Wednesday, October 3, 2007

Xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa: 20 km/giờ!

Lm Thiện Cẩm

Chiều thứ Bảy tháng 9 vừa qua, tôi phải mất 2 giờ đồng hồ đi xe ô-tô con để đi từ Biên Hòa về Sài-Gòn. Có lẽ đây là chuyến đi phá kỷ lục về lãng phí thời gian ! Tôi quan sát kỹ : nạn kẹt xe liên tục xảy ra không do một sự cố nào, chẳng có xe chết máy, chẳng có tai nạn lớn nhỏ nào. Chỉ có một hiện tượng duy nhất : các vua công-ten-nơ, xe tải chiếm hết phần đường hướng về thành phố ! Có đoạn đường các “vua” này dàn quân hàng ngang 3 xe, thậm chí đến 4 xe. Họ chưa được phép vào Thành phố, nhưng cứ tà tà tiến quân, chiếm hết một nửa không gian xa lộ, đôi khi còn rẽ vào đường trong, đi từ Thủ Đức đến nhà máy xi măng Hà Tiên. Các xe ô-tô con, và nhất là các xe hai bánh, cố tìm cách lạng lách, tìm đường bò về phía trước. Trên xa lộ mà xe chạy uốn lượn rồng rắn, chứ không thẳng hàng ngay lối như bình thường phải là như thế.

Những hàng xe tải, xe công-ten-nơ đi qua cây cầu nhỏ gần nhà máy Côca-Côla, tôi nghe rõ tiếng run rẩy của nó : đúng là “run như run thần tử thấy long nhan, Run như run hơi thở chạm tơ vàng” !

Để tránh vụ kẹt xe kinh niên này, nên quy định lại : xe tải và xe công-ten-nơ chỉ được qua cầu Biên Hòa, hướng về Thành phố từ mấy giờ chiều trở đi, chẳng hạn như từ 18 giờ, chứ không được phép xếp hàng đi tà tà chờ lúc được vào Thành phố.

Không hiểu các nhà chức trách có thấy rõ chuyện này không ! Vậy mà tôi nghe người ta đã đưa ra nhiều giải pháp : nào là giảm bớt xe tải, xe công-ten-nơ chạy cùng lúc trên cầu Đồng Nai, nào là bắt các xe đi cách xa nhau vv., nào là chỉ cho phép xe tải và công-ten-nơ vào giờ quy định.

Trong khi đó, khi đi Biên Hòa chiều thứ Năm, tôi chọn phương tiện xe lửa. Chỉ mất có 40 phút là về tới Biên Hòa, chẳng phải chờ đợi, chen lấn hay gặp ách tắc giao thông. Chỉ tiếc rằng mỗi ngày chỉ có một chuyến đi mà thôi, còn từ Biên Hòa về Thành phố thì hình như chỉ có một hay hai chuyến vào buổi sáng.

Tôi luôn tự hỏi : đất nước đã được hòa bình thống nhất được 32 năm, mà sao chúng ta chưa làm được hai tuyến đường sắt quan trọng : 1.) Sài Gòn - Biên Hòa; 2.) Sài Gòn – Mỹ Tho. Thử tưởng tượng với hai tuyến đường xe lửa, hay xe điện ấy, chạy đều đều, nhất là vào giờ cao điểm, cứ 15 hay 20 phút một chuyến, với tốc độ tối thiểu 100 Km giờ, điều chúng ta đủ khả năng thực hiện ngày nay, thì Sài Gòn – Biên Hòa chỉ mất 15-20 phút, Sài Gòn – Mỹ Tho 30 phút, với chính sách trợ giá cho sinh viên học sinh và công nhân viên và người lao động, và giảm giá cho người mua vé tháng vv., chúng ta sẽ có một lượng khách phải nói là rất đông đảo. Hơn nữa, nhiều sinh viên học sinh và người lao động khi ấy khỏi cần thuê mướn nhà ở Thành phố, vừa đỡ tốn tiền, vừa tránh khỏi phải xa nhà cả tuần, cả tháng, hay hơn nữa. Xa lộ Miền Đông và xa lộ Miền Tây khi ấy sẽ giảm thiểu được một lượng xe hai bánh đáng kể : ai còn dại gì mà chen chúc nhau dưới trời mưa nắng và đầy rủi ro như hiện nay ! Và nếu tiến thêm một nửa bước nữa, nối dài con đường xe điện hay xe lửa Sài Gòn – Biên Hòa ra Vũng Tàu, thì mỗi ngày thứ Bảy, Chủ nhật, sẽ có bao nhiêu lượt khách nối đuôi nhau ra bờ biển với phương tiện vừa nhanh chóng, vừa an toàn và tiện nghi, thay vì cỡi Honda để không ngừng phải đối diện với Diêm Vương !

Nhân nói tới chuyện giao thông, tưởng cũng nên bàn tới mũ bảo hiểm, và những dự tính như bắt người đi xe hai bánh phải đóng lệ phí cầu đường, hay tăng thêm tiền phạt vi phạm luật giao thông. Đây lại một lần nữa chúng ta đặt người dân vào thế giống như cái cày đặt trước con trâu ! Trước khi lo sao cho có đủ mũ bảo hiểm chất lượng bán cho dân, chúng ta đã bắt họ phải đội mũ bảo hiểm. Đến khi người dân phải mua đến cả 70% mũ kém chất lượng, chúng ta mới nghĩ đến chuyện kiểm tra phân loại ! Hậu quả là chúng ta đã tiếp tay làm giầu cho những kẻ làm ăn bất chính. Và bây giờ, chúng ta dự tính bắt người đi xe hai bánh phải trả phí cầu đường, nhưng liệu chúng ta có đủ cầu đường cho mọi người lưu thông, hay sau khi thu phí thì đường đã chật hẹp, và xuống cấp, còn những cây cầu như Đồng Nai, Rạch Chiếc, và biết đâu cả cầu Sài Gòn cũng có nguy cơ bị oằn lưng sập xuống ?

Theo tôi nghĩ, vấn đề cần phải cấp tốc làm ngay, là mở con đường thứ hai từ phía Đông Bắc vào Thành phố, như chúng ta đang làm con đường xuống phía Mỹ Tho. Cũng cần thêm một cây cầu Đồng Nai mới, và một cầu Sài Gòn 2. Còn trong nội thành, phải xây dựng ngay hệ thống xe điện ngầm, hay xe một đường ray chạy trên không, chứ không chỉ tăng lượng xe buýt, vốn chưa được mọi người ưa chuộng, vì nhiều tài xế loại xe này xem ra còn khá tiêu cực, mất lòng khách hàng cũng như người dân Thành phố. Hệ thống xe điện ấy phải rất tiện lợi và hấp dẫn. Thời gian đầu chúng ta có thể phải chấp nhận lỗ lã, đó cũng là cách quảng cáo, chào mời hành khách.

Cuối cùng, tôi đề nghị nên hạn chế việc giam giữ xe, nhất là khi chúng ta không có đủ điều kiện kho bãi để bảo vệ loại tài sản này, mà đối với nhiều người dân, là cả một gia tài. Chúng ta có thể tăng tiền phạt, bắt người vi phạm phải học lại luật giao thông, thi lấy lại bằng lái. Chỉ nên giữ lại phương tiện giao thông khi đó là xe gây tai nạn.

Ngoài ra, đã đến lúc quy định một số tuyến đường nội thành không xe cộ lưu thông, như nhiều thành phố trên thế giới đã làm. Và nữa, nên chăng khuyến khích người dân đi xe đạp trở lại, hay ít ra quy định một số “ngày xanh” cho nhiều khu vực nội thành, đặc biệt là vào các dịp lễ nghỉ, để những ai không ra khỏi thành phố, được hưởng những giờ phút trong lành, yên tĩnh.

24-09-2007

Monday, October 1, 2007

Chuyện học phí: Phải coi là một loại hiện tượng tiêu cực đặc biệt trầm trọng

Xuân Huy

Trước khi bước vào năm học mới đầu tháng 9.2007, câu chuyện học phí đã trở thành một đề tài bàn luận khá sôi nổi trong toàn xã hội vì đã có những chủ trương, kiến nghị, hay đúng hơn là những dự định sẽ gia tăng học phí áp dụng ngay cho năm học 2007-2008. Những chủ trương nầy, trước hết ở TP. HCM trên lý thuyết đã bị ngăn cản do phản ứng quyết liệt của những người lao động (có sự hỗ trợ ý kiến của tổ chức MTTQ), nhưng trên thực tế thì nó vẫn được tiến hành một cách tự nhiên bình thản như mọi năm bằng cách trá hình sang những khoản đóng góp đi kèm học phí mà khi cộng lại thành con số chung thì những người nông dân và dân nghèo thành thị hầu như không ai chịu nổi. Muốn thoát khỏi gánh nặng học phí, chỉ còn cách cho con nghỉ học...

Vấn đề học phí sở dĩ trầm trọng vì nó liên quan đến số phận của khoảng 22 triệu học sinh từ mẫu giáo đến đại học, cũng như chừng phân nửa con số đó những gia đình có con em đi học. Báo Tuổi Trẻ trong đợt nầy cũng đã phản ảnh sinh động nỗi khổ của dân chúng bằng cách đăng lên tâm tình của họ về chuyện học phí và các khoản đóng góp khác ở mục “Người trong cuộc”, với những đề tài như: “Tôi chạy tiền trường” của Nguyễn Thị Thu Thủy ở quận 9, TP. HCM (12.9.2007), “Tiền trường cho con và thân phận ít học của tôi” của Đặng Thái Ngôn ở Bạc Liêu (13.9.2007), “Tôi xây xẩm mặt mày... vì tiền trường” của Lê Lam ở Quảng Bình (28.9.2007).... Đọc lên, không đoạn nào không làm cho người ta cảm xúc sâu xa, cũng như khiến cho những người có lương tri không thể không giựt mình, nên tưởng không cần phải bình luận thêm nhiều về cái khoản đúng hay sai của chuyện tăng học phí khi xem xét hiệu ứng của nó về các mặt ảnh hưởng xấu trước mắt đối với đời sống xã hội. Còn chuyện “lâu dài”, có lẽ có nhiều vấn đề khác cần phải tiếp tục bàn luận cho sáng rõ.

Trong câu chuyện giáo dục “Nỗi buồn ngày khai trường” (Tuổi Trẻ, 7.9.2007), tác giả Duy Bình viết với tư cách là một phụ huynh học sinh: “Ngày 5.9, tôi dẫn đứa con trai 5 tuổi của mình dự lễ khai giảng... Cũng như bao bậc phụ huynh khác, đó là ngày mà gia đình tôi tràn ngập cảm xúc háo hức và phấn khích... Nhưng cái cảm xúc thiêng liêng, mừng rỡ ấy chợt tan biến khi tôi bắt gặp những hình ảnh không đẹp chút nào ngay ở lối dẫn vào các lớp học. Ở đó, ban giám hiệu trường cho đặt một cái bàn thu học phí... Và rồi sự cố đau lòng đã xảy ra khi một số bậc phụ huynh không hiểu vì lý do gì (có thể chưa kịp xoay tiền) đã không có tiền đóng. Theo quy định của trường, đứa bé sẽ không được bước vào lớp vì chưa có biên lai nộp tiền! Tôi xót xa vô cùng khi chứng kiến hình ảnh một bà mẹ năn nỉ đủ lời để con mình được vào lớp, nhưng những gì bà nhận được vẫn là cái lắc đầu vô cảm của người thu phí. Bà lủi thủi dắt con mình ra về dù cháu bé đang mặc bộ đồng phục của trường được ủi cẩn thận, tươm tất...”. Một hình ảnh ngày khai trường hoàn toàn khác biệt, thậm chí đối lập hẳn với ngày khai trường đã được tác giả Edmond De Amicis diễn tả trong sách Tâm hồn cao thượng, hay như một Thanh Tịnh ngày nào trong bài “Tôi đi học” mà hầu như ở tuổi sồn sồn chúng ta ai cũng được biết, được đọc!

Riêng trong bài “Tôi xây xẩm mặt mày...” của phụ huynh Lê Lam ở Quảng Bình, tác giả sau khi kê ra 11 khoản phí phải đóng cho con trong đầu năm học (bài báo có đăng kèm cả nguyên văn bản “thông báo thu nộp” của nhà trường) đã kể lể bình luận rất dài về những sự việc hữu quan, trong có đoạn nói: “Trong số các khoản vừa kể thì quỹ hội trường và công trình hội, quỹ hội lớp và quỹ lớp là những khoản nặng nhất và vô lý nhất. Phụ huynh chúng tôi chẳng biết các khoản quỹ nầy chi dùng vào việc gì. Riêng khoản tiền công trình hội, chúng tôi phải đóng mà chẳng thể nào hiểu được tiền “công trình hội” là tiền gì! Chúng tôi chỉ biết rằng mình đã nộp tiền xây dựng trường theo quy định của HĐND tỉnh rồi!...”.

Ở cấp đại học, cũng không có gì khác. Mặc dù trước đó Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo không được để cho sinh viên bỏ học vì học phí, nhưng ở nhiều trường, nhất là các trường đại học ngoài công lập, học phí tăng cao đã vượt quá sức chịu đựng của gia đình các sinh viên.

Đến đây, có lẽ không cần dẫn chứng thêm, chỉ cần kết hợp với những sự kiện đã có từ nhiều năm trước trong ngành giáo dục, đã có thể kết luận chuyện học phí và các khoản đóng góp trá hình phải được coi là một loại hiện tượng tiêu cực trầm trọng đặc thù và kéo dài. Gọi “đặc thù” vì nó diễn ra ngay trong ngành giáo dục, nơi mọi người không thể không tiếp xúc, không chi tiền một cách tự nguyện và sung sướng, khiến người ta không ai có cái cảm giác bị bóc lột như khi sử dụng hình thức chung chi, hối lộ để được việc. Tình trạng lạm dụng tiêu cực nầy chẳng những kéo dài mà còn ngày một thêm trầm trọng, khiến chúng ta không thể không liên tưởng đến một thứ cơ chế đồng loại hay những con đường ngoắt ngoéo khác như là cơ sở mà từ đó mọi loại hiện tượng tiêu cực trong xã hội đều đồng loạt phát sinh trong cái tổng thể lộn xộn phức tạp vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Chúng chỉ khác nhau về phương diện biểu hiện, nhưng đã gộp chung lại làm cho quốc lực hao mòn, dân tình chán nản.

Vấn đề tăng học phí, sau khi tránh nói đến các khoản đóng góp vô lý đi kèm, đã được một số giới chức quan liêu trong và ngoài ngành giáo dục biện minh bằng mục tiêu tăng cường chất lượng dạy và học, đồng thời với lý do thiếu hụt ngân sách. Bù lại theo họ sẽ có một số giải pháp đi kèm như tăng thêm học bổng, cho vay đối với những học sinh- sinh viên nghèo mà hiếu học, hoặc cổ phần hóa một số trường công lập....

Lâm thời, trong khi vấn đề chưa được giải quyết ngã ngũ, một số cơ quan, đoàn thể, tổ chức thiện nguyện đã đi trước một bước bằng cách thực hiện những chương trình đại loại như “Tiếp sức đến trường”... để giúp cho một số dân nghèo không vì thiếu tiền mà phải bỏ học ngay trong năm học 2007-2008 nầy. Những tấm lòng thiện nguyện đó, người dân không thể không cảm động ghi nhận một cách trân trọng, nhưng nếu xét về mặt lâu dài thì đó chỉ là những cố gắng lẻ tẻ không thể thay thế được cho trách nhiệm và hành động cơ bản lâu dài của Chính phủ, trước nhất là của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Trước tình trạng không ổn nầy, giới trí thức cũng bức xúc lên tiếng. Trên tuần báo Công giáo & Dân tộc (số 1624), ông Lâm Võ Hoàng phản đối việc tăng học phí một cách rất bình dân, khi kể rằng từ lúc vào học lớp đồng ấu (lớp 1) năm 1938 trường làng cho đến lớp cuối cấp trung học (trường Chasseloup Laubat của Pháp ở Sài Gòn), ông không phải tốn một đồng học phí nào của cha mẹ. Sau lên đại học Sài Gòn, còn do Pháp quản lý, tiền ghi danh lớp tiến sĩ là 300 đồng/học kỳ, trong khi ông đi làm gia sư được trả tới 2.000 đồng/tháng! Phải nói thêm: Những người thuộc lớp sau ông đi học, thì đại khái cũng tương tự, đặc biệt cấp 1-2-3, thậm chí đại học, nếu là trường chính phủ thì hầu như hoàn toàn không mất tiền. Vì vậy, người nghèo không học lên cao được thường là do thiếu tiền sinh hoạt (quần áo, sách vở, ăn ở...), chứ không phải do không đủ tiền đóng học phí...

Giáo sư Hoàng Tụy, một nhà giáo dục lâu năm trong giới đại học cũng cho rằng tăng học phí với những lý do được nêu ra như hiện nay là không ổn. Theo ông, đủ thứ loại tiêu cực phát sinh trong ngành giáo dục, cũng như có một vài điểm tốt gần đây mới làm hơi coi được (như chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích) chẳng liên quan gì đến chuyện thiếu tiền hay đủ tiền, do vậy ngân sách dù có tăng lên hơn mức 20% như hiện nay hoặc tăng học phí nhiều lần nữa thì “cũng chẳng có tác dụng gì nhiều nếu không thay đổi phong cách làm giáo dục”. Ông cũng không tán thành quan niệm “giáo dục là hàng hóa” vì như thế thường dẫn đến “giảm thiểu trách nhiệm của Nhà nước và trút hết gánh nặng tài chính về giáo dục cho dân”... (Tuổi Tre, 12.9).

Các ý kiến của GS Hoàng Tụy cơ bản đều đúng, nhưng dù sao vẫn còn vấp phải một chữ “nếu” quá vĩ đại (“nếu không thay đổi phong cách làm giáo dục”), vì vấn đề cốt yếu không nằm ở chỗ cần phải thay đổi (ai cũng biết) mà lại ở chỗ làm sao để thay đổi mới là quan trọng. Nhiều ý kiến khác cho rằng phải tăng thêm ngân sách nữa cho ngành giáo dục, nhằm đảm bảo một nền giáo dục công lập hợp lý để ai cũng có thể đi học một cách đàng hoàng và không có trường hợp bỏ học vì thiếu học phí. Còn ai có đủ khả năng về tài chính muốn được thụ hưởng một nền giáo dục chất lượng cao hơn, có thể tìm đến những trường tư thục chất lượng cao hoặc ra ngoại quốc du học. Điều mâu thuẫn hiện nay nằm ở chỗ: Nhà nước là chủ trường, muốn tăng hay không tăng là do ông chủ quyết định (ở ta còn phải nói “do dân quyết định”), không thể có chuyện tăng học phí rồi tăng học bổng, tăng suất cho vay đi học, vì như thế chẳng khác nào mình tạo ra cái khó cho con dân rồi bắt dân phải sử dụng lại các dịch vụ do chính mình tạo ra để giải quyết vấn đề, y như trong trường hợp cố tạo ra một nền luật pháp và hành chính rắc rối khiến dân bắt buộc phải sử dụng các dịch vụ pháp lý của mình lập nên để gỡ.

Cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay, số cán bộ có thẩm quyền giải quyết các vấn đề quan trọng thường là những người có hoàn cảnh thuận lợi về tài chính nên thường họ không coi việc tăng học phí là một điều đáng phải trăn trở như những người dân thường. Một số đã có con cho ra học nước ngoài để thoát khỏi một nền giáo dục còn nhiều bê bối trong nước, nên cũng khó lòng tìm được ở họ mối đồng cảm sâu xa của những phụ huynh phải thở than trong những ngày nhập học vì chuyện học phí, đồng phục và những khoản đóng góp khác. Đó cũng là một trong những lý do cộng góp để giải thích tại sao hiện tượng tiêu cực về học phí trong ngành giáo dục vẫn tiếp tục kéo dài không khác gì những tình trạng tham nhũng, móc ruột công trình hàng ngàn tỉ ở những ngành khác, mà việc giải quyết đòi hỏi phải đặt chung trên một cơ sở tổng thể bao gồm những mối quan hệ rất chằng chịt, phức tạp giữa chính trị, kinh tế và xã hội, chứ không chỉ đơn thuần chỉ là vấn đề của ngành giáo dục.

Trò đánh giá thầy, một thử thách bước đầu

Vũ Lưu Xuân

Cải cách giáo dục đặt ra cho tất cả chúng ta nhiều vấn đề để suy nghĩ, từ tầm vĩ mô của chính sách, tới tầm vi mô của những biện pháp thi hành. Và một vấn đề đã được Lm GB. Huỳnh Công Minh nêu lên, dưới hình thức thư ngỏ, trên Tuần san CG&DT số 1625: Trò đánh giá thầy, một chủ trương không xa lạ đối với nhiều nước trên thế giới, nhưng đối với chúng ta lại là một thử nghiệm bước đầu. Nay xin được tiếp lời.

Trò đánh giá thầy là biện pháp nhằm phát huy dân chủ trong học đường. Tạo cho người đi học tâm lý trưởng thành và không cam tâm thụ động lãnh nhận kiến thức theo kiểu há miệng chờ mớm cơm. Mặt khác, rất quan trọng, nó đặt người dạy trong tư thế luôn phải sẵn sàng tự cải thiện mình, cả về kiến thức lẫn tư cách đạo đức, một điều vô cùng cần thiết với mọi người thầy, trước những đòi hỏi mỗi lúc một cao hơn. Đặc biệt trong giai đoạn này, khi mà nền giáo dục đại học của chúng ta đã bị thế giới bỏ lại khá xa, thì mọi biện pháp khả thi nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy đều được hoan nghênh.

Nhưng đã gọi là Dân chủ, chúng ta phải xác định rõ ràng ranh giới giữa hai lứa tuổi: Thành niên, tương đương lứa tuổi của một sinh viên đại học, tuổi được coi là đã đủ trình độ và khả năng hành xử như một chủ thể tự do, có ý thức và sẵn sàng lãnh trách nhiệm về hành vi của mình, ở đây hiểu là đánh giá thầy, từ đó có một tiếng nói riêng để phát biểu, một cái nhìn độc lập để khẳng định, và một tinh thần trách nhiệm đối với lợi ích của cộng đồng. Vị thành niên, tức lứa tuổi học sinh trung học, tuổi mà những phê phán, đánh giá, cho dù có nghiêm túc chăng nữa, vẫn còn phần nào hạn chế về tầm nhìn và ít nhiều chủ quan, do đó mức độ chính xác của đánh giá là vấn đề cần xét lại.

1. Đối với sinh viên, những người được coi là đã trưởng thành, việc đánh giá thầy một cách nghiêm túc, là chủ trương đáng phát huy, nếu việc đánh giá đó thực sự mang lại kết quả tích cực, tức cải thiện môi trường học tập hiện còn nhiều vướng mắc, cả về chương trình, cơ chế lẫn nhân sự. Và như vậy việc đánh giá thầy có thể coi như một trong những biện pháp sàng lọc hiệu quả, để cuối cùng chúng ta có một đội ngũ giảng dạy đầy đủ khả năng, được đào tạo bài bản, thay vì những thầy cô giáo đào tạo theo kiểu đi ngang về tắt, tiến thân bằng con đường quanh co.

Nhưng để chủ trương này đạt hiệu quả, điều kiện tiên quyết phải có: thói quen dân chủ của cả trò lẫn thầy, mà điều này hình như chúng ta còn thiếu hoặc còn yếu. Yếu vì, trước khi là sinh viên, suốt sáu năm trung học, đặc biệt là ba năm cấp ba, con em chúng ta, nạn nhân của lối giáo dục thiên về hình thức chủ nghĩa, đa phần chỉ thụ động tiếp thu theo kiểu nhồi nhét, đối phó, thiếu tư duy độc lập. Do đó, điều đáng buồn, về mặt tri thức, đa phần con em chúng ta thật ra mới là phiên bản của các ông thầy, chưa bao giờ thực sự là chính mình.

Yếu vì, về phía các ông thầy, chúng ta buộc phải nhìn nhận một thành phần nào đó, không hề coi giáo dục như một thiên chức, đòi hỏi sự rèn luyện và trau dồi, đồng thời, vì tự ái hão, vẫn loanh quanh, chưa đủ dũng khí nhìn thẳng vào khiếm khuyết của mình, từ đó sẵn sàng tiếp thu các đóng góp tích cực, và sẵn sàng tự cải thiện mà không chút mặc cảm. Tệ hơn, nhiều vị trong số đó còn, bằng mọi giá, đặt sinh mệnh chính trị, tức ghế lớn ghế nhỏ, mâm cao mâm thấp, lên trên sự liêm khiết trí thức.

Nhưng vượt lên tất cả, vấn đề cực kỳ quan trọng là: sau đánh giá ấy, nếu được coi là chính xác và xây dựng, thì những tiêu cực, những sai lầm hiển nhiên đó có được cấp trên, gồm thầy, ban giám hiệu, và cả bộ, sở, ban tiếp thu, sửa đổi một cách nghiêm túc hay không? Hay tình trạng tiêu cực, ở đây được hiểu là ông thầy thiếu năng lực và tư cách, vẫn tồn tại một cách ngạo nghễ, và các ý kiến xây dựng, phê phán bị rơi vào khoảng trống im lặng đáng sợ, vì nhiều nguyên nhân, có thể là do vướng trên vướng dưới (chữ của cựu TT Phan Văn Khải), một thực tế vẫn thường gặp, hoặc do tinh thần ù lỳ, cung cách bàn giấy (bureaucratie), căn tính quen thuộc ở một số giới chức có thẩm quyền, chỉ muốn yên thân. Lấy ý kiến đánh giá, một biểu hiện dân chủ, rồi để đấy, xếp xó, thì việc trò đánh giá thầy sẽ trở thành một trò chơi vô bổ, xa xỉ và lãng phí thời gian. Tệ hơn, tất yếu sẽ tạo cho giới trẻ cảm tưởng về một thứ bệnh làm dáng dân chủ, hoặc nói nặng hơn là dân chủ giả hiệu, làm xói mòn niềm tin của giới trẻ, lẽ ra phải có, đối với người có trách nhiệm. Theo tôi, vướng mắc lớn nhất, cái khó lớn nhất trong việc cải cách giáo dục nằm ở vấn đề nhân sự. Khó vì cho dù chúng ta không thiếu nhân tài, nhưng lại khan hiếm người tài được trọng dụng, giữa lúc thừa thãi người bất tài được đặt vào ghế cao, vì những lý do hoàn toàn riêng tư. Khó vì một cơ chế quản lý rối bời, người đầu ngành không có quyền xử lý hành chánh theo hệ thống chiều dọc, mà lệ thuộc vào hệ thống hàng ngang, bởi thế thấy sai đó, mà đành bó tay. Viết tới đây, tôi chợt nhớ tới câu nói bất hủ, vừa hài hước, vừa cay đắng của cựu thủ tướng Phan Văn Khải: trên bảo dưới không nghe. Trên bảo còn như thế, huống hồ là… Tiếc rằng, đôi lúc chúng ta đã hành xử dân chủ không ra dân chủ, phong kiến không ra phong kiến, cái gì cũng muốn, nhưng cái gì cũng nửa vời.

2. Đối với học sinh, những đối tượng vị thành niên, chưa thực sự hình thành một nhân cách độc lập, thì việc trò đánh giá thầy, nếu được áp dụng, sẽ đặt nền giáo dục của chúng ta trước nhiều nguy cơ. Nguy cơ trước mắt là, một khi việc đánh giá chưa được hiểu một cách đúng đắn, sẽ làm xói mòn tinh thần Tôn sư trọng đạo vốn được các dân tộc Đông phương, thiên về lễ nghĩa đề cao, từ đó tạo cho học sinh tâm lý khinh nhờn, ảo tưởng về tầm quan trọng không thực sự có của mình. Cạnh đó nếu việc đánh giá không đủ chính xác, có thể làm xói mòn nhiệt tình và lòng yêu nghề của những thầy cô, trong trường hợp bị chính học trò của mình hiểu sai. Vậy mà vào khoảng thập niên 80, 90 ở Thành phố, việc trò đánh giá thầy, thậm chí cho điểm thầy, nhằm mục đích nào đó, có thể bên ngoài giáo dục, đã được ban giám hiệu, hình như rất ít chuyên về giáo dục, ở một vài trường PTTH, đem ra thí nghiệm, từ đó tạo nên bầu không khí nặng nề và nghi kỵ trong nhà trường.

Toàn bộ phần trên được viết nhằm bàn về một nền giáo dục thuần túy, tức lấy việc đào tạo con người làm mục tiêu tối thượng. Riêng giáo dục đã bị thương mại hóa thì lại khác. Giáo dục thương mại hóa, nhằm mục tiêu lợi nhuận, biến chữ nghĩa thành một món hàng, với những chất lượng khác nhau, cao co, thấp có, đắt có, rẻ có, tiền nào của ấy, trong đó, thầy là người bán, còn trò là người mua. Như vậy, đối với hình mẫu giáo dục này, việc đòi hỏi quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, hiểu là trò đánh giá thầy, cho điểm thầy là điều không thể thiếu.

Nhìn chung, chủ trương trò đánh giá thầy – hay gọi một cách nào khác như Lm. GB. Huỳnh Công Minh đề nghị - chính là thử thách bước đầu cần phát huy. Thử thách giúp đánh giá khả năng thụ hưởng dân chủ của người dưới, khả năng hành xử dân chủ của người trên, và qua đó thấy được mức độ trưởng thành của nền giáo dục.


Thư ngỏ của Lm Huỳnh Công Minh gửi ông Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục

THƯ NGỎ

CỦA Linh MỤC G.B. Huỳnh Công Minh,

TỔNG ĐẠI DIỆN CỦA ĐỨC HỒNG Y TỔNG Giám MỤC TP.HỒ Chí Minh,

Nguyên ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI khóa 6 và khóa 7,

Nguyên Phó CHỦ TỊCH UBĐKCG trung ương, PHỤ trách Báo NGƯỜI Công giáo VIỆT Nam.

Kính gởi Ngài NGUYỄN THIỆN NHÂN,

Phó Thủ tướng Chính phủ

Kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục.

V/v : Chủ trương “trò đánh giá thầy”.

Thưa Ngài Bộ trưởng,

Thời gian gần đây, theo tin của báo chí, Bộ Giáo dục có chủ trương trò đánh giá thầy” (gần nhất là Báo Tuổi Trẻ ngày 17/9/2007 và ngày 18/9/2007).

Tin này gợi lên trong tâm trí tôi nhiều thắc mắc.

Nhưng trước khi trình bày thắc mắc và suy nghĩ của tôi, tôi xin phép được nêu lên mấy câu hỏi:

1/. Có đúng là Bộ Giáo dục chủ trương, như báo chí viết : trò đánh giá thầy” không? Tôi phải hỏi lại như vậy là vì, trong một số trường hợp, do nhiều luồng thông tin khác nhau, báo chí có lúc đưa tin chưa được chính xác mấy...

2/. Nếu chủ trương trò đánh giá thầy” thực sự là một chủ trương của Bộ Giáo dục, thì Bộ muốn nói gì khi dùng cụm từ : đánh giá ? Phải chăng là theo nghĩa chấm điểm , như ở một số trường ở Hoa Kỳ từng làm (theo bài viết của vị nghiên cứu sinh, Đại học Chicago, Mỹ, trên báo Tuổi Trẻ ngày 18/9/2007, trang 8 ) ? Tôi rất mong rằng không phải như vậy, bởi vì nền giáo dục của Hoa kỳ chưa hề được thế giới văn minh xem là mẫu gương (chính một số những người Mỹ có học thức và lương tri cũng thú nhận rằng nhà trường của họ không dạy học sinh làm người, biết phân biệt thiện ác, phải trái, tốt xấu, mà chỉ dạy cách thế để kiếm được thật nhiều tiền và hưởng thụ cá nhân).

3/. Phải chăng chủ trương của Bộ Giáo dục là nhằm nâng cao tính chủ động, tích cực, cương trực, dũng cảm của học sinh trong việc bày tỏ, phát biểu suy nghĩ của mình, quan điểm của mình về mọi vấn đề, nhất là những gì liên quan mật thiết đến bản thân, đến cộng đồng, đến đất nước, đến đồng loại, đồng thời Bộ cũng muốn đẩy lùi tình trạng xuống cấp hiện nay về phẩm chất của nhiều thầy cô giáo ?

Nếu quả thực Bộ Giáo dục chủ trương như vậy, thì tôi nhiệt liệt hoan nghênh, và hứa sẽ hết sức góp phần nhỏ bé của mình trong việc thực hiện.

Nhưng tôi có một đề nghị rất tha thiết, đó là xin Bộ thay đổi ngay cụm từ : trò đánh giá thầy bởi vì cụm từ này rất HÀM HỒ, dễ gây hiểu sai, hiểu lệch một cách vô cùng tai hại, nhất là nó được hiểu theo kiểu làm của Mỹ trò chấm điểm thầy. Khi trò chấm điểm thầy được, thì con cái cũng sẽ chấm điểm cha mẹ; và khi đã chấm điểm được, thì cũng tố cáo được, lên án được (ở Mỹ người ta dạy trẻ con gọi điện cho cảnh sát đến bắt cha mẹ, khi cha mẹ dạy con không đúng cách (dùng roi vọt chẳng hạn).

Chắc Ngài Phó Thủ tướng cũng đồng ý với tôi rằng gia đình là nền tảng của xã hội; nếu gia đình tan rã, thì xã hội tiêu vong; con cái tố cha mẹ thì còn gì gia đình nữa ? Tôn sư trọng đạo cũng là một nét son của văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.

Trân trọng kính chào Ngài Phó Thủ tướng.

Viết tại T.P.Hồ Chí Minh, ngày 19/09/2007

Linh mục G.B.HUỲNH CÔNG MINH