Friday, February 20, 2009

Chỉ thị số 1940/CT-TTg : Một tín hiệu tích cực

MỘT TÍN HIỆU TÍCH CỰC

Ngày 31 tháng 12 năm 2008 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 1940/CT-TTg về nhà, đất liên quan đến tôn giáo. Nhận thấy đây là một tài liệu quan trọng, ảnh hưởng đến vấn đề nhà, đất liên quan đến tôn giáo trong thời gian gần đây, chúng tôi xin giới thiệu Chỉ thị này và đưa ra một số bình luận.

BÌNH LUẬN 1 : về nhà, đất liên quan đến tôn giáo mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng

Chỉ thị số 1940/CT-TTg viết :

“Đối với nhà, đất liên quan đến tôn giáo mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà, đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà, đất đã ban hành trước ngày 1 tháng 7 năm 1991[1] thì thực hiện theo Nghị Quyết số 23/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội và các văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó cần chú ý một số trường hợp cụ thể như sau :

a) Nhà, đất liên quan đến tôn giáo mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng thì cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng phải sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến tình cảm tôn giáo của quần chúng, tín đồ. Trường hợp sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu hồi để bố trí sử dụng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; trường hợp cơ sở tôn giáo có nhu cầu chính đáng sử dụng nhà đất đó vào mục đích tôn giáo thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể xem xét giao nhà, đất với diện tích phù hợp; hoặc tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo xây dựng cơ sở mới theo qui định của pháp luật;”[2]

Chúng tôi cho rằng khi Thủ tướng Chính phủ chỉ thị “Nhà, đất liên quan đến tôn giáo mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng thì cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng phải sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến tình cảm tôn giáo của quần chúng, tín đồ Thủ tướng đã hiểu rõ tại sao trong một số trường hợp tranh chấp đất đai với Nhà nước, giới Công Giáo lại tỏ thái độ quyết liệt. Lý do là vì cơ sở của tổ chức tôn giáo trước đây được dùng cho những hoạt động tôn giáo, dạy học, cơ sở từ thiện hay những việc ích lợi chung khác thì nay các đơn vị được giao sử dụng lại biến thành các cơ sở kinh doanh, kể cả kinh doanh những ngành nghề không xứng đáng với một cơ sở tôn giáo trước đây hoặc đem bán chác.

Để thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như trên, chúng tôi cho rằng :

- Đối với những tài sản có chức năng riêng thí dụ như trường học, bệnh viện, cơ sở xã hội . . . thì các cơ quan đang quản lý cơ sở đó phải thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là chỉ sử dụng đúng chức năng của cơ sở khi tiếp quản từ Giáo hội. Như vậy có nghĩa là nếu khi tiếp quản là trường học, bệnh viện thì nay chỉ có thể sử dụng làm trường học, bệnh viện mà thôi, không được dùng vào việc khác. Trường hợp Nhà nước không thể sử dụng đúng chức năng hoặc không cần sử dụng cơ sở cho chức năng đó nữa thì nên trả lại cho Giáo hội.

- Còn đối với những cơ sở như dòng tu, nhà thờ, cơ sở thờ tự khác mà Nhà nước đang quản lý thì việc các cơ quan Nhà nước sử dụng đúng chức năng của cơ sở đó là không thể thực hiện được. Trong khi đó, như Chỉ thị số 1940/CT-TTg đã nhận định : “Cùng với quá trình phát triển của đất nước, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của quần chúng tín đồ ngày càng tăng, trong đó có nhu cầu sử dụng nhà, đất”, nên việc trả lại ngay các cơ sở thờ tự mà Nhà nước hiện đang quản lý lại cho Giáo hội là việc làm đúng đắn, hợp lý.

BÌNH LUẬN 2 : Về đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng

1/ Về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Chỉ thị số 1940/CT-TTg viết :

“Đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, làm cơ sở hoạt động từ thiện và đất do cơ sở tôn giáo sử dụng qui định tại khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai [3](kể cả trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho trước ngày 1 tháng 7 năm 2004[4]) nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được sử dụng theo chế độ sử dụng đất tương ứng với mục đích sử dụng của loại đất đó như đối với hộ gia đình, cá nhân, được chuyển mục đích sử dụng đất theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.[5]

Diễn tiến pháp luật về đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng như sau :

- Luật Cải cách ruộng đất ngày 19/12/1953, điều 10 qui định : “Ruộng đất của tôn giáo (Nhà Chung, nhà chùa, thánh thất, tu viện, v.v.) thì trưng thu và trưng mua. Trường hợp có mua chính đáng thì trưng mua”.

- Sắc lệnh ban hành chính sách tôn giáo số 223-SL ngày 14/6/1955 điều 10 qui định : “Trong cải cách ruộng đất, khi Chính phủ trưng thu hoặc trưng mua ruộng đất của các tôn giáo để chia cho nông dân, thì sẽ để lại cho nhà thờ, nhà chùa, thánh thất một số ruộng đất đủ cho việc thờ cúng và cho những nhà tu hành có điều kiện sinh sống để làm việc tôn giáo”.

- Luật đất đai ngày 29/12/1987, Điều 32 qui định : “Chùa, nhà thờ, thánh thất tôn giáo đang sử dụng đất hoặc chưa được giao đất sử dụng nếu có yêu cầu chính đáng và có khả năng sử dụng có hiệu quả thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chánh tương đương căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước và khả năng đất đai của địa phương để quyết định được giao cho chùa, nhà thờ, thánh thất đó”

- Luật đất đai ngày 14/7/1993, Điều 51 qui định : “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quỹ đất đai của địa phương quyết định diện tích đất giao cho nhà chùa, nhà thờ, thánh thất tôn giáo trên cơ sở đất đai mà nhà chùa, nhà thờ, thánh thất tôn giáo đang sử dụng”.

- Hai lần sửa đổi Luật đất đai vào các năm 1998 và 2001, nội dung Điều 51 nói trên vẫn được giữ nguyên.

- Luật đất đai ngày 26/11/2003, Điều 99 qui định : “1/ Đất do cơ sở tôn giáo sử dụng gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động”.

- PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004, Điều 27 qui định :

1/ Đất có các công trình do cơ sở tôn giáo sử dụng gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động được sử dụng ổn định lâu dài.

- Nghị định của Chính phủ số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 về thi hành luật đất đai qui định :

Điều 55. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng

1. Cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải tự rà soát, kê khai việc sử dụng đất và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo các nội dung sau:

Nhận xét : Căn cứ vào các văn bản pháp luật đã ban hành, giới tôn giáo lo ngại là đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng ngày càng bị thu hẹp lại. Pháp luật về đất đai của tôn giáo đã có nhiều thay đổi, từ trưng thu, trưng mua toàn bộ trong Luật Cải cách ruộng đất ngày 19/12/1953 đến để lại cho cơ sở tôn giáo một phần trong Sắc lệnh ban hành chính sách tôn giáo ngày 14/6/1955. Luật đất đai ngày 29/12/1987, Luật đất đai ngày 14/7/1993 vẫn còn chủ trương cấp đất cho tôn giáo sử dụng (đất đai nói chung, không chỉ là đất thuộc chùa, nhà thờ . . .). Đến Luật đất đai ngày 26/11/2003 đất được giao cho cơ sở tôn giáo được giới hạn chỉ còn là “đất thuộc chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo” chứ không phải là các loại đất khác như đất sản xuất nông nghiệp. PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004 qui định rõ hơn : đất mà các cơ sở tôn giáo được sử dụng ổn định lâu dài là Đất có các công trình do cơ sở tôn giáo sử dụng gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo”. PL TNTG 2004 không nói đến các loại đất khác như đất để sản xuất nông nghiệp chẳng hạn. Nghị định của Chính phủ số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 về thi hành luật đất đai cũng khẳng định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng là “ đất chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động”.

Tuy nhiên với Chỉ thị số 1940/CT-TTg thì vấn đề đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng đã được rộng mở. Điểm đáng chú ý là Chỉ thị đã nói đến các loại đất khác như đất sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, làm cơ sở hoạt động từ thiện và nói rằng các loại đất này đều được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được sử dụng theo chế độ sử dụng đất tương ứng với mục đích sử dụng của loại đất đó như đối với hộ gia đình, cá nhân, được chuyển mục đích sử dụng đất theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nếu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là không có tranh chấp.

2/ Về việc giao đất và thu hoặc không thu tiền sử dụng đất

Chỉ thị số 1940/CT-TTg viết :

“đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, làm cơ sở hoạt động từ thiện của cơ sở tôn giáo mà không phải là đất do được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất thì được thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp bằng quyền sử dụng đất theo qui định của pháp luật về đất đai.”[6]

Luật Đất đai chỉ có qui định tổ chức tôn giáo được giao đất không thu tiền sử dụng đất (Điều 33). Tuy nhiên không phải nộp tiền sử dụng đất cũng có nghĩa là cơ sở tôn giáo sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất (Điều 109 và Điều 117 Luật Đất đai). Điều này gây khó khăn cho các tổ chức tôn giáo khi muốn sử dụng đất đai vào những mục đích khác tuy rằng rất chính đáng nhưng khác với mục đích khi được giao đất. Vì vậy các tổ chức tôn giáo mong muốn được lựa chọn việc giao đất theo hai hình thức, một là không thu tiền sử dụng đất, hai là có thu tiền sử dụng đất.

Nay theo Chỉ thị số 1940/CT-TTg thì tổ chức tôn giáo có thể có loại đất sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, làm cơ sở hoạt động từ thiện của cơ sở tôn giáo mà không phải là đất do được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất. Với loại đất này thì tổ chức tôn giáo được thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp bằng quyền sử dụng đất theo qui định của pháp luật về đất đai. Đây là điều mà các tổ chức tôn giáo rất đồng tình.

Trong bối cảnh đang có sự căng thẳng giữa Nhà nước và Giáo hội Công Giáo về một số trường hợp tranh chấp đất đai hiện nay, Chỉ thị số 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 về nhà, đất liên quan đến tôn giáo của Thủ tướng Chính phủ có thể được coi là một tín hiệu tích cực về phía Nhà nước trong việc giải quyết những tranh chấp về những tài sản của Giáo hội Công giáo mà Nhà nước đang quản lý. Mong rằng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ sẽ được thực hiện nghiêm túc, để mối quan hệ giữa Công Giáo và Nhà nước sẽ tốt đẹp trở lại, có lợi cho công cuộc phát triển đất nước.

Tháng 1/2009

LS. NGUYỄN VĂN PHƯƠNG



[1] Ngày 1/7/1991 là ngày có hiệu lực của Pháp lệnh nhà ở, do Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 6/4/1991

[2] Điểm 3.a của Chỉ thị số 1940/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/12/2008 về nhà, đất liên quan đến tôn giáo

[3] Điều 99. Đất do cơ sở tôn giáo sử dụng

1. Đất do cơ sở tôn giáo sử dụng gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động.

[4] Ngày Luật Đất đai năm 2003 (hiện hành) có hiệu lực.

[5] Điểm 3.b của Chỉ thị số 1940/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/12/2008 về nhà, đất liên quan đến tôn giáo

[6] Điểm 3.b của Chỉ thị số 1940/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/12/2008 về nhà, đất liên quan đến tôn giáo

No comments: