Tuesday, January 22, 2008

Cuộc trò chuyện cuối cùng với Nguyễn Khải


Nhà văn Nguyễn Khải và nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải (ảnh chụp tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM ngày 14-11-2007)


TT - LTS: Được sự đồng ý của nhà văn Nguyễn Khải, từ đầu tháng 11-2007, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải, với bút, sổ tay và máy ghi âm đã bắt đầu một cuộc trò chuyện dài ngày với tác giả của Gặp gỡ cuối năm.

Lần gặp sau cùng diễn ra vào ngày 14-11 tại Bệnh viện Thống Nhất trước khi nhà văn chuyển sang Viện Tim TP. Ông hẹn sau khi mổ sẽ tiếp tục.

Nhưng nhà văn lần này đã không trở lại. Ông đã ra đi lúc 19g25 ngày 15-1-2008 (lễ truy điệu diễn ra lúc 6g hôm nay, 18-1).

>> Nguyễn Khải, nhà văn tài năng nhất của thế hệ chúng tôi
>> Nhà văn của Mùa Lạc đã ra đi
>> Nhà văn Nguyễn Khải - Tôi chỉ là người của một thời

Cuộc trò chuyện cuối cùng với ông vừa được nhà báo Ngọc Hải gửi gắm đến Tuổi Trẻ.

* Thưa ông, Nguyễn Khải là nhà văn của thời sự, của tâm lý nhân vật, ông đã tạo dựng nhiều loại nhân vật của nhiều thời khắc. Nếu bây giờ còn sức khỏe để viết, ông sẽ chọn loại nhân vật nào của hôm nay?

- Tôi thích những người quyền lực về tinh thần, chiến đấu đầy bi kịch cho dân chủ và tiến bộ xã hội. Loại người có thế giới tinh thần mạnh mẽ, muốn thay đổi, không muốn sống như cũ nữa. Ở trạng thái này, con người sẽ phong phú. Tôi thích viết những cái chênh vênh lạc thời. Con người của hôm nay đa dạng lắm. "Xuân tóc đỏ” hiện đại cũng nhiều lắm. Sợ nhất là cái giả dối. Nếu viết về loại người "Xuân tóc đỏ” phải có tài, phải thổi lửa "tiêu hóa" được tài liệu. Lửa chưa đủ sức thiêu cháy tài liệu, cứ để lổn nhổn là bất tài.

Có những anh vai mỏng gánh trách nhiệm quá lớn, không biết sợ, cứ thấy ổn cả. Hạ cánh an toàn là câu mất dạy. Phải nhớ Khang Hy: "Việc vừa xong thì họa cũng vừa xong".

* Tuyển tập Nguyễn Khải ra rồi, dạng hồi ký đời văn cũng co Thượng đế thì cười, tổng kết bút pháp thì có Trôi theo tự nhiên. Ông có nghĩ cuốn sách tiếp theo sẽ là gì không ạ?

- Tôi có viết một vài tùy bút chính trị. Còn vừa lóe ra một đề tài rất thích. Tôi định viết, tôi rất thèm được sống một mình. Không lúc nào con người được sống một mình. Từ hàng xóm, con cái, mọi việc đều có tập thể nhảy bổ vào. Thế giới tinh thần chỉ có tập thể, không có trách nhiệm cá nhân. Thời đổi mới này người ta kêu cô đơn, nhưng tôi cũng thèm sống một mình. Tầm quan trọng của cá nhân. Một xã hội thấy được sức mạnh cá nhân, con người phải có quyền tự do quyết định số phận mình - quyền tự chủ. Nhưng mà chưa viết thì bí mật hộ nhé.

* Ông nói rằng mình viết thường là tìm mẫu người quen thuộc với vùng nghĩ, vùng cảm của mình, và phải đi mới tìm được. Ông thích đi đâu sắp tới?

- Đúng rồi, tạng của tôi ngồi một chỗ không viết được. Đi là nó đụng vào, tóe ra. Khoa học nghệ thuật, nghề sáng tạo không có cách gì bảo thủ được. Văn tôi bây giờ không còn tả cảnh. Nếu còn sức, tôi sẽ đi tìm loại nhân vật làm chính trị, có quyền lực, tính tình phóng khoáng, chủ động, vượt lên cho tương lai. Làm quan, làm chính trị mà tử tế đàng hoàng, có đầu óc, nhân vật sẽ nói được nhiều lắm. Chắc chắn phải mất một năm đi tìm. Cũng cao tuổi, yếu, nói thôi mấy lần rồi. Nhưng nếu khỏe, đi vớ đi vẩn thì lại viết.

Nếu như bây giờ đi một vệt Phú Thọ, Nam Định hoặc quanh Hà Nội có thể viết được tập truyện ngắn. Tôi thích vùng Vĩnh Yên, Phúc Yên. Mong một, hai tháng nữa khỏe, ra Hà Nội một chuyến lại được viết. Nhưng sống lâu thời này đầu óc phải mới tinh, tràn ngập sự thay đổi. Rung động đời sống nhỏ nhất phải đến với anh. Cuộc sống thay đổi hằng ngày, phải xem để thay đổi.

* Vùng đồng bằng Bắc bộ là quê hương văn học của ông, nhưng hầu hết các tác phẩm lớn của ông lại được viết ở Sài Gòn. Mảnh đất phương Nam có ý nghĩa như thế nào?

- Nói ví von thế này: miền Bắc cho tôi độc lập, miền Nam cho tôi dân chủ, tự do. Nó bật ra đa thanh. Những cú hích quan trọng tìm ra vỉa sống mới. Ngậm ngùi, hi vọng, tự do là từ trong này mà ra.

Sau giải phóng, tôi gặp các nhân vật lạ khác với nhân vật quen thuộc của tôi trước đây: giám đốc, bí thư, chủ nhiệm hợp tác xã... Nhân vật mới ở miền Nam là các linh mục tốt nghiệp ở nước ngoài, là các trí thức có cách suy nghĩ riêng, là nhiều bà con họ hàng, là nhiều số phận thay đổi. Có người gặp nói cả tuần không hết chuyện. Họ rộng mở, phức tạp, phù hợp với một thời kỳ lịch sử - xã hội hiện đại.

Tôi yêu vùng quê đồng bằng Bắc bộ, nhưng viết các vấn đề có ý nghĩa triết học, tư tưởng phải là thế giới tập trung chính trị, văn hóa, là ở đô thị. Muốn viết sâu, đậm, không thể không "lôi" về Hà Nội. Một nửa sự nghiệp của tôi là ở trong Nam này cũng vậy. Tôi muốn đi vào giới trí thức, vì trí thức biết buồn cái buồn của người khác. Nhân vật của thành phố lớn là con người của trí thức.

* Nếu tự tóm tắt chân dung nhà văn Nguyễn Khải, thì thế nào ạ?

- Về nhà văn tôi tổng kết: tuổi và thời thế là quan trọng. Có những kiểu nhà văn tài năng bẩm sinh, bộc lộ rất trẻ, chưa sống lâu đã có tác phẩm lớn như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Thạch Lam. Sau này có Nguyễn Huy Thiệp, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật. Vàng Anh bẩm sinh "há miệng" thành văn. Những tác phẩm đầu tay của Đỗ Chu đọc thấy sợ, văn chương ấy lúc 17, 18 tuổi. Trạm quân bưu, Thung lũng Cò, Ráng đỏ, cái nào cũng hay. Tư thế nhà văn trăn trở cùng đất nước. Nguyễn Ngọc Tư có trăn trở của người dân...

Còn có kiểu nhà văn phải sống lâu, sống nhiều, được gặp thời thế đặc biệt. Tôi ở loại này. Không u mê, tự thay đổi, mới có cống hiến. Văn chương nhiều cái huyền bí, không biết lúc nào hay, lúc nào không. Còn đời riêng cá nhân tôi chả có gì đáng viết. Tôi ghét sự lê la, có tí rượu, tí bột lăn tôm là uống rượu, tôi ghê lắm. Văn nghệ sĩ ăn nói tục tằn, hống hách kiểu lãnh tụ đại ca, trưởng nhóm, hoặc khệnh khạng làm giai thoại, tôi cũng không thích. Tôi thích tính thoải mái của Lê Đạt, thích nhất cái thật của Kim Lân.

Tôi cô độc bẩm sinh. Nếu không có cách mạng, chắc tôi là tu sĩ. Một lần tôi đến tìm ông cha tìm hiểu về Vatican 2 để viết sách tôn giáo. Trong lúc chờ, tôi ra mua thuốc lá. Người bán thuốc nhìn tôi hỏi: "Cha mua loại nào? Con biếu cha bao diêm". Chắc mặt tôi giống linh mục.

Đời tôi chỉ yêu viết lách. Sống nhạt, dễ thỏa hiệp, bao dung nhưng quyết liệt khi viết. Tôi nghĩ nhà văn phải sống khó chịu nhất, không thỏa mãn, luôn cảm thấy muốn cao hơn, xa hơn. Phải là người tìm tòi ngược thời. Thời nào với mình cũng là chật, mới là tốt.

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI thực hiện (http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=239241&ChannelID=10)

Thứ Tư, 16/01/2008, 07:52 (GMT+7)

Nguyễn Khải, nhà văn tài năng nhất của thế hệ chúng tôi

Nhà văn Nguyễn Khải và chiếc máy đánh chữ đã gắn bó với ông cho đến cuối đời - Ảnh: T.N.

TT - Trước hết, tôi muốn nói điều này: đấy là người tài năng nhất trong thế hệ của chúng tôi, thế hệ những người cầm bút vậy mà hóa ra vắt qua cả mấy thời kỳ lịch sử quan trọng: một chút thời Pháp thuộc, đầy đủ Cách mạng Tháng Tám, đẫm mình trong hai cuộc chiến tranh lớn, và cả hòa bình nữa.

Một đận hòa bình cũng chẳng ít khó nhọc - cả hai cuộc, hòa bình một nửa nước miền Bắc từ sau năm 1954 và hòa bình cả nước sau 1975, hòa bình nào cũng xao động bao nhiêu sóng gió.

Rồi lịch sử văn học sẽ có thời gian ngẫm lại mà xem, tất cả những chuyển động bão táp, phức tạp, trăn trở đó của số phận đất nước và nhân dân, ta sẽ được đọc lại hẳn nhiều nhất, sâu nhất trong Nguyễn Khải. Đấy là một trong những nhà văn hàng đầu, quan trọng nhất của văn học ta suốt một thời kỳ cực kỳ sôi động.

Tôi gặp Nguyễn Khải lần đầu, tôi còn nhớ chắc chắn, ngày 19-8-1955. Bấy giờ Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua quân đội vừa họp ở Hà Nội. Tổng cục Chính trị gọi mỗi sư đoàn một người "biết viết" về Hà Nội để chia nhau viết về các anh hùng vừa được tuyên dương. Hóa ra đấy là cuộc tập hợp để rồi sau đó sẽ hình thành cả một thế hệ những người cầm bút chủ lực được rèn luyện trong kháng chiến chống Pháp và bắt đầu chính thức bước vào văn học sau năm 1954-1955.

Nguyễn Khải từ sư đoàn đồng bằng Bắc bộ lên, Phùng Quán, Nguyễn Khắc Thứ từ sư đoàn 325 Bình Trị Thiên ra, Hồ Phương từ sư đoàn 308 về, Nguyễn Trọng Oánh và Hải Hồ từ sư đoàn 304 Khu 4, Lý Đăng Cao từ phòng không, Hà Mậu Nhai từ sư đoàn 330 Nam bộ... Ít lâu sau, có thêm Hữu Mai từ Điện Biên Phủ, Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi từ sư đoàn 338 Nam bộ về...

Tôi là người về sau cùng, một cây bút mới tập tò đôi ba bài bút ký vô danh, từ sư đoàn 324 Khu 5 cũng được gọi về vì có ai đó tình cờ giới thiệu. Lính mới toanh, cấp thấp nhất trong nhóm, còn hoàn toàn trắng tay, gặp ai cũng sợ. Bấy giờ Hồ Phương đã có Thư nhà, chúng tôi ở chiến trường Khu 5 xa thế mà cũng từng được đọc và phục lăn. Nguyễn Khắc Thứ đã có cả bộ tiểu thuyết Đất chuyển đồ sộ. Phùng Quán vừa xáo động văn đàn bằng Vượt Côn Đảo. Nguyễn Khải thì từng đoạt giải thưởng Hội Văn nghệ VN, danh tiếng vang đến tận những chiến trường xa trong Nam của chúng tôi...

Những bước đi nhọc nhằn và dũng cảm

Tôi biết có người thường trách các nhân vật của Nguyễn Khải giống anh ấy quá, ai cũng đầy luận lý như anh. Tôi thì tôi nghĩ có hơi khác: mỗi người có một cách sống và một cách viết. Nguyễn Khải là người gửi vào các nhân vật của mình hết mọi trăn trở trên bước đường tư tưởng khó nhọc của anh - mà trên đời này người trung thực thì bao giờ các bước đường tư tưởng cũng vô cùng khó nhọc, chỉ có những anh chàng sống giả mới dễ hơn hớn hời hợt. Vậy nên, rồi bình tĩnh đọc kỹ lại hết anh mà xem, sẽ thấy đấy là người đã ghi lại được cho mai sau gần như toàn vẹn, trung thực những bước đi nhọc nhằn mà dũng cảm của con người chúng ta, cũng là của đất nước, trong suốt những năm tháng dài bão táp bên ngoài và bên trong, vừa hào hùng vừa đau đớn, như một nhà văn tài năng của dân tộc ắt phải làm.

Cái quan định luận, bây giờ thì có thể nói như thế này rồi: Nguyễn Khải đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp đồ sộ, một bức tranh toàn cảnh sẽ vô cùng cần thiết để hiểu một thời vào loại quan trọng nhất của đất nước. Và có hiểu được như vậy thì mới đi tới được, ít đau khổ hơn và ít vấp váp hơn.

Nguyễn Khải có viết một câu hết sức ưu ái đối với tôi, anh bảo tôi "là nhà tư tưởng của thế hệ chúng tôi". Anh thương tôi quá mà nói vậy. Anh mới chính là nhà tư tưởng ấy, bởi nhà văn mà là nhà tư tưởng thì phải thể hiện các tư tưởng ấy ra trong tác phẩm của mình. Và anh mới là người làm được xuất sắc điều đó.

Tôi ở chiến trường du kích Khu 5 hẻo lánh, bao nhiêu năm sách vở chẳng có gì, về Tổng cục Chính trị chộp được một cái thư viện đầy sách tiếng Pháp, phần lớn là tiểu thuyết Liên Xô, liền lao vào đọc say mê. Một bữa Nguyễn Khải tình cờ đi qua nhìn thấy, dừng lại kêu lên: Ô, thằng này nó đọc được tiếng Pháp chúng mày ạ!... Và chúng tôi thân nhau từ đấy. Vì sao? Có lẽ vì cả hai ham tò mò mọi chuyện đời và bắt đầu muốn suy nghĩ.

Bấy giờ anh em ở trại sáng tác thường đùa, một thằng cao một thằng lùn - Khải cao lớn nhất, còn tôi thì thấp nhất trong số anh em được gọi về - mà lúc nào cũng cặp kè như vợ chồng, ngày đêm, không biết chúng nó tâm sự với nhau chuyện gì mà lắm thế! Hồi đó còn non nớt lắm, nhưng tôi cũng đã lờ mờ nhận ra điều này: Nguyễn Khải không phải là nhà văn của chủ nghĩa anh hùng, bấy giờ đang là xu thế chính thống của văn học ta. Anh là cây bút của các vấn đề xã hội, đọc kỹ lại xem, tinh một chút có thể thấy ngay ở những sáng tác trong thời chiến của anh đã manh nha những đường nét đầu tiên của xu hướng ấy. Và như vậy, anh đi sớm hơn chúng tôi rất nhiều...

Vậy mà ở trại sáng tác, Nguyễn Khải lại được phân công viết về nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi. Thất bại. Không phải cái tạng của anh. Anh không viết được ca ngợi, cái tạng của anh là moi tìm, lục lọi, vặn đi vặn lại vấn đề, luôn đặt câu hỏi, không bằng lòng với những câu trả lời của chính mình, và luận lý, tự luận lý, suy ngẫm.

Rồi chúng tôi, ba anh em, Nguyễn Khải, Nguyễn Trọng Oánh và tôi, được cử đi tham gia cải cách ruộng đất đợt 5 "để có thêm hiểu biết nông thôn", cùng về xã Hưng Nguyên, huyện Thủy Nguyên bên bờ sông Bạch Đằng, đúng nơi Trần Hưng Đạo đánh trận thủy chiến mấy trăm năm trước. Tất nhiên loại "trí thức" mặt trắng chúng tôi thì chỉ được làm đội viên quèn thôi. Mỗi đứa ở một thôn. Cũng hăng hái lắm.

Nhưng có hôm đi họp đoàn gặp nhau, Khải thì thầm vào tai tôi: Mình thấy như có cái gì đó không phải cậu ạ. Sao lại thế này nhỉ? Hay là tại bọn mình non chính trị quá!... Chỉ dám thì thầm. Chuyến ấy đi về, Khải và Oánh bảo: May mà ở đội của mình chưa bắn ai cả. Nhờ có anh đội trưởng rất tốt, dũng cảm và trung thực!...

Rồi đến thời kỳ Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô. Khải và tôi thường lén lút đọc các tài liệu về sự kiện chấn động ấy. Và tôi tin rằng những chuyển động dẫu chưa thật hoàn toàn rõ ràng ấy đã ảnh hưởng đến các chuyến đi và các sáng tác của anh.

Có lẽ rồi đến một lúc nào đấy, các nhà nghiên cứu văn học thâm thúy sẽ lần lại các bước đường tư tưởng và sáng tác của Nguyễn Khải. Theo tôi, đấy là con đường rất tiêu biểu của chuyển động văn học ta suốt một thời kỳ lịch sử dài và không hề đơn giản, dễ dàng, tiêu biểu nhất là ở Nguyễn Khải, chính vì đấy đúng là cái tạng của anh và cũng vì anh là người tài năng nhất, cũng trung thực nhất với chính mình.

Tôi muốn nói rõ điều này: sự trung thực, cả điều gọi là dũng khí của nhà văn chủ yếu phải là ở trong sáng tác của anh, chứ không phải là, chỉ là trong ứng xử hằng ngày ở đời của anh. Mỗi người ở đời đều có những ràng buộc riêng mà sự khắc nghiệt chẳng ai giống ai, nên không thể ai cũng phải ứng xử như nhau. Duy đã là người cầm bút thì phải trung thực đến cùng trong sáng tác của mình. Tôi biết, tôi tin Nguyễn Khải là như vậy. Khi anh viết Xung đột, rồi Mùa lạc, có chút bâng khuâng, song vẫn còn khá dè dặt; khi anh viết về chuyện ông Tư Kiền, đọc kỹ lại mà xem, phê phán chuyện không chịu vào hợp tác xã đấy, nhưng là sự phê phán của người cũng đã không tin lắm về sự phê phán của mình. Và sau này Nguyễn Khải đã từng công khai nói về nỗi xấu hổ của anh trước nhân vật ấy...

Càng về sau, tầm nhìn những vấn đề xã hội của anh rộng, sâu và sắc hơn; tiếng nói cũng thẳng thắn và mạnh mẽ hơn, tự cay đắng với mình, thậm chí cả quyết liệt nữa, như trong ngòi bút chính trị gần cuối đời của anh. Anh vẫn trầm tĩnh và khiêm nhường, nhưng tiếng nói và cả bút pháp đã như tiếng kêu cuối của con chim báo bão đối với con người, với đất nước, với xã hội.

Cách đây mấy tháng, lục lại một số tài liệu cũ, tôi tình cờ tìm thấy cái thiếp mời đám cưới của anh Khải và chị Bắc, một cái thiếp thời ấy in mực tím trên một mẩu giấy nhỏ bằng hai ngón tay. Tôi đã định mang tặng lại anh chị, vậy mà không kịp nữa rồi! Khải ơi, còn biết bao nhiêu kỷ niệm giữa chúng ta, cả yêu thương và giận hờn nhau nữa có lúc, đều quí vô cùng, vô cùng. Khải ra đi, hôm nay tôi chỉ viết được có mấy dòng này. Rồi thế nào tôi cũng còn phải viết về nhau nữa, bạn ạ. Mỗi chúng ta chỉ nhỏ nhoi thôi trong lịch sử rộng lớn. Nhưng, tôi tin vậy, những người sống trung thực, bao giờ cũng là một phần dù nhỏ nhưng không thể thiếu trong bức tranh toàn cảnh của cả một thời. Mà sự nghiệp sáng tác, cũng là tư tưởng của Khải, thì không nhỏ chút nào.

Ảnh: T.T.D.

Nguyễn Khải vĩnh biệt văn đàn

Nhà văn Nguyễn Khải đã vĩnh biệt văn đàn VN lúc 19g25 ngày 15-1-2008 tại Bệnh viện 115 TP.HCM sau 30 ngày nằm bệnh. Anh Khải Hoàn - con trai nhà văn - cho biết "sức khỏe ông cụ yếu đi từ sau khi mổ tim, và trong một tuần trở lại đây thì luôn trong tình trạng nguy kịch".

Nhà văn Nguyễn Khải sinh ngày 3-12-1930 tại Nam Định. Ông vào quân đội từ năm 1947, giai đoạn 1951-1955 ông làm phóng viên, thư ký tòa soạn báo Chiến Khu 3. Từ năm 1955, ông là phóng viên, biên tập viên, cán bộ sáng tác tại tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Tác phẩm chính của ông gồm: Mùa lạc (tập truyện - 1961), Gặp gỡ cuối năm (tiểu thuyết - 1982), Thời gian của người (tiểu thuyết - 1982), Điều tra về một cái chết (tiểu thuyết - 1985), Thượng đế thì cười (2003)… và một số tác phẩm kịch.

Nhà văn Nguyễn Khải từng nhận rất nhiều huân chương và giải thưởng: Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhì, giải thưởng của Hội Văn nghệ VN 1952-1953, giải thưởng tiểu thuyết - truyện ngắn của Hội Nhà văn VN 1983, 1997, Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 2), Giải thưởng văn học Asean năm 2000. Năm 2003, nhà văn Nguyễn Khải đã ký hợp đồng chuyển nhượng tác quyền các tác phẩm của ông cho Công ty văn hóa Phương Nam với thời hạn ban đầu là năm năm.

Linh cữu nhà văn Nguyễn Khải quàn tại nhà tang lễ TP.HCM. Nhập quan: 9g ngày 16-1. Lễ viếng bắt đầu từ 12g ngày 16-1. Lễ động quan: 6g ngày 18-1, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang thành phố.

LAM ĐIỀN

NGUYÊN NGỌC

Nhà văn của Mùa Lạc đã ra đi

Nhà văn Nguyễn Khải - Ảnh: SGGP
TTO - Nguyễn Khải, tác giả của truyện ngắn Mùa Lạc, quen thuộc đối với nhiều thế hệ học sinh trong trường phổ thông, đã qua đời lúc 19g25 tối nay (15-1) tại TP.HCM sau một thời gian nằm viện vì bệnh tim, thọ 78 tuổi.

>> Nhà văn Nguyễn Khải - Tôi chỉ là người của một thời

>> Mùa lạc
>>
Một người Hà Nội

Hiện linh cữu nhà văn Nguyễn Khải quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM.

Nhập quan: 9g ngày 16-1.

Lễ viếng bắt đầu từ 12g ngày 16-1 đến 17g15 phút ngày 17-1 - thời điểm tổ chức Lễ truy điệu chính thức.

Lễ động quan: 6g ngày 18-1, sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang thành phố.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội nhà văn VN sẽ bay vào TP.HCM để chủ trì trang lễ

L.Đ.

Nhà văn Nguyễn Khải tên thật là Nguyễn Mạnh Khải, sinh năm 1930. Ông được gọi là nhà văn thời sự với nửa thế kỷ cầm bút gắn bó với những biến chuyển của đất nước.

Từ thời kỳ miền Bắc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, ông có cuốn tiểu thuyết gây chú ý Xung đột (1957), Mùa lạc (1960). Đến thời kỳ chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, Nguyễn Khải có tác phẩm Họ sống và chiến đấu (ký sự 1966). Khi đất nước thống nhất, ông tiếp tục với Cha và con, và… (tiểu thuyết 1979), Gặp gỡ cuối năm (1982). Và trong thời kỳ đổi mới của đất nước, ông có Hà Nội trong mắt tôi (tập truyện ngắn 1995)….

Gần đây nhất, ông cho ra đời cuốn tiểu thuyết Thượng đế thì cười (2003) mang dáng dấp một cuốn hồi ký về cuộc đời viết văn của Nguyễn Khải.

Nguyễn Khải đã nhận được một số giải thưởng văn học như: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1982) với tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2000)...

Với năng lực sắc sảo của một ngòi bút tỉnh táo và lý trí, những tác phẩm của ông đều mang đầy hơi thở của thời cuộc, là những khám phá riêng của ông về những biến động phức tạp của đời sống cũng như tâm lý tình cảm của con người.

Một số tác phẩm chính của nhà văn Nguyễn Khải

Xung đột (1957)
Mùa lạc (tập truyện ngắn 1960)
Họ sống và chiến đấu (ký sự, 1966)
Đường trong mây (1970)
Ra đảo (1970)
Cha và con, và … (tiểu thuyết, 1979)
Gặp gỡ cuối năm (tiểu thuyết,1982)
Thời gian của người (tiểu thuyết,1985)
Một cõi nhân gian bé tí (1989)
Một người Hà Nội (tập truyện ngắn, 1990)
Một thời gió bụi (1993)
Hà Nội trong mắt tôi (tập truyện ngắn, 1995)
Sống ở đời (tập truyện ngắn, 1990)
Thượng đế thì cười (2003)

T.H

..................................................

Mùa lạc, mỗi tuổi đọc mỗi khác

Mùa lạc trong chương trình văn học cấp III dường như không phù hợp. Học trò chúng tôi khi đó là những cô bé, cậu bé tuổi bẻ gãy sừng trâu nhưng chưa có đủ chiều sâu tâm hồn, làm sao cảm hiểu hết tình cảm, những éo le trái ngang đời thường của người phụ nữ như cô Đào, nhân vật nữ chính trong truyện. Tôi đọc, hay nói đúng hơn là học Mùa lạc mà luôn băn khoăn: hình như mình đang như một con vẹt, mình chưa hiểu được lấy một tầng nấc nào của câu chuyện kỳ lạ này.

Mùa lạc không cầu kỳ, không bí hiểm như các câu chuyện trinh thám, truyện cổ kiểu Nghìn lẻ một đêm. Nó quá giản dị, quá đơn giản là đàng khác, hệt như cuộc sống đang diễn ra chung quanh. Nhưng là cuộc sống của người lớn, với những thăng trầm, trải nghiệm và cảm nhận mà bọn trẻ không thể nào có được, nên lại càng chẳng thể nào hiểu được.

13 năm sau, tôi đọc lại Mùa lạc, thật trớ trêu là vào đúng lúc nhà văn Nguyễn Khải vừa mất, giật mình thấy một chút cuộc đời của mình trong đó. Cảm giác như tôi vừa trả nợ cho ông. Với tuổi đời dày dặn hơn, tôi đã kịp hiểu nhân vật của ông, để rồi quay lại hiểu nhân vật mình. Mùa lạc không chỉ là tác phẩm trong trường học của nhiều thế hệ học trò mà ngay ở ngoài đời thường, nó còn khiến cho nhiều lứa tuổi phải xao xuyến.

Tôi cũng vừa đọc Cha và con và... , một quyển sách khó đọc với những xung đột không dễ giãi bày, cả trong thời xưa (những năm sau giải phóng) và thời nay. Tôi giật mình nhận ra: từ những năm đó, ông đã viết về những vấn đề của thời đại bây giờ. Giải pháp cho những xung đột ngày nay nằm trong cuốn sách được hoàn tất từ những năm 70, rất kín đáo và nằm ở những tầng rất sâu khác nhau, chờ sự cảm nhận, bóc tách của mỗi độc giả. Thật kỳ diệu!

Đọc Nguyễn Khải, thấy văn học dường như không có tuổi, thấy thời gian dường như là xuyên suốt, để con người ở các thời đại khác nhau có thể cảm hiểu lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau, và dường như đang cùng nhau tiếp nối cuộc sống bất tận này. Cũng như bao độc giả yêu mến và kính phục Nguyễn Khải, xin thắp đến ông một nén nhang.

Trần Phương Nga

Thứ Bảy, 28/01/2006, 19:30 (GMT+7)

Nhà văn Nguyễn Khải - Tôi chỉ là người của một thời

TTXUÂN - Nửa thế kỷ cầm bút, ở thời nào Nguyễn Khải cũng có người đọc của mình. Những ngày nông thôn miền Bắc đổi thay trước cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, ông có Xung đột (1957), Mùa lạc (1960), Hãy đi xa hơn nữa (1963).

Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, nhà văn quân đội Nguyễn Khải cho ra đời Họ sống và chiến đấu (1966), Đường trong mâyRa đảo (1970), Chiến sĩ (1973)… Đất nước thống nhất, ông lại có ngay Cha và con, và… (1979), Gặp gỡ cuối năm (1982), Thời gian của người (1985)… Công cuộc đổi mới vừa được mở ra, con người xông xáo và tỉnh táo nơi ông đã thao thức với Một cõi nhân gian bé tí (1989), Một thời gió bụi (1993), Hà Nội trong mắt tôi (1995)… (1970),

Gần đây nhất, năm 2003, ông nhà văn tuổi 73 lại làm người đọc trăn trở, day dứt và kinh ngạc với Thượng đế thì cười. Viết về cái hôm nay, về cái đang diễn ra đã thật sự là một thế mạnh của Nguyễn Khải, đó cũng là lý do để chúng tôi tìm ông, lắng nghe từ ông một cuộc trò chuyện tâm huyết.

* Nếu người ta gọi ông là nhà văn thời sự, thì ông buồn hay vui?

- Cũng chả có gì để buồn hay vui. Trong mỗi cuộc gặp gỡ, trò chuyện của mỗi chuyến đi, mắt nhìn tai nghe việc này việc kia, tự mình đôi lúc cũng bốc lên tham gia tranh cãi, chính là vào cái lúc ấy tôi bất chợt nhận ra một mẫu người vốn kiếm tìm, những ý tưởng từng nung nấu, nhiều cốt truyện bị bỏ quên, và cả một cách kết cấu rất mới lạ... Tất cả đều được đánh thức trong cùng một lúc, ám ảnh trong nhiều ngày, cho tới lúc viết ra những trang bản thảo đầu tiên. “Thời sự”, như thế với tôi có nghĩa là một cơ hội có sức kích thích nhiều vùng ký ức trở nên sống động, lóe sáng.

* Nhưng, thời sự hình như không mấy tương đồng với sức sống lâu dài của một tác phẩm. Chủ quan mình, ông nghĩ tác phẩm nào của mình sẽ có được cái lâu dài ấy?

- Nhiều tác phẩm hay đã được bắt đầu từ những bức xúc rất nhỏ của một chuyện “hôm nay”, của cái “bây giờ” nhưng vẫn làm nhiều thế hệ bạn đọc xúc động. Vì nó đã đụng chạm tới thân phận con người, tới những thăng trầm của nhiều kiếp người. Phần mình, tôi nghĩ Một cõi nhân gian bé tí, Cha và con, và..., Điều tra về một cái chết cùng một số truyện ngắn của tôi có được cái thân phận ấy của con người.

* Nhìn và thấy, hiểu và viết những chuyển động của xã hội, có người bảo rằng Nguyễn Khải không đi thì không viết được. Hình như đó là câu nói đùa?

- Thật đấy chứ. Nếu không đi, chỉ ngồi tĩnh lặng mà nhớ lại thì nhạt lắm. Ngay cả khi viết về cái xa xưa cũng cần có tia nháng lửa của hôm nay, cái xôn xao của bây giờ. Không đi, những tháng ngày nhàn rỗi ngồi nhà tôi ưa đọc sách, gặp bạn tán gẫu hoặc ngủ, cái khả năng sáng tạo hầu như chết hẳn.

* Trong một vài tác phẩm của ông, người đọc thấy ông đã đi nhưng không phải lúc nào ông cũng đi đến cùng. Nếu nói đến sự nửa vời, sự dè dặt, ông có nghĩ điều đó đúng với mình không?

- Một nhà văn như tôi quan niệm phải có một hệ tư tưởng triết học riêng, có một thế giới quan riêng, từ đó anh ta sẽ xây dựng cái thế giới nghệ thuật của mình với một hệ thống nhân vật, tư tưởng, ngôn ngữ và cách kết cấu của riêng mình. Họ sẽ đi đến cùng trong cái thế giới nghệ thuật của mình, trong niềm tin không thay đổi của mình. Còn họ đúng hay sai, cái sự nghiệp văn chương của họ là tích cực hay tiêu cực là tùy thuộc sự đánh giá của bạn đọc ở mỗi thời. Như Dostoievski, Kafka, như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài...

Còn tôi, tôi chả có cái gì là riêng cả, tôi đâu có quyền tự do lựa chọn. Cái tôi đang có chỉ là một phần rất nhỏ của cái mọi người đều có. Mọi người đều bằng lòng với những cái đang có, đều cảm thấy đầy đủ với những cái đang có, chả lẽ tôi lại nói là tôi không bằng lòng. Vậy tôi muốn cái gì, muốn đi tới đâu, muốn xây dựng hay muốn phá hoại?

Chính tôi cũng không thể tự trả lời được là tôi đang muốn cái gì - cũng do tuổi già nên tôi nhìn mọi sự không còn được sáng rõ như những năm còn trẻ. Nên tự nhủ, cái gì đã nhìn chưa rõ thì chớ có đặt bút viết. Sự cẩn thận ấy với tôi đã là một thói quen. Tôi là người của một thời mà. Thời thế cho tôi cũng nhiều mà lấy đi cũng không ít, có được có mất cũng là lẽ công bằng.

* Nhìn và ngắm chuyện của Trung Quốc, các tác phẩm điểm tận mặt kẻ tham nhũng, vạch những thủ đoạn tham những, chỉ cặn kẽ sự cấu kết giữa các quyền lực kinh tế và chính trị… ông có giật mình không?

- Chẳng có gì để giật mình, họ được phép mà. Cách mạng văn hóa có những việc làm quá khác thường, thế mà lúc đó có ai dám nói gì đâu. Vì họ không được phép. Còn bây giờ, Trung Quốc mạnh rồi, và có những mục tiêu cao xa, tham nhũng cũng như nhiều chuyện khác đang ngáng trở mục tiêu đó nên người ta phải cương quyết đè bẹp thôi.

* Để dựng nên những tác phẩm như thế, có lẽ không cần một tài năng lớn, nhưng cần rất nhiều sự hiểu biết và dũng khí. Ông nghĩ nhà văn VN mình có điều này không, khi ở VN tham nhũng cũng đang là một quốc nạn?

- Đúng là với nước ta, tham nhũng cũng là một quốc nạn, cái bệnh dịch này ngày càng nghiêm trọng, đã làm chết rất nhiều người, cả xã hội đều cảm thấy bất an và lo lắng. Đó cũng là một thị trường bí mật với đủ loại hàng hóa không được xác định, chỉ xuất hiện theo nhu cầu. Vẫn có mua và có bán, có mặc cả, có cạnh tranh và có cả những luật lệ nghiêm khắc với những kẻ nào dám vi phạm hợp đồng.

Tham nhũng sinh ra từ lòng tham của con người, từ những cặn bã đầy độc tố ở mỗi người nên rất dễ bị lây nhiễm ngay cả với người có trách nhiệm chống lại nó. Muốn đẩy lùi nó phải có thời gian và hãy bắt đầu bằng sự nghiêm minh của pháp luật và sự lên án quyết liệt, mạnh mẽ không một lúc nào được buông lơi của công luận. Theo tôi, các nhà báo nhà văn nước ta có đủ tài, đủ cả dũng khí để gánh vác trách nhiệm này.

Nhưng tôi lại nghĩ chỉ với cái dũng khí lẻ loi của người cầm bút thì vẫn chưa đủ. Còn phải được sự ủng hộ, bảo vệ công khai của Nhà nước đối với các chiến sĩ ấy. Tham nhũng là một hình thức kinh doanh đặc thù của những người có quyền lực. Mà đã đụng chạm tới quyền lực, nhất là ở phía tối của nó thì hãy coi chừng.

* Còn quyền công dân của nhà văn, ông nghĩ thế nào?

- Vì chị hỏi tôi mới chợt nhớ là tôi cũng có một cái quyền nào đó. Trong nhiều chục năm tôi chỉ biết có những nghĩa vụ mà thôi, nghĩa vụ đảng viên, nghĩa vụ quân nhân, nghĩa vụ nhà văn vô sản, nhà văn cách mạng... Trong gia đình tôi cũng không có quyền mà chỉ có nghĩa vụ làm chồng, làm cha, làm không đầy đủ người ta cũng có quyền trách mắng mình.

Lâu dần thành quen, không mấy khi nghĩ đến cái quyền phải có của mình. Tác phẩm viết xong in trên tạp chí thì được, nhưng in thành sách lại không được phát hành. Cũng chả có cơ quan nào, người nào nói với mình vì sao sách bị cấm, đã vi phạm vào điều luật nào của Luật xuất bản nên phải cấm. Chả lẽ tôi muốn mua vui bạn đọc bằng cách tự giễu cũng là phạm luật...

Nghĩ thế thôi chứ tôi chả tức giận tí nào và cũng không hỏi han bất cứ ai, oán trách bất cứ ai. Một năm sau, nhà xuất bản bảo tôi nên sửa mấy chỗ, sửa ít thôi, thì sách lại được phát hành. Tôi sửa liền, chả làm mình làm mẩy gì vì văn của tôi có xé bỏ cả chục trang cũng chả sao! Mọi việc lại vui vẻ, tôi cũng vui vẻ, nhưng có mấy người bạn của tôi lại lấy làm giận vì tôi đã không biết bảo vệ cái quyền chính đáng của mình.

Nói cho thật, trước sau tôi chỉ bảo vệ có cái quyền được viết của tôi thôi, cuốn này bị cấm thì bỏ đi viết cuốn khác, lại được thêm một đầu sách chứ không mất đi một đầu sách. Vả lại, phàm những gì đã được viết ra thì làm sao mà mất được. Tất nhiên cái cách tính toán ấy là rất ích kỷ, rất lạc hậu của một thời đã qua. Còn thời bây giờ là thời của tự do và dân chủ, các bạn trẻ của tôi đã có những cách ứng xử khác về cái quyền của mình, minh bạch, rạch ròi và rất đúng luật.

* Có bao giờ ông ân hận hay tiếc nuối vì những gì mình đã viết, và chưa viết?

(Với câu hỏi này, nhà văn Nguyễn Khải im lặng. Ông không trả lời. Sợ làm phiền ông, cũng ngại đụng đến một nỗi niềm nào đó mà ông chưa muốn tỏ bày, tôi gấp cuốn sổ ghi chép lại...).

THÚY NGA thực hiện




No comments: