văn học càng ngày càng chân thật hơn.

Văn học có thể làm gì được cho cuộc đời? Theo tôi, nó chẳng làm được gì to tát lắm đâu, ngoài việc đề nghị với ta một cách nhìn về nhân tình thế thái, đặng mà sống ở đời. Tôi muốn nhìn văn học không phải theo "đề tài" nó đề cập, cũng không phải theo sự đóng góp của nó bao nhiêu vào chuyện chống tiêu cực xã hội, càng không phải theo mức độ tác dụng "giáo dục đạo đức" của nó (như có người đang la ó lên bây giờ sau cái truyện của Đỗ Hoàng Diệu)... Mà là theo sự thay đổi được bao nhiêu, sự chuyển động như thế nào trong cách nó đề nghị nhìn thế giới.

Chuyện "xếp loại"

Một anh bạn tôi, là nhà lý luận văn học, vừa rồi có nói với tôi một nhận xét thú vị: có một cách phân biệt một người viết vẫn "cũ", và một người viết đã "mới": cái mới thì rất khó "xếp loại", thậm chí không xếp loại được. Tôi nghĩ đó là một ý kiến rất tinh tế. Theo tiêu chí đó thì Nguyễn Khải chẳng hạn, vẫn hay đấy, nhưng là cũ rồi. Còn Nguyễn Việt Hà hay Nguyễn Bình Phương chẳng hạn là mới. Có thể xếp loại Nguyễn Khải một cách khá rõ ràng, nhưng xếp loại Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương vào đâu? Chắc sẽ rất lúng túng. Nguyễn Khải rất sâu sắc, sắc sảo nữa, như lâu nay anh vẫn rất sắc sảo, nhưng không khó nhận ra rằng ở anh các giá trị đã được ổn định, các "tiêu chuẩn" ở đời đã cơ bản được định hình và không thay đổi nữa. Còn ở hai tác giả kia, dẫu có khi còn khá vụng về, nhưng họ đang nói về một thế giới giá trị khác, hay đúng hơn, một thế giới mà trong đó, về nguyên tắc, các giá trị không ổn định, chẳng có gì là chắc cả. Thậm chí tác phẩm của họ được xây dựng trên cơ sở quan niệm về sự không ổn định của các giá trị đó. Và đó chính là thế giới chúng ta đang sống, một thế giới biến động. Tác phẩm của họ giúp ta làm quen với thế giới đó, sống được với nó.

Một ví dụ khác: Mấy năm nay chúng ta đều rất thích Nguyễn Ngọc Tư. Cô ấy như một cái cây tự nhiên mọc lên giữa rừng tràm hay rừng nước Nam Bộ vậy, tươi tắn lạ thường, đem đến cho văn học một luồng gió mát rợi, tinh tế mà chân chất, chân chất mà tinh tế, đặc biệt "Nam Bộ" một cách như không, chẳng cần chút cố gắng nào cả như các tác giả Nam Bộ đi trước... Tuy nhiên, thích và phục cô gái tài năng ấy đến thế, ta vẫn thấy cô ấy về cơ bản thuộc về một cái gì đó đã cũ, một thế giới tinh thần và giá trị đã ổn định. Văn cô ấy thật trẻ, nhưng có lẽ nếu muốn xếp loại thì cũng không phải khó lắm. Đã có một thứ thang bậc tương đối ổn định để xếp cây bút này vào đó...

Nhưng đến "Cánh đồng bất tận" gần đây của Nguyễn Ngọc Tư thì bỗng là một Nguyễn Ngọc Tư khác hẳn. Bỗng nhiên không thể xếp loại vào đâu nữa cả. Đặt vào bất cứ ô nào cũng thấy khiên cưỡng. Nghe nói tác phẩm vừa ra, lập tức đã có mấy anh đạo diễn nhanh chân tìm xuống tận Cà Mau mua bản quyền làm phim ngay: Tác phẩm quá đậm chất tiểu thuyết! Nó bày ra đấy một thế giới kỳ lạ, trong đó ai còn lẩn thẩn đi tìm, đi nói chuyện chuẩn mực giá trị gọi là "đạo đức", "đạo lý" này nọ, đều trở thành ngớ ngẩn, vô duyên, thậm chí ngu độn.

Vậy đó thôi, một thế giới rất người, vô cùng là người, đau khổ đến tận cùng, đến mênh mang bất tận, một nổi đau nhân thế, tại ai nhỉ, chẳng tại ai cả, thậm chí kẻ nào ngớ ngẩn đi tìm thủ phạm thì đều là chẳng hiểu gì về cuộc đời này cả. Chẳng có "tiêu cực" nào hết, cũng chẳng tội ở "cơ chế" nào cả. Thế đấy thôi, cuộc đời này. Đã trót làm người thì phải chịu, biết kêu ai! Mà cũng có lẽ cuộc đời này đáng, rất đáng sống chính vì nó là như vậy đấy, hạnh phúc tận cùng ở trong đau khổ tận cùng... Có lẽ trong nhiều năm qua, ít có tác phẩm nào lại nhiều chất tiểu thuyết hơn là cái truyện ngắn này!

Cũng rất khó xếp loại một tác giả khác: Đỗ Hoàng Diệu. Cây bút này suy nghĩ về một thứ "tội tổ tông", mà con người ta vừa căm ghét, vừa sợ, lại vừa không dứt ra được, thậm chí còn bị nó ám ảnh và quyến rũ. Tôi chẳng hề muốn sa vào cuộc tranh cãi với các nhà đạo đức, qua truyện này, đang nghiêm nghị răn dạy mọi người phải học được gì và không được để cho mình bị nhiễm độc gì ở văn học. Cứ để cho họ học vậy và đeo khẩu trang vậy. Còn người đọc bình thường thì chỉ muốn đơn giản một điều: ngẫm nghĩ cùng tác giả. Về những ám ảnh kỳ lạ, "vô lý" nữa, còn đeo đuổi con người chúng ta, không phải chỉ bây giờ (Chẳng lẽ có người còn tin là ở đời này mọi sự đều có lý cả sao?!) ...

Nghĩa là văn học ta không yên đâu. Nó đang quẫy cựa, hình như ngày càng mạnh mẽ, cả quyết liệt hơn nữa, để nói về cái thế giới mà nó biết là không hề đơn nghĩa, tuyến tính, tất định này, và nói cũng bằng một ngôn ngữ đa nghĩa, đối thoại, dân chủ, ngày càng dân chủ hơn. Và như thế là đáng mừng.

Có một hằng số

Mấy năm trước đây, thú thật, đã có lúc tôi hơi bi quan. Tôi sợ tình trạng làng nhàng kéo dài, và trong văn học không gì chán bằng sự làng nhàng. Và dòng chỉ đạo chính thống thì dường như muốn duy trì sự làng nhàng đó, bởi nó đồng nghĩa với yên ổn. Song hóa ra những người cầm bút đã không chịu "yên ổn", làng nhàng. Họ cố gắng làm cái văn học cần làm (và chính vì vậy mà xã hội cần có văn học): lên tiếng nói rằng cuộc sống không hề đơn giản như ta tưởng và như ta được giải thích hàng ngày. Họ soi mói những góc lẩn khuất bất ngờ của cuộc sống, phơi nó ra ánh sáng, buộc ta nhìn thấy và suy nghĩ, lay chuyển sự suy nghĩ của chúng ta.

Hồi sinh thời, Nguyễn Khắc Viện có lần nói một câu nghe hơi lạ: "Nhiệm vụ của kẻ sĩ thời nào cũng vậy, là gây dư luận". "Gây dư luận" trong tư duy của con người, không để cho nó yên. Bởi bản chất của thế giới này là một thế giới không yên. Không tất định, không lường trước được. (Kundera goi đó là "sự hiền minh của lưỡng lự").

Tiểu thuyết đã và đang thay đổi bằng sự thay đổi cách nhìn thế giới, đang hiện đại hóa lên. Bắt đầu, theo tôi, từ Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh, và bây giờ đang tiếp tục với một loạt những cây bút mới có người đã tương đối định hình, có người còn đang trăn trở tìm. Chỉ cần dẹp đi những cản trở thô bạo (và tất nhiên ngu dốt nữa). Tình hình vừa qua và cả hiện nay chứng tỏ rằng có một "hằng số" nào đó cứ âm thầm tồn tại và phát triển, một hằng số tài năng rất đáng để theo dõi và hy vọng. Cái hằng số ấy cứ đi tới bất chấp tất cả, bất chấp sự dửng dưng hay thậm chí hằn học của những ai đó có quyền, bất chấp những "định hướng" và "uốn nắn" vớ vẩn. Nghĩa là còn nhiều người cầm bút rất có tư cách. Và có tài để thể hiện tư cách đó. Và đó là niềm hy vọng của văn học, của tiểu thuyết chúng ta.

Tháng 10/05

Nắng chiều

::: Nguyễn Khải ::::


1. Chị Bơ đã đe tôi:
-Nếu cậu lại đem chuyện của chị với anh ra viết văn viết báo thì đừng có vác mặt đến đây chị chị, em em nữa nhá! Khốn nỗi, cái thằng viết văn lại vốn có tật thích lôi công việc của nhà ra viết. Chuyện hay thì giấu đi, chuyện dở thì phóng đại lên, nên anh em họ hàng phải từ bỏ, vợ con phải giận hờn, bè bạn cũng gớm mặt. Nói tốt về mình là người viết hồi ký. Là người bình thường với cái tâm lý thông thường mượn bút mực để tự khoe. Còn kể xấu mình, tự bới móc mọi thói tật của mình thì đích thực là anh nhà văn rồi. Tại sao thế? Tôi cũng không biết nữa. Có thể là cái nghiệp dĩ của những người cầm bút chăng ? Nhưng lần này tôi viết về bà chị tôi với ông anh rể muộn mằn có khác với những chuyện trước. Lần này tôi chỉ có khoe thôi. Tôi khoe cái hay cái đẹp, cái phúc đức của dòng họ nhà tôi, nếu như đây đó thấp thoáng một nụ cười thì cũng là cái mỉm cười hiền lành, vui một chút, nghịch một chút cho câu chuyện được đậm đà.
2. Tức là chị Bơ tôi bằng lòng đi lấy chồng. Lấy chồng lần thứ nhất và chỉ vừa mới năm nọ. Tôi năm nay đã xấp xỉ sáu mươi tức thì chị tôi không còn trẻ nữa. Năm chị tôi vừa nhận lời xuất giá là vừa tròn bảy chục tuổi. Chị Đại, cũng là một bà chị khác của tôi, là em dâu của ông Nguyễn Thế Truyền, đứng ra mai mối. Trong họ nhà tôi, đàn ông thì hiền lành, nhút nhát, làm gì cũng sợ, chỉ cầu được yên thân, còn phần lớn các bà lại hết sức ghê gớm, ăn nói ghê gớm, hành động táo bạo, còn các trò chơi của mấy bà thì vô cùng quái đản. Chị Đại bảo tôi với cái giọng thản nhiên nhất:
-Chúng tao định gả chồng cho bà Bơ, mày thấy thế nào? Tôi hét lên:
-Sắp xuống lỗ còn đi lấy chồng, các bà tính toán rõ hay!
Chị Đại vẫn nói dửng dưng:
-Chúng mày đều là quân ích kỷ. Chỉ nghĩ tới mình mà không nghĩ đến người. Mày sợ xấu hổ à?
-Chứ lại không, thiên hạ họ biết chuyện phải cười đến vỡ bụng.
-Ai cười mặc kệ họ. Là chuyện hay chuyện tốt chứ có phải là chuyện xấu đâu mà sợ họ cười. Tôi vẫn vùng vằng:
-Chị tính lại đi, không phải chuyện đùa đâu. Vỡ lở ra là tai tiếng lắm. Chị Đại đã hơi cười cười:
-Để tao tính lại nhá. Mấy chục năm nay chị Bơ chỉ ở với gia đình cô Hoàng. Nay gia đình cô ấy đi Pháp rồi thì chị Bơ ở với ai? Hay là xuống ở với vợ chồng mày. Tôi lắc đầu:
-Nhà tôi như trại lính, bà Bơ không chịu xuống đâu. ở nhà chị có được không? Chị Đại vẫn cười:
-Ở thế nào được. Một bà già đã đủ để con cháu nó cằn nhằn rồi, hầu thế nào được cả hai. Tôi bắt đầu phân vân:
-Cũng khó nhỉ, tuổi già ở chòm chõm một mình là nguá lắm, lúc đêm hôm... Chị Đại thủng thẳng tính:
-ở một mình cũng vẫn được, nhưng đêm phải có người đến cùng ngủ. Mày hoặc vợ mày, hoặc con mày phải thay nhau mà đến, lúc khỏe không đến cũng được, nhưng lúc ốm đau là phải đến. Sự phản đối của tôi đã bớt hăng hái đến già nửa vì cái viễn cảnh phải cắt phiên nhau xuống ở với bà Bơ. Là mẹ thì buộc phải đến rồi, không thích không vui cũng phải đến. Nhưng là chị, lại là chị họ cũng phiền nhỉ...à, thế mà khó giải quyết đây. Nói gì thì nói, cách tính toán của chị Đại là hết sức thiết thực. Nhân nghĩa hão, sĩ diện dởm, người khổ càng khổ hơn vì có ai chịu đưa tay cho kẻ bất hạnh víu lấy đâu. Trong họ nhà tôi có nhiều bà đẹp đẽ hẳn hoi, làm phu nhân cũng còn được huống hồ làm vợ, làm mẹ như mọi người mà đành chịu cảnh phòng không chỉ vì những tính toán chẳng đâu vào đâu của các bậc cha mẹ. Thời Mỹ lại chỉ đòi gả con cho những gia đình quan lại, môn đăng hộ đối, là dở hơi hết sức. Đi làm dâu những gia đình đã tàn lụi, với những bà mẹ chồng hút thuốc sâu kèn, nói năng đài các nhưng không một xu dính túi, những ông chồng quen thói ăn chơi nhưng chẳng có nghề ngỗng gì, ra thở vào than vì thời thế đã đổi thay, thì còn khổ cực nhục nhã hơn con ở.
Thà ở vậy mà hoá hay. Chị Bơ tôi sở dĩ muộn chồng vì cả một thời son trẻ chả ai để ý đến chị cả. Là con ông bác họ lên ở với chú thím với các em, tiếng là người trong gia đình nhà quan, nhưng cô cháu nghèo làm sao dám so bì với các bà em phú quý. Đã nghèo lại không được đẹp, lại ăn mặc xuềnh xoàng, nói năng rất ít, luôn luôn xuất hiện ở phía sau, là người rất cần thiết cho mọi người nhưng vẫn bị mọi người quên bỏ. Chị bị bỏ quên cũng vì chị không bao giờ đòi, chị cam phận, lại tự khép mình vào cái khuôn khổ lễ giáo đã không còn mấy ai theo nữa. Các bà chị con ông bác tôi vẫn chê chị Bơ là người cổ mà, trời đất ơi, đã nghèo lại còn cổ thì coi như số phận đã được an bài rồi.
3. Cái chuyện vui nhất lúc tuổi đã xế chiều của bà chị tôi được bắt đầu như sau: Cách đây khoảng bảy tám năm, một bà chị khác lập nghiệp ở xứ Bờ Biển Ngà có làm giấy bảo lãnh cho chị Bơ sang ở bên đó. Hai bà vốn hợp tính nhau từ thời con gái, đều là những tín đồ rất nết na của đạo Phật, có ăn ở với nhau ít năm cuối chắc là cũng êm ấm. Đã nghĩ mọi việc xong xuôi chỉ còn đợi ngày đi thì bà bên kia lại viết thư về báo hoãn, vì nghe đâu chính phủ bên ấy sẽ thay đổi, sẽ đỏ hẳn nên vợ chồng phải di chuyển cơ nghiệp sang Pháp. Nói vậy thì biết vậy, chứ cái gì sau đó thì ai mà chả biết. Chị Đại phàn nàn với tôi: "Bà Bơ tuổi Sửu, cái số ấy là vất vả lắm, một đời hầu hạ các ông em bà em, rút lại tay trắng". Xưa nay chị Bơ chỉ biết sống cho các em, dựa dẫm vào các em vui buồn hộ mọi người, nay các em kéo nhau đi tuốt tuột, còn trơ lại có một mình, ăn không ra bữa, ngủ không ra giấc, chẳng có cái gì riêng để mà lo mà buồn, đi lại như cái bóng, va vào góc này, đụng vào góc kia của hai căn buồng vừa ẩm vừa tối nghĩ thật tội. Ai cũng là than thở là thật tội mà không một ai mở miệng mời bà chị nhất họ tới ở nhà mình để tiện bề chăm sóc, vợ chồng tôi cũng thế. Lúc khoẻ đã vậy, lúc ốm thì sao, ốm một trận rồi chết cũng đã vất vả, lại ốm đến vài năm mới thật rầy rà. Cũng may trong họ còn có chị Đại. Chị có quyền la mắng tất cả mà không ai dám giận vì chị ăn ở rất thật lòng, lại rất thạo việc. Việc người sống và người chết của cả một họ mà không có chị dúng tay vào là y như bê bết. Nói cho đúng, chị cũng không dúng tay vào, một ngón tay cũng không đụng đậy, mà chỉ dùng miệng thôi. Tính giùm thôi. Cái việc này thì thủ tục phải như này, sự chi tiêu phải như thế này, và chị cắt đặt luôn, một lũ con cháu và kẻ ăn người làm cứ thế mà chạy.
Và chị đã lặng lẽ đảo ngược cái vận số của chị Bơ bằng một bài toán đến thần tình. Số là, cách đây nửa thế kỷ, có một anh thanh niên con nhà nghèo nhưng rất đẹp trai và học cũng giỏi, vừa đỗ bằng thành chung xong, tới gia đình ông bác tôi làm người kèm học cho mấy ông anh còn nhỏ tuổi. Người ra mở cửa đóng cửa cho thầy giáo trẻ là chị Bơ, năm đó cũng khoảng mười tám đôi mươi. Đi lại được vài năm thì anh giáo trẻ ngỏ lời xin được cưới chị Bơ, vì anh đã tìm được việc làm ở một nhà thương nào đó. Vậy là cả nhà cười, cười lăn cười lộn. Là cười cái táo tợn của một thằng con trai chẳng biết trời cao đất dầy gì, mới dám mở mồm đòi làm rể cụ Thượng. Cháu cũng như con, phải tìm cửa tương xứng để gạ bán chứ. Người con trai vì xấu hổ, vì giận thân không đến nữa. Vậy là thôi.
Theo chị Đại, hình như chỉ có một lần ấy, cái lần duá nhất ấy, có một người đàn ông để ý đến chị Bơ, quý mến cái dịu dàng, cái lặng lẽ, cái đảm đang của chị và mong mỏi được mời chị về sống với nhà mình. Rồi anh ta lấy vợ, đẻ một bầy con, rồi góa vợ và lấy một đời vợ nữa, lại thêm mấy đứa con và góa vợ lần thứ hai. Người đàn ông có cái số phận vất vả ấy là Phúc, cái năm bắt đầu câu chuyện cảm động này đã bảy mươi mốt tuổi, hơn bà chị tôi một tuổi. Tôi cũng chưa rõ, do một tình cờ nào mà chị Đại được biết ông Phúc sắp đi Pháp theo giấy bảo lãnh của con. Cái kế hoạch đầy tính nhân đạo và thực tế của chị lập tức hình thành và lập tức chuyển động. Chị nhờ một cô cháu có quan hệ họ hàng với ông Phúc đến bàn với ông, bằng cách nào đó có thể đưa chị Bơ đi, sang tới Pháp các bà em sẽ đón chị về nhà họ, vì anh em không có quyền đứng ra bảo lãnh nhập cảnh. ông Phúc bằng lòng ngay và nói thêm: "Nhưng tôi phải làm giấy giá thú mới hợp lệ!" Chị Đại trả lời liền, giá thú thì giá thú, sang tới Pháp thì hết giá trị, mà cũng chẳng cần làm giấy lá hôn, còn lấy được ai nữa mà làm giấy lá hôn. Tôi hỏi chị Đại:
-Lần đầu chị bàn với chị Bơ cái chuyện này, chị Bơ bảo sao? Chị Đại cười:
-Giẫy nẩy lên như đỉa phải vôi. Mặt mũi đỏ nhừ đỏ tử. Gái chưa chồng nói chuyện hôn nhân ai chả thế. Tôi cũng phì cười:
-Cái bà này có những sáng kiến đến quái đản! Chị Đại lườm nhẹ tôi, nói đay:
-Nếu mày không thích thì mày mời bà ấy về ở nhà mày. Cho tao được rảnh nợ. Tôi nín lặng. Chị Đại nói tiếp:
-Bà ấy chửi tao một lúc rồi ngồi im. Tao chỉ hỏi lại có một câu: tùy bà, nếu bà không bằng lòng thì bảo tôi để tôi còn có lời nói lại.
-Chị Bơ bảo sao?
-Còn bảo sao nữa? Bảo là tùy cô, cô muốn làm gì thì làm chứ tôi không biết.
-Vậy là xong à?
-Xong chứ, người ta vẫn còn vương vất cái tình cũ mới đưa vai ra gánh lấy, chứ vui vẻ quái gì.
4. Vậy là chị tôi đi lấy chồng, nói cho đúng là giả đò lấy chồng, về danh nghĩa vẫn có giấy giá thú, nhưng ông ở nhà ông, bà ở nhà bà, cơm ai nấy ăn, giường ai nấy nằm, không có gì khác trước. Chị Đại với chị Hoàng là hai bà hay nói tục nhất họ, nói những chuyện đến các em và con cháu ngồi nghe cũng phải đỏ mặt, nên chị Đại cũng có lời bình luận về sự ở riêng này, chị nói tục lắm, tôi không tiện viết ra đây. Tôi có nghe nói bữa hai ông bà dắt tay nhau ra phường đăng ký hôn thú, cô uỷ viên thư ký phường hỏi bà cụ theo đúng thủ tục: "Thưa bác, bác kết hôn lần này là lần thứ mấy?" Bà cụ cúi gằm mặt không dám trả lời, ông cụ phải nói thay: "Lần thứ nhất". Lấy chồng lần thứ nhất mà không có chạm ngõ, không ăn hỏi, không cưới xin gì cả, đến bữa cơm thân mật trong gia đình cũng phải hai tháng sau mới dám làm, nghĩ cũng tội. Mà là con cháu nhà quan hẳn hoi. Tháng đầu chị tôi đi lấy chồng, tôi không dám lại thăm. Sợ chị tôi ngượng. Nhưng tôi vẫn thấp thỏm đợi cái bữa ăn mà bà chị tôi và ông anh sẽ mời. Nói cho thật, không phải vì miếng ăn mà muốn đến "quan sát" một chút. Chắc là bà chị tôi cũng biết thế nên nhất định bà không mời cái thằng em mất nết, chuyện bố mẹ nó nó còn chẳng tha huống hồ chuyện của các bà chị.
Chị Đại gọi bữa cơm đó là bữa cơm đoàn kết, cái từ cách mạng dùng vào trường hợp này thì thật là khéo quá. Chứ còn biết gọi gì khác. Sau bữa cơm hai họ chừng vài ngày, bà Bơ cũng làm một bữa cơm thân mật chỉ mời riêng có ông Phúc và mấy người con của ông lại ăn thôi. Bà lão nấu ngon quá, nghề riêng mà, nên chỉ mấy ngày sau ông lão lại mò đến xin ăn một bữa nữa. Rồi ngày nào cũng đến đòi ăn, ăn bữa trưa. Rồi ăn cả bữa tối. Rồi đòi ngủ lại, vì say quá, vì trời tối quá, thiếu gì lý do xin được ngủ lại của một ông già đang ngất ngây trước hạnh phúc mới. Tôi toét miệng cười. Chị Đại trợn mắt nhìn tôi, quát to: "Thằng mất dạy! Mày nghĩ gì mà lại cười, hả!"
5. Phải hơn hai tháng sau tôi mới được gặp cả hai vợ chồng bà Bơ. Là nhân ngày giỗ của ông nội tôi, tức ông ngoại bà Đại, ông chú bà Bơ, tại nhà ông anh trưởng họ. Bà đến trước đã cả giờ rồi mới thấy ông đến. Chả ai chào ai, cứ như người dưng. Tuy ông Phúc đã ngoài bảy chục tuổi nhưng còn đẹp lão lắm, vóc dáng cân đối, đi lại nhanh nhẹn, cái miệng và con mắt của ông già khi cười nói còn rất là lẳng. Đàn ông như thế nếu muốn lấy một bà trong ngoài bốn mươi chả có gì là khó. Lại có tiền nữa. Quả tình ông ấy đối với bà chị tôi vẫn còn vướng vất phần nào cái hương vị của mối tình đầu. Là vẫn không ngớt nghĩ về nhau, nghĩ về một cô gái nhút nhát, lặng lẽ, có thể làm người vợ hiền, người mẹ đảm không ngờ số phận lại hẩm hưu đến thế. Khi ấy ông chưa đến, chị Đại có hỏi bà Bơ: "Bà đã dặn kỹ địa chỉ chưa? Nhà trong hẻm, lối đi lắt léo khó tìm lắm". Bà Bơ trả lời ngắn gọn: "Đã bảo rồi".
Chị Đại lại nói: “ông ấy vẫn đi xe đạp à? Đừng có ỷ y vào sức khỏe, ngã chết có ngày". Vẫn trả lời rất ngắn gọn: "Nói mãi nhưng không nghe". Tôi nghiêm mặt cười mủm mỉm, vì chợt nghĩ cách xưng hô của những cặp vợ chồng trẻ mới cưới cái thời còn đánh Pháp. Vào bữa ăn tôi được xếp ngồi cạnh bà Bơ và ông chồng. Bà Đại ngồi đối diện với ông trưởng họ. ông trưởng họ là người hết sức thật thà, có nghề xem tử vi và tướng mặt, nghe ông ấy nói về vận số ai cũng vừa lòng, vì mọi cái xui xẻo đã thuộc về năm qua tháng qua, còn tháng tới và năm tới chỉ gặp toàn những may mắn. ông trưởng họ ngắm nhìn bà Bơ rồi tán: "Khí sắc chị Bơ rất vượng, năm tới là nhiều chuyện vui lắm". Bà Đại buông một câu, nghe muốn nổi da gà: "Năm tới bà Bơ có tin vui hả?" Cả mọi người đều cúi mặt, không ai dám nhếch môi.
Mặt bà Bơ tái đi, còn ông chồng quay lại nhòm vợ rồi cười hề hề. Cái giống đàn ông thật tệ quá! ông trưởng họ vẫn tiếp tục tán tụng bà chị hết sức hồn nhiên: "Chị dạo này trông đẹp hẳn ra!". Rõ nỡm! Khen một bà lão đẹp ra, vậy mà cũng đòi làm thầy tướng số! Lại bà Đại bình luận: "Cái đó hẳn rồi khỏi cần cậu phải nói". Tất nhiên tôi phải tế nhị hơn ông trưởng họ, nên tôi không nói gì cả, cũng không nhìn chăm chú vào một ai, chỉ lắng nghe và thoáng nhìn thôi. Tôi để ý thấy chị Bơ vẹo cổ tay cầm đôi đũa của ông chồng lấy giấy bản lau qua một lượt, rồi lại lau qua cái bát ăn. Chị không nói một lời và mắt vẫn nhìn thẳng. Lúc ăn cơm, chị gắp một miếng thịt gà, dùng tay lọc xương ra, lại xé thịt cho nhỏ, rồi gắp vào bát của chồng. Cái ông chồng đến là nhõng nhẽo, chỉ đợi vợ gắp thức ăn, cho gì ăn nấy, không tự đụng đũa vào bất cứ món nào khác. Chị Đại nhận thấy ngay, chị quát lên: "Cái ông này đại lãn nhỉ, mắt bà ấy đã lòa dở, không hầu vợ thì thôi lại bắt vợ phải hầu mình". ông chồng lại há mồm ra cười, hàm răng giả thật đều và thật trắng. Cuối bữa ăn, chủ nhà đưa cho mỗi người một cái khăn tay dấp nước nóng. ông Phúc mở khăn lau mặt rồi đưa cho vợ. Bà vợ cầm lấy khăn lau dở của chồng lau luôn mặt mình. Tôi cúi mặt xuống, sống mũi cay sè, chỉ muốn nhỏ ra mấy giọt nước mắt của yêu thương.
6. Lấy chồng được nửa năm thì chị Bơ phải đi mổ mắt. Một mắt bên phải mờ hẳn đi như có màng kéo, bác sĩ bảo phải mổ. Chị đến nằm ở nhà thương Điện Biên Phủ, cô gái út của ông chồng xách hai túi to vừa quần áo vừa đồ dùng vặt vãnh theo mẹ kế cùng vào bệnh viện. Mẹ nằm trên giường, cô con chồng trải mảnh ni lông nằm dưới chân giường, mà là con gái nhà giàu, là tiểu thư. Anh trai và chị dâu thì phóng xe máy đưa cơm ngày hai buổi, rồi bón cơm cho mẹ, ép mẹ ăn từng thìa, tiền tiêu như nước. Bữa tối tới thăm chị Bơ, chị đã được tháo băng mắt, nhưng phải mang kính, nhìn mọi thứ vẫn còn mờ mịt. Chị em trò chuyện được một lúc thì ông Phúc tới. Bà đi bệnh viện được vài ngày thì ông ở nhà bị vấp ngã. Ngã nhẹ thôi nhưng đi lại đã phải dựa vào cây gậy. ông chống gậy lò dò bước vào, cô con gái vội kéo ghế mời bố ngồi cạnh giường mẹ. ông kẹp cây gậy trong đùi, đưa tay nắm lấy bàn tay gầy guộc của bà vợ, hỏi nhỏ nhẹ: "Đêm qua bà có ngủ được không? Con mắt mổ còn nhức không?" Bà Bơ trả lời "Thưa, đỡ nhiều ạ, đêm qua chỉ thức có một lần thôi". Con gái nói thêm: "Đêm qua mẹ ngủ say lắm, trưa nay mẹ dùng cơm cũng đã trên lưng bát". Bà Bơ vẫn để ông lão nắm lấy tay mình, than thở: "Thưa, con mắt tuy đã lành, nhưng cái nhìn còn kém lắm, chỉ sợ nó kém mãi thì không làm gì được, ông lại vất vả". Một bà nằm giường bên, cũng ngồi gần đó, bắt chuyện: "Cụ bà cứ sợ con mắt bị hỏng, con cháu phải hầu, thêm bận họ ra". ông Phúc nói rất to: "Bà nhà tôi cứ hay nghĩ quẩn, mình phải hầu hạ chúng nó cả một đời, nay chúng nó phải hầu mình cũng chỉ vài năm chứ mấy. Chả là cái tuổi của chúng tôi cũng sắp được hầu hạ các cụ tôi rồi". Tôi nghe ông anh rể nói chỉ muốn bật kêu lên: "Anh ơi, anh là người đàn ông chung tình nhất. ước gì bọn em được tốt như các anh".
7. Bà Bơ ở bệnh viện về được vài tháng, con mắt bị mổ sáng lại dần, bà lại đi chợ, lại nấu cơm ngày ba bữa hầu ông, thì ông chồng lại ngã lần thứ hai. Là do ông vẫn đi xe đạp, cái chân đau vừa khỏi lại nhảy lên xe liền, rồi vấp té, tuổi già té xe đâu phải là chuyện nhỏ, nhưng ông lão khoẻ chỉ nằm bệnh viện có mấy ngày, các khớp xương đã hết sưng nhưng phải nằm, như người liệt. Tôi đến thăm thấy ông nằm đọc sách, chăn nệm trắng tinh, vẻ mặt thoả mãn như rất bằng lòng với số phận. Chỗ ông nằm cực kỳ sạch sẽ nhưng cái chỗ của bà nằm bừa bộn như cái bếp. Đúng là cái bếp thật với đủ thứ dụng cụ phức tạp để phục vụ cho cái ăn của người nằm ở phòng trong. Mà hầu hạ một cách tươi vui, như được dịp báo đáp một ân nghĩa rất khó trả. Lần nào tôi đến thăm, chị cũng bảo: "Anh vừa nhắc đến cậu, cứ thấp thỏm đã lâu không thấy cậu đến", rồi bắt ở lại dùng cơm với anh, "Anh ăn một mình buồn lắm". Bữa cơm hàng ngày do chị tôi nấu vẫn rất ngon, nấu ngon hơn nhiều bà vợ. Miếng bít tết thật mềm, bát canh cá dưa thật ngọt, đến đĩa dưa đĩa cà muối cũng thơm ngon lạ thường. Lần nào ngồi vào ăn tôi cũng hỏi: "Thế chúng nó đâu cả?". "Chúng nó" không phải là người của gia đình nhà gái. Không có người nào bên họ nhà gái tới hầu hai ông bà những lần ốm đau, đến thăm thì có, mồm mép đỡ tay chân thì có. "Chúng nó" đây là chỉ mấy người con và cháu của ông anh rể tôi thôi, nhưng gọi thế cho nó thân, vừa thân lại vừa khéo, là không phân biệt con ông hay con bà, là con của cả ông và bà. ông anh rể như có biết cái ý tứ ấy nên ông trả lời: "Cậu tính, bây giờ chỉ có hai vợ chồng già hầu nhau chứ trông cậy thế nào được bọn nó. Tôi đau thì bà hầu tôi, bà đau thì tôi hầu bà. Nói dại, bây giờ bà nhà tôi cũng đau nốt, thì tôi phải tự bò ra bếp nấu cháo nấu cơm chứ còn biết gọi ai". Chắc không chỉ là một câu nói nịnh mà còn là cái tình thực.
Bao giờ ông anh tôi nói tôi đều muốn ứa nước mắt cả.
8. Ông anh rể tôi hóa ra phải nằm thật, nằm ở nhà bà vợ vì ông đã quyết định về ở hẳn với bà. Có một lần tôi than thở với chị Đại về cái nghiệp báo nặng nề của chị Bơ một đời người vất vả, đã nghĩ về già được thảnh thơi chút ít lại lẩm cẩm đi rước một người đàn ông xa lạ về hầu, cái số kiếp gì lại đen đủi đến thế. Chị Đại quắc mắt nạt nộ ngay, theo chị hai năm qua là quãng đời đẹp nhất của bà Bơ, được hai năm ấy rồi chết cũng thỏa. Tôi vẫn nhăn răng ra cười, hơn bẩy chục tuổi đầu vẫn phải đi chợ, phải nấu ăn ngày ba bốn bữa, thi thoảng có tạt qua các em, ngồi chưa nóng chỗ đã láo liên đòi về "vì anh ở nhà có một mình", ngày không được nghỉ mà đêm cũng chẳng đẫy giấc, sống như thế lại bảo là rất thoả, có mà điên. Chị Đại nhìn tôi một cách rất khinh bỉ rồi giảng giải:
-Một đời bà Bơ có cái gì là riêng mình đâu, đến một thằng đàn ông của riêng mình cũng không có. Bây giờ bà ấy đã có một ông chồng, là của riêng bà ấy, là mon homme,là ông nhà tôi, ông xã nhà tôi, nó vui lắm, hãnh diện lắm, không nói ra nhưng cứ nhìn mặt là tao biết. Hầu hạ một ông già nửa liệt nửa què mà mặt tươi hơn hớn như người vừa bắt được của, mắt mày mù hay sao mà không nhận ra? Còn tao ấy à, tao lại khác, tao lấy chồng từ năm mới mười bẩy tuổi, ăn ở với nhau trên năm chục năm mới dứt được cái nợ đời. ở với nhau lâu quá tức là nợ, hầu một thằng đàn ông trên nửa thế kỷ lắm lúc muốn phát điên lên, nó chán quá, nhàm quá, ngày nào cũng làm từng ấy việc, nói từng ấy câu, giận hờn nhau cũng là trong bài bản đã quen thuộc. Chán muốn chết! Nên đã có lần tao đi mẹ nó sang Mỹ, ở cả năm với con gái và con rể, trông con cho chúng nó, để cho đời nó khỏi nhàm. ồ, lại ra là thế! Hình như là thế thật vì có thấy chị Bơ tôi phàn nàn gì về những vất vả của chị đâu, mà lại còn vui lắm, lại chẳng ốm đau gì, cứ khoẻ re, mắt như sáng dần, đi lại phăm phăm, nói năng cũng nhiều hơn và hoạt bát tinh tường hẳn. Cái sức mạnh thầm kín nào đã khiến một bà lão trẻ hẳn lại, vui hẳn lại có vẻ ham sống hơn trước, còn dám tính toán cả những chuyện của tương lai? Là tình yêu chăng? Này, các bạn trẻ, các bạn chớ vội cười, các bạn chớ có nghĩ một cách tự phụ rằng chỉ ở lứa tuổi của các bạn mới biết mãnh lực của tình yêu. Không nên chủ quan như thế! Các bà nội cũng vẫn có, nếu như cái ma lực ấy các cụ không tiêu xài quá phung phí lúc thiếu thời.
9. Trong số các bà chị và các ông anh đang sống ở thành phố, tôi rất thích đến thăm và tán chuyện với chị Bơ và ông chồng rất tốt bụng của chị. Cũng như trước đây tôi đã nghiền đến chơi với chị Hoàng, dầu rằng mỗi lần gặp, chị đều trêu trọc tôi, chửi thẳng chửi xéo tôi vì tôi là thằng cộng sản rắn mặt như lời đồn đại trong họ. Chị chửi tôi nhưng chị chửi có duyên quá nên tôi vẫn năng đến. Đến với chị Bơ tôi lại có một nhu cầu khác. Tôi lặng lẽ ngắm nghía ông anh rể ngồi lom khom trên ghế, cây gậy kẹp trong đùi, vừa nhìn vợ làm cơm, vừa kể chuyện Đông Tây kim cổ, chuyện vui mà cả chuyện buồn, giọng kể ngọt ngào, âu yếm, còn bà vợ chạy lui chạy tới, quay trước quay sau, hai bàn tay không lúc nào ngưng nghỉ, chốc chốc lại quay trở lại phía chồng, hỏi một cách ngây thơ, một cách nũng nịu: "Lại ra thế hả ông?", "Con người đẹp thế, tốt thế lại phận bạc ông nhỉ? " ăn cơm xong, ông ngồi hút thuốc lá, bà ngồi sát cạnh, đặt bàn tay gầy guộc nhăn nheo lên đùi chồng, ông chồng nắm chặt lấy bàn tay ấy, nắm bóp các ngón và trò chuyện với tôi, thỉnh thoảng lại hỏi vợ: "Ngón tay bà sao lạnh thế, lòng bàn tay cũng lạnh, bà đưa hộp dầu tôi xoa cho". Lạy trời cho anh chị tôi được sống thêm mươi năm nữa, cho đời thêm ấm áp, thêm đẹp. Và tôi thầm cảm ơn chị Đại, một bà chị hễ mở miệng nói là ai cũng ngán nhưng ai cũng thương vì khẩu xà mà tâm Phật. Chỉ có cái tâm tốt của con người mới làm nẩy nở được những cái mầm yêu thương đang bị thui héo ở đâu đó.


Ngày 27/11/89

http://vanhoc.datviet.com/thuvien/truyen/truyen.asp?id=16642&dang=uni&cochu=10

Nguyễn Khải, nhà văn lớn



Nguyễn Chí Trung

Ảnh: Nguyễn Trọng Tín

Có người nói quê Nguyễn Khải ở phố Hàng Nâu, Nam Định. Có người lại nói anh sinh ra tại Hà Nội, cha đẻ của anh gốc Thanh Hóa. Nhưng anh không lấy quê cha, cũng không lấy Nam Định và Hà Nội làm quê quán. Trong lý lịch văn học của anh, anh ghi quê quán là Hưng Yên.

Hưng Yên chính là quê mẹ, mẹ anh là vợ lẽ của một ông quan tri huyện. Tôi không hỏi, và cũng không tiện hỏi hồi ấy có cưới xin hay không. Cha mẹ anh lấy nhau rồi sau đó, năm 1946, bỏ nhau. Mẹ anh bế đứa em trai mới đẻ lên Hà Nội ở nhờ bà ngoại. Còn cha anh và gia đình ông thì đi Nam.

Con đường dẫn anh vào văn chương có lẽ từ ngày đó, từ ngày anh có một thân phận riêng trong thân phận chung của dân tộc, có cái khổ riêng, cái buồn riêng, cái ao ước riêng, chả ai giống ai, có cách chịu đựng riêng, cách tồn tại riêng bằng hy vọng và hy sinh trong một thời mà những tiếng động long trời lở đất, tiếng động của thời thế, qua cuộc sống xã hội va đập vào lòng người từ sáng đến tối.

Anh lớn lên trong cái riêng đó, dù cái riêng đó, anh không được tự mình chọn lựa lúc oa oa chào đời.

Trong một truyện ngắn, anh khắc họa lại một nguyên mẫu, đó là ông thư ký già của một trạm máy kéo ở Đồng Tháp Mười, ông thư ký già ấy lom khom đi lại ngoài hè, có gọi ông mới dám vào. Mọi người cầm bát thì ông mới cầm, mọi người gắp thức ăn thì ông mới gắp theo, nhai nhỏ nhẻ, mắt nhìn xuống, tội nghiệp quá, như người ở đậu, sống nhờ, ăn nhờ, vui thì họ nuôi, không vui thì họ đuổi.

Nguyễn Khải nhìn mãi ông thư ký già mà đoán định, đoán định thân phận một con người, qua thân phận của chính anh. Anh kể lại rằng: thuở mới lớn, mẹ con anh đã từng ăn nhờ, ở nhờ, nhìn người khác mà nói cười, tối ngày chỉ lo họ sẽ tìm cách đuổi mình đi. Cái mặt người luôn sợ bị người khác đuổi hết sức giống nhau, nhìn thoáng là biết vì nó tội nghiệp lắm. Anh nhìn ông già khốn khổ ngồi ăn, gắp dón dén mà nước mắt chỉ muốn ứa ra, trong miếng cơm như có vị nhạt của nước mắt năm nào.

Hồi lên chín, lên mười, anh về Hà Nội. Một buổi sáng, anh nhìn thấy một ông lão ngồi tựa lưng vào gốc cây bàng trước cửa nhà, đặt ngửa nón, trong nón có một nắm cơm và một búi rau muống luộc. Ông lão bẻ nắm cơm nhai rồi ngắt từng sợi rau cho thật ngắn, cuốn chặt lại chấm muối ăn tiếp. Nhưng ông không thể nuốt được, cổ ông cứ vươn dài, lắc qua trái, lắc qua phải như cổ ngan cổ ngỗng gì đó, như người mắc nghẹn.

Khi đói cồn cào trong nghèo khổ, hình thức ăn không còn là “hình thức người” nữa.

Ngoài bãi Phúc Xá mà gia đình anh ở sau ngày giải phóng Thủ đô có vợ chồng một đồng chí trung tá, đồng chí ấy bị xuất huyết não khi cơ quan đi sơ tán, nằm liệt nửa năm rồi mất. Thằng con trai sau khi bố chết, bỗng nhiên loạn trí, xé quần, xé áo, khóc cười hò hét từ sáng đến đêm, chị vợ tả tơi như nắm giẻ, cứ quay tròn quanh thằng con trai suốt năm, sáu năm.

Anh đã trò chuyện với chị ấy, và cũng đã kể cho tôi nghe về chị ấy, về nỗi khổ của người ở bãi Phúc Xá, lắm ruồi. Chị ấy nói với anh rằng: chị lo nhất là phải chết trước thằng con đã thành điên dại. Ai cho nó ăn lúc đói khát. Lúc chết, chết dờ, chết giập đâu đó, người ta lại bó chiếu vùi nông.

Chị ấy khổ từ trẻ đến già, nhưng lúc nào cũng cười, buồn nẫu ruột mà nét mặt vẫn tươi.

Nguyễn Khải gặp một tù nhân mới ngoài hai mươi tuổi, phạm tội giết bố bằng rìu. Ông bố nghiện rượu, chửi con rồi đuổi đánh. Đứa con chạy nhưng sợ bố trượt ngã nên đứng lại, tay vẫn cầm cái rìu bổ củi. Ông bố lao đến cầm gậy vụt, thằng con giơ rìu ra đỡ, bất ngờ ông bố trượt ngã va mạnh vào lưỡi rìu. Ông bố chết. Người con ôm lấy cái đầu đầy máu thét lên: “Mẹ ơi, con giết bố rồi!”.

Chàng thanh niên tù nhân ấy có một gương mặt thật là đẹp, có cái nhìn sâu thẳm và u buồn.

Anh đã uống nước trà chén và nói chuyện với một bà lão, sáng nào cũng đi nhặt hoa đại trước phố Lý Nam Đế. Đến trưa, bà tãi hoa phơi ở đoạn đường Phan Đình Phùng cắt ngang đường Phùng Hưng. Bà già cần mẫn ấy có sáu người con, cả dâu lẫn rể, nhưng bà không chịu ở với ai, không cậy ai cả, lo liệu lấy một mình.

Trong câu chuyện với bà già, anh nghĩ đến mẹ, anh vẫn thường nhớ mẹ, người mẹ có nỗi đau riêng mà anh chưa bao giờ có thể hiểu đặng chiều sâu thẳm thẳm của nó, mẹ anh cùng một tuổi với bà già, Quý Mão. Và xa hơn, anh nhớ đến bà ngoại. Bà ngoại cũng không chịu ở với đứa con nào lâu quá một năm. Rồi, bà ngoại bỗng chết, vật vã suốt một đêm mới “đi”.

Anh đau buồn, như mọi sự đau buồn có thật trên đời, khi về thăm lại Đằng Châu, quê hương người cấp dưỡng tên Khoa của trung đội thuở anh mới tòng quân. Hỏi Ủy ban, hỏi các cụ, chả ai biết ông Khoa là người nào. Anh thảng thốt: hỡi ôi, người thì mất rồi, mộ cũng không còn, tên cũng không còn, cái còn chỉ còn trong anh, là cách nghĩ buồn bã của anh về những con người làm những công việc nhỏ mọn, lặng lẽ, vô danh, bị đời lãng quên ngay chính trên quê hương mình.

Nguyễn Khải bộc bạch rằng: anh bước vào nghề văn chương gần như tay trắng, học vấn thì thấp, có thể nói dấn thân vào công việc thuộc về trí tuệ chỉ bằng sự đam mê.

Nhưng sự đam mê nào?

Nói cho cùng, chỉ có thể trở thành nhà văn khi nhà văn ấy từng trải một thân phận: - Đành rằng ai chẳng có một thân phận. - Nhưng thân phận nói ở đây là cay đắng, đớn đau, tủi hận, nghèo quẫn, gập ghềnh và khúc khuỷu, khao khát vươn tới cái phải sống, cái đáng sống, để có một thế giới tinh thần riêng biệt tự lập mà tồn tại, giữa cái đương thời ồn ã, náo nhiệt, quay cuồng, xô đẩy con người ngả nghiêng, lúc sang bên này, lúc sang bên kia, mà lại tìm được một cách tư duy riêng, một cách viết riêng, để được là chính mình, trân trọng mọi thứ chỉ thuộc về riêng mình. Chỉ con người “có thân phận” mới cảm ai được “thân phận của con người”.

Cái riêng ấy làm cho anh rất yêu cái mẫu người riêng mà anh yêu, những gương mặt phong trần, khắc khổ, cái nhìn vừa quyết liệt vừa u ám, cái cười vừa thách thức vừa buồn bã vô kể. Những con người mà văn chương mãi mãi không thể đụng chạm đến các ngóc ngách sâu mút của con người.

Nguyễn Khải không thích những loại người, nhìn vào cái mặt của họ đã không thích rồi, nó tràn ngập sự hể hả, mãn nguyện, cười to, nói lớn, mắt long lanh, răng trắng nhởn như một con thú vừa được chén một bữa no nê thịt của đồng loại.

Nguyễn Khải là nhà văn của những con người xã hội. Anh yêu những con người xã hội. Không có sự hư cấu nào bắt đầu từ trống không. Anh say mê viết về họ, những kiếp người khốn khổ, xiết bao cao cả ấy, dù cho bất hạnh dìm sâu họ vào những tuyệt vọng không hề có mầm mống báo trước. Bởi thế mà anh là nhà văn tài năng rực rỡ của thế hệ, của Tổ quốc yêu quí này!

Tôi đến thăm anh lần cuối ở tại nhà riêng của anh. Đời anh, 78 năm. Sống với mẹ, người mẹ đau thương và kỳ lạ của đời này mà có lẽ chỉ có cái chết mới làm bà yên tĩnh, được 16 năm. Sống ở Khu Ba 9 năm, sống ở Hà Nội trong quân ngũ 24 năm, rồi về TP.HCM 29 năm. Anh kể và đọc cho tôi nghe một số đoạn về cuốn sách: Sự hình thành một bút pháp.

Anh tự nhận mình là nhát gan, là sống nhạt.

Không, anh Khải ạ. Anh đã để lại những trang viết can đảm lạ lùng. Anh đã từng giày vò: phải sống như thế nào để được trung thực với chính mình, nhận ra những mảng sáng sẽ còn lấp lánh mãi trong cái bề bộn, viết được cuốn sách mà tầm nghĩ, tầm nhìn khiến bạn đọc ngày nay và mai sau phải sững sờ không chỉ vắt kiệt một đời văn mà còn phải vắt kiệt tinh hoa của một thời nữa. Anh đã làm được việc ấy, cùng với những áng văn tuyệt vời, anh đã để lại chân dung thật của một thời. Anh đã ra đi mãi mãi. Thanh Thảo có câu thơ thời đại: “Nếu một ngày ta dựng những hàng bia/xin hãy đề/nơi đây là những cuộc đời chưa yên nghỉ”.

Anh từng băn khoăn, trước cái chết của bà ngoại, hồn hậu như biết bao bà ngoại, phải vật vã suốt một đêm mới “đi” được: mình có chết một cách tự nhiên, một cách nhẹ nhàng không nhỉ?

Khải ơi, làm người được sống và biết sống, làm nhà văn suốt một đời bận tâm với con người xã hội như Khải, làm sao có sự ra đi tự nhiên và nhẹ nhàng, cho dù trong nước mắt đêm thâu, trần thế đã khóc ròng: Nguyễn Khải ngời ngời xứng đáng với cõi người này, cõi văn này, Khải hãy an nhiên nơi vĩnh hằng.

Quả thế, vẫn còn đó, những người nghèo hèn, đầu tắt mặt tối, thường đi chậm, đứng trước thềm nhà họ trong những ngày giỗ trọng, những chiến sĩ Cồn Cỏ bám đài quan sát máy bay nơi Thái Văn A đứng mà Nguyễn Khải đã sống suốt tháng với họ trong vòng vây của tàu chiến Mỹ thời nào, đã cho anh hiểu rằng mọi thứ phồn hoa bám chặt lấy mình trong bấy nhiêu năm đều vô nghĩa trước quầng sáng gắt gao của bom đạn và những cái chết anh hùng. Những trang văn của anh, rực rỡ, ca ngợi cái này và xỉ mắng cái kia còn đó. Và Anh, lừng lững, còn đó với chúng tôi trong những xung đột thầm lặng và sóng gió.

Nhưng làm sao Nguyễn Khải có thể đọc được những dòng viết của bạn bè về anh những ngày hôm nay khi anh đã trở thành người thiên cổ, dù có khẩn cầu ngọn lửa hóa từ cõi dương đặng gửi về cõi âm. Thế đó, đau đớn vật vờ trên trang giấy. Xót xa lắm thay! Đêm 15.1.2008.

23:21:35, 19/01/2008

http://www1.thanhnien.com.vn/Vanhoa/2008/1/20/223363.tno

* Những dòng in nghiêng là ý văn của Nguyễn Khải

Cuộc trò chuyện cuối cùng với Nguyễn Khải


Nhà văn Nguyễn Khải và nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải (ảnh chụp tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM ngày 14-11-2007)


TT - LTS: Được sự đồng ý của nhà văn Nguyễn Khải, từ đầu tháng 11-2007, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải, với bút, sổ tay và máy ghi âm đã bắt đầu một cuộc trò chuyện dài ngày với tác giả của Gặp gỡ cuối năm.

Lần gặp sau cùng diễn ra vào ngày 14-11 tại Bệnh viện Thống Nhất trước khi nhà văn chuyển sang Viện Tim TP. Ông hẹn sau khi mổ sẽ tiếp tục.

Nhưng nhà văn lần này đã không trở lại. Ông đã ra đi lúc 19g25 ngày 15-1-2008 (lễ truy điệu diễn ra lúc 6g hôm nay, 18-1).

>> Nguyễn Khải, nhà văn tài năng nhất của thế hệ chúng tôi
>> Nhà văn của Mùa Lạc đã ra đi
>> Nhà văn Nguyễn Khải - Tôi chỉ là người của một thời

Cuộc trò chuyện cuối cùng với ông vừa được nhà báo Ngọc Hải gửi gắm đến Tuổi Trẻ.

* Thưa ông, Nguyễn Khải là nhà văn của thời sự, của tâm lý nhân vật, ông đã tạo dựng nhiều loại nhân vật của nhiều thời khắc. Nếu bây giờ còn sức khỏe để viết, ông sẽ chọn loại nhân vật nào của hôm nay?

- Tôi thích những người quyền lực về tinh thần, chiến đấu đầy bi kịch cho dân chủ và tiến bộ xã hội. Loại người có thế giới tinh thần mạnh mẽ, muốn thay đổi, không muốn sống như cũ nữa. Ở trạng thái này, con người sẽ phong phú. Tôi thích viết những cái chênh vênh lạc thời. Con người của hôm nay đa dạng lắm. "Xuân tóc đỏ” hiện đại cũng nhiều lắm. Sợ nhất là cái giả dối. Nếu viết về loại người "Xuân tóc đỏ” phải có tài, phải thổi lửa "tiêu hóa" được tài liệu. Lửa chưa đủ sức thiêu cháy tài liệu, cứ để lổn nhổn là bất tài.

Có những anh vai mỏng gánh trách nhiệm quá lớn, không biết sợ, cứ thấy ổn cả. Hạ cánh an toàn là câu mất dạy. Phải nhớ Khang Hy: "Việc vừa xong thì họa cũng vừa xong".

* Tuyển tập Nguyễn Khải ra rồi, dạng hồi ký đời văn cũng co Thượng đế thì cười, tổng kết bút pháp thì có Trôi theo tự nhiên. Ông có nghĩ cuốn sách tiếp theo sẽ là gì không ạ?

- Tôi có viết một vài tùy bút chính trị. Còn vừa lóe ra một đề tài rất thích. Tôi định viết, tôi rất thèm được sống một mình. Không lúc nào con người được sống một mình. Từ hàng xóm, con cái, mọi việc đều có tập thể nhảy bổ vào. Thế giới tinh thần chỉ có tập thể, không có trách nhiệm cá nhân. Thời đổi mới này người ta kêu cô đơn, nhưng tôi cũng thèm sống một mình. Tầm quan trọng của cá nhân. Một xã hội thấy được sức mạnh cá nhân, con người phải có quyền tự do quyết định số phận mình - quyền tự chủ. Nhưng mà chưa viết thì bí mật hộ nhé.

* Ông nói rằng mình viết thường là tìm mẫu người quen thuộc với vùng nghĩ, vùng cảm của mình, và phải đi mới tìm được. Ông thích đi đâu sắp tới?

- Đúng rồi, tạng của tôi ngồi một chỗ không viết được. Đi là nó đụng vào, tóe ra. Khoa học nghệ thuật, nghề sáng tạo không có cách gì bảo thủ được. Văn tôi bây giờ không còn tả cảnh. Nếu còn sức, tôi sẽ đi tìm loại nhân vật làm chính trị, có quyền lực, tính tình phóng khoáng, chủ động, vượt lên cho tương lai. Làm quan, làm chính trị mà tử tế đàng hoàng, có đầu óc, nhân vật sẽ nói được nhiều lắm. Chắc chắn phải mất một năm đi tìm. Cũng cao tuổi, yếu, nói thôi mấy lần rồi. Nhưng nếu khỏe, đi vớ đi vẩn thì lại viết.

Nếu như bây giờ đi một vệt Phú Thọ, Nam Định hoặc quanh Hà Nội có thể viết được tập truyện ngắn. Tôi thích vùng Vĩnh Yên, Phúc Yên. Mong một, hai tháng nữa khỏe, ra Hà Nội một chuyến lại được viết. Nhưng sống lâu thời này đầu óc phải mới tinh, tràn ngập sự thay đổi. Rung động đời sống nhỏ nhất phải đến với anh. Cuộc sống thay đổi hằng ngày, phải xem để thay đổi.

* Vùng đồng bằng Bắc bộ là quê hương văn học của ông, nhưng hầu hết các tác phẩm lớn của ông lại được viết ở Sài Gòn. Mảnh đất phương Nam có ý nghĩa như thế nào?

- Nói ví von thế này: miền Bắc cho tôi độc lập, miền Nam cho tôi dân chủ, tự do. Nó bật ra đa thanh. Những cú hích quan trọng tìm ra vỉa sống mới. Ngậm ngùi, hi vọng, tự do là từ trong này mà ra.

Sau giải phóng, tôi gặp các nhân vật lạ khác với nhân vật quen thuộc của tôi trước đây: giám đốc, bí thư, chủ nhiệm hợp tác xã... Nhân vật mới ở miền Nam là các linh mục tốt nghiệp ở nước ngoài, là các trí thức có cách suy nghĩ riêng, là nhiều bà con họ hàng, là nhiều số phận thay đổi. Có người gặp nói cả tuần không hết chuyện. Họ rộng mở, phức tạp, phù hợp với một thời kỳ lịch sử - xã hội hiện đại.

Tôi yêu vùng quê đồng bằng Bắc bộ, nhưng viết các vấn đề có ý nghĩa triết học, tư tưởng phải là thế giới tập trung chính trị, văn hóa, là ở đô thị. Muốn viết sâu, đậm, không thể không "lôi" về Hà Nội. Một nửa sự nghiệp của tôi là ở trong Nam này cũng vậy. Tôi muốn đi vào giới trí thức, vì trí thức biết buồn cái buồn của người khác. Nhân vật của thành phố lớn là con người của trí thức.

* Nếu tự tóm tắt chân dung nhà văn Nguyễn Khải, thì thế nào ạ?

- Về nhà văn tôi tổng kết: tuổi và thời thế là quan trọng. Có những kiểu nhà văn tài năng bẩm sinh, bộc lộ rất trẻ, chưa sống lâu đã có tác phẩm lớn như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Thạch Lam. Sau này có Nguyễn Huy Thiệp, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật. Vàng Anh bẩm sinh "há miệng" thành văn. Những tác phẩm đầu tay của Đỗ Chu đọc thấy sợ, văn chương ấy lúc 17, 18 tuổi. Trạm quân bưu, Thung lũng Cò, Ráng đỏ, cái nào cũng hay. Tư thế nhà văn trăn trở cùng đất nước. Nguyễn Ngọc Tư có trăn trở của người dân...

Còn có kiểu nhà văn phải sống lâu, sống nhiều, được gặp thời thế đặc biệt. Tôi ở loại này. Không u mê, tự thay đổi, mới có cống hiến. Văn chương nhiều cái huyền bí, không biết lúc nào hay, lúc nào không. Còn đời riêng cá nhân tôi chả có gì đáng viết. Tôi ghét sự lê la, có tí rượu, tí bột lăn tôm là uống rượu, tôi ghê lắm. Văn nghệ sĩ ăn nói tục tằn, hống hách kiểu lãnh tụ đại ca, trưởng nhóm, hoặc khệnh khạng làm giai thoại, tôi cũng không thích. Tôi thích tính thoải mái của Lê Đạt, thích nhất cái thật của Kim Lân.

Tôi cô độc bẩm sinh. Nếu không có cách mạng, chắc tôi là tu sĩ. Một lần tôi đến tìm ông cha tìm hiểu về Vatican 2 để viết sách tôn giáo. Trong lúc chờ, tôi ra mua thuốc lá. Người bán thuốc nhìn tôi hỏi: "Cha mua loại nào? Con biếu cha bao diêm". Chắc mặt tôi giống linh mục.

Đời tôi chỉ yêu viết lách. Sống nhạt, dễ thỏa hiệp, bao dung nhưng quyết liệt khi viết. Tôi nghĩ nhà văn phải sống khó chịu nhất, không thỏa mãn, luôn cảm thấy muốn cao hơn, xa hơn. Phải là người tìm tòi ngược thời. Thời nào với mình cũng là chật, mới là tốt.

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI thực hiện (http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=239241&ChannelID=10)

Thứ Tư, 16/01/2008, 07:52 (GMT+7)

Nguyễn Khải, nhà văn tài năng nhất của thế hệ chúng tôi

Nhà văn Nguyễn Khải và chiếc máy đánh chữ đã gắn bó với ông cho đến cuối đời - Ảnh: T.N.

TT - Trước hết, tôi muốn nói điều này: đấy là người tài năng nhất trong thế hệ của chúng tôi, thế hệ những người cầm bút vậy mà hóa ra vắt qua cả mấy thời kỳ lịch sử quan trọng: một chút thời Pháp thuộc, đầy đủ Cách mạng Tháng Tám, đẫm mình trong hai cuộc chiến tranh lớn, và cả hòa bình nữa.

Một đận hòa bình cũng chẳng ít khó nhọc - cả hai cuộc, hòa bình một nửa nước miền Bắc từ sau năm 1954 và hòa bình cả nước sau 1975, hòa bình nào cũng xao động bao nhiêu sóng gió.

Rồi lịch sử văn học sẽ có thời gian ngẫm lại mà xem, tất cả những chuyển động bão táp, phức tạp, trăn trở đó của số phận đất nước và nhân dân, ta sẽ được đọc lại hẳn nhiều nhất, sâu nhất trong Nguyễn Khải. Đấy là một trong những nhà văn hàng đầu, quan trọng nhất của văn học ta suốt một thời kỳ cực kỳ sôi động.

Tôi gặp Nguyễn Khải lần đầu, tôi còn nhớ chắc chắn, ngày 19-8-1955. Bấy giờ Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua quân đội vừa họp ở Hà Nội. Tổng cục Chính trị gọi mỗi sư đoàn một người "biết viết" về Hà Nội để chia nhau viết về các anh hùng vừa được tuyên dương. Hóa ra đấy là cuộc tập hợp để rồi sau đó sẽ hình thành cả một thế hệ những người cầm bút chủ lực được rèn luyện trong kháng chiến chống Pháp và bắt đầu chính thức bước vào văn học sau năm 1954-1955.

Nguyễn Khải từ sư đoàn đồng bằng Bắc bộ lên, Phùng Quán, Nguyễn Khắc Thứ từ sư đoàn 325 Bình Trị Thiên ra, Hồ Phương từ sư đoàn 308 về, Nguyễn Trọng Oánh và Hải Hồ từ sư đoàn 304 Khu 4, Lý Đăng Cao từ phòng không, Hà Mậu Nhai từ sư đoàn 330 Nam bộ... Ít lâu sau, có thêm Hữu Mai từ Điện Biên Phủ, Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi từ sư đoàn 338 Nam bộ về...

Tôi là người về sau cùng, một cây bút mới tập tò đôi ba bài bút ký vô danh, từ sư đoàn 324 Khu 5 cũng được gọi về vì có ai đó tình cờ giới thiệu. Lính mới toanh, cấp thấp nhất trong nhóm, còn hoàn toàn trắng tay, gặp ai cũng sợ. Bấy giờ Hồ Phương đã có Thư nhà, chúng tôi ở chiến trường Khu 5 xa thế mà cũng từng được đọc và phục lăn. Nguyễn Khắc Thứ đã có cả bộ tiểu thuyết Đất chuyển đồ sộ. Phùng Quán vừa xáo động văn đàn bằng Vượt Côn Đảo. Nguyễn Khải thì từng đoạt giải thưởng Hội Văn nghệ VN, danh tiếng vang đến tận những chiến trường xa trong Nam của chúng tôi...

Những bước đi nhọc nhằn và dũng cảm

Tôi biết có người thường trách các nhân vật của Nguyễn Khải giống anh ấy quá, ai cũng đầy luận lý như anh. Tôi thì tôi nghĩ có hơi khác: mỗi người có một cách sống và một cách viết. Nguyễn Khải là người gửi vào các nhân vật của mình hết mọi trăn trở trên bước đường tư tưởng khó nhọc của anh - mà trên đời này người trung thực thì bao giờ các bước đường tư tưởng cũng vô cùng khó nhọc, chỉ có những anh chàng sống giả mới dễ hơn hớn hời hợt. Vậy nên, rồi bình tĩnh đọc kỹ lại hết anh mà xem, sẽ thấy đấy là người đã ghi lại được cho mai sau gần như toàn vẹn, trung thực những bước đi nhọc nhằn mà dũng cảm của con người chúng ta, cũng là của đất nước, trong suốt những năm tháng dài bão táp bên ngoài và bên trong, vừa hào hùng vừa đau đớn, như một nhà văn tài năng của dân tộc ắt phải làm.

Cái quan định luận, bây giờ thì có thể nói như thế này rồi: Nguyễn Khải đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp đồ sộ, một bức tranh toàn cảnh sẽ vô cùng cần thiết để hiểu một thời vào loại quan trọng nhất của đất nước. Và có hiểu được như vậy thì mới đi tới được, ít đau khổ hơn và ít vấp váp hơn.

Nguyễn Khải có viết một câu hết sức ưu ái đối với tôi, anh bảo tôi "là nhà tư tưởng của thế hệ chúng tôi". Anh thương tôi quá mà nói vậy. Anh mới chính là nhà tư tưởng ấy, bởi nhà văn mà là nhà tư tưởng thì phải thể hiện các tư tưởng ấy ra trong tác phẩm của mình. Và anh mới là người làm được xuất sắc điều đó.

Tôi ở chiến trường du kích Khu 5 hẻo lánh, bao nhiêu năm sách vở chẳng có gì, về Tổng cục Chính trị chộp được một cái thư viện đầy sách tiếng Pháp, phần lớn là tiểu thuyết Liên Xô, liền lao vào đọc say mê. Một bữa Nguyễn Khải tình cờ đi qua nhìn thấy, dừng lại kêu lên: Ô, thằng này nó đọc được tiếng Pháp chúng mày ạ!... Và chúng tôi thân nhau từ đấy. Vì sao? Có lẽ vì cả hai ham tò mò mọi chuyện đời và bắt đầu muốn suy nghĩ.

Bấy giờ anh em ở trại sáng tác thường đùa, một thằng cao một thằng lùn - Khải cao lớn nhất, còn tôi thì thấp nhất trong số anh em được gọi về - mà lúc nào cũng cặp kè như vợ chồng, ngày đêm, không biết chúng nó tâm sự với nhau chuyện gì mà lắm thế! Hồi đó còn non nớt lắm, nhưng tôi cũng đã lờ mờ nhận ra điều này: Nguyễn Khải không phải là nhà văn của chủ nghĩa anh hùng, bấy giờ đang là xu thế chính thống của văn học ta. Anh là cây bút của các vấn đề xã hội, đọc kỹ lại xem, tinh một chút có thể thấy ngay ở những sáng tác trong thời chiến của anh đã manh nha những đường nét đầu tiên của xu hướng ấy. Và như vậy, anh đi sớm hơn chúng tôi rất nhiều...

Vậy mà ở trại sáng tác, Nguyễn Khải lại được phân công viết về nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi. Thất bại. Không phải cái tạng của anh. Anh không viết được ca ngợi, cái tạng của anh là moi tìm, lục lọi, vặn đi vặn lại vấn đề, luôn đặt câu hỏi, không bằng lòng với những câu trả lời của chính mình, và luận lý, tự luận lý, suy ngẫm.

Rồi chúng tôi, ba anh em, Nguyễn Khải, Nguyễn Trọng Oánh và tôi, được cử đi tham gia cải cách ruộng đất đợt 5 "để có thêm hiểu biết nông thôn", cùng về xã Hưng Nguyên, huyện Thủy Nguyên bên bờ sông Bạch Đằng, đúng nơi Trần Hưng Đạo đánh trận thủy chiến mấy trăm năm trước. Tất nhiên loại "trí thức" mặt trắng chúng tôi thì chỉ được làm đội viên quèn thôi. Mỗi đứa ở một thôn. Cũng hăng hái lắm.

Nhưng có hôm đi họp đoàn gặp nhau, Khải thì thầm vào tai tôi: Mình thấy như có cái gì đó không phải cậu ạ. Sao lại thế này nhỉ? Hay là tại bọn mình non chính trị quá!... Chỉ dám thì thầm. Chuyến ấy đi về, Khải và Oánh bảo: May mà ở đội của mình chưa bắn ai cả. Nhờ có anh đội trưởng rất tốt, dũng cảm và trung thực!...

Rồi đến thời kỳ Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô. Khải và tôi thường lén lút đọc các tài liệu về sự kiện chấn động ấy. Và tôi tin rằng những chuyển động dẫu chưa thật hoàn toàn rõ ràng ấy đã ảnh hưởng đến các chuyến đi và các sáng tác của anh.

Có lẽ rồi đến một lúc nào đấy, các nhà nghiên cứu văn học thâm thúy sẽ lần lại các bước đường tư tưởng và sáng tác của Nguyễn Khải. Theo tôi, đấy là con đường rất tiêu biểu của chuyển động văn học ta suốt một thời kỳ lịch sử dài và không hề đơn giản, dễ dàng, tiêu biểu nhất là ở Nguyễn Khải, chính vì đấy đúng là cái tạng của anh và cũng vì anh là người tài năng nhất, cũng trung thực nhất với chính mình.

Tôi muốn nói rõ điều này: sự trung thực, cả điều gọi là dũng khí của nhà văn chủ yếu phải là ở trong sáng tác của anh, chứ không phải là, chỉ là trong ứng xử hằng ngày ở đời của anh. Mỗi người ở đời đều có những ràng buộc riêng mà sự khắc nghiệt chẳng ai giống ai, nên không thể ai cũng phải ứng xử như nhau. Duy đã là người cầm bút thì phải trung thực đến cùng trong sáng tác của mình. Tôi biết, tôi tin Nguyễn Khải là như vậy. Khi anh viết Xung đột, rồi Mùa lạc, có chút bâng khuâng, song vẫn còn khá dè dặt; khi anh viết về chuyện ông Tư Kiền, đọc kỹ lại mà xem, phê phán chuyện không chịu vào hợp tác xã đấy, nhưng là sự phê phán của người cũng đã không tin lắm về sự phê phán của mình. Và sau này Nguyễn Khải đã từng công khai nói về nỗi xấu hổ của anh trước nhân vật ấy...

Càng về sau, tầm nhìn những vấn đề xã hội của anh rộng, sâu và sắc hơn; tiếng nói cũng thẳng thắn và mạnh mẽ hơn, tự cay đắng với mình, thậm chí cả quyết liệt nữa, như trong ngòi bút chính trị gần cuối đời của anh. Anh vẫn trầm tĩnh và khiêm nhường, nhưng tiếng nói và cả bút pháp đã như tiếng kêu cuối của con chim báo bão đối với con người, với đất nước, với xã hội.

Cách đây mấy tháng, lục lại một số tài liệu cũ, tôi tình cờ tìm thấy cái thiếp mời đám cưới của anh Khải và chị Bắc, một cái thiếp thời ấy in mực tím trên một mẩu giấy nhỏ bằng hai ngón tay. Tôi đã định mang tặng lại anh chị, vậy mà không kịp nữa rồi! Khải ơi, còn biết bao nhiêu kỷ niệm giữa chúng ta, cả yêu thương và giận hờn nhau nữa có lúc, đều quí vô cùng, vô cùng. Khải ra đi, hôm nay tôi chỉ viết được có mấy dòng này. Rồi thế nào tôi cũng còn phải viết về nhau nữa, bạn ạ. Mỗi chúng ta chỉ nhỏ nhoi thôi trong lịch sử rộng lớn. Nhưng, tôi tin vậy, những người sống trung thực, bao giờ cũng là một phần dù nhỏ nhưng không thể thiếu trong bức tranh toàn cảnh của cả một thời. Mà sự nghiệp sáng tác, cũng là tư tưởng của Khải, thì không nhỏ chút nào.

Ảnh: T.T.D.

Nguyễn Khải vĩnh biệt văn đàn

Nhà văn Nguyễn Khải đã vĩnh biệt văn đàn VN lúc 19g25 ngày 15-1-2008 tại Bệnh viện 115 TP.HCM sau 30 ngày nằm bệnh. Anh Khải Hoàn - con trai nhà văn - cho biết "sức khỏe ông cụ yếu đi từ sau khi mổ tim, và trong một tuần trở lại đây thì luôn trong tình trạng nguy kịch".

Nhà văn Nguyễn Khải sinh ngày 3-12-1930 tại Nam Định. Ông vào quân đội từ năm 1947, giai đoạn 1951-1955 ông làm phóng viên, thư ký tòa soạn báo Chiến Khu 3. Từ năm 1955, ông là phóng viên, biên tập viên, cán bộ sáng tác tại tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Tác phẩm chính của ông gồm: Mùa lạc (tập truyện - 1961), Gặp gỡ cuối năm (tiểu thuyết - 1982), Thời gian của người (tiểu thuyết - 1982), Điều tra về một cái chết (tiểu thuyết - 1985), Thượng đế thì cười (2003)… và một số tác phẩm kịch.

Nhà văn Nguyễn Khải từng nhận rất nhiều huân chương và giải thưởng: Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhì, giải thưởng của Hội Văn nghệ VN 1952-1953, giải thưởng tiểu thuyết - truyện ngắn của Hội Nhà văn VN 1983, 1997, Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 2), Giải thưởng văn học Asean năm 2000. Năm 2003, nhà văn Nguyễn Khải đã ký hợp đồng chuyển nhượng tác quyền các tác phẩm của ông cho Công ty văn hóa Phương Nam với thời hạn ban đầu là năm năm.

Linh cữu nhà văn Nguyễn Khải quàn tại nhà tang lễ TP.HCM. Nhập quan: 9g ngày 16-1. Lễ viếng bắt đầu từ 12g ngày 16-1. Lễ động quan: 6g ngày 18-1, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang thành phố.

LAM ĐIỀN

NGUYÊN NGỌC

Nhà văn của Mùa Lạc đã ra đi

Nhà văn Nguyễn Khải - Ảnh: SGGP
TTO - Nguyễn Khải, tác giả của truyện ngắn Mùa Lạc, quen thuộc đối với nhiều thế hệ học sinh trong trường phổ thông, đã qua đời lúc 19g25 tối nay (15-1) tại TP.HCM sau một thời gian nằm viện vì bệnh tim, thọ 78 tuổi.

>> Nhà văn Nguyễn Khải - Tôi chỉ là người của một thời

>> Mùa lạc
>>
Một người Hà Nội

Hiện linh cữu nhà văn Nguyễn Khải quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM.

Nhập quan: 9g ngày 16-1.

Lễ viếng bắt đầu từ 12g ngày 16-1 đến 17g15 phút ngày 17-1 - thời điểm tổ chức Lễ truy điệu chính thức.

Lễ động quan: 6g ngày 18-1, sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang thành phố.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội nhà văn VN sẽ bay vào TP.HCM để chủ trì trang lễ

L.Đ.

Nhà văn Nguyễn Khải tên thật là Nguyễn Mạnh Khải, sinh năm 1930. Ông được gọi là nhà văn thời sự với nửa thế kỷ cầm bút gắn bó với những biến chuyển của đất nước.

Từ thời kỳ miền Bắc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, ông có cuốn tiểu thuyết gây chú ý Xung đột (1957), Mùa lạc (1960). Đến thời kỳ chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, Nguyễn Khải có tác phẩm Họ sống và chiến đấu (ký sự 1966). Khi đất nước thống nhất, ông tiếp tục với Cha và con, và… (tiểu thuyết 1979), Gặp gỡ cuối năm (1982). Và trong thời kỳ đổi mới của đất nước, ông có Hà Nội trong mắt tôi (tập truyện ngắn 1995)….

Gần đây nhất, ông cho ra đời cuốn tiểu thuyết Thượng đế thì cười (2003) mang dáng dấp một cuốn hồi ký về cuộc đời viết văn của Nguyễn Khải.

Nguyễn Khải đã nhận được một số giải thưởng văn học như: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1982) với tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2000)...

Với năng lực sắc sảo của một ngòi bút tỉnh táo và lý trí, những tác phẩm của ông đều mang đầy hơi thở của thời cuộc, là những khám phá riêng của ông về những biến động phức tạp của đời sống cũng như tâm lý tình cảm của con người.

Một số tác phẩm chính của nhà văn Nguyễn Khải

Xung đột (1957)
Mùa lạc (tập truyện ngắn 1960)
Họ sống và chiến đấu (ký sự, 1966)
Đường trong mây (1970)
Ra đảo (1970)
Cha và con, và … (tiểu thuyết, 1979)
Gặp gỡ cuối năm (tiểu thuyết,1982)
Thời gian của người (tiểu thuyết,1985)
Một cõi nhân gian bé tí (1989)
Một người Hà Nội (tập truyện ngắn, 1990)
Một thời gió bụi (1993)
Hà Nội trong mắt tôi (tập truyện ngắn, 1995)
Sống ở đời (tập truyện ngắn, 1990)
Thượng đế thì cười (2003)

T.H

..................................................

Mùa lạc, mỗi tuổi đọc mỗi khác

Mùa lạc trong chương trình văn học cấp III dường như không phù hợp. Học trò chúng tôi khi đó là những cô bé, cậu bé tuổi bẻ gãy sừng trâu nhưng chưa có đủ chiều sâu tâm hồn, làm sao cảm hiểu hết tình cảm, những éo le trái ngang đời thường của người phụ nữ như cô Đào, nhân vật nữ chính trong truyện. Tôi đọc, hay nói đúng hơn là học Mùa lạc mà luôn băn khoăn: hình như mình đang như một con vẹt, mình chưa hiểu được lấy một tầng nấc nào của câu chuyện kỳ lạ này.

Mùa lạc không cầu kỳ, không bí hiểm như các câu chuyện trinh thám, truyện cổ kiểu Nghìn lẻ một đêm. Nó quá giản dị, quá đơn giản là đàng khác, hệt như cuộc sống đang diễn ra chung quanh. Nhưng là cuộc sống của người lớn, với những thăng trầm, trải nghiệm và cảm nhận mà bọn trẻ không thể nào có được, nên lại càng chẳng thể nào hiểu được.

13 năm sau, tôi đọc lại Mùa lạc, thật trớ trêu là vào đúng lúc nhà văn Nguyễn Khải vừa mất, giật mình thấy một chút cuộc đời của mình trong đó. Cảm giác như tôi vừa trả nợ cho ông. Với tuổi đời dày dặn hơn, tôi đã kịp hiểu nhân vật của ông, để rồi quay lại hiểu nhân vật mình. Mùa lạc không chỉ là tác phẩm trong trường học của nhiều thế hệ học trò mà ngay ở ngoài đời thường, nó còn khiến cho nhiều lứa tuổi phải xao xuyến.

Tôi cũng vừa đọc Cha và con và... , một quyển sách khó đọc với những xung đột không dễ giãi bày, cả trong thời xưa (những năm sau giải phóng) và thời nay. Tôi giật mình nhận ra: từ những năm đó, ông đã viết về những vấn đề của thời đại bây giờ. Giải pháp cho những xung đột ngày nay nằm trong cuốn sách được hoàn tất từ những năm 70, rất kín đáo và nằm ở những tầng rất sâu khác nhau, chờ sự cảm nhận, bóc tách của mỗi độc giả. Thật kỳ diệu!

Đọc Nguyễn Khải, thấy văn học dường như không có tuổi, thấy thời gian dường như là xuyên suốt, để con người ở các thời đại khác nhau có thể cảm hiểu lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau, và dường như đang cùng nhau tiếp nối cuộc sống bất tận này. Cũng như bao độc giả yêu mến và kính phục Nguyễn Khải, xin thắp đến ông một nén nhang.

Trần Phương Nga

Thứ Bảy, 28/01/2006, 19:30 (GMT+7)

Nhà văn Nguyễn Khải - Tôi chỉ là người của một thời

TTXUÂN - Nửa thế kỷ cầm bút, ở thời nào Nguyễn Khải cũng có người đọc của mình. Những ngày nông thôn miền Bắc đổi thay trước cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, ông có Xung đột (1957), Mùa lạc (1960), Hãy đi xa hơn nữa (1963).

Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, nhà văn quân đội Nguyễn Khải cho ra đời Họ sống và chiến đấu (1966), Đường trong mâyRa đảo (1970), Chiến sĩ (1973)… Đất nước thống nhất, ông lại có ngay Cha và con, và… (1979), Gặp gỡ cuối năm (1982), Thời gian của người (1985)… Công cuộc đổi mới vừa được mở ra, con người xông xáo và tỉnh táo nơi ông đã thao thức với Một cõi nhân gian bé tí (1989), Một thời gió bụi (1993), Hà Nội trong mắt tôi (1995)… (1970),

Gần đây nhất, năm 2003, ông nhà văn tuổi 73 lại làm người đọc trăn trở, day dứt và kinh ngạc với Thượng đế thì cười. Viết về cái hôm nay, về cái đang diễn ra đã thật sự là một thế mạnh của Nguyễn Khải, đó cũng là lý do để chúng tôi tìm ông, lắng nghe từ ông một cuộc trò chuyện tâm huyết.

* Nếu người ta gọi ông là nhà văn thời sự, thì ông buồn hay vui?

- Cũng chả có gì để buồn hay vui. Trong mỗi cuộc gặp gỡ, trò chuyện của mỗi chuyến đi, mắt nhìn tai nghe việc này việc kia, tự mình đôi lúc cũng bốc lên tham gia tranh cãi, chính là vào cái lúc ấy tôi bất chợt nhận ra một mẫu người vốn kiếm tìm, những ý tưởng từng nung nấu, nhiều cốt truyện bị bỏ quên, và cả một cách kết cấu rất mới lạ... Tất cả đều được đánh thức trong cùng một lúc, ám ảnh trong nhiều ngày, cho tới lúc viết ra những trang bản thảo đầu tiên. “Thời sự”, như thế với tôi có nghĩa là một cơ hội có sức kích thích nhiều vùng ký ức trở nên sống động, lóe sáng.

* Nhưng, thời sự hình như không mấy tương đồng với sức sống lâu dài của một tác phẩm. Chủ quan mình, ông nghĩ tác phẩm nào của mình sẽ có được cái lâu dài ấy?

- Nhiều tác phẩm hay đã được bắt đầu từ những bức xúc rất nhỏ của một chuyện “hôm nay”, của cái “bây giờ” nhưng vẫn làm nhiều thế hệ bạn đọc xúc động. Vì nó đã đụng chạm tới thân phận con người, tới những thăng trầm của nhiều kiếp người. Phần mình, tôi nghĩ Một cõi nhân gian bé tí, Cha và con, và..., Điều tra về một cái chết cùng một số truyện ngắn của tôi có được cái thân phận ấy của con người.

* Nhìn và thấy, hiểu và viết những chuyển động của xã hội, có người bảo rằng Nguyễn Khải không đi thì không viết được. Hình như đó là câu nói đùa?

- Thật đấy chứ. Nếu không đi, chỉ ngồi tĩnh lặng mà nhớ lại thì nhạt lắm. Ngay cả khi viết về cái xa xưa cũng cần có tia nháng lửa của hôm nay, cái xôn xao của bây giờ. Không đi, những tháng ngày nhàn rỗi ngồi nhà tôi ưa đọc sách, gặp bạn tán gẫu hoặc ngủ, cái khả năng sáng tạo hầu như chết hẳn.

* Trong một vài tác phẩm của ông, người đọc thấy ông đã đi nhưng không phải lúc nào ông cũng đi đến cùng. Nếu nói đến sự nửa vời, sự dè dặt, ông có nghĩ điều đó đúng với mình không?

- Một nhà văn như tôi quan niệm phải có một hệ tư tưởng triết học riêng, có một thế giới quan riêng, từ đó anh ta sẽ xây dựng cái thế giới nghệ thuật của mình với một hệ thống nhân vật, tư tưởng, ngôn ngữ và cách kết cấu của riêng mình. Họ sẽ đi đến cùng trong cái thế giới nghệ thuật của mình, trong niềm tin không thay đổi của mình. Còn họ đúng hay sai, cái sự nghiệp văn chương của họ là tích cực hay tiêu cực là tùy thuộc sự đánh giá của bạn đọc ở mỗi thời. Như Dostoievski, Kafka, như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài...

Còn tôi, tôi chả có cái gì là riêng cả, tôi đâu có quyền tự do lựa chọn. Cái tôi đang có chỉ là một phần rất nhỏ của cái mọi người đều có. Mọi người đều bằng lòng với những cái đang có, đều cảm thấy đầy đủ với những cái đang có, chả lẽ tôi lại nói là tôi không bằng lòng. Vậy tôi muốn cái gì, muốn đi tới đâu, muốn xây dựng hay muốn phá hoại?

Chính tôi cũng không thể tự trả lời được là tôi đang muốn cái gì - cũng do tuổi già nên tôi nhìn mọi sự không còn được sáng rõ như những năm còn trẻ. Nên tự nhủ, cái gì đã nhìn chưa rõ thì chớ có đặt bút viết. Sự cẩn thận ấy với tôi đã là một thói quen. Tôi là người của một thời mà. Thời thế cho tôi cũng nhiều mà lấy đi cũng không ít, có được có mất cũng là lẽ công bằng.

* Nhìn và ngắm chuyện của Trung Quốc, các tác phẩm điểm tận mặt kẻ tham nhũng, vạch những thủ đoạn tham những, chỉ cặn kẽ sự cấu kết giữa các quyền lực kinh tế và chính trị… ông có giật mình không?

- Chẳng có gì để giật mình, họ được phép mà. Cách mạng văn hóa có những việc làm quá khác thường, thế mà lúc đó có ai dám nói gì đâu. Vì họ không được phép. Còn bây giờ, Trung Quốc mạnh rồi, và có những mục tiêu cao xa, tham nhũng cũng như nhiều chuyện khác đang ngáng trở mục tiêu đó nên người ta phải cương quyết đè bẹp thôi.

* Để dựng nên những tác phẩm như thế, có lẽ không cần một tài năng lớn, nhưng cần rất nhiều sự hiểu biết và dũng khí. Ông nghĩ nhà văn VN mình có điều này không, khi ở VN tham nhũng cũng đang là một quốc nạn?

- Đúng là với nước ta, tham nhũng cũng là một quốc nạn, cái bệnh dịch này ngày càng nghiêm trọng, đã làm chết rất nhiều người, cả xã hội đều cảm thấy bất an và lo lắng. Đó cũng là một thị trường bí mật với đủ loại hàng hóa không được xác định, chỉ xuất hiện theo nhu cầu. Vẫn có mua và có bán, có mặc cả, có cạnh tranh và có cả những luật lệ nghiêm khắc với những kẻ nào dám vi phạm hợp đồng.

Tham nhũng sinh ra từ lòng tham của con người, từ những cặn bã đầy độc tố ở mỗi người nên rất dễ bị lây nhiễm ngay cả với người có trách nhiệm chống lại nó. Muốn đẩy lùi nó phải có thời gian và hãy bắt đầu bằng sự nghiêm minh của pháp luật và sự lên án quyết liệt, mạnh mẽ không một lúc nào được buông lơi của công luận. Theo tôi, các nhà báo nhà văn nước ta có đủ tài, đủ cả dũng khí để gánh vác trách nhiệm này.

Nhưng tôi lại nghĩ chỉ với cái dũng khí lẻ loi của người cầm bút thì vẫn chưa đủ. Còn phải được sự ủng hộ, bảo vệ công khai của Nhà nước đối với các chiến sĩ ấy. Tham nhũng là một hình thức kinh doanh đặc thù của những người có quyền lực. Mà đã đụng chạm tới quyền lực, nhất là ở phía tối của nó thì hãy coi chừng.

* Còn quyền công dân của nhà văn, ông nghĩ thế nào?

- Vì chị hỏi tôi mới chợt nhớ là tôi cũng có một cái quyền nào đó. Trong nhiều chục năm tôi chỉ biết có những nghĩa vụ mà thôi, nghĩa vụ đảng viên, nghĩa vụ quân nhân, nghĩa vụ nhà văn vô sản, nhà văn cách mạng... Trong gia đình tôi cũng không có quyền mà chỉ có nghĩa vụ làm chồng, làm cha, làm không đầy đủ người ta cũng có quyền trách mắng mình.

Lâu dần thành quen, không mấy khi nghĩ đến cái quyền phải có của mình. Tác phẩm viết xong in trên tạp chí thì được, nhưng in thành sách lại không được phát hành. Cũng chả có cơ quan nào, người nào nói với mình vì sao sách bị cấm, đã vi phạm vào điều luật nào của Luật xuất bản nên phải cấm. Chả lẽ tôi muốn mua vui bạn đọc bằng cách tự giễu cũng là phạm luật...

Nghĩ thế thôi chứ tôi chả tức giận tí nào và cũng không hỏi han bất cứ ai, oán trách bất cứ ai. Một năm sau, nhà xuất bản bảo tôi nên sửa mấy chỗ, sửa ít thôi, thì sách lại được phát hành. Tôi sửa liền, chả làm mình làm mẩy gì vì văn của tôi có xé bỏ cả chục trang cũng chả sao! Mọi việc lại vui vẻ, tôi cũng vui vẻ, nhưng có mấy người bạn của tôi lại lấy làm giận vì tôi đã không biết bảo vệ cái quyền chính đáng của mình.

Nói cho thật, trước sau tôi chỉ bảo vệ có cái quyền được viết của tôi thôi, cuốn này bị cấm thì bỏ đi viết cuốn khác, lại được thêm một đầu sách chứ không mất đi một đầu sách. Vả lại, phàm những gì đã được viết ra thì làm sao mà mất được. Tất nhiên cái cách tính toán ấy là rất ích kỷ, rất lạc hậu của một thời đã qua. Còn thời bây giờ là thời của tự do và dân chủ, các bạn trẻ của tôi đã có những cách ứng xử khác về cái quyền của mình, minh bạch, rạch ròi và rất đúng luật.

* Có bao giờ ông ân hận hay tiếc nuối vì những gì mình đã viết, và chưa viết?

(Với câu hỏi này, nhà văn Nguyễn Khải im lặng. Ông không trả lời. Sợ làm phiền ông, cũng ngại đụng đến một nỗi niềm nào đó mà ông chưa muốn tỏ bày, tôi gấp cuốn sổ ghi chép lại...).

THÚY NGA thực hiện