Wednesday, January 9, 2008

Đội mũ bảo hiểm ra đồng

Lm Nguyễn Hồng Giáo

Chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) trên tất cả các tuyến đường đã được khai triển hơn hai tuần nay và được đánh giá là thành công ngoài chờ đợi ngay từ ngày đầu tiên. Các phương tiện truyền thông thi nhau ca tụng: nào là ý thức công dân và tinh thần kỷ luật của nhân dân ta là rất cao; nào là chủ trương đã được chính quyền tuyên truyền rất chu đáo và toàn thể cán bộ đã vào cuộc với đầy quyết tâm và nhiệt tình. Có người vội vàng khái quát rằng sự thành công này cho thấy: chính sách nào thực sự phục vụ công ích và hợp với lòng dân thì luôn luôn chắc chắn thành công.

Nhưng cũng không thiếu những tiếng nói không đồng tình. Họ nghi vấn: người dân chấp hành vì tinh thần kỷ luật và ý thức công dân hay vì sợ bị phạt nặng? Quả thực, giữa việc mua một chiếc MBH một trăm hay trên một trăm ngàn đồng (hay dù chỉ dăm bảy chục) và việc phải chịu phạt đến 150.000 đồng mỗi lần vi phạm, người ta không còn chọn lựa nào có lợi hơn là sắm cho mình một chiếc MBH. Tất nhiên nhiều người đội mũ vừa vì lợi ích bản thân để “bảo vệ cái đầu” mình vừa để chấp hành qui định pháp luật, nhưng còn biết bao người đội mũ chỉ để đối phó, chẳng hạn khi họ chỉ đội “hờ” trên đầu, không khoá dây mũ. Và còn những nghi vấn khác …

Tôi ở thành phố, chỉ nhìn thấy tình hình thành phố và nghe, đọc được những nhận định phần nhiều chỉ liên quan tới thực tế tại các thành phố. Tôi vẫn cứ tự hỏi: tình hình và dư luận ở thôn quê thì sao?

Mới đây tôi có việc về gia đình tại một làng quê thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, và tôi đã thấy một thực tế hơi bất ngờ.

Ở đây chính quyền cũng thực hiện chủ trương một cách triệt để với những biện pháp không kém khắt khe trong một thôn làng mà xe ô-tô hầu như chỉ chạy trên con đường nhựa liên thôn liên xã xuyên qua làng. Luật buộc đội MBH áp dụng cho tất cả mọi con đường chạy ngang dọc trong làng, ngay cả những con đường nhỏ hẹp. Nghĩa là hễ ra khỏi nhà, bước lên xe máy là phải có cái “nồi cơm điện” (như nhân dân quen nói) chụp lên đầu. Công an xã cũng hết sức nhiệt tình thổi phạt, có khi đuổi xe vi phạm đến tận trong nhà, và cứ là 150.000 đồng không bớt. Dân nói: “họ rình để thổi phạt!”

Tôi nghe kể một chuyện gần như tiếu lâm: một thanh niên đang cởi trần mặc quần cụt sơn nhà, vì thiếu vật dụng nào đó, anh ta cứ để mình trần như thế mà leo lên xe chạy tới chợ cách nhà mấy trăm mét. Thế là bị công an thổi phạt. Nghe con kể lại, bà mẹ tức điên lên. Bà lẩm bẩm: “Để tao!” Bà ta liền đội cái mũ vải vào, chụp thêm cái MBH lên trên rồi lại buộc cái khăn trùm đầu che kín tất cả, và lên xe máy chạy. Đến gần nơi con mình bị phạt, bà ta không bất ngờ thấy công an thổi còi và dơ tay ra hiệu bắt dừng lại. -“Bác không đội MBH, cháu phải phạt bác. Lúc nãy, thằng X con bác đã bị phạt rồi, nó không nói cho bác biết à?”. –“Cái chi?”, bà ta hỏi. “Phạt cái chi? Cứ coi cho kỹ trên đầu tao có mấy thứ bảo vệ?” Nói rồi, bà ta mở cái khăn trùm bên ngoài ra cho anh công an coi. Anh ta hơi bất ngờ và tỏ ra bối rối: “Thôi, bác đi đi!” –“Tao nỏ (chẳng) cần đi mô cả”, bà ta vừa nói vừa quay xe lại và hả hê chạy thẳng về nhà…

Trong nhà cháu út tôi chỉ có hai vợ chồng và hai con nhỏ, đứa học lớp ba, đứa học lớp mầm nhưng cũng phải có ba chiếc MBH, tính ra hết 300.000 đồng. Mấy đứa cháu khác đông con hơn, phải sắm nhiều mũ hơn. Tình hình này là rất bình thường ở đây, lúc này. Hôm tôi phải về lại thành phố, thằng cháu tôi định lấy xe máy chở tôi ra ngoài đường liên xã đón xe ô-tô như mọi khi, nhưng tôi bảo nó xách đồ và cùng đi bộ với tôi, đoạn đường thật ra cũng không xa. Gia đình một cháu khác có nhà ở đầu làng; nó giải thích với tôi rằng từ ngày bắt đội MBH, vợ chồng và con cái chúng nó ít về chơi nhà bà nội vào buổi tối như thói quen “vì thấy nón tơi bất tiện quá!”. Nó nói: “Bây giờ phải đội MBH không những khi muốn đi tới nhà nhau trong làng bằng xe máy mà cả khi đi làm ngoài đồng, ngoài rẫy nữa!” Và lúc đó, phải “cặp kè” thêm cái nón lá hay cái mũ vải!

Nói chung, dân chúng tại đây không phàn nàn về chính chủ trương nhưng họ cảm thấy cách thực hiện chủ trương quá máy móc. Họ cũng tự hỏi do đâu chính quyền cương quyết, gay gắt và nhiệt tình đến thế? Nếu như cán bộ cũng tận tâm và quyết liệt bằng phần nửa như thế trong nhiều chủ trương khác, như cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, giảm bớt các loại tiền đóng góp, hoặc chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí chẳng hạn, thì nhân dân được nhờ biết mấy!

Tôi vẫn là người đội MBH nghiêm túc từ rất nhiều năm nay, và hoàn toàn ủng hộ chủ trương đội MBH bắt buộc. Nhưng sau những gì đã mắt thấy tai nghe ở thôn làng tôi, tôi càng tin rằng cách thực hiện nhất loạt như nhau ở đô thị và ở thôn quê là máy móc, không sát thực tế, chỉ dễ dàng cho chính quyền còn người dân, nhất là ở nông thôn thì chịu bao nhiêu là khó khăn thiệt thòi. Ở những làng xã khác thì tôi không biết, nhưng ở làng xã tôi, người dân không hề được thuyết phục, họ chỉ chịu đựng một chủ trương vì không còn cách nào khác.

Tôi viết bài này để phản ánh một thực tế mình vừa nghiệm qua.

2/1/2008

Báo Công giáo và Dân tộc số 1640

No comments: