Wednesday, March 5, 2008

PHẢI CHĂNG NHÀ THỜ ĐỨC BÀ SÀI GÒN CŨNG ĐÃ ĐƯỢC XÂY TRÊN ĐẤT CỦA PHẬT GIÁO ?


Lm Trương Bá Cần

Theo như một số Phật tử hải ngoại viết và phổ biến trên Internet, thì “không chỉ nhà thờ lớn và Tòa Khâm sứ ở Hà Nội, mà nhà thờ lớn tại Tp. Hồ Chí Minh cho … đến Thánh địa Lavang cũng phải trả về cho Phật giáo.”

Về đất của Thánh địa Lavang ở Quảng Trị thì tôi chưa có dịp tìm hiểu và cũng chưa thấy ở đâu nói là đất đó trước đây thuộc Phật giáo.

Còn nhà thờ lớn Hà Nội, thì trên tuần báo Công Giáo và Dân Tộc số 1461, tuần lễ từ 11-6 đến 17-6-2004, ở trang 29-30-31, trong bài viết nhan đề “Nhà thờ lớn Hà Nội xây trên nền chùa Bảo Thiên”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho biết là: “Chùa Bảo Thiên có tháp cao vút là một danh lam thắng cảnh của Thăng Long … Do hai đợt Pháp chiếm Thăng Long năm 1873 và năm 1882, chùa Bảo Thiên trở thành hoang phế rồi nhường chỗ cho nhà thờ lớn Hà Nội xây lên.” Ông Nguyễn Đình Đầu dựa vào Tác giả André Masson (viết trong cuốn “Hà Nội pendant la période historique (1873-1883)” xuất bản tại Paris năm 1929, trang 61-62) cho biết rõ hơn rằng: Khoảng cuối năm 1882, Đức cha Phước (Puginier)… nhìn thấy cảnh chùa Bảo Thiên gần đó là thích hợp nhất (để xây nhà thờ). Ngài liền ngỏ ý với Công sứ Bonnal ở Hà Nội xem có cách nào xin được khuôn viên đẹp đẽ ấy. Bonnal hội ý với Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ và căn cứ vào tờ trình của kỳ mục phố phường là “chùa và tháp đã cũ kỹ rệu rạo, có nguy cơ sụp đổ bất thình lình gây thương vong cho người qua lại,” Nguyễn Hữu Độ “cho phá bỏ nhà chùa, tịch thu đất vô chủ đưa vào mục công thổ, rồi làm thủ tục nhượng địa không bồi hoàn thửa đất tịch biên ấy cho Nhà chung.” Công sứ Bonnal viết: “Tôi vui mừng đưa tận tay giám mục bằng khoán với quyền sở hữu tuyệt đối.”

Riêng về đất trên đó đã xây dựng nhà thờ lớn Sài Gòn như chúng ta còn thấy hiện nay, thì theo sự tìm hiểu của tôi, hiện chưa thấy có một chứng cứ nào về quyền sở hữu của Phật giáo trên đất này.

Chúng ta biết là trong thời kỳ bị truy nã gắt gao nhất là những năm dưới triều Vua Tự Đức trước lúc Pháp đến, Đức Giám mục Lefèbvre, đại diện tông tòa Địa phận Tây Đàng Trong tức Giáo phận Tp Hồ Chí Minh hiện nay, không có chỗ ở nhất định, nên không có nhà thờ chính tòa.

Tháng 2-1859, sau khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn, Đức Giám mục Lefèbre về ở tại khu vực Giáo xứ Xóm Chiếu ngày nay, lúc đó gần nơi tàu binh của Pháp đậu, và làm ở đó một nhà thờ bằng tranh tre. Sau đó, Đức Giám mục Lefèbvre đã sửa sang một cái miếu thờ thần thành hoàng bỏ hoang, ở gần cảng Nhà Rồng hiện nay, làm nhà thờ, có thêm hai cánh nên gọi là nhà thờ Thánh Gía. Ở đây hiện không có nhà hay đất nào thuộc sở hữu của Giáo hội Công giáo.

Sau khi Pháp chọc thủng được đồn Kỳ Hòa và đóng quân trên đất Sài Gòn, Đức Giám mục Lefèbvre được giao cho một ngôi chùa bỏ trống để làm nhà thờ chính tòa, trên đường Ngô Đức Kế ngày nay (xưa là rue Vannier).

Ngôi nhà thờ – chùa, ở đường Ngô Đức Kế, có lẽ không còn phù hợp nên ngày 28-8-1863, chính quyền thuộc địa đã khởi công xây cho Đức Giám mục Lefèbvre một nhà thờ mới ở trong khu vực Chợ Cũ ngày nay được bao quanh bởi các đường Hàm Nghi, Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng và Tôn Thất Thuyết.

Ngôi nhà thờ chính tòa xây năm 1863, chỉ 10 năm sau, đã bị mối mọt đục khoét, không sử dụng được, nên năm 1875 chính quyền thuộc địa đã cho Giáo hội được sử dụng phòng khánh tiết của Dinh Thống đốc cũ (sau này là trường Taberd, nay là trường Trần Đại Nghĩa), tạm thời làm nhà thờ chính tòa. Đất của ngôi nhà thờ – chùa ở đường Nguyễn Công Trứ đã được trả lại cho công thổ.

Ngày 7-10-1877, khởi công xây dựng nhà thờ chính tòa mà chúng ta còn thấy ngày nay, có lẽ trên một khu đất trống trước dinh Thống đốc Nam Kỳ (Dinh Thống nhất ngày nay), chứ không phải lấy đất của Phật giáo để xây nhà thờ cho Công giáo. Năm 1877, tức 15-16 năm sau khi Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp, đất đai ở trung tâm Thành phố Sài Gòn đã được định hình, công – tư rõ ràng. Từ quảng trường, phía sau Nhà thờ Đức Bà, cho tới Dinh Thống nhất ngày nay, chúng ta còn thấy hai bên đường Lê Duẩn còn hai khoảng đất trống làm công viên.

Còn về Tòa Giám mục của Địa phận Tây Đàng Trong – Sài Gòn, từ năm 1861, Đức Giám mục Lefèbvre được cấp cho ngôi nhà của một vị quan bỏ trống trên đường Nguyễn Công Trứ ngày nay (xưa là rue Lefèbvre).

Năm 1870, một Tòa Giám mục mới được chính quyền thuộc địa xây cho Đức Giám mục Miche, người kế nhiệm Đức Giám mục Lefèbvre, nằm trên đường Alexandre de Rhodes ngày nay (xưa là rue de l’évêché).

Sau khi Luật tách rời Giáo hội và Nhà nước (Loi de séparation de l’Eglise et de l’Etat) được Quốc hội Pháp thông qua năm 1905, Tòa Giám mục ở đường Alexandre de Rhodes bị thu hồi, Đức Giám mục Mossard cho xây tòa giám mục tại số 180 đường Nguyễn Đình Chiểu như chúng ta còn thấy ngày nay.

Tòa Giám mục cũ ở đường Alexandre de Rhodes được Hội Truyền giáo Nước ngoài Paris mua lại để làm trụ sở của Hội ở Đông dương. Chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã mua lại nhà của Hội Truyền giáo nước ngoài Paris, ở đường Alexandre de Rhodes, để làm Bộ Ngoại giao (nay là Sở Ngoại vụ Tp. Hồ Chí Minh). Hội Truyền giáo Nước ngoài Paris đã xây trụ sở mới ở số 11 đường Nguyễn Du trên đất của Chủng viện Sài Gòn. Đất của chủng viện Sài Gòn gồm 40.000 thước vuông được cấp từ năm 1862, chưa hề thấy ai nói là đất đó của Phật giáo bị tước đoạt cấp cho Công giáo làm chủng viện.

Nói tóm lại là hiện không có căn cứ nào để nói là Nhà thờ Chính tòa của Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh, cũng gọi là nhà thờ lớn hay Nhà thờ Đức Bà, được xây dựng trên đất của Phật giáo. Một sự mạo nhận không căn cứ, dẫu chỉ tán phát trên Internet, cũng rất nguy hiểm bởi vì có thể gây nghi ngờ nghi kỵ, tranh cãi tranh chấp, thậm chí hận thù giữa Phật giáo và Công giáo, là hai tôn giáo vốn đang sống chung hòa bình một cách tốt đẹp trên đất nước Việt Nam hôm nay.

(Trích báo CGvDT số 1645)

No comments: