Sunday, May 4, 2008

Nhân cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu

Lm. Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

Một cuộc khủng khoảng lương thực trầm trọng đang diễn ra trên toàn thế giới, gây ra bất ổn tại nhiều nước, thậm chí có nơi chính phủ bị sụp đổ do bạo loạn vì thiếu lương thực. Ngay những nước hiện còn có an toàn lương thực cũng chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng này. Ông Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc vừa kêu gọi cả thế giới nỗ lực tìm cách đối phó.

Cuộc khủng hoảng khiến chúng ta ngạc nhiên và bỗng dưng cho ta cảm thấy rằng trật tự thế giới (cũng như trật tự xã hội trong mỗi nước) hóa ra là khá mong manh. Khi nhu cầu thiết yếu nhất của con người là sống và để sống phải ăn phải uống -nước cũng sẽ là một vấn đề “sống chết” trong tương lai- mà không được giải quyết thì mọi trật tự chính trị, xã hội đều bị đe dọa.

Tôi nhớ lại bài “dụ ngôn” của Xanh-Ximôn (Saint-Simon), một lý thuyết gia của chủ nghĩa xã hội mệnh danh là chủ nghĩa xã hội “không tưởng” (theo cách gọi của Ăng-ghen) như sau:

“Giả sử nước Pháp mất đi cùng một lúc 50 nhà vật lý học hàng đầu, 50 nhà hóa học, 50 nhà sinh vật học, 50 chủ ngân hàng, 200 nhà buôn, 600 nông dân, 50 chủ lò rèn …cừ khôi nhất. Vì họ là những người Pháp cần yếu nhất trong việc sản xuất, tức là những người làm ra những sản phẩm quan trọng nhất, thì quốc gia sẽ là một cái xác không hồn ngay lập tức trong giây phút nó mất đi những con người đó.

“Thử tưởng tượng ra một giả thuyết khác. Giả sử nước Pháp giữ nguyên tất cả những thiên tài hiện có trong các ngành khoa học, nghệ thuật, công nghệ nhưng rủi ro lại mất đi trong cùng một ngày ngài bào đệ của nhà vua, tức quận công Ăng-gu-lem (…), tất cả các sĩ quan cao cấp của triều đình, tất cả các bộ trưởng, tất cả các cố vấn quốc gia, tất cả các uỷ viên thẩm tra, tất cả các thống chế, tất cả hồng y, tổng giám mục, giám mục, tổng đại diện và kinh sĩ, tất cả các quận trưởng và phó quận trưởng (v.v.) thì tai hoạ này chắc chắn sẽ làm cho dân Pháp buồn vì họ vốn có lòng tốt; nhưng sự mất mát 30 ngàn cá nhân được xem là quan trọng nhất của Nhà nước ấy, chỉ đem lại nỗi ưu phiền về nặt tình cảm mà thôi vì sự mất mát đó tuyệt đối không gây ra một thiệt hại chính trị nào cho Nhà nước”. Xanh-Ximôn viết dụ ngôn này vào năm 1819 (thời ấy hệ thống giáo phẩm thường cũng bị gắn vào hệ thống chính trị).

Trong giả thuyết thứ nhất của dụ ngôn, chúng ta thấy Xanh-Ximôn đề cao những người trực tiếp và gián tiếp sản xuất ra của cải vật chất, và trong những người này tác giả đặt nông dân lên hàng đầu (ông nói tới những 600 nông dân, 200 nhà buôn, còn các giới khác thì chỉ 50 mà thôi!). Ta không thể không nghĩ tới câu tục ngữ Việt Nam:

Nhất sĩ nhì nông

Hết gạo chạy rông,

Nhất nông nhì sĩ!

Khi Xanh-Ximôn mất, Các Mác mới 7 tuổi. Về sau, trong lý thuyết của mình, Mác sẽ đề cao giai cấp công nhân, coi đó là giai cấp cách mạng nền móng cho xã hội tương lai. Khi Lê-nin đưa thuyết Mácxít ra áp dụng sau Cách mạng Nga 1917, ông sẽ đặt chế độ cộng sản trên nền tảng giai cấp công-nông liên minh vì lúc bấy giờ Nga chưa có nền kinh tế công nghiệp phát triển như Anh và Đức vào thời Mác. Việt Nam ta hiện nay cũng chủ trương công-nông liên minh.

Báo Tuổi Trẻ ngày 12-4-2008 đăng bài rất được chú ý của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhan đề “Đừng để người nghèo bị gạt ra bên lề”. Ông Kiệt viết: “Chăm lo cho người nghèo hiện nay không đơn giản chỉ là thực hiện một cam kết có tính lịch sử, mà còn là bảo vệ tôn chỉ mục đích của một đảng cách mạng luôn nhận mình đứng về phía nhân dân. Thực hiện cam kết đó không chỉ căn cứ vào những chính sách trực tiếp, mà trước khi ban hành những chính sách lớn cần phải phân tích, đánh giá sâu sắc những tác động của chúng lên các tầng lớp dân nghèo.” Ông nhận định tiếp: “Có lẽ chưa có một quốc gia nào bày tỏ sự quan tâm đến người nghèo một cách thường xuyên như ta (…). Nhưng chúng ta hãy nhìn vào các số liệu điều tra sau đây của UNDP (Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc) để thấy chúng ta đã thật sự làm được những gì: nhóm 20% những người giàu nhất ở VN hiện đang hưởng tới 40% lợi ích từ các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, trong khi nhóm 20% những người nghèo nhất chỉ nhận được 7% lợi ích từ nguồn này.” Tờ báo trích bổ sung tài liệu của UNDP: chênh lệch giàu nghèo ở VN là 34,4 lần ; 10% dân số nghèo nhất chỉ chiếm 4,2% thu nhập và chi tiêu quốc gia; 10% giàu nhất chiếm 28% thu nhập và chi tiêu quốc gia; 20% dân số nghèo nhất chiếm 9% tổng số thu nhập và chi tiêu quốc gia; 20% dân số giàu nhất chiếm 44,3% tổng thu nhập và chi tiêu quốc gia.

Ai thuộc về số những người nghèo nhất nói đây? Chắc hẳn là đa số công nhân và nhất là nông dân, bà con các vùng nông thôn, vùng dân tộc. Họ được hưởng rất ít lợi ích từ tiến trình phát triển. Người nông dân chịu thiệt thòi một cách trực tiếp trong quá trình nông nghiệp hóa. Mỗi khi có những nhà máy, những công nghiệp, đô thị mọc lên, những phúc lợi xã hội mà sự phát triển mang lại cho nông dân chỉ chiếm một giá trị rất nhỏ so với lợi nhuận mà đất đai của nông dân đem lại cho những tầng lớp khác” (x. Tuổi Trẻ, sđd, tr 3).

Ông Đặng Ngọc Dinh thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ nói: “Nguồn lực nông dân, nông nghiệp, nông thôn đang được huy động cho phát triển nhưng chính sách đầu tư trở lại chưa cân xứng.” Một cuộc điều tra của Chi cục Phát triển nông thôn Tp Hồ Chí Minh cho thấy năm 2006, trong nhóm những người nông dân bị thu hồi đất, con số lao động bị thất nghiệp tăng từ 28,1 lên 38,88%, còn số người chuyển qua được công nghiệp chỉ tăng từ 3,1 lên 6,6% (x.Tuổi Trẻ ngày 12/12/2007, tr 3).

Người ta cũng tính toán rằng 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam do nông dân đồng bằng sông Cửu Long làm ra. Một lượng cực lớn cà phê xuất khẩu cũng do nông dân Tây nguyên mang lại, nhưng đời sống bà con hai vùng này vẫn thấp nhất nước. Giá nông sản gần đây tăng cao thì thực chất phần giá trị gia tăng lớn nhất không vào túi nông dân mà vào túi các doanh nghiệp, các trung gian; còn khi giá cả hạ xuống thì nông dân là người đầu tiên phải khốn đốn vì nhà nước vẫn không có chính sách trợ giúp, trong lúc giá phân bón, thức ăn gia súc, gia cầm cứ tăng vùn vụt (x. Tuổi Trẻ 11/1/2008).

Trong bối cảnh thế giới và đất nước ta hiện nay, đọc lại và nghiền ngẫm dụ ngôn của Xanh-Ximôn viết cách nay gần 190 năm, không khỏi làm cho lòng ta thêm bức xúc!

27-4-2008

(Báo Công Giáo Và Dân Tộc số 1655, ngày 2/5 - 8/8/2008)

No comments: