Wednesday, October 10, 2007

Nền giáo dục nhằm tạo nên những con người như thế nào?

Lm. Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

Báo Tuổi Trẻ trong số ra ngày thứ hai 24-9-2007 đã trích đăng bài viết của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy gởi các nhà giáo dục trên toàn nước Pháp nhân dịp khai giảng năm học 2007-2008. Bài viết kêu gọi nhìn lại nền giáo dục phổ thông của Pháp với những nhận định, phân tích và gợi ý rất phong phú đáng cho các nhà giáo dục Việt Nam ta tham khảo.

Tôi xin tổng hợp ba ý lớn của Tổng Thống mà tôi nghĩ là quan trọng nhất, kèm theo một vài bình luận riêng của tôi.

Muốn đào tạo thành con người nào?

Ông Sarkozy nêu câu hỏi: “Chúng ta muốn con em mình trở thành người như thế nào?” Đây là câu hỏi tiên quyết liên quan đến mục tiêu nhà giáo dục nhắm tới. Tại sao tiên quyết? Vì tùy theo câu trả lời cho nó như thế nào mà người ta sẽ định hướng toàn bộ hệ thống giáo dục, đề ra các chính sách, chọn lựa các phương pháp giáo dục và đào tạo các giáo viên thích hợp. Về phần mình, ông Tổng Thống đề nghị nền giáo dục Pháp phải đào tạo con em thành “những người phụ nữ và những người đàn ông tự do, tò mò trước những gì cao đẹp và lớn lao, có trái tim và trí tuệ, có khả năng yêu thương, tự mình suy nghĩ, đến với người khác, cởi mở, có khả năng tìm được công việc nuôi sống mình. Vai trò của chúng ta […] là giúp trẻ em trưởng thành và trở thành những công dân.

Đọc câu này rồi đọc các đoạn kế tiếp, tôi thấy trong “mô hình người” phác vẽ ra ở đây có hai đặc điểm nổi bật.

Trước hết đó là một con người chủ động, năng động, có khả năng phát triển, làm phong phú mình không ngừng nhờ sự tự do, nhờ óc tò mò, thích học hỏi, sáng tạo, thích nỗ lực và biết tự suy nghĩ.

Thứ đến là một con người phát triển hài hòa, cân đối : trí tuệ và con tim, vừa có tri thức vừa giàu tình cảm; vừa có lý tưởng (“tò mò trước những gì là cao đẹp và lớn lao”) vừa thực tế (“tìm được công việc nuôi sống mình”); vừa phát triển và khẳng định mình nhưng đồng thời lại biết cởi mở và đến với người khác, với cộng đồng.

Nền sư phạm nào?

Muốn đạt mục tiêu trên, tất phải có một nền sư phạm nhất định.

Về mặt tiêu cực, những điều phải tránh là:

- Nhồi nhét kiến thức, dành ưu tiên hầu như tuyệt đối cho kiến thức;

- Áp đặt một khuôn khổ cứng nhắc cho tất cả.

Tổng thống Pháp viết: “Nền giáo dục của chúng ta cần bớt thụ động, công thức, máy móc”, và: “Văn hóa thật sự thì đòi hỏi nhiều hơn là chỉ biết trả bài.

Phương pháp giáo dục mới phải nhằm khêu gợi, đánh thức tiềm năng của trẻ; phải gây cho chúng “sở thích học hỏi, óc tò mò, tinh thần cởi mở, ý niệm về nỗ lực”. Tư tưởng này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Muốn thế, cần phải sâu sát để hiểu trẻ, hiểu cá tính từng đứa để giúp chúng phát triển. Có đứa giỏi cái này mà không giỏi cái khác, điều đó không quan trọng lắm. “Trong mỗi đứa trẻ có một khả năng tiềm tàng chỉ chờ được khai phá. Mỗi đứa trẻ có một trí thông minh riêng chỉ chờ được phát triển. Phải tìm cho ra. Phải hiểu chúng.” Đó là một việc khó khăn và vất vả. Ông Sarkozy viết tiếp: “Trong chuyện trồng người, không riêng gì trẻ bị đòi hỏi mà nhà giáo dục cũng phải tự thấy thái độ đó [tức đòi hỏi] với bản thân mình.

Phương pháp giáo dục thích hợp cho mục tiêu giáo dục mới đòi hỏi “phải dạy cho trẻ biết đặt câu hỏi, biết suy nghĩ, tách mình ra [nghĩa là không nhất thiết phải chấp nhận ngay mọi giải đáp được thầy cô đề nghị], phản ứng, nghi ngờ, tự mình tìm tòi và phát hiện thực tế, những điều cần cho cả cuộc đời chúng sau này.” Tất nhiên phải biết áp dụng nguyên tắc này tùy theo từng lứa tuổi.

Sau hết, phương pháp giáo dục mới cũng đòi hỏi không được chỉ đóng khung trong nhà trường mà cần cho trẻ tiếp xúc với thực tế nhiều hơn.

“Hãy truyền đạt nền văn hóa tổng quát.”

Thời nay là thời của video, điện thoại di động, Internet, của sự thông tin liên lạc tức thì. Thời nay cũng là thời giao lưu giữa các nền văn hóa rộng rãi, dễ dàng như chưa từng có trong lịch sử. Do đó trẻ em sớm có dịp học biết được rất nhiều điều, và càng lớn lên chúng càng tiếp nhận được vô số những kiến thức mới đủ loại, tốt xấu, lợi hại khó phân biệt. Để trẻ có thể tiếp thu cách hữu ích cả cái khối thông tin và tri thức khổng lồ kia, Tổng thống Sarkozy nói cần phải “cấu trúc phần kiến thức đó theo văn hóa” , cần trang bị cho lớp trẻ “một nền văn hóa tổng quát”. Thời trước, nền giáo dục trung học Pháp rất chú trọng văn hóa tổng quát (culture générale), nhưng về sau, nền giáo dục đó bị phê bình là không phù hợp với thời đại khoa học và công nghệ, không giúp thiết thực cho sự phát triển đất nước và đời sống thực tế của công dân, do đó nền văn hóa tổng quát có phần bị coi nhẹ.

Vậy văn hóa tổng quát là gì? Văn hóa tổng quát không phải là văn hóa chung chung, hay là cái gì cũng biết chút đỉnh nhưng chẳng đâu vào đâu cả. Trong thời đại ta, có một tri thức chuyên ngành là điều rất tốt, có khi là cần thiết. Nhưng nói văn hóa tổng quát, trước hết là nói tới sự cần thiết ra khỏi cái khung chật hẹp của những kiến thức chuyên ngành để mở rộng tới các loại tri thức khác của loài người, đặc biệt là lịch sử, văn chương, nghệ thuật, triết học, tôn giáo, - những thứ tri thức “làm giàu cho nhân tính”, “tăng phẩm chất làm người” hơn là những tri thức khoa học, kỹ thuật. Mục đích của văn hóa tổng quát không phải là trau dồi cho trí óc có nhiều kiến thức cho bằng giúp cho ta biết tư duy tốt hơn. Khi ta có một nền văn hóa tổng quát tốt làm nền tảng, ta sẽ biết chọn lọc và đưa vào đó những gì ta thấy là đáng giá trong khối tri thức mà các phương tiện truyền thông và các cuộc giao lưu đủ loại ngày nay cung cấp.

Vì thế, ông Sarkozy nhấn mạnh cách riêng tới CÁI ĐẸP, tới văn hóa, nghệ thuật, thi ca, “cũng như bất kỳ hình thái nghệ thuật nào khác biết thể hiện con người…”; ông viết : “Con em chúng ta phải được gặp gỡ các nhà văn, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, kỹ sư, doanh nhân để nghe những người này chia sẻ tình yêu dành cho cái đẹp, sự thật, sự tìm tòi phát hiện và sáng tạo.

Để kết luận

Để kết luận, xin mượn lời của Nguyên Ngọc trong bài “Lại chuyện triết lý giáo dục” đăng trên Tuổi Trẻ số ra ngày thứ tư 3-10-2007 nói về nền giáo dục ở nước ta như sau: “[…] Tuy nhiên để bắt đầu, cũng có thể nói một cách ngắn gọn: Chúng ta tiến hành nền giáo dục này để làm gì? Để nhằm tạo ra những con người như thế nào? Suốt nhiều chục năm, chúng ta đã tập trung toàn lực, cao độ, nhằm đào tạo ra con người biết vâng lời, thuộc lòng một số chân lý có sẵn, và từ đó được học suốt đời cứ thế mà làm theo cho đúng. Vấn đề bây giờ là có dám, có quyết phá vỡ cái triết lý đó đi không…

Trên báo Công Giáo và Dân Tộc số 1066 ra ngày 28-7-1996, tôi có viết bài nhan đề “Mẫu người nào?” trong đó tôi cũng đã đặt vấn đề tương tự và có vài nhận xét giống như bài báo trên.

So với các Bộ trưởng Giáo dục trước đây thì Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân hiện nay đã đưa công cuộc giáo dục Việt Nam tiến thêm những bước đáng kể, trong một thời gian chưa nhiều, bằng những cải cách khá mạnh dạn. Nhưng liệu ông sẽ có thể đi xa lắm không? Năm học mới vừa bắt đầu mà tiếng phàn nàn “muôn thuở” của phụ huynh học sinh đã lại vang lên khắp mọi nơi : phàn nàn về “lạm thu” nghĩa là đủ thứ đóng góp nói là tự nguyện nhưng thực ra là bắt buộc “tàng hình”, -(100% trường học ở Tp HCM được thanh tra đều vi phạm)-, phàn nàn về tăng tiết học, nghĩa là lại “nhồi nhét”, lại dạy thêm học thêm, lại làm cho học sinh phải “đờ đẫn” và chán ghét việc học … Nếu không định hướng lại nền giáo dục một cách thật căn cơ, thiển nghĩ dù ông Bộ trưởng có tài ba, thiện chí và quyết tâm đến đâu cũng không làm xoay chuyển thật sự được tình hình, và nền giáo dục của ta sẽ vẫn không đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu của con người và của đất nước trong thời mới.

3-10-2007

No comments: