Wednesday, March 5, 2008

VỀ NHÀ ĐẤT CỦA TÒA KHÂM SỨ Ở HÀ NỘI

Lm Trương Bá Cần

Vừa qua một số giáo hữu Hà Nội đã tụ họp cầu nguyện nhiều ngày trước Tòa Khâm sứ cũ ở số 42 phố Nhà Chung, để yêu cầu nhà nước trả lại nhà và đất của Tòa Khâm sứ cũ cho Tổng giáo phận Hà Nội.

Một vài dư luận của Phật tử, tán phát trên mạng, cho rằng: Nếu có phải trả Tòa Khâm sứ ở 42 Phố Nhà Chung, thì phải trả cho Phật giáo, vì đất xây Nhà thờ Lớn Hà Nội và xây Tòa Khâm sứ là đất của Chùa Báo Thiên.

Trong những ngày qua lại thấy trên Internet Văn thư của Hòa thượng Thích Trung Hậu, Trưởng Ban Văn hóa Trung ương, T.U.N Ban thường trực HĐTS GHPGVN, gởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khẳng định rằng: “Chùa Báo Thiên, một di sản văn hóa đồ sộ vào bậc nhất nước ta tọa lạc trên khu đất rộng vài ngàn mét vuông, đã bị đập phá rồi xây Nhà thờ Lớn Hà Nội và Tòa Khâm sứ lên trên đó. Vừa qua, một số người lên tiếng đòi Chính phủ giao trả Tòa Khâm sứ ấy cho Thiên Chúa giáo, gây nhiều xôn xao trong quần chúng nhân dân. Chúng tôi đề nghị Thủ tướng nên xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một trong những thành phần chủ yếu để tham khảo trước khi có quyết định cụ thể liên hệ đến sự việc trên.”

Văn bản nói trên đề ngày 16-02-2008 được chụp và lưu hành trên Internet, với con dấu của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chữ ký của Hòa thượng Thích Trung Hậu.

Có lẽ đã đến lúc phải phân định rõ ràng quyền sở hữu nhà và sở hữu đất của Tòa Khâm sứ Hà Nội để nếu có phải trả, thì trả cái gì và trả cho ai.

I. VỀ QUYỀN SỞ HỮU NHÀ

Về Nhà thờ Lớn Hà Nội, được khởi công xây dựng năm 1884 và được đưa vào sử dụng năm 1887, với kinh phí của Tòa giám mục Tây Đàng Ngoài, nên rõ ràng là sở hữu của Tổng giáo phận Hà Nội ngày nay.

Còn về Tòa Khâm sứ ở cạnh Tòa Tổng giám mục ngày nay, do chưa tìm thấy chứng từ nào xác thực, nên trong bài tường trình đăng trên Tuần báo CÔNG GIÁO VÀ DÂN TỘC số 1644, chúng tôi chỉ đặt ra giả thuyết, đại khái, là: Đức Khâm sứ Ajuti (1925-1928) là vị khâm sứ đầu tiên ở Đông dương, đặt văn phòng làm việc tạm thời ở Hà Nội, không rõ là tại đâu. Tòa Khâm sứ chính được bắt đầu xây tại Huế từ giữa năm 1926; hai vị khâm sứ kế tiếp (Đc Dreyer 1929-1939 và Đc Drapier 1939-1946) đã ở và làm việc tại Tòa Khâm sứ chính thức ở Huế; Đức Khâm sứ Dooley, được bổ nhiệm năm 1950, đặt trụ sở tại Hà Nội: lúc này, ở Hà Nội hình như, ngoài tòa giám mục, không có cơ sở nào phù hợp để làm Tòa Khâm sứ, nên Tòa Khâm sứ hiện có ở số 42 Nhà Chung có thể đã được xây dựng năm 1950-1951.

Có người cho rằng chúng tôi đã “nhầm lẫn vấn đề từ căn bản” và trích bài trả lời phỏng vấn đài BBC của ĐTGM Ngô Quang Kiệt để minh chứng: khi phóng viên đài BBC hỏi có phải Tòa Khâm sứ gắn liền với thời thực dân nên bây giờ bị chính quyền thu lại không, “Đức Tổng (Giám mục) Hà Nội đáp lại ngay rằng không có chuyện Tây hay Tàu gì ở đây cả. Khu đất và Tòa Khâm sứ đó là của Tòa giám mục Hà Nội cho Đức Khâm sứ mượn, bây giờ không ở nữa thì trả lại cho Tòa tổng giám mục. Đức Khâm sứ đã viết thư cảm ơn và trả lại hẳn hoi. Như vậy trước khi cho mượn, trong khi mượn và sau khi Đức Khâm sứ ra đi, thì chủ sở hữu hợp pháp của Tòa Khâm sứ vẫn là Tòa giám mục Hà Nội.”

Chúng tôi hiện chưa có trong tay một văn bản chính thức nào của Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt về quyền sở hữu ngôi nhà Tòa Khâm sứ Hà Nội và không biết những lời trên đây có ghi lại đúng phần trả lời đài BBC của ngài hay không.

Nhưng chắc chắn là lúc xây dựng ngôi nhà làm Tòa nhà Khâm sứ Hà Nội vào những năm trước hay sau năm 1950, “không có Tây hay Tàu nào cả,” mà chỉ có Tòa giám mục Hà Nội hay Tòa Thánh mà thôi.

Tuy nhiên cũng cần phải có xác định một cách có thẩm quyền là Tòa giám mục Hà Nội đã cho Đức Khâm sứ Dooley mượn ngôi nhà do Tòa giám mục Hà Nội xây để làm Tòa Khâm sứ hay Tòa Thánh đã bỏ kinh phí xây dựng ngôi nhà Tòa Khâm sứ trên đất do Tòa giám mục Hà Nội cho mượn.

II. QUYỀN SỞ HỮU ĐẤT

Theo Bằng khoán điền thổ số 1765 lập ngày 18-4-1933, (được tán phát trên Internet) Khu Nhà thờ Chính tòa: diện tích 11.478 m2. Chủ trước: Đất mua đã lâu đời không rõ. Hiện chủ: Séminaire des Missions Etrangères dont le siège est à Paris, 128 rue du Bac, représenté par la Mission de Hà Nội (dịch nghĩa: Chủng viện Truyền giáo Nước ngoài trụ sở tại Paris 128 Phố Bắc, do Nhà Chung Hà Nội đại diện).

Nhà chung Hà Nội (tức Tòa giám mục Hà Nội) theo Bằng khoán điền thổ năm 1933, đã có quyền sở hữu đối với thửa đất 11.478m2 trên đó có Tòa Khâm sứ cũ và từ năm 1933 cho tới nay hình như chưa có một chuyển dịch nào khác trên thửa đất ấy. Khu đất xây Tòa Khâm sứ là do Tòa giám mục Hà Nội cho mượn: trước lúc rời Hà Nội, Đức Khâm sứ Dooley đã có thư cám ơn Tòa Giám mục Hà Nội đã cho Tòa Khâm sứ mượn đất.

Theo tác giả André Masson (trong cuốn “Ha Noi pendant la période héroique (1873-1888)” Paris 1929 trang 61-62), Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ đã cho phá bỏ Chùa Báo Thiên rồi làm thủ tục nhượng địa không bồi hoàn thửa đất tịch biên ấy cho Nhà Chung, để xây Nhà thờ Lớn Hà Nội.

Không biết khu đất của Chùa Báo Thiên chỉ đủ xây Nhà thờ Lớn Hà Nội hay còn đất để xây Tòa Khâm sứ hay không, hiện chúng ta chưa thấy tài liệu nào đáng tin cậy nói tới.

Ngoài Bằng khoán điền thổ được lập ngày 18-4-1933 và chứng từ của tác giả André Masson, còn có tài liệu nào khác về đất đai của Nhà chung Hà Nội nữa hay không? Chúng tôi thiết nghĩ các cơ quan quản lý hồ sơ địa bạ, địa chánh của thủ đô cần cho sưu tầm và công bố để làm rõ.

*

Như thế xét cho cùng, quyền sở hữu Nhà thờ Lớn Hà Nội thì đã quá rõ ràng; còn quyền sở hữu thực sự ngôi nhà Tòa Khâm sứ chỉ có thể thuộc về Tòa Tổng giám mục Hà Nội hay thuộc về Tòa Thánh Vatican mà thôi, chứ không thuộc về ai khác.

Riêng khu đất, trên đó hiện có Nhà thờ Lớn Hà Nội và Tòa Khâm sứ, xưa kia là đất của Chùa Báo Thiên, nay theo Bằng khoán điền thổ là đất thuộc sở hữu của Tòa Tổng giám mục Hà Nội, không biết Tòa án nào có thể phân xử một cách thỏa đáng cho các bên, ngoài Tòa án của lương tâm hay Tòa án áp đặt của kẻ chiến thắng.

Phật giáo và Công giáo hiện đang sống bằng yên với nhau trên một đất nước Việt Nam độc lập và thống nhất, trong đó mọi người đều bình đẳng, không có kẻ thắng người thua.

Năm 1882, quân đội Pháp thắng và quân đội của triều đình Huế thua, người Việt Nam theo Công giáo cũng như người Việt Nam theo Phật giáo đều là những người dân bị trị.

Sau ngày 30-4-1975, Việt Nam sạch bóng quân xâm lược, người Việt Nam được hoàn toàn làm chủ đất nước của mình.

Trong lúc toàn dân đang ra sức xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, liệu có nên vì mấy ngàn thước vuông đất mà làm xấu đi hình ảnh tốt đẹp đã có được về nhau, hay có nên chỉ vì những quyền lợi nhỏ mà gây nên tranh chấp, hận thù là những thiệt hại lớn, và làm trái với đạo bác ái tình thương cũng như đạo từ bi hỉ xả không?

(Trích báo cgvdt số 1646)

No comments: