Sunday, December 2, 2007

Từ Trung tâm Trọng điểm cai nghiện đến Bệnh viện Nhân Ái

Lm Thiện Cẩm

Được biết Trung tâm Trọng điểm cai nghiện ma túy trên đồi Thác Mơ, thuộc tỉnh Bình Phước, sắp sửa biến thành Bệnh viện Nhân Ái, nhưng cũng vẫn do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp quản lý.

Trung tâm Trọng điểm cai nghiện ma túy được thành lập mấy năm trước đây, và chính quyền thành phố có đề nghị Đức Hồng y Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác vào việc chữa trị và giáo dục những người mắc nghiện. Một số các dòng tu nam nữ đã theo lời mời gọi của Đức Tổng Giám mục, cử anh chị em tu sĩ của mình đến đây để lập thành một cộng đoàn lấy tên là Mai Linh. Kể từ ấy đến nay, cộng đoàn Mai Linh chung sống với nhau và làm việc hăng hái phục vụ những người mắc nghiện. Vui thì ít,-vì có vui là “vui trong Chúa” và vui trong tình huynh đệ anh chị em,- còn buồn thì nhiều, vì đời sống chẳng dễ dàng chút nào, mà lại luôn luôn phải đối diện với những khuôn mặt đa số còn trẻ, nhưng đang phải sống trong đau khổ, dằn vặt, đôi khi tuyệt vọng, mất niềm tin yêu vào gia đình, xã hội. Các anh chị em tu sĩ của chúng ta không chỉ phải lo săn sóc các anh chị em mắc nghiện, mà còn phải làm chứng cho tình yêu thương của Chúa Kitô, “dọi ánh sáng vào nơi tối tăm”, “đem niềm vui tới chốn u sầu”…

Nhưng nay chính quyền Thành phố quyết định dời các học viên cai nghiện đi nơi khác, và biến Trung tâm thành Bệnh viện Nhân Ái, chuyên chữa trị bệnh nhân HIV, cũng gọi là AIDS, theo tiếng Anh. Số bệnh nhân sẽ rất đông, và công việc phục vụ cũng sẽ khác nhiều so với trước đây. Vì thế có nhiều vấn đề được đặt ra.

1.Trước hết là vấn đề nhân sự. Bệnh viện sẽ cần đến một số tu sĩ đông hơn nhiều so với hiện nay. Vậy làm thế nào “động viên” được một đội ngũ những tu sĩ tương đối phải có tay nghề, chứ không chỉ thuần là những chân tu! Và đây lại là một trong những khó khăn lớn: Các đấng bậc bề trên dòng tu bao giờ cũng phải nghĩ đến chuyện làm sao bảo vệ được “căn tính” của dòng mình, và ưu tiên lo lắng cho đời sống thiêng liêng, hay nói khác đi, cho vấn đề linh đạo của anh chị em, mà trong đó đặc biệt là đời sống cộng đoàn. Nhưng mỗi dòng tu lại có một linh đạo riêng, không hoàn toàn giống với các dòng tu khác. Vậy mà cộng đoàn Mai Linh thì lại là một “tổng hợp” những linh đạo khác nhau, liệu có trở thành một thứ sà-lát hay không? - Điều này thiết tưởng các đấng bề trên nên hỏi chính các anh chị em đã từng sống trong cộng đoàn Mai Linh từ mấy năm qua, thì mới có thể có câu trả lời chính xác được.

2.Cũng vì lý do muốn bảo vệ “căn tính” linh đạo riêng của mỗi dòng tu, mà nghe nói có những bề trên muốn cho các anh chị em của mình có những cộng đồng riêng, chứ không sống chung trong một cộng đoàn duy nhất “hỗn hợp” như hiện nay. Ý kiến này thoạt đầu xem ra có vẻ hợp lý, nhưng thực tế khó thực hiện. Trước hết, chúng ta khó có thể lập nhiều cộng đoàn tu sĩ trong một khu vực do Nhà nước quản lý. Hơn thế nữa, với những cộng đồng tách biệt, và với những thời khóa biểu không thống nhất, rất khó phối hợp trong những công tác chung ở Bệnh viện. Ngay cả đến vấn đề làm thế nào để tất cả các cộng đoàn riêng ấy tham dự thánh lễ hằng ngày, xem ra cũng khó thực hiện, vì hoặc là phải có nhiều linh mục, hoặc các tu sĩ phải di chuyển đến một nhà nguyện chung, ấy là nếu mỗi cộng đoàn đều có những tu xá tách biệt. Ngay cả hiện nay, anh chị em sống chung trong một cộng đoàn, mà cũng chỉ được tham dự thánh lễ chiều thứ Bảy, ngày Chủ nhật, và may mắn nữa là sáng thứ Hai mà thôi, còn trong tuần thì thường phải “nhịn đói” Thánh Thể!

3.Theo tôi được biết, nhiều anh chị em hiện đang sống tại đây vẫn thích đời sống cộng đồng “hiệp nhất” này, dĩ nhiên là với điều kiện có những thời gian được trở về cộng đồng dòng tu của mình. Điều này vẫn luôn được thực hiện. Đời sống cộng đồng “hiệp nhất” này tuy không phải dễ dàng, nhưng lại rất phong phú, vì là nơi mà các tu sĩ tuy thuộc các hội dòng khác nhau, nhưng nhờ được chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm và những giá trị và truyền thống linh đạo của dòng mình, nên có thể cảm nghiệm được hiệu quả của sự hiệp nhất, và cũng nhờ vậy mà có thể thành dấu chỉ của Hội Thánh Chúa Kitô.

4.Còn một lý do khác để biện minh cho sự hợp tác của các tu sĩ nam nữ trong cộng đoàn Mai Linh, đó là: đây là một cơ hội thuận lợi để các tu sĩ Việt Nam trải nghiệm và xây dựng một mô hình “hiệp nhất trong đa dạng”, mà từ trước tới nay chưa hề có. Thật vậy, trong Giáo hội Việt Nam hiện nay, trừ nhóm Các giờ kinh Phụng vụ, -tuy không sống thành cộng đoàn,- nhưng thường xuyên làm việc chung với nhau gần bốn chục năm qua, để dịch Kinh Thánh và Phụng vụ.- Nhóm bao gồm cách anh chị em linh mục, tu sĩ, dòng triều, thuộc các hội dòng khác nhau;- ngoài nhóm này, chưa có một tổ chức nào quy tụ các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân cho một tổ chức lâu bền nào.

5.Kinh nghiệm lịch sử Giáo hội toàn cầu cho tới nay cho thấy: khi một tu sĩ nào muốn thi hành một sứ vụ nào đó “ngoài luồng”, không thuộc “truyền thống” của dòng mình, thì đều phải ra khỏi dòng. Điển hình là trường hợp của Mẹ Têrêxa, của Abbé Pierre và của cha Jacques Leuw. Mẹ Têrêxa phải bỏ dòng mình để đi lo cho những người cùng khốn, và rồi lập dòng Thừa sai bác ái, Abbé Pierre thì bỏ dòng Phanxicô để đi giúp những người vô gia cư, và lập tổ chức Bạn đường Emmaus, cha Jacques Leuw thì bỏ dòng Đa Minh để tổ chức hội Linh mục thợ, thay thế cho phong trào Linh mục thợ gồm các linh mục thuộc nhiều dòng bên Pháp, đã bị Tòa Thánh dẹp bỏ hồi đầu thập niên 50. Ngày nay, tại Việt Nam, nếu chúng ta có khả năng cộng tác với nhau để thi hành một sự vụ lớn lao, có tính cấp bách này, thì tại sao không để cho các anh chị em của chúng ta được thi hành sứ vụ mới này, mà không cần phải rời bỏ gia đình dòng tu của mình. Chuyện ấy cũng tương tự như những người con trong một gia đình có thể rời bỏ cha mẹ và anh chị em để đi cộng tác với những thành phần của những gia đình khác, để phục vụ cho một công trình xã hội, hay một tổ chức ngoài gia đình? Thế giới ngày nay ngày càng trở nên nhỏ bé, các nước tìm cách liên kết, cộng tác với nhau, thành lập những cộng đồng quốc gia, như Cộng đồng Âu châu, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, vv. Cả những nước vốn từ lâu khép kín như một đan viện “dòng kín” trước Vatican II, như Bắc Triều Tiên nay cũng phải tính đến chuyện mở cửa và hội nhập. Trong mỗi xã hội cũng vậy, nhiều mô hình kinh tế, nhiều công ty, xí nghiệp, nhà máy cũng phải sắp xếp lại, liên doanh sản xuất, thay đổi mẫu mã để hội nhập thị trường mới luôn luôn biến động… Các dòng tu của chúng ta, theo tôi nghĩ, cũng phải suy nghĩ lại cách sống, phương pháp và mục tiêu hoạt động vv. để thích nghi, thì mới hội nhập, hay nói theo thần học, là Nhập thể vào được thế giới hiện đại. Theo tôi nghĩ, sở dĩ nhiều dòng tu, nhiều cộng đoàn tu sĩ đang chết dần chết mòn bên Âu Mỹ, là do không chịu đổi mới và thích nghi.

6.Biết đâu, cộng đoàn Mai Linh sẽ là một mô hình dòng tu mới mà Chúa muốn hình thành, để đáp ứng một yêu cầu cấp bách, đó là phục vụ các bệnh nhân HIV. Có hai cách thể hiện mô hình này: Một là các anh chị em tu sĩ vẫn duy trì lý tưởng hay căn tính của dòng mình, nhưng chấp nhận cho phép một số anh chị em tham gia vào Cộng đoàn hiệp nhất Mai Linh, như hiện nay đang làm. Hai là từ Cộng đoàn Mai Linh hiện nay, Chúa muốn chúng ta hình thành một dòng tu mới, thì liệu các bề trên có sẵn sàng quảng đại để cho anh chị em của mình rời bỏ cộng đoàn dòng tu của mình, mà gia nhập dòng tu mới này không? Ông Gioan Tẩy giả ngày xưa cũng đã để mấy môn đệ của ông rời bỏ ông mà đi theo Đức Giêsu (x.Ga 1,35-39), và như trên đã nói, các bề trên của Mẹ Têrêxa đã để cho người chị em của mình ra đi theo ơn gọi mới, và các bề trên của Abbé Pierre và cha Jacques Leuw cũng đã làm như vậy. Mỗi tu sĩ, cũng như cộng đoàn tu sĩ không chỉ sống cho mình, hay cho cộng đoàn của mình, mà còn phải sống cho Giáo hội, và cho cả thế giới, cho toàn thể anh em nhân loại.

7.Sau khi suy nghĩ như vậy, tôi thấy có lẽ cần có một người nào đó, một người cảm nhận được “ơn gọi”, được Đức Hồng y Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm chính thức,- sau khi tham khảo với các bề trên có tu sĩ tham gia cộng đoàn Mai Linh,- làm người đặc trách, với những quyền hạn rõ rệt, và có đủ phương tiện để thi hành sứ vụ: là quy tụ, hiệp nhất cộng đoàn, giúp cộng đoàn tự mình tìm ra những qui luật cần thiết cho “Cộng đoàn hiệp nhất Mai Linh”, không cần đến sự can thiệp trực tiếp của bất cứ bề trên nào khác, trừ Đức Hồng y Tổng Giám mục. Vị đặc trách ấy sẽ là người đại diện của Đức Hồng y bên cạnh cộng đoàn, và cũng là người đại diện của ngài để liên hệ, trao đổi với chính quyền về hợp đồng và mối tương quan giữa Chính quyền và Tòa Tổng Giám mục.

Đó là nói đến trường hợp Giáo hội vẫn muốn duy trì sự hợp tác với Chính quyền trong sự nghiệp phục vụ các anh chị em HIV, một sự hợp tác tuy không phải bao giờ cũng dễ dàng, nhưng rất có ý nghĩa, không những về mặt đoàn kết dân tộc, mà còn trở thành dấu chỉ sự hiệp nhất, khiến mọi người có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô, như Người đã nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18,20).

Tuy nhiên, như tôi được biết,- và chính tôi cũng đã nhiều lần công khai lên tiếng về vấn đề này,- có khá nhiều người trong Giáo hội mong muốn Nhà nước để Giáo hội, cũng như các tôn giáo khác, được tự do lập những trung tâm riêng của mình, thay vì mô hình hợp tác như hiện nay. Sự hợp tác này tuy có ý nghĩa về mặt đoàn kết Đạo Đời, nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, thường xảy ra những va chạm về nhiều mặt hành chánh, thủ tục, và cả trong cuộc sống hằng ngày, khi mà các tu sĩ phải lệ thuộc nhiều cơ quan chính quyền về nhiều phương diện, chẳng hạn như ngay cả về vật chất, như là nhà cửa, trang thiết bị vv.

Có lẽ Nhà nước nên khuyến khích và tạo điều kiện để các tôn giáo cộng tác trong trọng trách xã hội lớn lao này với tâm đức và chuyên môn, cùng lòng hy sinh tận tụy của các tu sĩ và các nhà tôn giáo.

Nhưng một vấn nạn cuối cùng được đặt ra: nếu Nhà nước để các tôn giáo được tự do hoàn toàn mở trường, mở bệnh viện và những cơ quan xã hội như trên vừa nói, thì liệu có những dòng tu Công giáo nào có khả năng làm việc đó một mình, không cần đến sự hợp tác của các dòng tu hay tổ chức nào khác? Và như vậy một Công đoàn hiệp nhất như Mai Linh có thể còn tồn tại được không ?

Theo ý kiến riêng của tôi, thì chúng ta có lẽ cần đến nhiều mô hình phục vụ, trong đó Cộng đoàn Mai Linh vẫn còn là một mô hình lý tưởng không nên dẹp bỏ.

06-11-2007

(Báo Công giáo và Dân Tộc số 1633)

No comments: