Tuesday, January 22, 2008

Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khải. Suy ngẫm về sức nghĩ của một nhà văn lớn

Tương Lai


“Trôi theo tự nhiên”, tuy là một lựa chọn thật minh triết, nhưng sao cứ như một ám ảnh định mệnh, vì dễ gì cuộc sống chung quanh chịu tuân phục cái lẽ tự nhiên mà Anh đã ngộ ra được để cùng chọn một cách thế ứng xử mà Anh mong muốn, anh Nguyễn Khải ơi.

Thì cũng chính Anh đã viết như vậy: “Trong mọi cảnh ngộ trớ trêu, tính cách và nghị lực con người chỉ làm chủ một nửa, còn một nửa là những rủi ro không thể tính trước”.
Đọc câu ấy trong tác phẩm cuối cùng Anh tặng tôi, “Hồi ức về sự hình thành một bút pháp” mà Anh đặt tên là “Trôi theo tự nhiên” tôi cảm nhận được chiều sâu dự cảm của một sức nghĩ, một tầm tư duy đang ở vào một bước ngoặt trong văn nghiệp của Anh. Càng ngẫm nghĩ, càng thấy sự nghiệt ngã của thời gian và định mệnh. Anh đã cố làm chủ lấy sự trôi chảy của thời gian đang càng ngày càng hối hả thúc giục, để rồi Anh vẫn không vượt qua được cái khắc khoải của định mệnh. Và, cái “không thể tính trước” đã xảy ra, cho dù Anh đã toan tính chối bỏ. Đó chính là nỗi đau chúng tôi phải chịu đựng hôm nay.
Ám ảnh định mệnh ấy đã là sự thực đau đớn, con người tài hoa và trung thực ấy đã tuyệt đối nằm xuống. Cho dù Anh từng chiêm nghiệm “năm tháng đã qua đi nhưng vẫn còn lưu lại mùi hương đã nhạt của một thời, và cả những vệt nước mắt vừa khô của một thời” thì , anh Khải ơi, một thời ấy, cuộc đời còn muốn nhận được từ sự tái hiện sống động bởi văn tài và ý thức công dân của người cầm bút có trách nhiệm và đủ minh triết để làm điều đó nơi Anh.
Thật xót xa cho cuộc đời đã không được tiếp nhận trọn vẹn những tìm tòi, những đúc kết nghĩ suy và đưa ra những thẩm định chính trị sau cả một quãng đường dài hơn nửa thế kỷ của một nhà văn tài hoa và có trách nhiệm với chính cuộc đời ấy. Tôi muốn nói đến tập “Tùy bút chính trị” mà Anh đã cho tôi đọc và dặn hãy giữ cẩn thận giúp Anh.
Chỉ nói đến một tùy bút dở dang đang ở trước mắt tôi đây, vì viết về sự nghiệp đồ sộ của Anh, sức tôi không kham nổi và chắc chắn sẽ có nhiều người làm việc đó tốt hơn nhiều. Đã có lần tôi hỏi Anh, tại sao lại đặt tên cho tập “tùy bút chính trị” ấy là “Nghĩ muộn”. Một thoáng trầm ngâm, và rồi Anh cười: “Thì cả cuộc đời sống và viết, bây giờ mới nghĩ ra và viết được ra, mà cũng đã xong đâu, vẫn còn nghĩ tiếp đấy, thì chẳng muộn quá là gì”.
Anh Khải ơi, “Nghĩ muộn” của Anh không hề “muộn”, ngược lại, nó còn “sớm” hơn với nhiều người cầm bút, và đáng tiếc, và đau đớn đối với tôi lúc này, chính là ở đấy. Thẫn thờ, tôi lần mở tập bản thảo, ngẫm nghĩ về câu Anh viết mà nghẹn ngào không cầm được nước mắt: “Với một người viết văn cũng như những người làm nghề thuộc về trí tuệ, là lãnh vực tự do nhất, độc lập nhất trong xã hội, thì bạn bè là tất cả. Trong bạn bè, sẽ tìm ra tri kỷ, trò chuyện với tri kỷ vừa là đối thoại vừa là độc thoại để cân nhắc, xem xét, lật trái lộn phải một nghi vấn, một cách trả lời, một khẳng định còn rụt rè, một kết luận còn chưa đủ tự tin”.
Tôi may mắn được là người bạn muộn mằn của anh, và chắc chắn không phải là người “tri kỷ” mà anh lựa chọn. Nhưng duyên do là mỗi tháng chúng tôi lại có dịp gặp nhau một lần. Tận dụng thời gian hiếm khi gặp được nhau, vào những dịp ấy, Anh hay tranh thủ nán lại cùng chúng tôi, say sưa bộc bạch những suy tư nghiêm cẩn dưới cái dạng hài hước nhưng rất tinh tế và khiêm nhường của một sức nghĩ lớn. Nhân việc Anh muốn đọc một tiểu luận tôi viết đã lâu song ngại làm mất thì giờ của một nhà văn lớn, tôi không dám đưa để Anh phải trách, tôi vội đem đến nhà và không ngờ lại là sự giục giã một ý tưởng đã định hình trong Anh. Chúng tôi thân nhau từ đó, tuy biết Anh thì đã mấy chục năm và đã từng say mê đọc Anh.
Tôi kính trọng tài văn và sự trung thực, cởi mở của anh, trân trọng tình bạn “vong niên” mà Anh dành cho tôi, một người kém Anh đến sáu tuổi. Dưới ngòi bút tài hoa, tinh tế của Anh, bằng con mắt của chuyên ngành tôi đeo đuổi, triết học và xã hội học, tôi cảm nhận ở anh những suy tư triết lý với cái nhìn xã hội học sắc sảo. Trong sự thụ cảm riêng tư, tôi nghiệm ra rằng, văn tài của Anh vượt cao lên trong văn đàn nước ta “một thời”, chính là do có sự suy tư ấy, có cái nhìn ấy. Vì thế mà tôi thích đọc Anh, say mê những trang viết của Anh, nhớ kỹ và chiêm nghiệm những độc thoại, đối thoại của các nhân vật trong tác phẩm của Anh. Còn Anh, tôi hiểu, Anh muốn có người để bộc lộ những suy nghĩ “động trời” mà tôi chỉ là một cái kênh bé nhỏ.
Và nay thì một ý nghĩ cứ dày vò tôi, đáng lý ra, phải làm cách nào để giục giã hơn nữa để anh viết tiếp tập “tùy bút chính trị” mà xem ra bút lực của anh còn quá dư thừa để đưa ra những vấn đề có ý nghĩa rất lớn đến sự nghiệp của chúng ta, mà mỗi người, từ góc nhìn và sự trải nghiệm của mình, đều có thể có những đóng góp, như Anh đã viết: “Họ góp đóm, làm khô củi, tất cả đã sẵn sàng, người phát minh chỉ việc thổi bùng lên ngọn lửa sáng tạo”.
Có sức nghĩ nào là muộn đâu? Muộn hay sớm là tùy độ chín của tư tưởng mà mình nung nấu đấy thôi. Với anh, cả một đời cầm bút, tôi hiểu độ chín của tư tưởng Anh đang ấp ủ đáng phải sớm đưa ra để “góp đóm làm khô củi” khiến ngọn lửa nhanh chóng bùng lên, ngọn lửa của sáng tạo, ngọn lửa của tư duy.
Đành rằng rồi cũng phải chấp nhận sự nghiệt ngã của sự sống, dù nghị lực sung sức đến mấy cũng không sao cưỡng lại được quy luật của tự nhiên, nhưng “Hồi ức về sự hình thành một bút pháp” đã xong đâu. Mới đây thôi Anh còn hồn nhiên, vui vẻ bông đùa “họ lên đường cả, mình rồi cũng phải chuẩn bị thôi, cho nên nghĩ được đến đâu là tôi viết ngay, đánh máy ngay”. Bàng hoàng lật lại những trang viết, càng cảm được cái sung sức của bút lực, sự mạnh mẽ tinh nhạy của bút pháp để đưa ra “một kết luận còn chưa đủ tự tin”, đấy là Anh khiêm nhường mà nói thế, chứ thực ra, Anh đã rất tự tin về độ chín của những câu chảy ra đầu ngọn bút, ở những con chữ hiện hình chầm chậm song chắc nịch từ chiếc máy chữ quen thuộc của Anh. Chính vì thế mà lại càng đau đớn nghĩ về một công trình đang dang dở trong sự trăn trở.
Đấy là sự trăn trở của một ngòi bút trung thực nhưng thận trọng, đang viết ra những dồn nén trong khối óc và trái tim Anh, tuy đã chín trong suy ngẫm, song vẫn còn muốn có thời gian để dòng tư duy mạnh mẽ đủ sức thanh lọc những tạp chất, để chưng cất lại những ý tưởng đúc kết từ chính sự trải nghiệm của cả cuộc đời. Đó là những suy tư quyết liệt và giằng xé: “trong từng cá nhân vẫn còn bao nhiêu năng lực chưa được khai mở, còn bao nhiêu của cải chưa được khai thác, còn bao nhiêu yếu tố của cái phi thường chưa được nuôi dưỡng đúng như nó phải có. Tất cả tùy thuộc vào lòng can đảm ta có dám cởi trói cho chính ta không, ta có dám đối mặt với những thơ ngây, lầm lẫn của chính ta không? Trước hết hãy tự giải phóng mình ra khỏi những định kiến, những nguyên lý, những quy tắc từ lâu đã chả có tác dụng gì nhiều tới những hoạt động thực tiễn cả”.
Nghĩ muộn” là cái tên Anh đặt cho công trình còn dang dở ấy, đã nói lên phần nào động lực thôi thúc Anh viết “Tùy bút chính trị”, mà theo tôi, là một hứa hẹn độc đáo về giá trị tìm tòi và thẩm định của một người cầm bút có trách nhiệm bằng cả chiều dài thời gian và bề dày trải nghiệm. Sự trải nghiệm của một nhà văn từng lăn lộn trên chiến trường và trong nhiều trận địa của cuộc sống. Rồi, “như chợt thức giấc sau một giấc ngủ dài, giương mắt nhìn ra xung quanh, nhìn vào lòng mình bỗng thấy mọi quang cảnh như đã thay đổi. Tất cả đều ẩn giấu những câu hỏi hết sức mới mẻ, hết sức lạ lùng, buộc mình phải có cách trả lời, có trả lời xuôi thì mình mới sống yên ổn được với xung quanh, với chính mình”.
Rồi, Anh đã tìm cách trả lời. Trước hết là trả lời cho mình. Từ trả lời cho mình mà góp phần trả lời cho những khúc mắc, dằn xé của cuộc sống, mà tựu trung lại cũng là xoay quanh chuyện con người. “Con người hiện tại là tổng thể của một quá khứ sâu thăm thẳm, làm sao có thể biến cải họ thành người khác trong vòng vài thập kỷ! Mọi bước nhảy, mọi sự rút ngắn, mọi cuộc cách mạng quá khích ở lãnh vực này là vô nghĩa, nghĩ là thành công mà rồi sẽ có ngày phải làm lại cả, lại phải bắt đầu từ cái bắt đầu theo một phương hướng khác”.
Những dòng ý tưởng Anh viết trong “Trôi theo tự nhiên”, với cảm thức còn mơ hồ của tôi, chính là nhằm chuẩn bị cho việc hoàn thiện những suy tư kết đọng lại trong “Nghĩ muộn” mà Anh dự định sẽ còn phải chỉnh sửa, còn phải “lật trái lộn phải một nghi vấn, một cách trả lời, một khẳng định còn rụt rè” để có đủ sức gạt bỏ sự rụt rè đó, nhằm đưa ra sự khẳng định khi trao nó cho công chúng. Có chăng, “muộn” chính là sự đắn đo khiêm nhường của một ngòi bút có trách nhiệm không cho công bố những suy ngẫm đã đến độ chín, chứ không hề “muộn” những dằn vặt sáng tạo của Anh để hình thành những ý tưởng cần đưa ra vào lúc này.
Vả chăng, căn cứ vào đâu để thẩm định về “độ chín của một tư tưởng” nếu không đưa nó ra cọ xát với đời sống thực của con người, của xã hội. Chính cuộc sống thực ấy mới có đủ sự tường minh để mà thẩm định một tư tưởng, một luận điểm, chứ không phải một ai đó nhân danh cho sự độc quyền chân lý để đưa ra những phán quyết. Chân lý là cụ thể, vì thế nó không đứng yên một chỗ, nó phải vận động như chính dòng sông cuộc sống cuồn cuộn tuôn chảy. Quyết định vận tốc của dòng sông ấy là sức cuộn chảy từ bên dưới. “Rút ngắn thời đoạn, đổi người chuyển giao là sẽ bị lịch sử phủ nhận ngay”, đó chính là câu kết tạm thời của cái “tùy bút chính trị” còn dang dở của Anh.
Nhưng anh Nguyễn Khải ơi, công trình nào của cuộc sống mà chẳng dang dở! Có dang dở mới có phát triển. Công trình dang dở của Anh chắc rồi cuộc sống sẽ tiếp tục, và biết đâu, sự dang dở trong tìm tòi và sáng tạo của Anh lại là khởi nguồn cho những bước đi tới mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Thì Anh đã những muốn “để cái nghĩ của mình còn giữ được một chút cái tươi, cái mới lúc ban đầu, khỏi bị xơ cứng trong cái chính xác giả tạo, gò ép” đấy sao? Thì Anh chẳng đã “hy vọng những gì mình mong muốn trước sau gì cũng sẽ tới” mà ngay trang đầu của “Nghĩ muộn” như Anh đã viết.
Sức nghĩ của Anh chẳng những không “muộn” mà còn thổi vào cuộc đời một làn gió mới có khả năng “làm thay đổi chiều hướng một đời người” mà Anh viết đăng lên báo như một tuyên ngôn trong “Trôi theo tự nhiên” rồi đấy thôi “Sống bằng sự tỉnh táo, không có đam mê lớn, không có hoang tưởng, không có lãng mạn, không dám vươn tới những cái đích không thể với tới, không có những thất bại, những mất mát làm thay đổi chiều hướng một đời người, thì cuộc đời sẽ rất nhạt”.
Quả đã có những cuộc đời rất nhạt, nhưng văn nghiệp của Anh, sức “Nghĩ muộn” của Anh sẽ cung cấp năng lượng cho con người vươn tới những cái đích không thể với tới, mà theo lôgic của tư duy trong “Trôi theo tự nhiên”, mà trong suy ngẫm của tôi, chính là nhằm chuẩn bị cho sự hoàn thiện tùy bút “Nghĩ muộn”, thì không có cái đích nào không thể với tới, nếu người ta biết và dám sống với hy vọng những gì mình mong muốn trước sau gì cũng sẽ tới!.

No comments: