Thursday, November 8, 2007

Suy nghĩ về một vấn đề gây xôn xao dư luận


Lm. Thiện Cẩm OP

Trong mấy tuần qua, nhất là sau vụ phát tán những cảnh nóng đời tư một diễn viên lên mạng, thì dư luận xem ra đang tập trung vào hiện tượng giới trẻ “vô tư” trong quan hệ tình dục. Nhiều bài báo đăng tin và cả mở những diễn đàn về vấn đề này, trong đó có nhiều nhà tâm lý như thạc sĩ Lê Thị Linh Trang và tiến sĩ Đinh Phương Duy, được cô Đặng Tươi, phóng viên Tuổi Trẻ, phỏng vấn 1 .

Các nhà tâm lý này đã phân tích và đưa ra nhiều ý kiến về nguyên nhân của tình trạng tạm gọi là khác thường, nếu không gọi là suy đồi đạo đức và đáng lo ngại này, nhưng nói chung, cả hai nhà tâm lý nêu trên, đều không đến nỗi gay gắt hay lên án nặng nề thế hệ trẻ ăn chơi xả láng hiện nay.

Ở đây, tôi không nói lại những gì những người này đã nói, mà cũng chẳng nhìn vấn đề theo nhãn giới của một nhà luân lý hay đạo đức, cũng không với tư cách của một linh mục, mà chỉ lấy tư cách của một con người như mọi người, một con người Việt Nam thuộc thế hệ 3x, nghĩa là “quá đát” so với thế hệ trẻ hôm nay.

Trước hết, theo tôi nghĩ, chúng ta phải hết sức khách quan và bình tĩnh, nhìn sự việc như là “bình thường”, theo nghĩa là tất cả những gì diễn ra trên trái đất này, đều do quy luật biện chứng : hễ có cái này, thì có cái kia. Không có gì tự nhiên xảy ra mà không có nguyên nhân. Chỉ có điều là so với quá khứ, mọi sự việc không xảy ra quá nhanh chóng và nhân rộng ra như hiện nay. Có thể nói, những biến cố hồi trước xảy ra theo tốc độ của người đi bộ, hay cùng lắm là đi xe đạp. Nhưng nay thì còn có tốc độ xe ô tô, xe lửa,-mà tốc độ có thể đạt trên 300 km giờ hay hơn nữa, ấy là chưa kể đến tốc độ của máy bay có thể vượt tốc độ âm thanh. Ngoài ra, cuộc cách mạng của tin học hiện nay cho phép có khi chỉ trong vài giây “tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu. Và thông điệp đã loan đi khắp chân trời góc biển” ! (Tv 18,5). Nguyên một vụ như video clip được phát tán trên mạng vừa qua, đủ chứng minh cho điều đó.

Tuy nhiên, chúng ta đừng vội lên án giới trẻ hôm nay, mà có lẽ trước tiên phải đặt vấn đề với người lớn, nhất là với những nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và xã hội, xem chúng ta đang xây dựng một thế giới thế nào đây, để cho những chuyện tiêu cực như thế, và còn nhiều chuyện khủng khiếp hơn thế nữa đang xảy ra như cơm bữa, và trên quy mô toàn cầu, mà luật pháp hầu hết các nước lại cho phép, và mọi người lại coi như hết sức bình thường. Tôi muốn nói tới chuyện phá thai và nạo thai, một hình thức giết người, mà lại là giết những kẻ vô tội nhất trên đời !

Và lý do để cho các nhà chính trị, kinh tế thế giới biện minh cho tội sát nhân được ngụy trang dưới vỏ bọc “kế hoạch hóa gia đình”, hay là “kế hoạch hóa dân số thế giới”, đó là nếu cứ để người ta sinh đẻ bừa bãi, không giới hạn, thì lấy gì mà nuôi ?, và làm thế nào tăng đà phát triển kinh tế ?

Thật ra, không ai không đồng ý với chủ trương kế hoạch hóa dân số, kế hoạch hóa gia đình, nhưng với một điều kiện tiên quyết là không được giết người dưới bất cứ hình thức nào. Chúng ta không thể lấy lý do để bảo đảm lương thực cho người này, mà phải giết người khác, nhất là những kẻ chưa có khả năng tự vệ, thậm chí chưa thể mở miệng đòi quyền sống cho mình.

Chúng ta không thể lấy sự phát triển kinh tế làm mục đích, mà coi con người chỉ là phương tiện. Trái lại, nền kinh tế nào cũng phải vì mục đích phục vụ cho con người. Một chủ nghĩa chính trị, kinh tế mà không có chỗ cho con người, thì sẽ đưa đến những hậu quả khôn lường. Triết gia nổi tiếng nhất của Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay, cố giáo sư Trần Đức Thảo, đã nói một điều rất ý nghĩa, trước khi từ giã cõi nhân sinh, khi phê bình “chủ nghĩa không có con người” 2 . “con người” ở đây là “con người nói chung, tức là con người nhân cách, với những xu hướng, đòi hỏi giá trị tinh thần” (trang 33). Nói cách khác, theo tôi nghĩ, đó là “con người toàn diện”, con người “sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).

Nhưng tiếc thay và thật đáng lo ngại, khi các nhà hoạch định kinh tế hiện nay hầu như hoàn toàn đi theo hướng vật chất, nên đã chọn lựa ưu tiên cho “toàn cầu hóa kinh tế”, mà bỏ bê việc phát triển những giá trị tâm linh của con người. Người ta ưu tiên mưu cầu lợi ích kinh tế, mà ít hay không chú trọng gì đến những giá trị tinh thần và văn hóa nghệ thuật. Thay vì nói như thi sĩ Holderlin: “Con người cư ngụ trái đất như một thi nhân”, thì nhân loại hôm nay lại chỉ muốn sống không khác gì loài vật ! Nói khác đi, người ta vật chất hóa con người, lo cho nó đầy đủ cái ăn, cái mặc, thậm chí ăn cho dư thừa chất béo để rồi phải đi chạy chữa giảm cân, hay là tạo ra hết mốt này mốt nọ, đến nỗi khoác lên thân mình những thứ quần không ra quần, áo không ra áo, phủ trên những thân xác no đủ, mà bên trong có lẽ nghèo đói tâm linh.

Mạnh Tử xưa đã nói đại ý: con người mà không có giáo dục, thì giống như loài cầm thú. Vậy mà nhìn vào việc giáo dục trong thế giới hôm nay, và đặc biệt ở nước ta hiện nay, thì chúng ta thấy gì ? Người ta dạy chữ, dạy toán, khoa học, kỹ thuật, vv. và vv. chứ mấy ai quan tâm đến chuyện “dạy làm người” ! Mà ngay cả đến dạy chữ cũng chưa ra trò, đến nỗi có những học sinh lớp sáu, lớp bảy mà chưa biết đọc ! Vậy mà vẫn được khen thưởng là học sinh tiên tiến và được lên lớp, thì hỏi cả thầy cô giáo ở trường hay lớp đó có còn là người, theo nghĩa là có lòng nhân, hay chỉ là một cái máy, một con robot “đứng lớp” ?

Thế giới chúng ta ngày nay là thế giới của những chỉ tiêu, và trước hết là chỉ tiêu kinh tế : nào là GDP, nào là kim ngạch xuất nhập khẩu vv. cho tới chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo, chỉ tiêu thi đậu, lên lớp, và thậm chí chỉ tiêu chết trong bệnh viện ! Báo chí mới đây nói đến chuyện chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo ở đâu đó ngoài Nghệ An : người ta không căn cứ vào thực trạng giàu nghèo của người dân, nhưng cứ theo chỉ tiêu đã được phân bổ mà giảm tỉ lệ hàng năm ! Mỗi năm phải giảm bao nhiêu hộ nghèo, thì cứ phải giảm đúng chỉ tiêu, cho dù số người nghèo thực tế còn nhiều, và có khi càng ngày càng gia tăng ! Tôi nghe nói còn cả “chỉ tiêu người chết” nữa, nghĩa là mỗi năm không được để cho bệnh nhân chết tới một mức nào đó trong bệnh viện, cho nên người ta bắt người nhà phải đem bệnh nhân hấp hối ra khỏi bệnh viện, để chết đâu thì chết, chứ không chết trong bệnh viện là được.

Trở lại với vấn đề của bài viết này, theo tôi nghĩ, chính luật pháp của đa số các nước trên thế giới thả lỏng cho người ta ly dị, ngừa thai, phá thai bừa bãi, khiến chuyện “chăn gối” trở nên dễ dàng bừa bãi, vô trách nhiệm, mất đi ý nghĩa cao thượng. Nói cách khác, “chuyện ấy” không còn có ý là một dấu chỉ của tột đỉnh tình yêu, của một sự hiến tặng, mà chỉ còn là một thứ trò chơi, mà mục đích chỉ là khoái cảm nhục dục. Và vì yêu đương cũng chỉ là một trò chơi, cho nên hậu quả của nó cũng chẳng có ý nghĩa và giá trị gì, do đó chuyện vứt bỏ nó đi, cũng chỉ là một chuyện “vô tư”.

Người lớn chúng ta còn đang làm những chuyện động trời mà hậu quả còn nặng nề, ghê gớm, đe dọa tới chính vận mệnh của cả đất nước, cả dân tộc. Đó là “quốc nạn” tham nhũng, bóc lột nhân dân bằng nhiều thủ đoạn, trong đó nổi cộm nhất hiện nay là phù phép qui hoạch đất đai : lấy đất của dân, lấy cớ qui hoạch, rồi treo, rồi sửa đổi qui hoạch, chia lô chia chác hay bán rẻ cho nhau… Rồi công an phòng chống ma túy đi buôn ma túy, cán bộ kiểm lâm thông đồng với lâm tặc, chánh án lo chạy án cho can phạm…

Người xưa vẫn nói : thượng bất chính, hạ tắc loạn. Các nghệ sĩ sân khấu và phim ảnh đã có rất nhiều cố gắng đưa lên sân khấu và màn hình những bóng đen của xã hội nước ta: từ trong gia đình ra tới làng xã, quận huyện, chứng minh cho thấy chính môi trường xã hội ô nhiễm ấy đang gây ra những “bệnh tật” tâm hồn của dân ta, đặc biệt là giới trẻ. Chồng ăn chả, vợ ăn nem, thì có lạ gì nếu con cái cũng đi ăn trái cấm !

Và cứ thử nhìn vào chính Giáo hội cũng thấy, quả thật chúng ta cũng chẳng đáng hãnh diện là bao, với những gì đã và đang xảy ra trong hàng giáo sĩ, và ngay tại Vatican, cũng như ở nhiều nơi, nhất là bên Mỹ, như là chuyện đồng tính luyến ái, chuyện lạm dụng tình dục trẻ em... Chúng ta có lẽ chỉ nên cùng nhân loại sám hối, hơn là trách móc hay lên án kẻ khác.

Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, trong bài nói chuyện với các Giám mục Congo-Brazzaville, ngày 19/10/2007 vừa qua có nói : “Để có thể làm cho mọi người tin theo Tin Mừng trong sự thật và một cách sâu xa, thì chúng ta phải trở nên những chứng nhân trung thực hơn và đáng tin cậy hơn của Chúa Kitô.” 3

Vậy thì để khỏi bị cám dỗ lượm đá để ném những thiếu phụ ngoại tình, hay những phụ nữ lang chạ như người phụ nữ Samari ngày xưa, hoặc người “thu thuế”, tức là những kẻ bị mang tiếng tội lỗi, chính chúng ta cũng hãy noi gương Đức Giêsu “Đón nhận gánh nặng tội lỗi của cả nhân loại trên vai mình và mang tất cả xuống sông Giođan”“nhận vị trí của các tội nhân”, như Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI viết trong cuốn Đức Giêsu Thành Nazareht của ngài 4 .

31-10-2007

No comments: