Sunday, May 4, 2008

Suýt đói trên núi gạo

Lâm Võ Hoàng

Cơn khủng hoảng “bão táp trong tách trà” của giá gạo ăn nội địa đã đẩy nước ta vào tình cảnh một xứ hoang tưởng, như trong phim xưa : “Alice trong xứ huyền ảo”, nơi có đồng hồ chạy ngược thời gian. Cách nay một số báo, trên CGvDT, có tiếng kêu trời vì lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long không ai chịu mua giùm, nhứt là các nhà xuất khẩu chờ giá lúa xuống tới đáy, trong khi giá gạo thế giới tăng vù vù ở con số không thể tưởng tượng. Bây giờ tới phiên nước ta bị ám ảnh bởi cảnh tượng dân Mỹ nối đuôi mua gạo với giá tăng vọt không ngớt, bèn cám phận mình, tránh sao cho khỏi.

Rồi khi nghe tiếng đồn thổi từ lối xóm, liền rùng rùng đua nhau mua gạo trữ. Chỉ chờ có thế, như có ai nhận nút, các bên bán rùng rùng găm gạo hoặc bán theo giá tăng từng giờ, hoặc nghỉ bán, nhà máy xay hoạt động cầm chừng, các đầu mối cung cấp các địa điểm bán lẻ thông báo hạn chế giao hàng. Các siêu thị xưa nay được tiếng giàu vốn, giàu hàng, bán nhỏ giọt mỗi người 10kg và cũng bắt chước găm dự trữ, có nơi quên mình là “anh hùng” (!) cũng hành động như ai nấy, tức là cũng găm dự trữ.

Như vậy nguồn gốc nguyên nhân khủng hoảng giá gạo vừa qua không chỉ là lời đồn thổi, dù gì đi nữa cũng không đủ sức mạnh kéo mọi người ra khỏi nhà chầu chực mua được gạo bất cứ giá nào. Có nhà mua trữ cho tới 300kg. Hơn thế nữa, giá càng tăng cao, càng kích thích người tiêu dùng mở rộng hồ bao, trái với qui luật kinh tế thông thường. Vì cái gì đều có thể nhịn được, trừ cơm. Cho nên từ ngàn xưa có câu vè : “Nhứt sĩ, nhì nông, hết gạo chạy rông, nhứt nông nhì sĩ” và “củi quế gạo châu” tức là giá gạo có thể tăng bằng giá trân châu, mà mua được cũng thấy có phúc.

Vì vậy, chớ nên mắc công tìm kiếm ai là tác giả những lời đồn thổi. Hàng xóm chỏ miệng qua rào hỏi thăm “đã mua gạo chưa?” cũng là lời đồn thổi khiến cho ai chưa mua được (vì thiếu tiền, thiếu thì giờ chen lấn, chầu chực…) đều rộn rã trong lòng, như thuở nhỏ, nghe tiếng trống chầu giục giã của đám hát bội cung đình.

Thế thì trong nhiều nguyên nhân, nguyên nhân nào là chủ yếu ? Đó là thiếu vắng lời trấn an kịp thời của những người trách nhiệm.

Không ai lên tiếng kịp thời rằng “chúng ta đang ngồi trên núi gạo, gần một triệu rưỡi tấn “qui ra gạo”, chớ có ít đâu”. Nói như vậy, ắt không khỏi có người bẻ lại : “Gạo đó để dành cho xuất khẩu đã hợp đồng rồi, ai đụng tới rủi có gì, ráng chịu trách nhiệm !” Tuy nhiên, như mọi việc, chuyện hòng tính đem gạo dự trữ của người ta ra dập tắt “bão giá gạo”, không đơn giản. Còn vấn đề giá cả nữa chứ ! Giá cả quốc tế vọt lên tới nóc nhà, bắt tôi phải bán ra với giá vốn hồi mua vào, nghe sao thông ? Nhứt là đối với “người trong nhà” với nhau ! Thành ra chỉ hô hào, trấn an, hăm he, chớ không có hành động cụ thể, như bên Mỹ cháy rừng, người ta từ trên máy bay, trút nước ào xuống đất cả chục, cả trăm mét khối mỗi lần.

Ngoài ra còn có bọn chuyên rình thời cơ, vung tiền “kinh doanh gạo”, ngoài chức năng, chuyên nghiệp, chỉ quậy phá thị trường, từ chứng khoán, bất động sản, đến hàng hóa, hốt bạc rồi rút lui, để lại trên chiến trường đầy xác đồng bào nghèo. Thật khủng khiếp khi giá gạo (cần ăn tối thiểu ngày hai bữa) tăng vọt 200, thậm chí 300% trong vòng vài hôm. Trong khi phản ứng đối phó của ta quả thật chậm chạp. Trong khi trong chiến tranh ta tài tình ngoài sức tưởng tượng : bất cứ chiến lược chiến dịch nào của Mỹ, ta đều phá vỡ tan nát. Không phải chỉ nhờ nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, mà chủ yếu là nhờ bao ngàn ngày chống ngoại xâm là bấy nhiêu ngàn ngày cảnh giác, thức tỉnh và sẵn sàng.

Giờ đây thái bình thịnh trị, ta quên rằng có cái chết ngọt ngào, không tên, hoàn toàn khác với những gì đã biết và trải qua. Bây giờ quốc doanh chỉ lo cho doanh số, lợi nhuận của mình, hơn bất cứ tên tư bản gớm ghiếc nào của năm xưa. Họ nắm mọi phương tiện, nhưng khi lâm trận họ lo giữ kho của họ, bỏ mặc chiến trường cho lãnh đạo và quần chúng xoay sở. Có gì, họ dư phương tiện để chạy tội. Kinh nghiệm “bão giá gạo” vừa qua cho ta thấy bài học của An Dương Vương vẫn còn đó. May là hồng phúc đất nước ta chưa cạn kiệt, cho nên bài học chỉ “nhá lên” để nhắc nhở, chớ chưa đi tới, còn khuya mới tới, kết cục của bố con Mỵ Châu.

(Báo Công Giáo Và Dân Tộc số 1655, ngày 2/5 - 8/8/2008)

No comments: