Sunday, December 2, 2007

Lại rộn lên chuyện tăng học phí

Xuân Huy

Chuyện tăng học phí gây bức xúc nặng nề cho người dân trong kỳ khai giảng năm học mới hồi tháng 9.2007 vừa rồi, đã tạm lắng yên được một thời gian ngắn, bởi dù sao, muốn cho con em được đến trường thì học phí cỡ nào phụ huynh cũng phải không thể không đóng. Nay câu chuyện học phí lại rộn lên là do có nguồn tin Việt Nam đang chuẩn bị khung học phí mới, liên quan đến một đề án học phí sẽ được trình Chính phủ và dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 9.2008. Điều nầy cho thấy Bộ GD-ĐT hoặc không quan tâm mấy đến phản ứng của dư luận xã hội, hoặc đã tìm được cho mình những lý lẽ-luận chứng rất vững chắc cho vấn đề tăng học phí, đủ để biện minh cho dự án.

Kể ra như vậy Bộ GD-ĐT cũng là một bộ gây bất an và phiền lòng cho quốc dân khá nhiều, do từ rất nhiều năm đã đưa ra quá nhiều thứ điều chỉnh, thay đổi, từ chuyện sách giáo khoa, chương trình học, cải cách chữ viết, cho đến các quy định mới về phương thức thi cử mà trình độ một sinh viên Việt Nam bình thường không thể đọc hiểu nổi nếu không đi dự những buổi sinh hoạt đặc biệt để nghe giải thích.

Trong những thời kỳ quá độ và chuyển đổi, đôi khi người dân phải chấp nhận một số sự phiền toái đến với mình mà vẫn cảm thông với Chính phủ, nhưng đây lại không phải là một trường hợp như thế. Bởi chiến tranh đã chấm dứt từ lâu, đất nước luôn được báo cáo phát triển toàn diện về mọi mặt, trong đó ngành giáo dục cũng được báo cáo tuy còn một số hạn chế nhưng cơ bản vẫn liên tục phát triển tốt, thì cái sự gây bất an cho người dân theo lôgic bình thường lẽ ra phải ngày càng giảm bớt chứ không gia tăng và gây hồi hộp như hiện nay, như thế mới đúng và đáng gọi là phát triển.

Theo ông Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết thì nội dung cái đề án nầy cũng không kém phần phức tạp, “Học phí sẽ được điều chỉnh nhưng sẽ có nhiều mức học phí phù hợp với các loại hình trường, các mức chất lượng khác nhau, các ngành khác nhau. Ngay trong cùng một trường, một ngành cũng có cũng có những mức học phí khác nhau phù hợp với các đối tượng SVHS, tương ứng với các mức miễn giảm...”.

Tóm lại là với đề án học phí mới sơ lược như trên, sẽ có nhiều cách phân biệt đối xử rất khác nhau tùy theo đối tượng, điều nầy tất yếu sẽ làm cho việc áp dụng học phí trên thực tế trở nên phức tạp đi nhiều do phải phân tích, quy loại cho từng nhóm đối tượng và các ngành đào tạo cũng như chất lượng đào tạo của mỗi loại hình trường. Điểm nổi bật nhất trong đề án là vẫn không thấy nói đến việc miễn học phí ở các trường công lập, ít nhất ở bậc tiểu học như Hiến pháp đã quy định. Điều nầy cho thấy rõ, hoặc Bộ GD-ĐT trong khi biên soạn đề án không quan tâm tham khảo gì đến bộ luật cao nhất của quốc gia, hoặc bản thân bản hiến pháp năm 2001 cũng đã không dự trù đúng tình hình thực tế của đất nước, khi nó nêu rõ một điều (điều 59) mà cho đến nay vẫn chưa làm được và cũng chưa bao giờ thấy Bộ GD-ĐT có một biểu hiện cố gắng nào để thực hiện: “Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí”. Cách làm việc nầy thật trái với chủ trương coi giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Liên quan đến đề án điều chỉnh học phí của Bộ GD-ĐT, những ngày gần đây dư luận xã hội từ phía người dân lẫn giới trí thức lại vang lên những tiếng nói phản ứng khác nhau, nhưng tựu trung thì hầu hết đều... không đồng tình. Nhiều người chú ý đến một bài viết mới đây của tác giả Trần Hữu Quang (Viện Nghiên cứu xã hội TP. HCM), trong đó tác giả đã đưa ra những luận chứng rất vững chắc và đề nghị hợp lý, để bác bỏ việc tăng học phí, đồng thời còn đi xa hơn khi đề nghị phải cần sớm miễn học phí ở các trường công lập: “Lẽ tất nhiên, không ai kỳ vọng có thể thay đổi ngay lập tức được mọi thứ trong hệ thống giáo dục, kể cả chuyện học phí và ngân sách cũng thế. Nhưng trước mắt, chúng tôi đề nghị ít ra ngưng lại chủ trương tăng học phí, để sớm tính toán ngay lộ trình tiến tới việc xóa bỏ hoàn toàn học phí và tất cả các khoản phí đóng góp khác trong trường công- vốn là một thứ “tồn tại” của một thời bao cấp đầy khó khăn cách nay hơn ¼ thế kỷ” (báo Tuổi Trẻ, 14.11.2007).

Trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề liên quan, cho rằng việc tăng học phí trong bối cảnh hiện nay là không thuyết phục, GS-viện sĩ Phạm Minh Hạc (nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục, chủ tịch Hội cựu giáo chức Việt Nam) đã phát biểu khẳng định: “...Nếu đặt ra vấn đề lấy tăng học phí, coi học phí là nguồn chính để chi cho giáo dục thì không thể được. Tôi cho rằng chúng ta phải tiến tới xóa bỏ học phí, trước hết là miễn học phí ở bậc phổ thông trong các trường công lập chứ không phải là tăng học phí. Khi chúng ta phấn đấu cho việc học sinh đi học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục các cấp nhưng học sinh vẫn phải đóng học phí, đó là điều thế giới họ không hiểu được!” (báo Tuổi Trẻ, 22.11.2007).

Tình trạng lạm dụng học phí tính đến nay đã được nói đến quá nhiều, nên ở một bình diện rộng lớn hơn, đến nước nầy, nếu không nhanh chóng khắc phục, chúng sẽ vô tình cho thấy tính chất khập khiễng của cái mà lâu nay người ta gọi là xã hội chủ nghĩa hay định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là điều không thể chấp nhận được, trước hết vì đã vi phạm vấn đề nguyên tắc một cách trầm trọng, vi phạm trắng trợn vào điều 59 bản hiến pháp 1992: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí”.

Vấn đề học phí đến đây lại mặc nhiên bị đẩy xa hơn thành chuyện quốc gia đại sự, báo động cho một tình trạng hiểm nguy rất đáng lo ngại, đơn giản chỉ vì hiến pháp trong bao lâu đã bị vi phạm thì thể thống quốc gia trong chừng ấy thời gian coi như thực tế cũng không còn. Đó cũng là một trong những lý do quan trọng có thể mang ra soi sáng giải thích chung cho tất cả những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng kéo dài mà đất nước và toàn thể nhân dân lao động đang phải chịu đựng và đương đầu một cách vô cùng khó khăn trầy trật.

Trong điều kiện thực tế cụ thể hiện nay, nghĩa là khi mà các khoản chi ngân sách vẫn đang bị đục khoét nghiêm trọng, cũng như không ít công trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách đã tỏ ra không đúng trọng điểm và kém hiệu quả (như dự án 112 đang bị khởi tố chẳng hạn...), thì sự viện dẫn lý do thiếu hụt ngân sách để biện minh cho việc gia tăng học phí càng không có khả năng thuyết phục được người dân. Hơn thế nữa, chúng ta còn được biết ngân sách dành cho giáo dục hiện nay là không đến nỗi thiếu kém. Con số đó là 20% hay 1/5 ngân sách quốc gia, tương đối thể hiện được câu “Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục” nói trong điều 36 Hiến pháp. Cụ thể số tiền là khoảng 66.770 tỉ đồng (theo báo Sài Gòn Giải Phóng, 5.9.2007), chia ra cho 22 triệu học sinh thì mức Nhà nước đầu tư cho giáo dục một học sinh vào khoảng 3 triệu đồng/học sinh/năm; nếu cộng thêm khoản đóng góp của xã hội mà theo các nhà nghiên cứu cũng tương đương con số đó thì mức đầu tư cho một học sinh Việt Nam hiện nay là khoảng 6 triệu đồng (khoảng 375 USD), cao hơn Trung Quốc (khoảng hơn 105 USD), Thái Lan (khoảng hơn 350 USD)...

Về việc chống lạm thu học phí cộng các khoản phí trá hình đi kèm, đã bắt đầu có những dấu hiệu tích cực vừa được nhen nhóm trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của dư luận cả nước, như có thể kể việc Sở GD-ĐT TP. HCM vừa qua đã thành lập mười đoàn thanh tra và bắt đầu đi kiểm tra về việc thu tiền đầu năm từ ngày 25.9 ở các trường trên địa bàn TP. HCM. Đây cũng là cách làm mà Trung Quốc đã từng thực hiện vài năm trước, mà theo bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc, “cứ cách chức hiệu trưởng thì sẽ có tác dụng hữu hiệu trong việc ngăn chặn lạm thu phí trong các nhà trường”. Với cách làm nầy, họ lập nên đến 56.000 tổ công tác để phát hiện việc lạm thu tại các trường, kết quả có đến 724 hiệu trưởng bị cách chức ở Trung Quốc trong năm 2003. Tuy nhiên ở ta, mọi sự cách chức thường tỏ ra rất lâu lắc khó khăn, không dễ mạnh tay, đặc biệt cách chức hiệu trưởng vì đây không thuộc loại tội phạm hình sự cụ thể, người ta có thể đưa ra hàng ngàn lý do biện hộ để được thông cảm, bởi trường nào nơi nào cũng thế... Nếu muốn hợp lý hơn và đạt yêu cầu, phải cách chức những người chỉ huy hiệu trưởng, tính dần lên đến cấp trách nhiệm cao nhất, vì họ mới đúng là người phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi sai trái của các hiệu trưởng trên mọi hiện trạng đã để xảy ra. Cho nên việc cách chức hiệu trưởng có thể tham khảo, cần làm để răn đe nhưng dứt khoát không nên được coi là giải pháp căn cơ, mà điều quan trọng là phải điều chỉnh các nền tảng lâu dài tạo nên giá trị thực chất và linh hồn của cả một chính sách lớn về nền giáo dục quốc dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân “hễ còn muốn đi học thì phải được đi học” đúng như quyền lợi công dân của họ đã được ghi rõ trong điều 59 Hiến pháp. Chính sách đó, linh hồn đó phải được tiêm nhiễm vào trong tư tưởng, ý thức, máu thịt của mọi cán bộ tham gia giáo dục, để khi hành xử mọi vấn đề liên quan, họ không thể đi chệch ra ngoài những nguyên tắc cùng mục tiêu cơ bản về đào tạo con người mà quốc gia và toàn dân đã đặt định. Làm sai mà còn làm sai kéo dài, coi như nền giáo dục quốc gia đã bị thất bại một cách căn bản, lôi theo sự thất bại nặng nề lớn hơn trong tương lai, chưa nói tới hàng trăm vấn đề liên quan khác như triết lý định hướng giáo dục, sách giáo khoa, chương trình học, phương pháp dạy và học, tiền lương giáo viên... cũng đang đồng thời đòi hỏi phải được xử lý một cách đồng bộ.

24. 11.2007

(Ns CGvDT số 155)

No comments: