Thursday, November 8, 2007

Hãy bảo vệ lấy môi trường xã hội và tinh thần của chúng ta !

Lm. Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô


I- Vấn đề môi trường không hề là vấn đề mới mẻ, nhưng gần đây lại trở thành thời sự nóng bỏng trên thế giới. Từ lâu người ta đã nói tới nguy cơ của việc phá hoại thiên nhiên và làm ô nhiễm môi trường đối với trái đất và đời sống con người. Chẳng hạn việc phá rừng đưa tới những trận lũ lụt ngày càng nhiều và hung hãn hơn, kéo theo sạt lở đất cũng như hiện tượng sa mạc hóa do đất bị xói mòn và xuống cấp; phá rừng không thương tiếc cũng là một nguyên nhân của tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước uống tại nhiều quốc gia, do nguồn nước ngầm bị giảm và các dòng sông bị ô nhiễm. Nói gì xa xôi, hãy cứ nhìn vào nước ta thì thấy ngay.

Nhưng hiện nay, nguy cơ đang được Liên Hiệp Quốc, các chính phủ, các tổ chức bảo vệ môi trường và các đảng xanh báo động ở mức khẩn cấp là sự biến động chưa từng có về khí hậu. Mới đây ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã cảnh báo: “Nếu chúng ta không hành động bây giờ, hậu quả của tình trạng thay đổi khí hậu sẽ rất thảm khốc.” Trái đất đang nóng lên do chính con người gây ra, đó là điều không thể chối cãi. Theo Tổ chức khí tượng thế giới, “nhiệt độ bề mặt toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2007 gần như được xếp vào mức ấm nhất kể từ … năm 1880.” Nhiệt độ tăng lên thì cái gì xảy ra? Mực nước biển sẽ dâng cao hơn do lớp băng trên Bắc Băng Dương sút giảm. Hiện nay người ta đã tính toán cho thấy từ năm 1953-2006, lớp băng này đã suy giảm khoảng 7,8% mỗi thập niên. Nếu không làm gì để ngăn chận tình trạng này, nước biển sẽ có thể dâng lên 0,5m đến 1m vào năm 2100 (hiện nay đã là 0,4m rồi). Cao hơn 1m, nhiều nước sẽ mất đi nhiều vùng lãnh thổ, nhiều thành phố lớn nhất thế giới sẽ biến mất, hàng triệu người lâm nguy.

Bây giờ đáng lý tất cả các nhà hoạch định chính sách kinh tế của mọi nước phải thấy rõ là không thể tăng trưởng kinh tế với bất cứ giá nào, không thể hy sinh môi trường cho kinh tế. Vả lại, việc bảo vệ môi trường thiên nhiên có liên quan trực tiếp tới kinh tế. Nhất là nó liên quan tới sức khỏe, tới chất lượng cuộc sống và cả tính mạng của con người. Ngoài ra, nó còn mang ý nghĩa đạo đức nữa. Trái đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên không thuộc riêng về các thế hệ hiện tại, nhưng các thế hệ tương lai cũng có quyền thụ hưởng như họ. Người ta phải khai thác và giữ gìn nó trong tinh thần trách nhiệm. Đối với người Kitô hữu, đó còn là một sứ mạng do chính Chúa Tạo Hóa giao phó cho. Nhà văn Pháp Saint-Exupéry nói: “Chúng ta không thừa hưởng trái đất này từ cha mẹ chúng ta, mà vay mượn nó từ con cháu chúng ta.”

II. Việc bảo vệ môi trường thiên nhiên, như thế, là vô cùng quan trọng. Nhưng bảo vệ môi trường xã hội và môi trường tinh thần (đạo đức) cũng rất quan trọng, còn quan trọng hơn. Vật chất, tiện nghi, tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP …chỉ là một điều kiện, nói cho cùng là rất tương đối, không thể là yếu tố quyết định hạnh phúc con người, không thể tự nó làm tăng chất lượng cuộc sống, nói gì tới việc gia tăng “tính người”, “chất người” cho ta. Việt Nam mở cửa hội nhập thế giới, lấy kinh tế thị trường thay cho kinh tế bao cấp vô hiệu, đó là điều đáng mừng. Chúng ta đang được hưởng bao nhiêu điều tốt đẹp do chính sách mới đó. Nhưng đồng thời cũng không được coi thường sự suy thoái của môi trường xã hội và đạo đức hiện đã rất trầm trọng. Nhiều mảng văn hóa, nhiều mảng truyền thống tốt đẹp của dân tộc đang bị đe dọa, thậm chí đã rơi rụng trước ảnh hưởng xấu của nền văn minh vật chất hưởng thụ và thực dụng đang tràn vào mà xem chừng khó có gì ngăn chặn hữu hiệu.

Tôi xin nhắc tới cuộc tranh luận thời sự nóng hổi trên báo chí Việt Nam hiện nay, về hiện tượng được gọi là “cuộc giải phóng tình dục” trong giới trẻ (hay một bộ phận của giới trẻ?). Những người trẻ này coi việc quan hệ tình dục dễ dàng, tự do, trong tình yêu hay ngoài tình yêu, trong hôn nhân hay ngoài hôn nhân là một chuyện tự nhiên, thoải mái, không nhất thiết phải kín đáo, lại còn cho như thế là hiện đại, hợp thời. Báo Người Lao Động ra ngày 30-10-2007 có bài với nhan đề và ba tiểu đề đầy ý nghĩa: Học đòi yêu như… Tây: -Sẵn sàng… overnight (nghĩa là qua đêm), -Không thích thì “bái bai” (chia tay), -và Yêu đương… ngoại nhập.

Qua theo dõi trên báo chí, tôi thấy số đông (ngay trong giới trẻ) không đồng tình với quan niệm trên. Những bậc cha mẹ, những nhà giáo dục nên lên tiếng chống lại hiện tượng trên khi mới manh nha nhưng đang muốn được xã hội coi là nhu cầu bình thường của tuổi trẻ. Xin đừng ngại bị coi là cổ hũ, lỗi thời. Không phải tất cả cái “mới” đều là tốt cả, không phải tất cả những cái có “xưa nay” đương nhiên là xấu hay lạc hậu cả. Cái lập luận coi nhu cầu sinh lý giống như việc ăn, việc uống, việc ngủ nghỉ v.v. là hoàn toàn sai. Ta không ăn, không uống lâu ngày ta sẽ chết, nhưng không ai chết vì không có quan hệ tình dục cả. Chỉ có tình yêu thì ai cũng phải có, không thể thiếu. Vả lại, ngay cái ăn, cái uống, cái mặc, việc giải trí, v.v. không còn là cái đơn thuần bản năng, mà là văn hóa. Ăn không phải chỉ để no bụng, mặc không phải chỉ cho ấm, nhưng ăn gì, ăn thế nào, nấu nướng ra sao, bày biện thế nào, ngồi ăn với ai, cầm đũa hay cầm xiên muỗng hay bốc bằng tay… đều là văn hóa và nhu cầu của con người cả. Rồi trong mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa còn có những nét riêng nữa. Về các nhu cầu căn bản khác cũng vậy. Truyền thống văn hóa không bất di bất dịch, nhưng những giá trị đích thực thì không có tân, có cổ gì hết.

Cái gọi là giải phóng tình dục đã xảy ra bên phương Tây nhiều thập kỷ rồi. Nó có thực sự giải phóng con người không thì lại là chuyện khác. Lạ thay, sau khi được sống hoàn toàn thoải mái theo cuộc giải phóng tình dục, nhiều người trẻ vẫn thấy trống rỗng, cô đơn, chán chường, và ở một ít nước, trong một thời gian, có hiện tượng người trẻ tự tử gia tăng. Khi sự tự do trong đời sống tình dục đã trở thành phổ biến và bình thường (không bị xã hội đặt vấn đề nữa), người Tây phương dần dần nhận ra những mặt trái của nó, và nhiều giá trị truyền thống như gia đình, lòng chung thủy, sự hy sinh cho con cái… lại được đề cao.

Người Việt Nam ta đang say sưa với sự phát triển kinh tế, chưa ý thức về nguy cơ của nạn ô nhiễm môi trường thiên nhiên; còn về ô nhiễm xã hội và tinh thần, họ có biết đến nhưng hình như rất ít quan tâm. Nhưng sự tàn phá của thứ ô nhiễm này còn đáng lo sợ hơn!

(30-10-2007)

No comments: