Wednesday, October 31, 2007

Trí thức: Những suy nghiệm từ lịch sử

Trần Khuyết Nghi

Nói về mối quan hệ giữa tầng lớp trí thức với giới cầm quyền, người ta thường nhắc đến câu nói rất nổi bật và cũng rất nổi tiếng nầy của nhà chính trị sáng lập ra nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã phát biểu thẳng thừng trong một bài nói chuyện ở Diên An: “Trí thức là cục phân”. Câu nói nầy của Mao Trạch Đông gây sốc khá mạnh, có lẽ cũng từng làm tổn thương và mích lòng cho không ít người, nhất là đối với những người tự cảm thấy dường như mình đích thị là đối tượng đang bị nhà chính trị đầy quyền lực kia xem thường. Trong lịch sử Trung Quốc và các nước Châu Á, Mao Trạch Đông là người duy nhất phá lệ dám công nhiên phát biểu những lời lẽ miệt thị trí thức, có lẽ một phần do ông thành thật, phần khác do quyền lực của Mao lúc đó còn quá mạnh, “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, khác hẳn với các bậc “tiên vương” của ông theo truyền thống lúc nào cũng nói đến việc phải tôn trọng kẻ sĩ (tức giới trí thức), coi kẻ sĩ như là rường cột có hệ lụy đến sự hưng vong của quốc gia và chế độ.

Nhưng không phải chỉ có Mao, bậc tổ sư về chính trị của cả ông lẫn Tần Thủy Hoàng là nhà triết học-chính trị học Hàn Phi Tử cũng đã từng mạt sát trí thức. Cách nay trên hai ngàn năm, khi viết thiên “Ngũ đố” để nêu ra năm loại mọt (ngũ đố) chuyên đục khoét và làm băng hoại xã hội. Hàn Phi đã đưa thành phần trí thức lên đầu sổ (trong nguyên văn ông dùng chữ “học giả”), đây không dịch sát nguyên văn mà chỉ tóm lược ý chính cho dễ hiểu: “Các học giả chỉ biết nịnh hót xưng tụng đạo của tiên vương (các vua đời trước), mượn tiếng là trọng nhân nghĩa, trau chuốt dung mạo và y phục, lời ăn tiếng nói để làm loạn pháp độ đương thời, làm mê hoặc lòng vua chúa; bọn du sĩ dùng thuyết gian trá mượn thế lực của nước ngoài để đạt được tư lợi, làm thiệt hại cho quốc gia; bọn đeo gươm thì tập hợp đàn em, lập tiết tháo để nổi danh mà phạm lệnh cấm của triều đình; bọn thị thần nịnh bợ, tích tụ tài sản, ăn hối lộ, mượn cái thế của nhà cầm quyền để chạy chọt xin xỏ cho những người mình đã nhận hối lộ; còn bọn thương nhân và thợ thì sửa lại những đồ xấu xí để bán giá cao, đầu cơ tích trữ những vật thường dùng để đợi thời bóc lột mối lợi của nông phu. Năm hạng người đó là mối mọt của nước, bậc vua chúa không diệt trừ họ thì trong thiên hạ có quốc gia bị tàn phá suy vong, có triều đại bị tiêu diệt, cũng không có gì lạ!” (...Nhân chủ bất trừ thử ngũ đố chi dân, tắc hải nội tuy hữu phá vong chi quốc, tước diệt chi triều, diệc vật quái hĩ!).

Mao Trạch Đông là người đại diện cho nhà cầm quyền của một nước lớn, ông khinh thường trí thức thì không nói làm chi, vì có những lý do riêng của ông; hơn nữa ngay lúc ấy có lẽ ông cần đến tầng lớp công nông nhiều hơn. Đến như Hàn Phi Tử đúng nghĩa là một “đại trí thức” độc lập không cầm quyền của thời Tiên Tần mà khi nhìn về những người cùng thời trong số thành phần có ăn học, ông chẳng những không có vẻ gì trọng vọng mà còn trách cứ họ nữa, xếp họ vào đầu danh sách của năm loại mọt phá nước hại dân. Một học giả-nhà văn-nhà cải cách kinh tế-chính trị nổi tiếng của đời Tống, Trung Quốc là tể tướng Vương An Thạch cũng không vui gì khi nhắc tới những người trí thức cùng thời với mình, trong bức thư ông trả lời Tư Mã Quang về việc Tư Mã Quang ngăn cản cuộc cải cách bằng “tân pháp” của ông: “Người ta quen với thói cẩu thả tạm bợ đã lâu, không phải mới một vài ngày, kẻ sĩ đại phu đa số không lo gì đến quốc sự, chỉ mị dân, chiều theo thị hiếu của số đông, cho như vậy là tốt. Hoàng thượng muốn biến đổi phong khí đó, mà tôi không lượng số người phản đối nhiều hay ít, muốn tận lực ra giúp hoàng thượng chống lại bọn họ, như vậy thì làm sao mà đại chúng chẳng nhao nhao lên?”.

Tuy nhiên, nếu xét trong suốt bề dài lịch sử của chế độ phong kiến, về cơ bản các vua chúa vẫn thường tôn trọng trí thức như một công cụ để làm việc và bảo vệ chính quyền. Kẻ sĩ nếu gặp được minh quân thì cũng có thể thi thố tài năng để thực hiện hoài bão tế thế an bang theo đạo lý thánh hiền ; bằng như ngược lại, đời họ sẽ tiêu trầm theo năm tháng, nếu cố giữ tiết tháo thì không làm bậy hoặc dua nịnh triều đình, cả ngày chỉ uống rượu làm thơ ca tụng giai nhân và cảnh đẹp, hoặc nói chuyện “thanh đàm” (phê bình suông về chính trị và nhân vật). Tính ra trong sự phê bình lẫn nhau thì kẻ sĩ vẫn phê bình các nhà cầm quyền nhiều hơn là ngược lại, vì dù sao họ cũng là thành phần ít có điều kiện để phạm lỗi nhiều hơn.

Theo truyền thống của Trung Quốc và Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ, qua phương thức tuyển chọn nhân tài hầu như cố định bằng con đường khoa cử, giới trí thức nho sĩ với tư cách là quan văn luôn đứng ở trong hoặc bên cạnh nhà cầm quyền, giúp nhà cầm quyền trị dân, bù lại họ cũng hưởng được một số đặc quyền đặc lợi của triều đại mà mình phục vụ. Trên thực tế họ là giới cầm quyền hay ít nhất cũng là những người thừa hành quyền lực của chính quyền trung ương. Theo nhận xét của các nhà nghiên cứu, cả ở Trung Quốc và Việt Nam, do các điều kiện mới về lịch sử, chỉ từ đầu thế kỷ 20 mới có một bộ phận độc lập nhưng chưa mạnh của thành phần trí thức tách ra khỏi hệ thống cầm quyền, đó là một số nhà văn, nhà báo, giáo viên, dân biểu quốc hội..., nhưng tình trạng nầy diễn ra trong giai đoạn ngắn ngủi, ở Trung Quốc chỉ đến năm 1949, còn ở Việt Nam thì có thể tính đến hai mốc lịch sử 1954 và 1975 tùy theo miền.

Ở Nga, giới trí thức hình thành sớm hơn. Họ đã có một khoảng thời gian dài đến vài ba thế kỷ có được vai trò cùng tiếng nói ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của nền văn hóa-khoa học của đất nước, nhưng sang đến thời kỳ chính quyền Xô-viết (1917) thì nền văn hóa Nga lại bắt đầu có những chuyển hướng phức tạp mà nét đặc trưng là sự thao túng của hình thái văn hóa-xã hội cực quyền cùng với bệnh giáo điều, kết quả là, theo sự ghi nhận của Từ điển bách khoa văn hóa học (Viện nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2002) thì “trong suốt thời gian tồn tại của Liên bang Xô-viết, giới trí thức Nga luôn là đối tượng của các hình thức đàn áp liên tục thay đổi, nhưng tất cả đều nhằm một mục tiêu: hủy diệt tính độc lập tinh thần và bản chất riêng của giới trí thức Nga, biến họ thành kẻ phục vụ cho huyền thoại về hệ tư tưởng...”.

Căn cứ trên kinh nghiệm thực tế chung của lịch sử các xã hội có hoàn cảnh tương tự, người ta thấy phần tử trí thức tùy theo trường hợp có khi đứng trong có khi đứng ngoài chính quyền, nhưng dù trong hay ngoài, nếu là người trí thức chân chính và có lương tâm thì họ vẫn luôn ráng giữ thái độ trung thực, độc lập hoặc tương đối độc lập về chính kiến đối với các nhà đương cuộc, để có thể mạnh dạn đặt vấn đề hoặc phê phán trước các hiện tình còn chưa tốt của xã hội mà họ đại biểu cho nhân dân có quyền đòi hỏi phải cải cách. Điều nầy có nghĩa với tư cách là phần tử ưu tú được xã hội nuôi dưỡng đào tạo, họ sẽ có trách nhiệm chung về sự an nguy của dân chúng, và không vì sự thuận tiện của cuộc sống bản thân mà sẵn sàng phụ họa cho những điều sai trái đi ngược lại với quyền lợi của những người cùng khổ. Họ phải đấu tranh bằng cách nầy hay cách khác chống lại mọi hình thức ma mị độc tài nếu có, để bảo vệ dân chủ, duy trì các giá trị nhân văn, và trong khi làm như vậy, họ tâm niệm lợi ích của nhân dân là luật pháp tối thượng.

Bàn về mối quan hệ giữa trí thức với chính quyền, có quan niệm cho rằng người trí thức phải đứng ngoài chính quyền mới giữ được thái độ độc lập. Điều nầy đúng nhưng phải còn tùy, và thường không sát với thực tế cuộc sống, như chúng ta có thể thấy qua một số dẫn chứng trên kia về các mô hình tồn tại thông thường của phần tử trí thức trong xã hội và với chính quyền ở các điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau. Vấn đề chỉ phân biệt ở chỗ lương tâm và trách nhiệm của người trí thức chứ ít tùy thuộc vào chỗ họ có hưởng bổng lộc nhà nước hay không, mặc dù cái sự tùy thuộc nầy coi vậy cũng phải thường trả giá rất đắt nếu không muốn bị rơi vào cái thế trên đe dưới búa, tiến thoái lưỡng nan. Trên thực tế, chỉ một số rất ít người giữ được chỗ đứng tương đối độc lập, và trong điều kiện may mắn đặc biệt đó họ mới có thể hưởng được cái thú của một người tự do, và mới viết được những lời lẽ như sau đây của nhà hoạt động văn hóa độc lập Nguyễn Hiến Lê khi ông bàn một cách thoải mái về thái độ của nhà văn đối với chính quyền: “Tôi nghĩ rằng cái thú nhất của người cầm bút là được độc lập, và cái vinh dự lớn nhất của họ là giúp được chút ít gì cho quốc dân. Muốn giữ được độc lập và giúp được quốc dân thì nên ở ngoài chính quyền, đứng ở cương vị đối lập với chính quyền. Đối lập không nhất định là chỉ trích, lại càng không có nghĩa là đả đảo. Đối lập là một cách kiểm soát, hợp tác hữu hiệu nhất và nghiêm chỉnh nhất. Ta không lệ thuộc chính quyền thì mới dám nói thẳng với chính quyền và chính quyền mới chú ý tới lời nói của ta...Chúng ta còn phải tiếp tục tranh đấu cho được tự do ngôn luận...Muốn thành công thì một mặt chúng ta phải coi chừng những kẻ muốn bịt miệng chúng ta, mặt khác phải có thái độ đứng đắn. Chính quyền có điều đáng khen thì ta khen, chứ không nịnh; chính quyền lầm lẫn thì chúng ta thẳng thắn nhận định với những lý lẽ vô tư và vững vàng, những lời nhã nhặn và minh bạch. Chúng ta vì quốc gia mà xây dựng. Tất nhiên có những lúc ta phải tỏ nỗi bất bình, chẳng phải của riêng ta mà của quốc dân, chẳng hạn với những kẻ bán nước, hút máu mủ của dân; lúc đó giọng ta có thể gay gắt nhưng lòng ta không có chút căm thù cá nhân. Chúng ta đả một thái độ, một chính sách, chứ không đả một cá nhân...” (xem bài “Người trí thức chân chính Nguyễn Hiến Lê”, trong tập Nguyễn Hiến Lê, cuộc đời và tác phẩm, NXB. Trẻ, 2003).

(Báo Công giáo và Dân tộc số 1489, tuần lễ từ 31.12.2004 đến 6.1.2005)

No comments: