Tuesday, January 22, 2008

Thương tiếc nhà văn Nguyễn Khải mà tôi thích đọc văn của ông

LM Fx. Nguyễn Hùng Oánh

SAIGÒN -- Sau khi đổi tiền được một tháng (năm 1985), một ít người được mời đến gặp nhà văn Nguyễn Khải ở Giáo xứ Tân hoà, Quận Phú nhuận, Saigon. Ngươi đề xướng buổi gặp mặt nói: “Đáng lý ra buổi gặp mặt nhà văn Nguyễn Khải đã được thực hiện mấy tuần trước như đã dự định, nhưng do việc Nhà nước đổi tiền, bây giờ mới họp mặt được. Xin cám ơn Anh Nguyễn Khải, Quý Linh mục, quý vị”. Mọi người vỗ tay và chủ toạ giới thiệu khách mời.

Nhà văn Nguyễn Khải bắt tay linh mục Nguyễn ngọc Lan, miệng như chúm chím cười, nói: “Tôi vẫn đọc văn của linh mục”. Mọi người đều nói: “Nhà văn đọc văn của nhà văn”. Bầu không khí vui vẻ, thân mật xuất hiện thực nhanh.

Linh mục Châu nói: “Tôi vừa mới đọc mấy tên sách của ông, như hình ông thuyên về triết lý”.

Một linh mục phàn nàn: “Nhà văn lấy tài liệu ở đâu mà nói linh mục phải quỳ, rồi đi bằng đầu gối tới dâng thư cho một Tổng Giám mục. Tôi xin cam đoan chẳng có linh mục nào làm như vậy và chẳng có Tổng Giám mục hoặc Giám mục nào chấp nhận nhận việc đó.

Giáo sư Nguyễn văn Trung tiếp: “Nếu nói quá, nói không đúng sự thật và có vẻ xúc phạm. Người ta có thể nhờ Toà án can thiệp”.

Nhà văn Nguyễn Khải làm loãng vấn đề rồi mới hướng về vấn nạn: “Cách mạng ở những giai đoạn khởi đầu, rồi trưởng thành qua nhiều giai đoạn…, Nhà văn Vũ Trọng Phụng mới 25 tuổi đã viết được những tác phẩm đáng giá... Phần quý vị phàn nàn đó tôi đã gạch bỏ trong lần tái bản nầy rồi (sau nầy Ông Năm Đông, em ruột của Cha Chính Mậu, địa phận Cần thơ, đi tập kết ra Bắc về làm việc ở thành phố HCM cho biết chính một linh mục nói với Nguyễn Khải câu truyện đó. Nếu đúng như vậy, phải phục nhà văn Nguyễn Khải yên lặng chịu trận, không nêu tên linh mục đó ra để biện hộ cho mình ).

Với nụ cười chúm chím, giọng nói dí dỏm, có khi khôi hài nhưng rất thật, nhà văn Nguyễn Khải nói: “Ở trong rừng, chúng tôi bị máy bay địch ném bom, mấy anh bộ đội Công giáo vừa chạy vừa kêu tên “Giêsu”, tôi chạy sau mấy anh đó cũng kêu “Giêsu” như họ. Bây giờ, tôi nhiều tuổi, tôi cũng suy nghĩ về tôn giáo.

Kẻ viết bài nầy phát biểu: “Nghe tiếng nhà văn Cách mạng, bây giờ có dịp may nghe nhà văn nói, xin chân thành cám ơn nhà văn. Về tôn giáo, tôi xin có ý kiến thế nầy: Phật giáo du nhập vào Việt nam gần hai ngàn năm, thấm vào da thịt người Việt, nên cụ Tú Xương làm thơ có chế diễu nhà sư, hoặc quyển tiểu thuyết Tiêu sơn tráng sỹ có nói tới nhà sư hổ mang, chẳng ai phật ý hết. Bên Âu châu, Công giáo được đón nhận cả hai ngàn năm, người dân thời nay vẫn chịu ảnh hưởng Công giáo, người ta đóng kịch vai Giáo hoàng với mũi cao bất thường, cử chỉ gây cười cho khán giả, chẳng có người dân Âu châu nào phản đối, chỉ có người Công giáo Việt nam ở bên đó khó chịu vì xem là một xúc phạm. Tại Việt nam, nếu có những châm biến cá nhân người nầy người kia, chẳng ai phản đối, nhưng nếu họ là giáo dân, là linh mục thì dư luận giới Công giáo không chấp nhận được.

Nhà văn Nguyễn Khải nói: “Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ gặp tôi và hỏi tôi đang viết gì, tôi trả lời đang viết về tôn giáo.”. Cụ giơ tay nói: “Thận trọng nhé”. Tiếp theo nhà văn kể những truyện vui trong kháng chiến.

Từ đó, tôi hay đọc những bài báo của Nguyễn Khải, ông hướng về Cái Thiện, Cái Thật, Cái Đẹp. Có bài báo ông ước muốn đáp ứng nhu cầu của thời đại bằng tác phẩm lớn. Ông nói muốn có tác phẩm như vậy phải đầu tư sức lực, thời gian và về phía nhà nước phải chi cho nhà văn sống để viết, không bận tâm đến việc kiếm sống. Tôi nghĩ rằng ông đã có những tác phẩm lớn. Một số linh mục trong đó có tôi đã đọc tác phẩm của ông. Cám ơn ông đã cho biết những chuyện đã xảy ra nơi nây nơi kia, nhưng chỉ có tính cục bộ ở nơi đó, không phổ biến. Bằng chứng cụ thể, ông tới Giáo xứ Tân hoà gặp một số anh em linh mục, mấy nhà trí thức Công giáo tiếp đón ông và ông thấy được không có những chuyện ông đã đưa vào tác phẩm của ông.

Ông đã viết bài “Trôi theo tự nhiên” đăng trên tạp chí “Nhà văn” trong đó có câ: “Tội nghiệp cho những thằng viết văn, làm báo! Viết dối thì dân chưởi, viết thật thì quan đe, viết thế nào cho được lòng cả hai phía nhỉ” (xem bài Ông từng là thần tượng của tôi, của Hoài Anh, báo Pháp luật TP HCM số 017 (1534) ngày 17-10-2008, trang 9).

Được tin ông từ trần, tôi đã kêu tên Đức Giêsu, cầu nguyện cho ông. Cũng nên biết ông sinh năm 1930 ở Nam định, nhà văn trong quân đội miền Bắc với quân hàm Đại tá, đã nhận được giải thưởng Hội nhà văn Việt nam năm 1982, giải thưởng Văn học nghệ thuật HCM năm 2000, bị bệnh tim, phải giải phẫu tim, sau một tháng bị nhiễm trùng ở ổ bụng, vào bệnh viện 115, bị hôn mê và từ trần lúc 19 giờ 25 ngày 15-01-2008. Xin kính chào từ biệt ông.

[VietCatholic News (Thứ Ba 22/01/2008 12:11 PM)]

No comments: