Wednesday, July 30, 2008

TỪ HIỆN TRẠNG CHƯA THỰC THI CHỮA BỆNH MIỄN PHÍ CHO TRẺ DƯỚI 6 TUỔI

Xuân Huy

Ở Việt Nam hầu như không thiếu bất kỳ loại luật lệ-quy định gì, trong đó có đầy rẫy những văn bản dưới luật thuộc các loại quyết định, quy định, thông tư, chỉ thị... không sát hợp với tình hình thực tế không có tính khả thi hay thậm chí vi hiến mà thỉnh thoảng người ta phải mất công xét bỏ trong quá trình hoàn thiện hệ thống luật hoặc cải cách hành chính. Tuy nhiên, có những quy định thật vô lý đã được xét bỏ nhưng nhiều cơ quan hữu quan cấp dưới vẫn cố ý trì hoãn kiểu nầy kiểu khác không chịu thi hành, hoặc cũng thi hành nhưng lại tìm cách đặt ra thêm những “giấy phép con”... khác để làm khó người dân, khiến cho công cuộc cải cách hành chính trong nhiều năm gần như giậm chân tại chỗ. Mặt khác, cũng có những luật ban đầu không được thi hành, nghĩa là chỉ tồn tại trên giấy tờ, nhưng sau đó cơ quan chức năng (thường là các bộ hữu quan) quyết định cho triển khai thì các cấp hữu quan cũng lại tìm cách ngăn trở kiểu nầy kiểu khác dựa vào các câu chữ hai ba nghĩa nằm trong những quyết định, chỉ thị, hướng dẫn... của ngành phụ kèm theo luật. Thành thử, nếu người dân khi hữu sự cứ cả tin vào những thứ “kim khoa ngọc luật” đó mà hành xử thì có khi lại bị hụt hẫng rách việc, không loại trừ có thể còn toi cả mạng mình hoặc tương lai của cả một đời con cháu mình.

Sở dĩ có tình trạng như nêu trên vì ở nước ta cho tới nay có thể nói vẫn chưa có được cái mà hàng mấy thế kỷ trước người ta gọi là “tinh thần của luật pháp” (l’esprit des lois). Luật pháp như thế chỉ còn lại là những câu chữ vô hồn ước thúc con người được đặt ra để làm khó công dân nhiều hơn là để tạo sự tiện lợi cho họ. Điều nầy có nghĩa giữa chính sách, Hiến pháp và luật pháp còn có một khoảng cách biệt khá xa. Nói cách khác, luật pháp không thể hiện Hiến pháp và đường lối chính sách, không quán triệt trong máu thịt, tinh thần của mọi thành viên có trách nhiệm thi hành chúng, vì thế mới có trường hợp giáo dục theo Hiến pháp là “chính sách hàng đầu” (Điều 35) nhằm tạo mọi điều kiện cho mọi người dân đều được đi học nhưng khi dắt đứa con mới ở độ tuổi đi học vào trường xin học chỉ lớp 1 thôi, phụ huynh cũng phải chạy “vắt giò lên cổ”, tốn đủ thứ tiền mà còn chưa chắc được việc một cách suôn sẻ. Tương tự như thế, chính sách chăm sóc và bảo vệ trẻ em thể hiện qua Hiến pháp (Điều 61, “Công dân có quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khỏe...”), qua Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XI thông qua có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2005 cũng là một thí dụ tiêu biểu điển hình về khoảng cách biệt quá xa giữa chính sách, Hiến pháp, luật pháp và việc thi hành luật pháp.

Mới đây, ngày 17.7.2008, người ta đọc thấy trên mục “Bạn đọc viết” báo Sài Gòn Giải Phóng chuyện một phụ nữ dân quê nhà nghèo đưa đứa con chỉ mới hơn 20 ngày tuổi nghi bị sài uốn ván (một loại bệnh thập tử nhất sinh) đi chữa bệnh tại bệnh viện tỉnh Đồng Nai, sau đó chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1 rồi bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới (TP. HCM), nhưng tại cả ba nơi, mẹ đứa nhỏ đều bị đòi tiền khi chuyển viện hoặc phải đóng tiền tạm ứng khi nhập viện. Người mẹ không có tiền phải chạy vạy khắp nơi cầu cứu bà con và những người quen biết, vì bệnh viện nói thẳng nếu không đóng tiền (và do đó không thể chuyển viện từ Nhi Đồng 1 qua bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới) thì số phận của đứa trẻ trong đêm nay ra sao gia đình phải chịu trách nhiệm (!). Khi viện dẫn đến quy định về trẻ em dưới 6 tuổi được chữa bệnh miễn phí thì các bệnh viện đều đòi phải xuất trình những loại giấy tờ mà cha mẹ đứa nhỏ vừa không hiểu biết các loại thủ tục rắc rối của ngành vừa không thể nào chuẩn bị kịp trong lúc gấp gáp hối hả.

Lẽ ra, một đứa bé mới 20 ngày tuổi thì đích thị là đối tượng phải được chữa bệnh miễn phí mà chẳng cần bất kỳ một loại giấy tờ chứng minh nào, kể cả giấy chứng sinh, vì các bác sĩ và người phụ trách hành chính bệnh viện không thể nhìn lầm đứa bé sơ sinh 20 ngày tuổi với đứa trẻ khoảng 6 tuổi được. Đây cũng lại là trường hợp tiêu biểu vừa làm khó để không thi hành luật pháp và các quy định của ngành, vừa vô tâm vô cảm và thiếu nhân đạo của các nhân viên phụ trách y tế trước bệnh tật và nỗi khổ của dân nghèo. Tình trạng nầy càng cho thấy, các bệnh viện và nhân viên phụ trách y tế hoàn toàn không có chút quán triệt gì đối với các chính sách chung lớn của quốc gia về việc chăm sóc sức khỏe cho dân chúng nói chung và cho trẻ em dưới 6 tuổi nói riêng, nếu không muốn nói họ còn là những lực cản trở, mặc dù thành phần lãnh đạo các bệnh viện thì lý lịch anh nào cũng tốt.

Được biết, khoản 2 Điều 15 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) quy định rõ: “Trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Trẻ em dưới 6 tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được khám bệnh không phải trả tiền ở các cơ sở y tế công lập”. Điều 27 quy định: “...bảo đảm kinh phí khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi... ở các cơ sở y tế công lập trung ương và địa phương”.

Như vậy, trên văn bản luật, câu chữ đã quá rõ ràng. Ngoài ra, Bộ Y tế còn có thêm một văn bản quyết định mang số 306/YT-KH-TC đề ngày 14.01.2005 chỉ đạo triển khai việc thực thi theo đúng tinh thần các điều quy định của luật nêu trên. Nếu chính sách y tế và tinh thần của luật pháp thật sự được quán triệt trong mọi công dân và những người thi hành (đặc biệt là những người lãnh đạo bệnh viện), thì riêng cho ngành y tế, không nên đặt thêm bất kỳ thủ tục nào rườm rà, mà phải tiến tới sự “zêrô hóa” các thủ tục, theo tinh thần “phàm hễ đúng với tinh thần của chính sách và của luật pháp thì phải được thực hiện một cách phổ biến nhất quán trên toàn quốc”, bởi chuyện chữa bệnh là liên quan đến mạng sống của con người và phải đặt nó lên trên tất cả mọi quy định, thủ tục hành chính. Trong tinh thần đó, cần phải loại bỏ trước hết thủ tục đóng tiền tạm ứng khi nhập viện mà hầu như mọi bệnh viện hiện nay trên toàn quốc đều đang áp dụng; phải coi việc có chữa bệnh miễn phí được cho trẻ em dưới 6 tuổi hay không như là một tiêu chí quan trọng để đánh giá khả năng làm việc và thiện chí-lương tâm-trách nhiệm của giám đốc bệnh viện và của các cơ quan chủ quản hữu quan, tính từ thấp lên đến cấp cao nhất.

Trên thực tế, nhiều trẻ em Việt Nam dưới 6 tuổi cho đến nay vẫn không được khám chữa bệnh miễn phí. Truy lại ba năm về trước, báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 16.6.2005 cho biết: “Sau hơn 2 tuần triển khai thực hiện miễn viện phí trẻ dưới 6 tuổi theo quyết định của Bộ Y tế, tại các bệnh viện từ phường xã, quận huyện đến thành phố, số trẻ được miễn viện phí rất thấp, chỉ khoảng trên 1%, dẫn đến nguồn kinh phí còn nhiều nhưng chưa dùng đến”. Tình trạng nầy, dư luận và báo chí phản ảnh đã nhiều, nhưng mặc cho mọi sự phản ảnh, các viên chức ngành y tế vẫn tiếp tục viện dẫn đủ mọi lý do để trì hoãn việc thi hành, nên cho đến nay, đúng 3 năm sau, so chiếu lại với lúc khởi đầu, tình trạng vẫn gần y như cũ và vì thế dân chúng lại phải tiếp tục kêu rêu như lời của bà mẹ đứa bé nhà quê nhà nghèo mới 20 ngày tuổi kể ở đoạn trên. Thiếu giấy chuyển viện, không mang theo giấy chứng sinh hoặc hộ khẩu, đến không đúng tuyến... là các lý do mà bệnh viện thường nỡ đưa ra để từ chối khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, kể cả đối với những bệnh nhân mà cha mẹ của chúng thật sự là thành phần lao động nghèo khổ ở nông thôn và thành thị. Nhưng sở dĩ các bệnh viện vẫn nại được lý do làm khó người dân còn vì ngành y tế khi triển khai luật thường đưa ra thêm những quy định không thể hiện tính nhất quán và tính phổ biến của chính sách và của luật pháp. Đại loại, có thể dẫn chứng công văn số 3340/SYT-TCKT-NVY nầy của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, phần II, mục 1a có nội dung: “Đối với trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi của địa phương khác có nhu cầu đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập tại TP. HCM thì thực hiện theo hợp đồng đã ký kết với Sở Y tế hoặc bệnh viện đa khoa Tỉnh; trường hợp các địa phương chưa ký hợp đồng thì khi xuất viện người nhà có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản chi phí khám chữa bệnh cho các cơ sở y tế... Các cơ sở y tế công lập trực thuộc cung cấp đầy đủ biên lai, hóa đơn, chứng từ viện phí hợp lệ và đúng quy định để gia đình bệnh nhân làm căn cứ thanh toán với Sở Y tế hoặc cơ sở y tế công lập (nơi chuyển viện) của địa phương mình”.

Đọc loại công văn có nội dung như nêu trên, người ta dễ có cảm tưởng Việt Nam là một nước bị phân xẻ thành nhiều tiểu quốc với mỗi tiểu quốc là một tỉnh hoặc thành phố, nên việc thi hành những bộ luật có tính toàn quốc không thể thông đạt ngay được từ trên xuống dưới mà còn phải thông qua nhiều loại quy định cụ thể nầy khác. Điều nầy có nghĩa khi đứng trước một bệnh nhân thì tùy theo điều kiện của mỗi địa phương mà phải có cách xử lý khác nhau, nhưng xử lý kiểu gì trước hết phải thu tiền rồi sau mới hạ hồi phân giải (!), chẳng khác nào như chuyện cái cầu Đồng Nai vừa rồi, mới khởi công xây đã đòi thu phí của dân!

Do thiếu quán triệt tinh thần nhân đạo của chính sách y tế chung nên người ta thường có khuynh hướng cố tạo ra nhiều loại thủ tục rắc rối phiền hà để hạn chế việc thi hành, mặc dù miễn viện phí thì chỉ hao tiền nhà nước, thực tế là tiền dân, và người được hưởng cũng chẳng ai khác hơn là những người dân trong nước. Chữa được bệnh cho dân mà nhà nước không lấy tiền của dân, đó mới đúng là hành vi-nghĩa vụ-chức năng của mọi nhà nước từ cổ chí kim, nên được coi là một sự đương nhiên muốn khen cũng được mà không cũng tốt. Nhưng như vậy điều khó hiểu vẫn là tại sao các quan chức thừa hành ý chí của nhà nước lại có vẻ như tiếc tiền giùm cho nhà nước khi họ tìm cách đưa ra các quy định có tính cách hạn chế? Tất nhiên, một số quan chức lãnh đạo bệnh viện đôi khi cũng có cái khó riêng của họ, do sự ràng buộc của các quy định ngành và các điều kiện thực thi nầy khác, nhưng dù sao như thế cũng là bằng chứng cụ thể hùng hồn cho thấy Hiến pháp và luật pháp trong nhiều trường hợp đã tỏ ra bất lực, vô hiệu, gây ảnh hưởng xấu nặng nề đến niềm tin của nhân dân đối với ngành y tế nói riêng và đối với cả một đường lối chính trị nói chung. Qua việc thực tế không chữa bệnh miễn phí cho người dân theo đúng pháp luật, suy diễn ra, còn có hàng trăm chuyện phải bàn liên quan đến sự khiếm khuyết trong hành vi-trách nhiệm của nhà nước, từ những bằng chứng khoảng cách giữa luật pháp với thực tế. Nhưng trên hết là một chính sách nhất quán cần thiết mà nếu lấy đó làm tiêu chuẩn thì hầu hết các thủ tục phiền hà dành cho ngành chữa bệnh đều trở nên thừa thãi vô nghĩa, có hại, và không một lý do gì khác có thể biện minh được.

28.7.2008
(Nguyệt san Công giáo và Dân tộc số 163, tháng 7.2008)

No comments: