Wednesday, July 30, 2008

Thế nào là xã hội hóa giáo dục

Lm Thiện Cẩm, OP


Ngày thứ Năm 24 tháng 7 vừa qua, Ban Tôn giáo Chính phủ đã triệu tập một cuộc họp qui tụ các đại biểu tôn giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh, để tham gia ý kiến về việc thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục, y tế và từ thiện xã hội, nhân đạo.

Trước đây, tôi vẫn hiểu “xã hội hóa” ở đây theo nghĩa là Nhà nước không còn độc quyền về ba lãnh vực, mà tôi coi là thiết yếu nhất đối với người dân, đặc biệt là những người nghèo. Theo tôi nghĩ, đã gọi là “xã hội hóa” thì phải hiểu là để cho mọi người trong xã hội tham gia vào công tác giáo dục, y tế và từ thiện, nhân đạo. Nói nôm na là để cho nhân dân, dù là với tư cách cá nhân, hay tập thể, như tôn giáo, hiệp hội vv. có quyền mở trường, mở nhà thương và các cơ sở từ thiện, bác ái, nhân đạo. Nhưng sau này, tôi hiểu ra rằng hình như “xã hội hóa” ở đây chỉ được hiểu theo nghĩa là tư nhân, ngoại trừ các tôn giáo, được tham gia hoạt động giáo dục, y tế và từ thiện, nhân đạo. Nhưng riêng đối với các tôn giáo, thì chỉ được cộng tác, hỗ trợ chính quyền để làm tốt những công tác đó mà thôi.

Thật vậy, cả Pháp lệnh Tôn giáo năm 2004 và Nghị định 05/2005/-NQ-CP, đều không cho phép các tôn giáo tham gia công tác giáo dục, y tế vv. theo nghĩa là được mở trường, mở nhà thương vv.

Cụ thể Điều 33 trong Pháp lệnh TNTG 2004 ghi rõ :

1.-“Nhà nước khuyến khích và tạo điềư kiện để tổ chức tôn giáo tham gia nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khỏe người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần, hỗ trợ phát triển các cơ sở giáo dục mầm non và tham gia các hoạt động khác vì mục đích từ thiện nhân đạo phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và qui định của pháp luật.

2.- “Chức sắc, nhà tu hành với tư cách công dân được Nhà nước khuyến khích tổ chức hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo theo qui định của pháp luật.”

Đây quả thật là một bước thụt lùi so với Sắc Lệnh 223 do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành ngày 14-6-1955, trong đó ghi rõ ở điều 9:

“Các tôn giáo được phép tổ chức mở trường tư thục. Các trường tư thục đó phải dạy theo chương trình giáo dục của Chính phủ. Ngoài giờ dạy theo chương trình giáo dục của Chính phủ, có thể dạy thêm giáo lý cho những học sinh muốn học.”

Thật vắn tắt, gọn gàng và rõ rệt, chứ không chỉ cho phép các tôn giáo cộng tác, hỗ trợ Nhà nước mà thôi, như đóng góp tiền bạc, tặng hiến đất đai, cơ sở vv.

Trong khi đó Nhà nước đã mở rộng cửa đón tiếp các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào mọi hoạt động kinh tế, giáo dục, y tế và xã hội nói chung. Thật vậy người nước ngoài hôm nay có thể mua đất, xây trường dạy học mọi cấp, kể cả từ nhà trẻ, mẫu giáo vv. : đâu đâu cũng thấy trường “quốc tế”, mọc lên, to cao đẹp đẽ, với học phí cũng cao cao ngất ngưởng, mà đa số người dân không thể nào với tới. Cũng vậy, những bệnh viện tư do người nước ngoài hoàn toàn làm chủ cũng đang mọc lên ở những thành phố lớn, như Hà Nội và Thành phố Hồ chí Minh, trong khi đó thì các bệnh viện gọi là “công” thì quá tải tới mức không thể tưởng tượng nổi, và viện phí cũng ngày càng tăng, và giá thuốc thì lên như phi mã. Vậy mà các tôn giáo lại không được phép làm gì để cứu chữa những bệnh nhân nghèo khó!

Điều khiến tôi bức xúc, thậm chí bất bình hơn cả, khi thấy những người chủ trương chính sách giáo dục mở cửa không suy nghĩ, tới mức cho phép người nước ngoài, dưới chiêu bài “quốc tế”, được mở cả những trường mầm non, mẫu giáo cho trẻ con Việt Nam. Tôi thật không thể hiểu người ta nghĩ gì mà lại chủ trương như vậy? Chẳng lẽ người Việt Nam chúng ta không đủ khả năng và trình độ để dạy dỗ giáo dục con em mình hay sao, mà phải trao cho người nước ngoài uốn nắn dạy dỗ chúng ngay từ tấm be ? Chẳng lẽ chúng ta muốn con em chúng ta ngay từ thơ ấu đã bị “quốc tế hóa”, nghĩa là mất gốc, không còn là người Việt Nam?

Khi tôi phát biểu những ý kiến đầu tiên này trong cuộc hội thảo nói trên, hầu hết các đại biểu đều tỏ ý tán thành. Các đại biểu cũng đồng tình với lời phát biểu của linh mục Huỳnh Công Minh, đại diện cho Đức Hồng y Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng Nhà nước khỏi cần động viên các tôn giáo tham gia hoạt động giáo dục, y tế và từ thiện nhân đạo: các tôn giáo từ lâu đã sẵn sàng và nóng lòng được tham gia vào những hoạt động này. Vấn đề là đã đến lúc Nhà nước nên qui định rõ ràng và cụ thể những hình thức tham gia những hoạt động ấy như thế nào mà thôi.

Linh mục Tổng đại diện còn than phiền về tình trạng xuống cấp của tinh thần đạo đức xã hội, mà chung qui cũng chỉ vì nền giáo dục của chúng ta đang suy thoái và khủng hoảng trầm trọng. Xã hội chúng ta ngày nay đâu đâu cũng đầy gian dối, ích kỷ, mỗi người chỉ biết sống cho mình, và cho những giá trị vật chất, đánh mất đi lòng nhân nghĩa, bao dung, vốn là tính chất truyền thống của người Việt Nam. Sở dĩ thế là vì chúng ta không còn quan tâm đến giáo dục đạo đức.

Một nữ đại biểu của đạo Bà Hai đề nghị đem giáo dục tôn giáo vào học đường. Các đại biểu tôn giáo khác nghe thì đồng tình, nhưng xem ra ai cũng tỏ vẻ nghi ngờ khả năng hiện thực của đề nghị ấy. Nhưng quả thật, tôn giáo nào cũng mong muốn ít ra là Nhà nước cho phép mở các trường tư thục tôn giáo từ mẫu giáo trở lên, và cho phép dạy đạo cho những học sinh muốn học, ngoài chương trình của Nhà nước, như chính Hồ Chủ tịch đã chủ trương, trong Sắc lệnh 223, ban hành năm 1955.

Đối với tôi, xưa nay vẫn hy vọng rằng với chế độ xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta sẽ được cơm no áo ấm, được học hành và khám chữa bệnh và có công ăn việc làm, như Hồ Chủ tịch đã viết trong Di Chúc. Nhưng sau hơn ba mươi năm hòa bình thống nhất, tình trạng đói nghèo, và thất nghiệp, đặc biệt là tình trạng giáo dục và y tế chưa được như mong ước, nếu không muốn nói là khó khăn hơn : học phí ngày càng tăng, viện phí cũng vậy, đến nỗi nhiều học sinh phải bỏ học để ở nhà phụ giúp cha mẹ kiếm sống, nhiều người không đủ tiền khám chữa bệnh và mua thuốc. Vậy mà không ít những người có tâm huyết, khả năng và trình độ lại chưa được tham gia vào những hoạt động có tính cách căn bản và cần thiết nhất cho xã hội. Quả thật, chúng ta đã để lãng phí bao tài nguyên tinh thần và vật chất của các người tôn giáo. Vì lý do gì vậy? Tôi đã nhiều lần công khai lên tiếng trong những đại hội hay tọa đàm, hội thảo, và mong muốn nhận được một câu trả lời, nhưng chưa ai nói cho tôi nghe.

Điều mà tôi tha thiết mong đợi là Nhà nước sớm thực hiện chính sách mở cửa để các tôn giáo được tham gia bình đẳng với người nước ngoài vào những hoạt động giáo dục, y tế và từ thiện, nhân đạo, đúng như Hồ Chủ tịch đã từng chủ trương như vậy, và Hội đồng Tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mấy năm trước đây đã đề nghị như thế.

Lý tưởng mà nói, Nhà nước nên cố gắng thực hiện chính sách cưỡng bách phổ thông giáo dục, ít ra là từ mẫu giáo tới hết cấp II, và từ cấp III trở lên mới để các tư nhân và người nước ngoài tham gia hoạt động này.

Riêng đối với các cháu mầm non và nhà trẻ, không nên để người nước ngoài, dù là dưới danh nghĩa “quốc tế” tham gia giáo dục đào tạo chúng, vì đó là nhiệm vụ thiêng liêng đối với chúng ta, vì như cha ông đã dạy phải “dạy con từ thuở còn thơ”, hay “dạy con từ thuở lên ba”. Cũng như ngày nay người ta khuyên nên cho trẻ thơ bú sữa mẹ, thì chúng ta cũng phải để các trẻ thơ của chúng ta được nuôi dưỡng bằng một nền giáo dục dân tộc để nên người Việt Nam thực thụ, chứ không bị lai căng, lạc loài, có khi nói tiếng mẹ đẻ chưa sõi, thì thử hỏi lớn lên, chúng có thể hiểu biết và yêu mến quê hương dân tộc, hay sẽ coi trọng nền văn hóa “quốc tế” nào đó hơn nền văn hóa mà chúng ta vẫn hãnh diện là đã có từ bốn ngàn năm hay không ?

28-07-2008

(Báo Công Giáo Và Dân Tộc số 1668, 1.8 - 7.8.2008)

No comments: