Sunday, December 2, 2007

Trời gieo sương, mây... chớ đổ mưa!

Lm Thiện Cẩm, OP

Nếu tôi là người “Xứ dân gầy”, nói theo ngôn ngữ của nhạc sĩ Phạm Duy, trong bài hát Về Miền Trung, thì Mùa Vọng năm nay chắc sẽ không hát nổi bài ca Mùa Vọng: “Trời gieo sương xuống, mây hãy đổ mưa…”, theo cung điệu của Hoàng Kim, hay là bài “Trời cao hãy đổ sương xuống” của Duy Tân. Hay cùng lắm sẽ chỉ hát được nửa câu, tức là vế đầu: “Trời gieo sương xuống”. Bởi vì theo tin tức khoa học mới đây, người ta nói dân trong những vùng sa mạc có thể dùng những thiết bị đặc biệt để biến sương hay khí ẩm ban đêm thành nước uống. Nhưng nếu là mưa, thì không những miền Trung của Việt Nam, mà còn nhiều nơi trên thế giới, như Bangladesh, Papua-Tân Ghinê, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Phi Luật Tân…, trong mấy tuần lễ vừa qua, thì quả thật đã quá nhiều rồi!

Thật vậy, miền Trung, “Xứ dân gầy” của chúng ta đã phải chịu 6 trận bão lũ liên tục, và đang khi tôi viết bài này, thì cơn bão số 7 và tiếp theo sau là số 8 đang đe dọa những người dân khốn khổ, chưa kịp dọn dẹp nhà cửa, sân vườn sau những trận bão lũ trước.

Miền Trung là miền gầy guộc: phía Tây là núi, phía Đông là biển. Mỗi lần mưa bão thì nước từ những đỉnh núi dãy Trường Sơn, mà nhiều nơi biến thành đồi trọc, không còn rừng cây che chắn, khiến mọi dòng chảy trút cả xuống những con sông ngắn, tràn xuống thung lũng và đồng bằng. Phía Đông thì sóng biển dâng lên, có khi là những cơn sóng thần dữ dội. Nước trên nguồn đổ xuống, nước dưới biển dâng lên, hai vai gầy của xứ sở và người dân nghèo làm sao chịu đựng nổi!

Xui xẻo hơn nữa, trước khi trận bão lũ đầu tiên trong đợt bão lũ dây chuyền xảy ra, thì lại xảy ra vụ sập cầu Cần Thơ: cả nước xúc động, bao nhiêu tấm lòng người dân hướng cả về Tây đô. Tiền bạc đổ dồn về đó cả: tiền của Nhà nước, tiền của Nhật,-bồi thường có, cứu trợ có,- và nhất là tiền của nhân dân. Người sống nhận được tiền, người chết cũng được tiền, mà nếu chỉ dùng để mai táng thì quá dư thừa…

Đến khi bão lũ dồn dập rủ nhau nổi cơn giận dữ trút xuống miền Trung, thì hình như người ta hết nước mắt để khóc thương…! Nhất là khi chưa kịp nghĩ đến cứu trợ người bị nạn, thì những cơn bão lũ khác đã ập tới, và cho tới nay cũng chưa biết khi nào dừng hẳn lại!

Tôi nghe nhiều người phản ảnh: tại sao Đạo, Đời đều im hơi lặng tiếng, không thấy kêu gọi gì cả, mà chỉ thấy Tivi đọc đi đọc lại những thông báo khẩn cấp của cái gọi là “Ủy ban phòng chống lụt bão trung ương” gửi đến các tỉnh miền Trung, ra lệnh củng cố đê điều, sơ tán dân chúng, kêu gọi tàu thuyền cập bến hoặc tìm nơi cho tàu thuyền trú bão… Nhân tiện xin mở một cái ngoặc đơn: Tôi thắc mắc không biết “lụt bão trung ương” là gì! Đáng lẽ phải nói là “Ủy ban trung ương phòng chống lụt bão” thì mới đúng. Hai chữ “trung ương” phải đi với Ủy ban, chứ không đi với “bão lụt”. Cũng tương tựa như kiểu nói không chuẩn trong những câu như là: “Phản đối việc tập trận ở quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc”, trong khi đó, nếu nói đúng văn phạm Việt Nam thì phải là: “Phản đối Trung Quốc tập trận ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”! Ngôn ngữ Đài Phát thanh, Truyền hình, cũng như của báo chí chúng ta ngày nay bị Tây hóa quá nhiều. Người ta thường nói đến cuộc mít tinh, tọa đàm, hội thảo này nọ “được đặt dưới quyền, hay sự chủ tọa của đồng chí này, đồng chí nọ; hay là bài hát T “được trình bày do sự trình diễn” của ca sĩ X., trong khi đáng lẽ phải nói: “Đồng chí T chủ tọa cuộc mít tinh, hay cuộc tọa đàm”; “Ca sĩ X trình bày bài T của nhạc sĩ N”. Tôi xin phép đóng ngoặc đơn.

Trở lại vấn đề bão lũ. Trong buổi tọa đàm tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM vừa qua, nhiều đại biểu cũng phản ảnh về tình trạng có thể gọi là “nhất bên trọng, nhất bên khinh” đối với các nạn nhân ở Cần Thơ và các nạn nhân bão lũ miền Trung. Trong Giáo hội, cũng thấy nhiều người thắc mắc sao chưa thấy Tòa Tổng Giám mục lên tiếng gì về vụ này. Thậm chí có người đã đưa tiền và đồ cứu trợ đến cho cha này cha nọ, nhưng rồi cũng chưa biết tập trung về đâu.

Trong khi đó thì Truyền hình và báo chí vẫn tiếp tục cho chúng ta thấy những hình ảnh thật thương tâm của đồng bào ta ở những vùng thiên tai. Và nhất là mới đây, tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công khai nói lên điều bất hợp lý, là nước ta là nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới, vậy mà nhiều dân quê, nhất là ở những vùng xa vùng sâu, chỉ được ăn cơm vào những ngày Tết và ngày lễ, còn quanh năm ngày tháng phải ăn ngô khoai hay sắn! Đối với những dân vùng bão lũ hiện nay, thì ngô khoai hay bất cứ thứ hoa mầu gì khác cũng chẳng có mà ăn, ngay cả thóc giống và các giống ngô đậu cũng đều mọc mầm cả rồi. Thật bi đát. Có lẽ họ phải trông chờ vào Nhà nước và tình tương thân tương ái của tất cả chúng ta, không chỉ trong một vài tháng, mà có khi cả nửa năm nữa, chỉ để tồn tại trước đã. Ấy là chưa nói đến khả năng, là sau bão lũ thì lại đến hạn hán!

Tạo hóa cũng thật trêu ngươi: trong bão lũ thì tuy nước ngập đến trên nóc nhà và cuồn cuộn lôi đi cả đồ đạc lẫn người, vậy mà chẳng ai có nước uống. Trong khi đó, khi trời hạn hán, thì một giọt nước dơ cũng không có, đủ cho cỏ mọc! Nước nhiều thì ngập úng, không những chết bò chết trâu, chết cả rau quả hoa màu, mà còn chết cả người, còn hạn hán thì cũng làm cho cả đất đai cũng nứt nẻ.

Làm thế nào để giải quyết vấn đề khó khăn lớn lao này.

Các nhà lãnh đạo thế giới sắp sửa tổ chức một Hội nghị quốc tế tại Bali, bên Inđônêxia, để tìm cách giải quyết vấn đề nhiệt độ trái đất. Ít ra, thì ngày nay ai cũng nhận ra rằng nguyên nhân của thiên tai, như bão lụt, hạn hán, phần lớn cũng là do con người. Hiện tượng trái đất nóng dần lên là một sự kiện không ai chối cãi được nữa, và bằng chứng thì đã rành rành: các tảng băng ở Nam Cực đang tan dần, nhiều ngọn núi tuyết chỉ còn phơi ra những tảng đá. Trong khi đó thì nước biển mỗi ngày một dâng cao, đe dọa nhận chìm nhiều đảo quốc và những vùng đất thấp của các lục địa. Theo dự báo, nếu một ngày nào đó Nam và Bắc Cực hết băng tuyết, thì Việt Nam sẽ có thể mất tới 10% diện tích đất đai ven biển, còn những nước, những vùng hay thành phố, như Bangladesh, Hòa Lan, Louisana, Venetia vv. có thể sẽ chịu chung số phận với thành phố Pompéi của Ý ngày xưa, bị núi lửa nhận chìm xuống đáy biển.

Thế nên đã đến lúc nhân loại phải dừng tay lại, đừng hủy hoại môi trường của trái đất. Đừng chặt phá rừng cây, đừng hun nóng thêm bầu khí quyển bằng việc thả khói độc hại, giảm bớt sử dụng xăng dầu, giải quyết vấn đề rác thải, nhất là rác thải độc hại giết chết môi trường. Trả lại cho rừng núi và khí quyển sự trong lành tự nhiên, để hai lá phổi cũng tránh bị khói bụi mà sinh ra bệnh tật, nhất là ung thư…

Việc giảm bớt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tức xăng dầu, cũng có nghĩa là giảm bớt việc sử dụng xe ô tô, cũng đồng thời có tác dụng đến việc giảm bớt số lượng xe cộ lưu thông trên các đường phố và đường giao thông, giảm bớt ùn tắc và nhất là tai nạn, mà chỉ riêng nước ta, trung bình mỗi ngày cướp đi 40 mạng người!

Vì thế mà Mùa Vọng năm nay, chúng ta nên cầu xin cho Trời gieo sương xuống, nhưng thôi đừng cho mây đổ mưa xuống những vùng đã bị bão lũ nặng nề. Nhưng có lẽ điều quan trọng, là chúng ta phải nghe lời ngôn sứ Isaia mà dọn đường cho Chúa đến, bằng cách lấp đầy thung lũng, bạt thấp núi đồi, uốn thẳng những khúc đường cong queo, nghĩa là thực hiện công bằng xã hội, giảm bớt khoảng cách giầu nghèo, tích cực chống tham ô, lãng phí và tiêu cực, để mọi người dân, nhất là những người ở nông thôn, đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa, những người tàn tật, ốm yếu, bị bệnh phong, hay Sida, hoặc nhiễm chất độc da cam vv., tất cả được cảm thấy niềm hy vọng được đón mừng Chúa đến trong những người anh em, là chính chúng ta.

Và chúng ta cũng phải tự nhủ rằng Chúa đang đến, nhưng không phải đâu xa, mà chính là trong những người anh em bé nhỏ, nghèo hèn, những người cơ hàn, đang rét run, đói lạnh giữa những vùng nước lũ, hay đang ở trong khung cảnh màn trời chiếu đất…

25-11-2007

(Báo Công giáo và Dân tộc số 1635)

No comments: