Wednesday, March 5, 2008

ĐỌC THƯ ĐỨC HỒNG Y QUỐC VỤ KHANH TÒA THÁNH GỞI ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC NGÔ QUANG KIỆT

Lm Trương Bá Cần

Tuần Báo Công giáo và Dân tộc số 1644, tuần lễ từ 22-2 đến 28-2-2008, đã đăng tải toàn bộ bức thư (bản dịch tiếng Việt) của Đức Hồng y Bertone, Quốc vụ Khanh Tòa Thánh, gởi Đức Tổng giám mục Hà Nội, Giuse Ngô Quang Kiệt, đề ngày 30-01-2008.

Đây là một bức thư nội bộ giữa hai vị giáo phẩm cao cấp trong Giáo hội Công giáo: bên gởi là Quốc Vụ Khanh Tòa thánh là thủ tướng của Nhà nước Vatican và là giáo phẩm đứng đầu guồng máy giáo triều Roma và bên nhận là vị giám mục đứng đầu Tổng giáo phận Hà Nội.

Tuy nhiên đây cũng là một văn bản mang tính ngoại giao cao với một cấu trúc rất văn học: bức thư chỉ trên dưới 300 từ, nhưng gồm, ngoài một lời mở đầu và một lời kết, ba phần rõ rệt. Tất cả đều ngắn gọn và súc tích như nhau.

Lời nói đầu cho biết tại sao có bức thư, với những lời lẽ như sau:

Như Đức cha có thể biết, Phủ Quốc Vụ Khanh rất chú ý và quan tâm đến những biến cố, trong những ngày qua tại Hà Nội, liên quan đến những căng thẳng giữa Tổng giáo phận của Đức cha và Chính quyền sở tại, về các quyền sở hữu và sử dụng tòa nhà kế cận tòa giám mục, trong nhiều năm, đã đón nhận Khâm sứ Tòa Thánh ở Việt Nam.

Phần một, nói về sự thán phục trước những tâm tình của các giáo hữu họp nhau cầu nguyện trong sân Tòa Khâm sứ, chỉ gồm một đoạn như sau:

Tôi tràn đầy thán phục trước những tình cảm sốt sắng và sự gắn bó sâu đậm với Giáo hội và Tòa thánh, được biểu lộ qua việc hàng ngàn giáo hữu tập họp một cách ôn hòa, ngày này qua ngày khác, để cầu nguyện trước tòa nhà, đã trở thành biểu tượng, nhằm yêu cầu các vị lãnh đạo dân sự cứu xét các nguyện vọng của cộng đồng Công giáo.”

Phần hai, nói về sự quan ngại trước các cuộc biểu dương cầu nguyện kéo dài, cũng chỉ có một đoạn như sau:

Nhưng đàng khác, sự kiện là những cuộc biểu dương như vậy, cứ tiếp tục không khỏi gây ra lo lắng bởi vì, như thường xảy ra trong các trường hợp tương tự, có thể có nguy hiểm thực sự là không kiểm soát được tình hình, có nguy cơ trở thành biểu tình bạo ngôn và bạo loạn.”

Phần ba, chủ yếu là những lời có tính cách chỉ đạo để giải quyết vụ việc, cũng chỉ có một đoạn như sau:

Bởi vậy, nhân danh Đức Thánh cha, luôn luôn được thông tin về diễn biến của tình hình, tôi xin Đức cha can thiệp để tránh những hành động có thể gây xáo trộn trật tự công cộng và để người ta trở về tình trạng bình thường. Như vậy, trong một bầu không khí bình thản hơn, có thể nối lại đối thoại với chính quyền, hầu tìm được một giải pháp thích hợp cho vấn đề tế nhị này.”

Lời kết, cuối cùng, là một lời hứa như sau:

Tôi cam đoan với Đức cha rằng, về phần mình, Tòa thánh, như vẫn luôn làm, sẽ không bỏ lỡ việc giải thích cho Chính phủ của quê hương Đức cha, về những nguyện vọng chính đáng của người Công giáo Việt Nam.

Trên đây là toàn văn bức thư của Đức hồng y Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gởi Đức Tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt, đề ngày 30-01-2008; chúng tôi chỉ không ghi lại lời chào thủ tục ở đầu thư và cuối thư.

Khi đăng bài tường trình “về vụ Tòa Khâm sứ Hà Nội” trên Tuần báo CÔNG GIÁO VÀ DÂN TỘC số 1644, sau khi tóm lược bức thư, người viết chỉ trích đăng một câu có tính cách chỉ đạo và có khả năng làm chuyển biến tình hình với nội dung là yêu cầu Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt “can thiệp để tránh những hành động có thể làm xáo trộn trật tự công cộng và để người ta trở về tình trạng bình thường.

Có người trách chúng tôi là chỉ trích “một đoạn trong thư của Đức hồng y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh lo lắng về khả năng bùng nổ bạo loạn,” mà không đề cập đến sự thán phục của Đức hồng y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trước việc giáo hữu tụ họp cầu nguyện trước Tòa Khâm sứ.

Nói như thế là không biết rằng: Tuần báo CÔNG GIÁO VÀ DÂN TỘC, trong số 1644, khi đăng bài tường trình “về vụ Tòa Khâm sứ ở Hà Nội”, cũng đã đăng toàn văn (bản dịch tiếng Việt) bức thư của Đức hồng y Quốc Vụ Khanh ngay ở trang 7 trong cùng một số báo để mọi người có thể tham khảo rộng rãi.

Trở lại với bức thư đề ngày 30-01-2008 của Đức hồng y Quốc Vụ Khanh, chúng ta có thể nói rằng nhờ sự quan tâm đặc biệt của Tòa Thánh mà việc cầu nguyện lâu ngày tại Tòa Khâm sứ ở Hà Nội đã có thể kết thúc đúng lúc. Bởi vì việc cầu nguyện ở Tòa Khâm sứ Hà Nội bắt đầu từ ngày 18-12-2007 và không biết là bao giờ có thể kết thúc.

Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt có lẽ cũng không muốn việc cầu nguyện ở Tòa Khâm sứ kéo dài và thấy là đã đến lúc có thể kết thúc, nhất là sau khi nhận được thư của Đức hồng y Quốc Vụ Khanh. Trong trong thư đề ngày 01-02-2008, ngài viết: “Nhờ lời cầu nguyện tha thiết của anh chị em, công việc đã có kết quả. Sau những căng thẳng, đã có đối thoại ... để đi đến một giải pháp tốt đẹp. Giải pháp này sẽ được thực hiện qua những bước cụ thể trong tôn trọng lẫn nhau theo ý kiến của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Bước đầu tiên vừa hoàn thành, đó là dịch vụ kinh doanh đóng cửa quán phở, giáo dân tháo gỡ lều bạt và cung nghinh Thánh giá về. Bước đầu tiên này cũng phù hợp vì hiện nay trời rất lạnh và anh chị em phải chuẩn bị đón Tết. Tôi không đành lòng nhìn thấy anh chị em phải giá lạnh giữa trời mưa đông rét mướt.”

Tuy vậy có người vẫn không bằng lòng với bức thư của Đức hồng y Quốc Vụ Khanh gởi Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đề ngày 30-01-2008 và với bức thư của Đức tổng giám mục Ngô Quang Kiệt gởi các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và anh chị em giáo dân trong Tổng giáo phận Hà Nội đề ngày 01-02-2008.

Một giáo dân, xưng tên là Nguyễn Học Tập ở Ý quốc, trong một bức thư dài 4 trang đánh máy khổ A4, gởi Đức hồng y Bertone đề ngày 01-02-2008, sau khi nói lên những lời cảm ơn nồng nhiệt và ước mong Tòa Thánh tiếp tục can thiệp để đất đai của Giáo hội ở Huế, Đà Lạt, Sài Gòn ... được trả về cho Giáo hội, cuối cùng đã nói lên một nỗi buồn và thất vọng như sau:

Trong suốt cuộc sống phải tranh đấu với Cộng sản, chúng con chưa bao giờ thấy tình trạng tranh đấu có lạc quan, hứng khởi như trong những ngày qua. Chúng con cảm thấy nỗ lực của Tổng Giáo phận Hà Nội đang trong thế thượng phong, như diều gặp gió … thế mà qua bức thư của Đức hồng y Quốc Vụ Khanh gởi cho Tổng giám mục Hà Nội, chúng con cảm nhận thấy một cái gì ... tiêu cực, bi quan ... giống như con diều đứt dây, con chim bị tên, chúng con rất buồn ... nếu không muốn nói là thất vọng.

Tác giả Duyên Lãng Hà Tiến Nhân, trong bài “Tưng bừng khai trương, âm thầm dẹp tiệm”, trên trang web tiengnoigiaodan, mỉa mai viết:

Chiến dịch đốt nến cầu nguyện của giáo dân Hà Nội bùng lên như trái banh được bơm hơi, rồi lại tự dưng xẹp xuống cái rụp làm chưng hửng ngay cả những giáo dân ngày đêm cầu nguyện tại tòa Khâm Sứ, làm ngỡ ngàng nhiều người vốn xưa nay tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo tài ba và khôn khéo của Giáo Hội, làm thất vọng hàng triệu con tim VN đang trông đợi và hy vọng, làm phẫn nộ không ít người đang tranh đấu cho những quyền lợi tối thượng của dân tộc. Hiện tượng thắp nến cầu nguyện phồng lên rồi xẹp xuống này nên được diễn tả theo ngôn ngữ của người Việt tỵ nạn tại Mỹ, vừa sâu sắc, vừa dí dỏm là “tưng bừng khai trương, âm thầm dẹp tiệm.

Đối với những người ở nước ngoài, có thể suy nghĩ như vậy.

Nhưng đối với chúng ta, những người ở trong nước, thì bức thư của Đức hồng y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gởi Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt ngày 30-01-2008 là một hồng ân cho Tổng giáo phận Hà Nội cũng như cho Giáo hội Việt Nam. Một hồng ân mà chúng ta có được dưới triều đại của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI.

Vì vậy, trong tâm tình biết ơn, chúng ta hy vọng rằng cuộc đối thoại giữa giáo quyền và chính quyền ở Hà Nội sẽ được sớm nối lại để tìm ra một giải pháp thích hợp cho một vấn đề tế nhị, như Đức hồng y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói và mong ước.

(Báo Công giáo và Dân tộc số 1647)

No comments: