Monday, October 1, 2007

Chuyện học phí: Phải coi là một loại hiện tượng tiêu cực đặc biệt trầm trọng

Xuân Huy

Trước khi bước vào năm học mới đầu tháng 9.2007, câu chuyện học phí đã trở thành một đề tài bàn luận khá sôi nổi trong toàn xã hội vì đã có những chủ trương, kiến nghị, hay đúng hơn là những dự định sẽ gia tăng học phí áp dụng ngay cho năm học 2007-2008. Những chủ trương nầy, trước hết ở TP. HCM trên lý thuyết đã bị ngăn cản do phản ứng quyết liệt của những người lao động (có sự hỗ trợ ý kiến của tổ chức MTTQ), nhưng trên thực tế thì nó vẫn được tiến hành một cách tự nhiên bình thản như mọi năm bằng cách trá hình sang những khoản đóng góp đi kèm học phí mà khi cộng lại thành con số chung thì những người nông dân và dân nghèo thành thị hầu như không ai chịu nổi. Muốn thoát khỏi gánh nặng học phí, chỉ còn cách cho con nghỉ học...

Vấn đề học phí sở dĩ trầm trọng vì nó liên quan đến số phận của khoảng 22 triệu học sinh từ mẫu giáo đến đại học, cũng như chừng phân nửa con số đó những gia đình có con em đi học. Báo Tuổi Trẻ trong đợt nầy cũng đã phản ảnh sinh động nỗi khổ của dân chúng bằng cách đăng lên tâm tình của họ về chuyện học phí và các khoản đóng góp khác ở mục “Người trong cuộc”, với những đề tài như: “Tôi chạy tiền trường” của Nguyễn Thị Thu Thủy ở quận 9, TP. HCM (12.9.2007), “Tiền trường cho con và thân phận ít học của tôi” của Đặng Thái Ngôn ở Bạc Liêu (13.9.2007), “Tôi xây xẩm mặt mày... vì tiền trường” của Lê Lam ở Quảng Bình (28.9.2007).... Đọc lên, không đoạn nào không làm cho người ta cảm xúc sâu xa, cũng như khiến cho những người có lương tri không thể không giựt mình, nên tưởng không cần phải bình luận thêm nhiều về cái khoản đúng hay sai của chuyện tăng học phí khi xem xét hiệu ứng của nó về các mặt ảnh hưởng xấu trước mắt đối với đời sống xã hội. Còn chuyện “lâu dài”, có lẽ có nhiều vấn đề khác cần phải tiếp tục bàn luận cho sáng rõ.

Trong câu chuyện giáo dục “Nỗi buồn ngày khai trường” (Tuổi Trẻ, 7.9.2007), tác giả Duy Bình viết với tư cách là một phụ huynh học sinh: “Ngày 5.9, tôi dẫn đứa con trai 5 tuổi của mình dự lễ khai giảng... Cũng như bao bậc phụ huynh khác, đó là ngày mà gia đình tôi tràn ngập cảm xúc háo hức và phấn khích... Nhưng cái cảm xúc thiêng liêng, mừng rỡ ấy chợt tan biến khi tôi bắt gặp những hình ảnh không đẹp chút nào ngay ở lối dẫn vào các lớp học. Ở đó, ban giám hiệu trường cho đặt một cái bàn thu học phí... Và rồi sự cố đau lòng đã xảy ra khi một số bậc phụ huynh không hiểu vì lý do gì (có thể chưa kịp xoay tiền) đã không có tiền đóng. Theo quy định của trường, đứa bé sẽ không được bước vào lớp vì chưa có biên lai nộp tiền! Tôi xót xa vô cùng khi chứng kiến hình ảnh một bà mẹ năn nỉ đủ lời để con mình được vào lớp, nhưng những gì bà nhận được vẫn là cái lắc đầu vô cảm của người thu phí. Bà lủi thủi dắt con mình ra về dù cháu bé đang mặc bộ đồng phục của trường được ủi cẩn thận, tươm tất...”. Một hình ảnh ngày khai trường hoàn toàn khác biệt, thậm chí đối lập hẳn với ngày khai trường đã được tác giả Edmond De Amicis diễn tả trong sách Tâm hồn cao thượng, hay như một Thanh Tịnh ngày nào trong bài “Tôi đi học” mà hầu như ở tuổi sồn sồn chúng ta ai cũng được biết, được đọc!

Riêng trong bài “Tôi xây xẩm mặt mày...” của phụ huynh Lê Lam ở Quảng Bình, tác giả sau khi kê ra 11 khoản phí phải đóng cho con trong đầu năm học (bài báo có đăng kèm cả nguyên văn bản “thông báo thu nộp” của nhà trường) đã kể lể bình luận rất dài về những sự việc hữu quan, trong có đoạn nói: “Trong số các khoản vừa kể thì quỹ hội trường và công trình hội, quỹ hội lớp và quỹ lớp là những khoản nặng nhất và vô lý nhất. Phụ huynh chúng tôi chẳng biết các khoản quỹ nầy chi dùng vào việc gì. Riêng khoản tiền công trình hội, chúng tôi phải đóng mà chẳng thể nào hiểu được tiền “công trình hội” là tiền gì! Chúng tôi chỉ biết rằng mình đã nộp tiền xây dựng trường theo quy định của HĐND tỉnh rồi!...”.

Ở cấp đại học, cũng không có gì khác. Mặc dù trước đó Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo không được để cho sinh viên bỏ học vì học phí, nhưng ở nhiều trường, nhất là các trường đại học ngoài công lập, học phí tăng cao đã vượt quá sức chịu đựng của gia đình các sinh viên.

Đến đây, có lẽ không cần dẫn chứng thêm, chỉ cần kết hợp với những sự kiện đã có từ nhiều năm trước trong ngành giáo dục, đã có thể kết luận chuyện học phí và các khoản đóng góp trá hình phải được coi là một loại hiện tượng tiêu cực trầm trọng đặc thù và kéo dài. Gọi “đặc thù” vì nó diễn ra ngay trong ngành giáo dục, nơi mọi người không thể không tiếp xúc, không chi tiền một cách tự nguyện và sung sướng, khiến người ta không ai có cái cảm giác bị bóc lột như khi sử dụng hình thức chung chi, hối lộ để được việc. Tình trạng lạm dụng tiêu cực nầy chẳng những kéo dài mà còn ngày một thêm trầm trọng, khiến chúng ta không thể không liên tưởng đến một thứ cơ chế đồng loại hay những con đường ngoắt ngoéo khác như là cơ sở mà từ đó mọi loại hiện tượng tiêu cực trong xã hội đều đồng loạt phát sinh trong cái tổng thể lộn xộn phức tạp vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Chúng chỉ khác nhau về phương diện biểu hiện, nhưng đã gộp chung lại làm cho quốc lực hao mòn, dân tình chán nản.

Vấn đề tăng học phí, sau khi tránh nói đến các khoản đóng góp vô lý đi kèm, đã được một số giới chức quan liêu trong và ngoài ngành giáo dục biện minh bằng mục tiêu tăng cường chất lượng dạy và học, đồng thời với lý do thiếu hụt ngân sách. Bù lại theo họ sẽ có một số giải pháp đi kèm như tăng thêm học bổng, cho vay đối với những học sinh- sinh viên nghèo mà hiếu học, hoặc cổ phần hóa một số trường công lập....

Lâm thời, trong khi vấn đề chưa được giải quyết ngã ngũ, một số cơ quan, đoàn thể, tổ chức thiện nguyện đã đi trước một bước bằng cách thực hiện những chương trình đại loại như “Tiếp sức đến trường”... để giúp cho một số dân nghèo không vì thiếu tiền mà phải bỏ học ngay trong năm học 2007-2008 nầy. Những tấm lòng thiện nguyện đó, người dân không thể không cảm động ghi nhận một cách trân trọng, nhưng nếu xét về mặt lâu dài thì đó chỉ là những cố gắng lẻ tẻ không thể thay thế được cho trách nhiệm và hành động cơ bản lâu dài của Chính phủ, trước nhất là của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Trước tình trạng không ổn nầy, giới trí thức cũng bức xúc lên tiếng. Trên tuần báo Công giáo & Dân tộc (số 1624), ông Lâm Võ Hoàng phản đối việc tăng học phí một cách rất bình dân, khi kể rằng từ lúc vào học lớp đồng ấu (lớp 1) năm 1938 trường làng cho đến lớp cuối cấp trung học (trường Chasseloup Laubat của Pháp ở Sài Gòn), ông không phải tốn một đồng học phí nào của cha mẹ. Sau lên đại học Sài Gòn, còn do Pháp quản lý, tiền ghi danh lớp tiến sĩ là 300 đồng/học kỳ, trong khi ông đi làm gia sư được trả tới 2.000 đồng/tháng! Phải nói thêm: Những người thuộc lớp sau ông đi học, thì đại khái cũng tương tự, đặc biệt cấp 1-2-3, thậm chí đại học, nếu là trường chính phủ thì hầu như hoàn toàn không mất tiền. Vì vậy, người nghèo không học lên cao được thường là do thiếu tiền sinh hoạt (quần áo, sách vở, ăn ở...), chứ không phải do không đủ tiền đóng học phí...

Giáo sư Hoàng Tụy, một nhà giáo dục lâu năm trong giới đại học cũng cho rằng tăng học phí với những lý do được nêu ra như hiện nay là không ổn. Theo ông, đủ thứ loại tiêu cực phát sinh trong ngành giáo dục, cũng như có một vài điểm tốt gần đây mới làm hơi coi được (như chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích) chẳng liên quan gì đến chuyện thiếu tiền hay đủ tiền, do vậy ngân sách dù có tăng lên hơn mức 20% như hiện nay hoặc tăng học phí nhiều lần nữa thì “cũng chẳng có tác dụng gì nhiều nếu không thay đổi phong cách làm giáo dục”. Ông cũng không tán thành quan niệm “giáo dục là hàng hóa” vì như thế thường dẫn đến “giảm thiểu trách nhiệm của Nhà nước và trút hết gánh nặng tài chính về giáo dục cho dân”... (Tuổi Tre, 12.9).

Các ý kiến của GS Hoàng Tụy cơ bản đều đúng, nhưng dù sao vẫn còn vấp phải một chữ “nếu” quá vĩ đại (“nếu không thay đổi phong cách làm giáo dục”), vì vấn đề cốt yếu không nằm ở chỗ cần phải thay đổi (ai cũng biết) mà lại ở chỗ làm sao để thay đổi mới là quan trọng. Nhiều ý kiến khác cho rằng phải tăng thêm ngân sách nữa cho ngành giáo dục, nhằm đảm bảo một nền giáo dục công lập hợp lý để ai cũng có thể đi học một cách đàng hoàng và không có trường hợp bỏ học vì thiếu học phí. Còn ai có đủ khả năng về tài chính muốn được thụ hưởng một nền giáo dục chất lượng cao hơn, có thể tìm đến những trường tư thục chất lượng cao hoặc ra ngoại quốc du học. Điều mâu thuẫn hiện nay nằm ở chỗ: Nhà nước là chủ trường, muốn tăng hay không tăng là do ông chủ quyết định (ở ta còn phải nói “do dân quyết định”), không thể có chuyện tăng học phí rồi tăng học bổng, tăng suất cho vay đi học, vì như thế chẳng khác nào mình tạo ra cái khó cho con dân rồi bắt dân phải sử dụng lại các dịch vụ do chính mình tạo ra để giải quyết vấn đề, y như trong trường hợp cố tạo ra một nền luật pháp và hành chính rắc rối khiến dân bắt buộc phải sử dụng các dịch vụ pháp lý của mình lập nên để gỡ.

Cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay, số cán bộ có thẩm quyền giải quyết các vấn đề quan trọng thường là những người có hoàn cảnh thuận lợi về tài chính nên thường họ không coi việc tăng học phí là một điều đáng phải trăn trở như những người dân thường. Một số đã có con cho ra học nước ngoài để thoát khỏi một nền giáo dục còn nhiều bê bối trong nước, nên cũng khó lòng tìm được ở họ mối đồng cảm sâu xa của những phụ huynh phải thở than trong những ngày nhập học vì chuyện học phí, đồng phục và những khoản đóng góp khác. Đó cũng là một trong những lý do cộng góp để giải thích tại sao hiện tượng tiêu cực về học phí trong ngành giáo dục vẫn tiếp tục kéo dài không khác gì những tình trạng tham nhũng, móc ruột công trình hàng ngàn tỉ ở những ngành khác, mà việc giải quyết đòi hỏi phải đặt chung trên một cơ sở tổng thể bao gồm những mối quan hệ rất chằng chịt, phức tạp giữa chính trị, kinh tế và xã hội, chứ không chỉ đơn thuần chỉ là vấn đề của ngành giáo dục.

No comments: